Ngành chăn nuôi đóng một vị trí quan trọng đối với việc phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện Điện Bàn, hiện nay, tổng đàn của huyện là 1.146.211con, trong đó, đàn bò: 16.744 con, đàn heo: 75.476 con và gia cầm là 1.054.000 con, có 617 trang trại và gia trại hoạt động hiệu quả. Để phát huy tối đa lợi thế của ngành, UBND huyện đã đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình nhằm khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi như: hỗ trợ tiền giống, mở các lớp tập huấn phòng trừ dịch bệnh, hỗ trợ các loại văccin khi dịch bệnh xảy ra, áp dụng tiến bộ KHKT rộng rãi trong chăn nuôi… Vì vậy, ngành chăn nuôi của huyện ngày càng mang lại hiệu quả kinh tế cao và thiết thực. Năm 2014, giá trị sản xuất của ngành đạt 135,21 tỷ và chiếm 32% tổng giá trị ngành nông nghiệp.
|
Tuy nhiên, hiện nay, ngành chăn nuôi vẫn còn bộc lộ những bất cập: chăn nuôi vẫn còn mang tính tự phát, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, việc quản lý con giống gặp nhiều khó khăn, dịch bệnh tiềm ẩn, thêm vào đó là tình trạng ô nhiễm môi trường nhất là môi trường trong khu dân cư. Nguyên nhân chính là do các hộ chăn nuôi chưa áp dụng các biện pháp xử lý chất thải bằng công nghệ sinh học. Chất thải trong chăn nuôi đều được thải trực tiếp ra cống rãnh, kênh mương hoặc dùng ngay cho trồng trọt…là nguy cơ tiềm ẩn để dịch bệnh phát triển.

Trước tình hình đó, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện các giải pháp từng bước giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, hỗ trợ và phát động bà con chăn nuôi tích cực xây dựng hầm Biogas và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường. Điển hình như việc ứng dụng chế phẩm sinh học Balasa làm đệm lót trong chăn nuôi, được chuyển giao đến 415 hộ chăn nuôi ở 9 xã trên địa bàn huyện. Qua quá trình triển khai, đã có những hộ áp dụng thành công, mang lại kết quả khả quan, điển hình như: hộ ông Trần Phước Dũng, thôn Viêm Tây 1, xã Điện Thắng Bắc; ông Nguyễn Văn Rạng, thôn Thanh Quýt 4, xã Điện Thắng Trung ứng dụng trong chăn nuôi chim cút bán công nghiệp; ông Võ Thế, thôn Quảng Lăng 5, xã Điện Nam Trung ứng dụng trong chăn nuôi gà mái hậu bị; ông Hồ Văn Chương, thôn 4 Châu Bí, xã Điện Tiến ứng dụng trong chăn nuôi gà thả vườn; ông Nguyễn Thành An, thôn Phong Thử, xã Điện Thọ ứng dụng trong chăn nuôi gà giống bố mẹ … Nhìn chung, việc ứng dụng chế phẩm sinh học vào trong chăn nuôi đã góp phần xử lý, phân hủy chất thải, không có ruồi nhặn, mùi hôi, khí độc trong chăn nuôi, tạo môi trường thân thiện, trong sạch, thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi nơi đông dân cư; giảm chi phí lao động, điện, nước; con vật nuôi tăng trưởng nhanh, giảm được một số bệnh đường hô hấp, tăng chất lượng sản phẩm, tạo được nguồn phân bón hữu cơ có chất lượng phục vụ cây trồng.
Trong thời gian đến, để tiếp tục phát triển ngành chăn nuôi theo hướng hàng hóa, an toàn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các khâu kỹ thuật như vệ sinh chuồng trại, phòng chống dịch bệnh và chuyển giao những tiến bộ KHKT đến tận người dân, đặc biệt là nhân rộng mô hình sử dụng chế phẩm sinh học làm đệm lót trong chăn nuôi. Thực hiện quản lý chặt chẽ chất lượng nguồn giống, thức ăn, kiểm soát vận chuyển, giết mổ, bảo quản và chế biến sản phẩm chăn nuôi; tích cực vận động khuyến khích những hộ chăn nuôi gia đình nhỏ lẻ chuyển dần sang chăn nuôi với quy mô lớn, hình thức công nghiệp hoặc bán công nghiệp. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, gắn với bảo vệ môi trường, phát triển an toàn, bền vững tạo điều kiện phát triển diện tích, quy mô, giá trị chăn nuôi, nhằm tăng tỷ trọng của ngành trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện.
|