Những năm qua, Hội CCB huyện Điện Bàn luôn động viên các cựu chiến binh nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, tương thân, tương ái, giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bản thân và gia đình, được cựu chiến binh hưởng ứng và tham gia tích cực. Huyện hội cũng đã luôn đi đầu trong việc tìm ra những cách làm hay, mô hình sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đề ra các giải pháp thiết thực giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu hợp pháp.

Xác định để hội viên CCB có thể bắt tay vào làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thì điều quan trọng là phải tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên tiếp cận nguồn vốn. Huyện hội đã phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện cho vay vốn hỗ trợ sản xuất kinh doanh, giải pháp này đã được thực hiện khá hiệu quả, đến nay, tổng số vốn vay của các hội viên lên đến trên 12 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hằng năm cán bộ hội viên đã vận động nội bộ giúp nhau góp vốn quay vòng gần chục tỷ đồng. Ngoài ra, các chi hội bằng nhiều hình thức tạo nguồn quỹ hội và hoạt động có hiệu quả như: một số chi hội tổ chức nhận chăm sóc, bảo vệ rừng, trồng keo lá tràm, bạch đàn, xin đất sản xuất các loại cây màu, nhận bảo vệ bãi tắm, đảm nhận các công trình giao thông, thủy lợi, góp vốn xây dựng trang trại chăn nuôi, vận động các nguồn khác và tự giác góp vốn để xây dựng quỹ v.v….
Với mục đích hỗ trợ hội viên về kinh nghiệm và tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến toàn thể hội viên về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật; tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, hội viên CCB về kiến thức làm kinh tế, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ. Từ đó, đã xuất hiện nhiều cách làm hay, nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả cao. Hàng ngàn CCB trở thành triệu phú trong sản xuất, kinh doanh giỏi. Tính đến nay, toàn Huyện Hội có 6 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 21 trang trại và 106 gia trại do hội viên CCB làm chủ có vốn đầu tư 500 triệu đồng, thu hút trên 1000 lao động; 994/4.152 hội viên sản xuất kinh doanh giỏi, chiếm 23,94%, tỷ lệ hộ CCB khá giàu là 46,73%, trong đó các mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu như: hội viên Lê Tự Kiện- chủ doanh nghiệp tư nhân Hòa Thắng, chuyên kinh doanh lúa gạo và thức ăn gia súc; hội viên Nguyễn Văn Cữu- Hợp tác xã Mây tre, thôn Nông Sơn 2, xã Điện Phước, hội viên Nguyễn Văn Xong - Hợp tác xã thương mại dịch vụ kinh doanh tổng hợp xã Điện Thọ sản xuất mặt hàng mây tre, sản phẩm chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng; hội viên Lê Thị Kim Hoa, thôn Thanh Quýt 1 xã Điện Thắng Trung, chăn nuôi gà siêu trứng, hàng năm thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng… những mô hình trên đã góp phần phát triển kinh tế chung của Huyện đồng thời nâng cao đời sống gia đình hội viên.
Không những giúp nhau làm kinh tế, các cấp hội đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tích cực tham gia thực hiện các phong trào thi đua ở địa phương như: các chương trình phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng nông thôn mới, xây dựng tuyến phố văn minh; tham gia giữ vững an ninh-quốc phòng, thực hiện đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho hội viên. Với trách nhiệm và tình cảm của thế hệ đi trước, Hội đã tích cực, chủ động làm tốt việc giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng, xây dựng lý tưởng, hoài bão và lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, đồng thời luôn thể hiện vai trò gương mẫu của cựu chiến binh đối với tuổi trẻ.
Bước ra khỏi khói lửa chiến tranh, trở về với cuộc sống đời thường, phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường của “Bộ đội Cụ Hồ”, những cựu chiến binh đang ngày càng trở thành một bộ phận quan trọng trong đời sống xã hội, đóng vai trò to lớn trong sự phát triển chung của toàn xã hội, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn huyện xây dựng đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, quê hương Điện Bàn ngày càng văn minh, giàu đẹp.
|