Manh nha từ thời kỳ tiền khởi nghĩa, bấy giờ lực lượng vũ trang là những đội tự vệ, du kích đóng vai trò nòng cốt trong khởi nghĩa giành chính quyền ở phủ Điện Bàn, với vũ khí trang bị bấy giờ chỉ có giáo, mác, dao găm, gậy gộc... Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhằm xây dựng lực lượng nòng cốt cho phong trào kháng chiến trên địa bàn huyện, Huyện ủy quyết định điều động du kích các xã thành lập Đội chiến đấu lưu động (đội biệt động) gồm 37 người do đồng chí Nguyễn Cửu làm Đội trưởng, đồng chí Lê Hy làm Đội phó. Đến cuối năm 1947, Huyện ủy quyết định thành lập Ban Chỉ huy Huyện đội dân quân do đồng chí Nguyễn Cửu làm Huyện đội trưởng, đồng chí Lê Hy làm Huyện đội phó, đồng chí Bùi Minh Chiêu làm Chính trị viên. Trong những năm đầu mới thành lập và đi vào nền nếp, vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men... còn rất thiếu thốn, phương châm hoạt động chủ yếu lúc bấy giờ là "Cơm áo ở trong dân, súng đạn ở trong đồn địch", bám đất, bám dân, dựa vào dân để hoạt động. Trong thời kỳ này, bộ đội địa phương huyện, dân quân du kích, tự vệ các xã hoạt động tập trung tiến công vào các khu tề, đồn bót của địch nhằm tạo điều kiện cho phong trào du kích phát triển, đánh bại chiến lược "đánh nhanh, thắng nhanh" của thực dân Pháp. Trong khó khăn, thiếu thốn, gian khổ trăm bề là vậy, song với truyền thống và ý chí đấu tranh kiên cường, Điện Bàn vẫn được xem là “chiến lũy du kích chiến tranh xuất sắc nhất của Liên khu 5”[1].
Bước sang đầu những năm 50, thế và lực về mặt quân sự của ta đã phát triển thêm một bước, những trận đánh quy mô và có sự phối hợp hiệp đồng giữa các đội quân chủ lực của Liên khu đã tạo sự chuyển biến trong tương quan lực lượng giữa ta và địch, chuyển từ giai đoạn giữ gìn lực lượng sang giai đoạn tiến công, điển hình là chiến dịch Đông Xuân 1949-1950 (chiến dịch “Võ Nguyên Giáp”) hướng trọng điểm là Bắc Quảng Nam. Trong đó, tiêu biểu là trận phục kích trên đường số 1 từ Đà Nẵng đến Vĩnh Điện (05/02/1950) có sự hiệp đồng giữa bộ đội địa phương, du kích và nhân dân Điện Bàn với Trung đoàn 108-chủ lực của Liên khu, chiến thắng này đã gây tiếng vang lớn trong nhân dân, củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự phát triển của lực lượng quân sự của huyện. Vang dội và mang ý nghĩa quyết định nhất trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đó là trận đánh Bồ Bồ lần thứ 2 vào đêm 19 rạng ngày 20/7/1954, trận đánh này là sự phối hợp giữa bộ đội địa phương tỉnh cùng với bộ đội, du kích huyện Điện Bàn. Chiến thắng Bồ Bồ kết tinh từ sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh, đây là chiến công và là niềm tự hào của lực lượng quân sự huyện. Chiến thắng Bồ Bồ là trận tiêu diệt địch và bắt tù binh lớn nhất của bộ đội địa phương trên chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng và Liên khu V trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
Cán bộ lãnh đạo huyện Điện Bàn họp bàn kế hoạch đồng khởi giải phóng nông thôn năm 1962
Sang thời kỳ chống Mỹ cứu nước, hệ thống Ngụy quyền được dựng lên phủ khắp các làng xã. Với âm mưu chia cắt đất nước, chống phá cách mạng, kẻ thù đã ra tay tàn sát dã man những người cộng sản, thực hiện điên cuồng chiến dịch “tố cộng, diệt cộng”, “đặt cộng sản ngoài vòng pháp luật”… làm cho hàng ngàn người dân, cán bộ, đảng viên bị giết, bị tra tấn, tù đày. Từ trong gian khổ, đau thương, tiếp thu Nghị quyết 15 của TW Đảng vào năm 1959, các đội vũ trang tuyên truyền và tổ hành lang là hạt nhân lãnh đạo, chỉ huy và là mầm mống đầu tiên của lực lượng vũ trang huyện Điện Bàn được thành lập. Đến tháng 10/1960, tại căn cứ của huyện ở Khe Tà Lang, làng Tống Cói (huyện Hiên), Huyện ủy tổ chức lễ thành lập Đội vũ trang tuyên truyền đầu tiên của huyện trong thời kỳ chống Mỹ gồm 12 đồng chí, do đồng chí Võ Như Hưng làm Đội trưởng, đồng chí Lý Văn Trân (Lý Quý) làm Chính trị viên. Ngay sau khi được thành lập, đội đã tranh thủ học tập, huấn luyện kĩ chiến thuật đặc công, phương thức, phương châm hoạt động ở vùng sâu, vùng xa… Đội luôn bám sát địa bàn, phối hợp với các đội công tác các xã để nắm tình hình, hổ trợ cho nhân dân trong phong trào diệt ác, phá kèm. Vừa chiến đấu vừa xây dựng lực lượng để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, đến cuối năm 1961, đội vũ trang tuyên truyền của huyện đã phát triển thành trung đội, quân số hơn 30 chiến sĩ, các tổ phát triển thành tiểu đội do đồng chí Võ Như Hưng làm Đội trưởng. Hưởng ứng chủ trương phát động quần chúng đồng khởi diệt ác, phá kèm, các đơn vị vũ trang đã hỗ trợ cho quần chúng 7 xã của huyện nổi dậy phá ấp, diệt tề trong phong trào đồng khởi năm 1962. Nổi bật của phong trào này là trận đánh của các Dũng sĩ Điện Ngọc, dù chênh lệch lực lượng quá lớn so với địch nhưng các đồng chí đã chiến đấu dũng cảm đẩy lùi nhiều đợt tiến công của địch, đây là một trong những chiến công nổi bật thể hiện cho tinh thần "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" của lực lượng vũ trang trong huyện. Thắng lợi của phong trào đồng khởi đã góp phần giải phóng một bộ phận nông thôn của huyện, tính đến cuối năm 1963 quân và dân trong huyện đã phá được 34 ấp chiến lược, làm tan rã 15 mâm tề xã, ấp, 2 tổng đoàn, 6 trung đội dân vệ, 10 toán nhân dân tự vệ, 5 đoàn bình định, thu hàng trăm súng các loại, bộ máy kìm kẹp của địch ở cơ sở gần như tan rã. Tháng 8/1962, Huyện ủy chỉ đạo thành lập Ban Chỉ huy Huyện đội do đồng chí Hứa Tiến Nam làm Huyện đội trưởng, đồng chí Phan Thành Tựu làm Chính trị viên, quân số đã tăng lên 35 cán bộ, chiến sĩ. Đến thời điểm này, lực lượng du kích đã phát triển mạnh mẽ, được trang bị vũ khí chủ yếu thu được của địch và vũ khí thô sơ tự tạo. Trong những năm từ 1965-1967, Mỹ-Ngụy liên tục mở hai chiến dịch vào mùa khô. Để đối phó với đòn tiến công của địch, Ban Chỉ huy Huyện đội đã chỉ đạo xây dựng các đội quyết tử với tinh thần chiến đấu mưu trí, gan dạ, tinh nhuệ; vào tháng 3/1966, quyết định thành lập một trung đội nữ bộ đội địa phương do đồng chí Lê Thị Thái làm Trung đội trưởng. Huyện Điện Bàn với phương châm 2 chân, 3 mũi giáp công, kết hợp với bộ đội địa phương, dân quân du kích và nhân dân hình thành thế trận chiến tranh nhân dân và vành đai diệt Mỹ, bằng cách đánh sáng tạo, chiến thuật linh hoạt, lực lượng vũ trang của huyện đã đập tan hai cuộc tiến công chiến lược mùa khô của Mỹ-Ngụy. Để phục vụ cho chiến trường chung của tỉnh, sang cuối năm 1967-đầu năm 1968, Ban Chỉ huy Huyện đội điều động hàng trăm du kích các xã lên để thành lập 3 đại đội trên cơ sở các trung đội của Đại đội 1 và bổ sung quân số cho cơ quan Huyện đội và trung đội hỏa lực. Năm 1968, hòa chung với chiến trường, lực lượng vũ trang của huyện đã tấn công vào Vĩnh Điện, tham gia chiến dịch Đà Nẵng, Hội An trong tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân mang yếu tố bất ngờ đã góp phần cùng quân dân miền Nam làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ-Ngụy, sau chiến dịch này ta đánh giá rõ hơn về tình hình lực lượng giữa ta và địch. Từ năm 1969 đến 1975, phong trào du kích, chiến tranh nhân dân trong huyện phát triển mạnh mẽ, lực lượng vũ trang ngày càng vững mạnh là chỗ dựa cho phong trào đấu tranh chính trị, binh vận của nhân dân. Ban Chỉ huy Huyện đội đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương củng cố, sắp xếp lực lượng, chuẩn bị cơ ở vật chất, địa bàn trú quân. Toàn huyện bấy giờ có 4 đại đội (1,2,3,4), mỗi đại đội có quân số từ 40 đến 60 cán bộ, chiến sĩ. Chất lượng chính trị, trình độ chiến thuật tương đối cao, dân quân du kích các xã lúc này cũng tăng về quân số, mỗi xã có từ 1 tiểu đội đến 1 trung đội, trang bị đầy đủ vũ khí. Trong cuộc tổng tiến công chiến lược mùa xuân năm 1975, lực lượng vũ trang của huyện đã phối hợp các mũi tiến công của bộ đội chủ lực Quân khu, tỉnh, du kích ở các địa bàn phối hợp chặt chẽ với lực lượng chính trị nòng cốt, tranh thủ binh vận kéo lính về phía ta để ngăn chặn đòn tiến quân của địch, tạo ra thế trận chiến tranh nhân dân liên hoàn. Trong vòng chưa đầy một tuần đã tấn công các vị trí, đồn bót của địch trên toàn huyện, giải phóng hoàn toàn Điện Bàn trong ngày 29/3/1975.
Những trang sử vẻ vang của lực lượng vũ trang huyện Điện Bàn trong gần 70 năm qua mang đậm dấu ấn truyền thống của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn "Quân đội ta trung với Ðảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng". Ghi nhận những đóng góp to lớn đó, Đảng và Nhà nước đã trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân cho lực lượng vũ trang Điện Bàn (10/1976). Đến năm 2005, huyện Điện Bàn có 27 cá nhân, 05 tập thể và 15/16 xã-thị trấn được tuyên dương đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Để có được thành tích vẻ vang đó, đồng bào, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trong huyện đã ngã xuống, mang bao đau thương cùng những giọt nước mắt của những người mẹ “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”. Song với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, trải qua hai cuộc kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, những người con của Điện Bàn đã chiến đấu và anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
[1] Lời tuyên dương của đồng chí Phạm Văn Đồng
|