Nhờ sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn huyện, công tác bảo vệ môi trường trong những năm gần đây đã có những chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành vi. Các cấp, các ngành đã quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Huyện ủy đã ban hành chỉ thị 18-CT/HU ngày 13/3/2009 về tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện, cụ thể hóa bằng Đề án thu gom và xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện giai đoạn 2010- 2014 được HĐND huyện thông qua và UBND huyện quyết định ban hành vào năm 2010. Sau 05 năm triển khai thực hiện, đã có 20/20 xã, thị trấn, 140/182 thôn, 24.065/50.658 hộ tham gia, lượng rác thải thu gom, vận chuyển xử lý được 76.990 m3, nguồn kinh phí ngân sách đầu tư trên 8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, số hộ tham gia đề án vẫn còn thấp so với điều kiện phát triển hiện nay. Việc phân loại rác thải sinh hoạt ở các khu dân cư, hộ gia đình tuy được tuyên truyền, phổ biến nhưng hiệu quả chưa cao. Trong những năm tới, cùng với xu thế phát triển của xã hội, lượng rác thải phát sinh càng lớn, nếu chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách của Nhà nước thì việc thu gom và xử lý càng khó giải quyết. Do đó, phân loại và xử lý chất thải tại hộ gia đình rất quan trọng, góp phần giảm thiểu chi phí, đảm bảo vệ sinh môi trường. Công việc này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp các ngành, của nhân dân toàn huyện, trong đó, phụ nữ đóng vai trò tiên quyết.
Người phụ nữ là người phải đảm đang mọi sinh hoạt của cuộc sống hằng ngày, từ chuyện chợ búa, ăn uống, dọn dẹp, đảm bảo sức khỏe cho các thành viên, đến việc thu vén, sắp xếp công việc trong gia đình một cách hợp lý, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp; là người trực tiếp thực hiện nề nếp sinh hoạt hợp vệ sinh của gia đình, truyên truyền người thân trong gia đình cùng chung tay thực hiện một cách có hiệu quả, trong đó, có việc thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt, góp phần giảm lượng rác hữu cơ thải ra môi trường, vừa có thêm khoản thu nhập, vừa có nguồn phân bón sạch cho cây trồng.
Nhận thức được vị trí, vai trò của phụ nữ trong việc chung tay bảo vệ môi trường mà đặc biệt là việc phân loại rác thải ngay tại hộ gia đình, thời gian qua, các cấp Hội phụ nữ đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể như: vận động chị em hội viên tham gia ngày công xây mới 6 hố bi đựng rác thải trên đồng ruộng, san lấp mặt bằng, dọn vệ sinh, cam kết thực hiện 19 tuyến đường “ Phụ nữ tự quản về môi trường”; xây dựng các bản tin tuyên truyền ở các chi hội có nội dung liên quan về việc xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, vệ sinh môi trường. Hội phụ nữ các cấp đã phát động mô hình “Mái nhà xanh”, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình“5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới và xây dựng đô thị văn minh, tổ chức cuộc tọa đàm vai trò của phụ nữ đối với việc phân loại và xử lý chất thải tại hộ gia đình, qua đó, giúp chị em nâng cao nhận thức về ý nghĩa của việc phân loại rác thải, hiểu biết về cách thức phân loại, xử lý rác thải ngay tại nguồn và ý thức được trách nhiệm của bản thân, gia đình tham gia cùng cộng đồng vì môi trường xanh- sạch- đẹp.
Để phát huy hơn nữa vai trò tiên phong của phụ nữ trong việc phân loại và xử lý chất thải sinh hoạt tại hộ gia đình, cần làm tốt việc tuyên truyền tạo chuyển biến cơ bản trong nhận thức của họ về trách nhiệm bảo vệ môi trường, tạo tính chủ động, tích cực phân loại, thu gom, chôn lấp rác hợp vệ sinh. Chuyển tải các chương trình, kiến thức về bảo vệ môi trường đến phụ nữ bằng nhiều hình thức như: tập huấn, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông lồng ghép trong các buổi sinh hoạt. Tập huấn và thí điểm mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý chất thải hữu cơ thành phân bón hữu cơ. Tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch”, tổ chức những mô hình thiết thực như: hạn chế sử dụng túi ni lon, tổ thu gom rác thải tự quản. Đẩy mạnh thực hiện các phong trào bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh tại khu dân cư, làm cho phong trào ngày càng đi sâu vào đời sống của nhân dân, giúp thay đổi nhận thức về việc giữ vệ sinh chung của người dân.
Trong xu thế phát triển chung làm phát sinh những tác động xấu đến môi trường, gia tăng mức độ ô nhiễm, vì vậy cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường, trong đó, vai trò của phụ nữ vô cùng quan trọng. Tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp bảo vệ môi trường, phân loại và xử lý chất thải ngay tại hộ gia đình, làm cho việc này trở thành thói quen, thực sự đi vào đời sống của chị em phụ nữ và cộng đồng, góp phần thực hiện tốt mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa phát triển kinh tế- xã hội- môi trường.