Thực hiện Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XXI về xây dựng huyện Điện Bàn cơ bản trở thành huyện công nghiệp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2010- 2015 về chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CN- TTCN-TMDV- NN, đặc biệt là từ khi triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Điện Phong đã tập trung đầu tư, phát triển kinh tế, triển khai thực hiện những công trình phúc lợi dân sinh như: bêtông hóa kênh mương, giao thông nội đồng, thủy lợi hóa đất màu, cơ giới hóa vào sản xuất đồng ruộng… tạo ra nhiều thuận lợi cho việc phát triển sản xuất tại địa phương, nhưng cũng đặt ra bài toán nan giải cho Đảng bộ và chính quyền xã bởi số lao động nông nghiệp dôi ra ngày càng nhiều, giá trị thu nhập của từng người dân đạt thấp, làm thế nào để vừa giải quyết việc làm cho số lao động nhàn rỗi, vừa có cơ cấu lao động hợp lý, nâng cao thu nhập cho người dân, thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI.
Để tìm giải pháp căn cơ tháo gỡ những khó khăn, thách thức trên, đồng thời phải phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đã bàn nhiều chủ trương, phương án, kế hoạch để chuyển dần lao động từ nông nghiệp sang CN- TTCN- TMDV. Đảng ủy xã đã chỉ đạo cho khối Dân vận xã tiến hành khảo sát các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đóng tại địa phương về quy mô sản xuất, nhu cầu lao động và thu nhập của công nhân để định hướng và đề ra giải pháp sát thực. Sau đó, UBND xã tổ chức các cuộc hội nghị chuyên đề với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn xã, nắm bắt tình hình hoạt động, những nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã có những đóng góp, trao đổi với chính quyền về thuận lợi, khó khăn trong quá trình sản xuất và có những đề xuất cụ thể để Đảng và chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ như: đất xây dựng cơ sở hạ tầng, mặt bằng sản xuất, tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư mua sắm trang thiết bị sản xuất và đầu ra cho sản phẩm…
Từ đó, Đảng bộ, chính quyền xã đã đề ra những giải pháp cụ thể, thiết thực để thực hiện như: chủ động tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên, các chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm đối với lao động tại địa phương, hỗ trợ và đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện để cho người dân vay vốn sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất… Đảng ủy, UBND xã kêu gọi những người con quê hương có những cơ sở sản xuất, kinh doanh xa xứ về đầu tư tại quê hương hoặc liên kết với những cơ sở sản xuất tại quê hương, tạo điều kiện cho bà con nông dân ly nông bất ly hương như: kêu gọi doanh nghiệp Phong Sơn là người con quê hương đang sinh sống và làm việc tại thành phố HCM hỗ trợ đầu tư máy móc, nguồn nguyên liệu… cho bà con địa phương mở rộng sản xuất. Xã cũng đã tập trung đầu tư phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và thương mại trên địa bàn, tạo điều kiện để các cơ sở tiếp tục đầu tư sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm (như HTX mây tre Phú Bông), tạo điều kiện thuận lợi về quỹ đất để các cơ sở mở rộng quy mô như: Công ty TNHH Gỗ Nghệ thuật Âu Lạc từ diện tích đất làm nhà xưởng 500m2 đã mở rộng lên 3000m2 và có thêm các mạng lưới cơ sở vệ tinh: cơ sở chạm khắc gỗ, nghệ thuật Lạc Việt, cơ sở Phan Phước Tuấn…
Thực hiện những giải pháp trên, bước đầu đã mang lại nhiều kết quả khả quan, giải quyết ngày càng nhiều lao động, nâng cao thu nhập, góp phần ổn định và phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đã tạo điều kiện cho 1.200 lao động tham gia làm việc ở các công ty, xí nghiệp, hằng trăm lao động sản xuất tại địa phương; riêng các Công ty TNHH Gỗ Nghệ thuật Âu Lạc giải quyết, đào tạo tay nghề cho 150 lao động, thu nhập bình quân từ 3-5 triệu đồng//tháng/công nhân, công nhân được công nhận nghệ nhân thì thu nhập từ 7-12 triệu đồng; công ty TNHH may mặc MTV Phong Sơn, giải quyết việc làm ổn định cho 75 công nhân, thu nhập bình quân 3,5- 5 triệu đồng/tháng/người; HTX mây tre Phú Bông, giải quyết cho 60 lao động nông nhàn, thu nhập bình quân 2,5- 4 triệu đồng/tháng/người. Ngoài ra, trên địa bàn xã có 02 chợ hoạt động 2 lượt/ngày, thu hút khoảng 300 lao động tại địa phương và hàng chục lao động tại các địa phương khác đến tham gia buôn bán tạo mối giao thương sôi động. Trên trục đường 610B, có hàng trăm hộ dân kinh doanh các loại dịch vụ, buôn bán vừa và nhỏ, góp phần phát triển thương mại dịch vụ tại đây.
Nhìn chung, chuyển dịch cơ cấu lao động ở Điện Phong có bước phát triển tốt. Nếu như trước khi triển khai thực hiện, cơ cấu lao động công nghiệp- TTCN- Thương mại dịch vụ- nông nghiệp lần lượt là 20%- 35%- 45%, tỷ lệ hộ nghèo 4,82%, thu nhập bình quân đầu người từ 15- 20 triệu đồng/người/năm thì nay cơ cấu đã có sự chuyển dịch: CN- TTCN- TMDV-NN: 24%-37%-39%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,99%, thu nhập bình quân đầu người đạt 25,5 triệu đồng/người/năm, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao.
Nhờ đó, các chủ trương, chính sách của Đảng bộ và chính quyền xã đều được nhân dân đồng thuận và hưởng ứng cao, nhất là trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhân dân đã tự nguyện hiến đất xây dựng 11 tuyến đường bêtông nông thôn, 3927m giao thông nội đồng, 1851m bêtông kênh mương, đóng góp nguồn vốn đối ứng thực hiện các chương trình trên 2 tỷ đồng.
Có thể nói rằng, với sự quan tâm của cấp ủy và chính quyền cấp trên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Điện Phong đã năng động, sáng tạo, đoàn kết thống nhất khắc phục những khó khăn, chuyển dịch cơ cấu lao động theo đúng định hướng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đời sống nhân dân, góp phần thực hiện thành công việc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.