Nội dung chi tiết

Nhà lưu niệm AHLS Nguyễn Văn Trỗi – Một điểm đến khơi dậy lòng yêu nước
Tác giả: Vạn Hà .Ngày đăng: 06/01/2015 .Lượt xem: 8749 lượt. [In bài]
Trong kháng chiến, AHLS Nguyễn Văn Trỗi đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, sự hy sinh và tinh thần chiến đấu mạnh mẽ cho thế hệ thanh niên Việt Nam và bạn bè quốc tế đứng lên chống lại kẻ thù. Ngày nay, tinh thần ấy, biểu tượng ấy vẫn hiện hữu và lan tỏa. “Cuộc đời anh là ngọn đuốc soi đường, thắp lên nhiệt huyết cho tuổi trẻ sống và hành động vì tổ quốc”, lưu bút của đoàn làm phim ký sự “Dọc đường đất nước”, “Nguyễn Văn Trỗi, nhường trái tim cháu để ông sống muôn năm”, dòng lưu bút của cô bé Wendy Paola, con gái của ông Iván Emilio Turmero , Bí thư thứ 2, đại sứ quán Venexuela tại Việt Nam, trong hàng ngàn dòng lưu bút xúc động được ghi ở sổ Vàng tại Nhà lưu niệm AHLS Nguyễn Văn Trỗi.

Nhà lưu niệm AHLS Nguyễn Văn Trỗi  nằm trên Quốc lộ 1A, đoạn nối liền thành phố Đà Nẵng và Thánh địa Mỹ Sơn, cạnh Nghĩa trang liệt sĩ huyện Điện Bàn (nay là Thị xã Điện Bàn), nơi yên nghĩ của hơn 5000  anh hùng liệt sĩ, Bà mẹ VNAHNhân kỷ niệm ba mươi năm ngày giỗ anh Trỗi, theo nguyện vọng của tuổi trẻ Quảng Nam, Ban thường vụ Thị ủy, UBND thị xã Điện Bàn đã thống nhất chủ trương xây dựng Nhà lưu niệm truyền thống AHLS Nguyễn Văn Trỗi của Tỉnh đoàn Quảng Nam. Ngày 15/10/1994, tại quê hương anh Trỗi, viên gạch đầu tiên được đặt trong buổi lễ khởi công. Kinh phí xây dựng được vận động từ đoàn viên, thanh niên tỉnh nhà. Đến năm 1995, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hằng năm đã đón hàng trăm ngàn lượt khách đến tham quan và viếng hương.
Qua hai mươi năm, dưới sự tác động của thiên tai và thời gian, công trình bị xuống cấp và được tôn tạo, xây dựng lại trên nền móng cũ. Nguồn kinh phí được UBND thị xã Điện Bàn vận động từ Thành ủy, Thành đoàn TP Hồ Chí Minh và Báo Thanh niên. Để có nguồn hỗ trợ, Thành đoàn Hồ Chí Minh đã có kế hoạch mở nhiều đợt phát động, quyên góp trong thanh thiếu niên, công nhân, doanh nghiệp ... Nguồn kinh phí này là tình cảm của người dân thành phố mang tên Bác giành cho “Người công nhân thành phố Sài Gòn”, một chiến sĩ Biệt động thành. Bên cạnh đó, thông qua việc tham gia công trình, tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn của thanh niên công nhân. Góp phần thực hiện công trình làm nơi trưng bày, lưu trữ hình ảnh về cuộc đời và quá trình hoạt động cách mạng của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, tạo thêm một địa chỉ đỏ cho thanh thiếu nhi cả nước hướng đến.

Công trình khang trang và bề thế với một không gian thờ tự, một gian đón tiếp, sinh hoạt cộng đồng và các khu phụ trợ. Trong không gian thờ tự, ngoài gian thờ chính, hai bên được bố trí trưng bày những hình ảnh, tư liệu và hiện vật của anh Trỗi cùng với những tặng phẩm lưu niệm của đoàn thể và nhân dân khi đến viếng hương, trong đó có tác phẩm “Sống như anh” của tác giả Trần Đình Vân viết theo lời kể của chị Phan Thị Quyên, hơn thế, tác phẩm này được Đại sứ quán Venezuela dịch sang tiếng Tây Ban Nha và xuất bản năm 2014. Ngoài ra còn có những tặng phẩm của Đại sứ quán Venezuela tại Việt Nam về anh Trỗi và tình hữu nghị giữa hai nước cũng được trưng bày tại đây. Không gian đón tiếp và sinh hoạt được thiết kế mở, tạo điều kiện các đơn vị, đoàn thể giao lưu, sinh hoạt truyền thống khi đến dâng hương. Hình ảnh và hiện vật về anh Trỗi được ngành văn hóa không ngừng sưu tầm để làm phong phú thêm gian trưng bày. Cảnh quan khuôn viên Nhà lưu niệm được chăm sóc thường xuyên tạo nên một không gian xanh thân thiện.

Người vợ trẻ của anh năm xưa, chị Phan Thị Quyên vẫn gần gũi, chăm sóc ngôi mộ của anh tại Quận 2, TP HCM và mỗi lần về thăm quê anh, chị đều đến thăm Nhà lưu niệm, hễ gặp khách đến, chị sẽ kể về anh Trỗi, về chí hưởng của anh, về hạnh phúc giản dị của anh chị trong mười chín ngày và về những ngày anh bị giam tù và sau khi anh hy sinh. Nhà lưu niệm đã diễn ra nhiều hoạt động của thanh niên thị xã Điện Bàn và tỉnh Quảng Nam như ra mắt Ban huấn luyện sao Bắc Đẩu, Đội tình nguyện Trái tim hồng, nơi tuyên dương nhưng tấm gương trẻ điển hình… Ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, cùng với khắp nơi trong cả nước, nơi đây cũng đã tổ chức lễ viếng Đại tướng. Nhiều hoạt động của các cơ quan, ban ngành, trường học trong và ngoài tỉnh cũng được tổ chức tại đây, như các “Hành trình xanh” của đoàn thanh niên …, “Hành trình về nguồn”  của cán bộ và nhân dân, “Giao lưu học tập” của các trường học từ các tỉnh lân cận, “Huấn luyện chiến sĩ mới” của Công an TP Đà Nẵng hay Lữ đoàn thông tin 575/QK5... Nhiều đoàn làm phim của các Đài Truyền hình Việt Nam và các tỉnh địa phương cũng đã nhiều lần về quay phim tư liệu tại Nhà lưu niệm AHLS Ngyễn Văn Trỗi.

Khách đến viếng hương anh Trỗi tại nhà lưu niệm từ mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, mọi miền của đất nước và có cả khách quốc tế. Từ tấm lòng của thành phố Hồ Chí Minh, đến trái tim của người dân thủ đô Hà Nội, khi xuôi ngược Bắc Nam  dừng chân viếng  ôn lại kỷ niệm thời chiến tranh với nhiều cung bậc cảm xúc. Có mẹ, có chị không ngăn được nước mắt khi đứng trước tượng chân dung anh Trỗi, họ như gặp lại chồng, con của mình cũng đã ngã xuống vì độc lập tự do nước nhà. Anh Nguyễn Hưng – bảo vệ tại đây cho biết: “Khách đến tham quan rất đông, họ rất xúc động khi nghe kể về cuộc đời của anh Trỗi và cái chết đi vào lịch sử của anh. Họ đã bày tỏ sự kính trọng và biết ơn những người đã ngã xuống khi thăm Nghĩa trang liệt sĩ và Nhà lưu niệm anh Trỗi”… Nhân kỷ niệm 66 năm ngày Thương Binh Liệt sĩ, đoàn đại biểu Đảng bộ, chính quyền TP Hồ Chí Minh bày tỏ niềm tự hào về quê hương Quảng Nam, thăm Nhà lưu niệm AHLS Nguyễn Văn Trỗi – người công nhân thanh niên tiêu biểu cho phong trào đấu tranh cách mạng kiên cường của tuổi trẻ miền Nam. Nhân dịp này, đồng chí Lê Thanh Hải – Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố đã chúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam nói chung, Điện Bàn nói riêng giành nhiều thắng lợi trong hiện đại hóa, công nghiệp hóa, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Chị Trần Thị Phương Huyên, thuyết minh viên tâm sự: “Có những du khách là người nước ngoài, đặc biệt là những cựu chiến binh Mỹ, họ đã đưa vợ, con của mình đến thăm anh Trỗi. Là một người trẻ tuổi, tôi rất tự hào vì được sinh ra trên quê hương anh, mãnh đất Điện Bàn. Bản thân tôi đã nhiều lần kể về cuộc đời của anh, nhưng mỗi lần là một lần xúc động”. Cô Melegúlo một vị khách nước ngoài đến viếng hương anh Trỗi và tâm sự rằng cô sang Việt Nam, đến thăm nhà lưu niệm anh Trỗi theo nguyện vọng của chồng mình, người đã yêu mến và ngưỡng mộ một người hùng mang tên Trỗi ở Việt Nam. Sự kiện những du kích Venezuela dũng cảm bắt tên Trung tá tình báo không quân Mỹ để đổi lấy anh Trỗi đã đi vào lịch sử, và như ông Ivan Turmero – Bí thư thứ 2 Đại sứ quán Venezuela nói rằng ở đất nước của ông, tấm gương anh Trỗi tỏa sáng làm cho họ không ngại hy sinh để hỗ trợ đất nước Việt Nam đấu tranh chống đế quốc Mỹ. Vừa qua, thay mặt người dân Venexuela, Đại sứ Rondon Uzcatequi lại một lần nữa về thăm Nhà lưu niệm và ngôi nhà anh Trỗi được sinh ra. Sau đó đã gặp gỡ, giao lưu, hỗ trợ trang thiết bị cho trường mang tên anh, người được người dân Venezuela tôn kính như một nhân vật lịch sử gắn liền với đất nước họ.
Vào ngày Thương binh liệt sĩ và tháng mười hàng năm hay vào các ngày lễ lớn là khoảng thời gian du khách đến thăm Nhà lưu niệm AHLS Nguyễn Văn Trỗi nhiều nhất. Cuốn sổ lưu niệm ngày càng dày lên với những dòng tri ân, tôn kính vị anh hùng trẻ tuổi của mãnh đất Điện Bàn kiên trung bất khuất, nơi sản sinh nhiều anh hùng, danh nhân, chí sĩ yêu nước đã đi vào lịch sử. Cùng với Nghĩa trang liệt sĩ thị xã và Bảo tàng Điện Bàn, Nhà mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ, Nhà lưu niệm AHLS Nguyễn Văn Trỗi đã trở thành một địa chỉ đỏ  giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho mọi thế hệ hôm nay và mai sau.
[Trở về]
Các tin mới hơn:
Về Điện Bàn thăm các khu lưu niệm
Di tích ở Điện Bàn - Tiềm năng để phát triển du lịch
Du lịch Điện Phương-tiềm năng lớn
Các tin cũ hơn:
Bảo tàng Điện Bàn – Điểm đến của một vùng đất “Địa linh nhân kiệt”
Di tích Giếng Nhà Nhì (trận đánh của các Dũng sĩ Điện Ngọc)
Lăng mộ Chí sĩ Trần Quý Cáp.
Tháp Bằng An
Lăng mộ Chí sĩ Hoàng Diệu
Khu lưu niệm mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ
Nhà lưu niệm AHLS Nguyễn Văn Trỗi
Bảo tàng Điện Bàn
Vài nét về bảo tàng Điện Bàn
Ngang dọc...dấu xưa...

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm