Nhà mẹ rất nghèo, con đông, nhưng giàu lòng yêu nước. Một nách năm đứa con, ngày ngày mẹ tảo tần, lặn lội bắt ốc mò cua để đổi lấy gạo, lấy khoai nuôi con và nuôi cả cán bộ đang trú ẩn trong nhà. Bản thân mẹ và bốn con đều là đảng viên. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều lần mẹ và hai con trai là Nguyễn Hồng Thắng và Nguyễn Xuân Hồng bị địch bắt bớ, giam cầm, hết đày đi nhà lao này đến nhà lao khác và gánh chịu bao trận đòn roi, tra tấn hết sức dã man của địch, nhưng cả ba mẹ con đều cắn răng, kiên cường chịu đựng không hề khai báo. Chính vì thế, trong suốt thời gian dài ba mẹ con vào tù, còn lại người con dâu ở nhà vẫn miệt mài, đảm đang thay mẹ nuôi giấu cán bộ trong nhà.
Anh Nguyễn Hồng Thắng, là con trai của mẹ kể rằng: Bản thân anh được mẹ và các anh giáo dục tham gia cách mạng từ lúc tuổi còn thơ. Sau hiệp định Giơ- ne- vơ, trong nhà có hai người anh đi tập kết, còn anh cũng được lệnh lên đường. Thế nhưng đến Tam Kỳ có chủ trương mới, nên anh quay trở lại gia đình, cùng với bà mẹ tham gia cơ sở ở địa phương. Lúc này anh được các đồng chí lãnh đạo huyện như Nguyễn Đức An, Huỳnh Ký, Hứa Phụng, Mười Khôi, Phạm Nghiện giao cho anh nhiệm vụ phối hợp đắc lực với mẹ Lê Thị Hiệu xây dựng cơ sở thôn Đông Cẩm Sa thành căn cứ địa cách mạng.
Thôn Đông Cẩm Sa, một vùng quê vốn có truyền thống cách mạng. Đa số các gia đình ở đây trong kháng chiến đều tham gia cách mạng, ít có ai làm tay sai cho địch, nên Huyện ủy Điện Bàn xây dựng thôn Đông Cẩm Sa thành một căn cứ bảo vệ cách mạng, là địa chỉ đỏ của cách mạng ở khu vực vùng cát. Anh Nguyễn Hồng Thắng được giao phụ trách thôn Đông Cẩm Sa, trực tiếp làm tổ trưởng tổ hành lang( tổ làm nhiệm vụ đưa dẫn cán bộ hoạt động), và làm Bí thư chi đoàn thanh niên lao động thôn.
Gia đình mẹ Hiệu đa số là đảng viên, nên bọn địch nghi ngờ. Thế thì ba mẹ con bị bắt lúc nào? Anh Nguyễn Hồng Thắng cho biết: Tôi không nhớ rõ ngày, nhưng vào một buổi sáng cuối tháng 4 năm 1956, địch bắt đồng chí Nguyễn Hồ- Bí thư chi bộ thôn Phong Hồ( Điện Nam). Sauk hi bị địch đánh đập, tra tấn, bọn chúng dẫn anh về nhà để khai báo. Anh Hồ không khai, bọn chúng dùng còng số 8 còng chân anh vào thanh giường tre trong nhà. Khi màn đêm buông xuống, bọn địch mệt mỏi ngủ say, anh Hồ bẻ hết song giường, rút còng số 8, trốn chạy về thôn Đông Cẩm Sa và tạt vào nhà tôi nhờ tháo còng. Trong lúc ba anh em gồm tôi, chú em ruột Nguyễn Xuân Hồng và anh Đặng Quyên (tức Đặng Văn Ba) vừa đục lấy được còng ra thì bất ngờ bọn địch phát hiện dấu chân đi trên cát và ập vào nhà tôi. Phát hiện có chuyện không lành anh Nguyễn Hồ bỏ chạy ra phía sau nhà tôi và nhảy xuống sông trốn thoát. Còn ba anh em tôi thì sa vào tay giặc.
Tóm được chúng tôi, bọn địch như hổ vồ lấy mồi. Chúng dẫn vào nhà ông Trùm Lang, áp dụng tra tấn theo kiểu đi máy bay, treo ba anh em lên xà nhà đánh tả tơi: “ Bọn bay che giấu Việt cộng phải không? Thằng nào chỉ ra thằng Hồ chạy đi đâu là tụi tau thả ngay. Còn không thì nằm đó mà lãnh đòn”. Nói thật lúc đó tôi rất sợ chú em của tôi, tuổi nhỏ, chịu không nổi đánh đập, nhưng nó cũng rất kiên cường, không khai báo. Đánh trận phủ đầu thấy không ăn thua gì, bọn chúng dẫn ba chúng tôi lên cơ quan Thanh Minh tra tấn tiếp, và sau chuyển tôi cùng anh Quyện lên nhà lao khu Thanh Quýt. Suốt bốn tháng ròng rã chịu đựng bao đau thương, tủi nhục trong cảnh lao tù, nhưng tất cả đều giữ vững chí khí của người cách mạng, nên bọn chúng cho về và ghi vào hồ sơ “ Gia đình can cứu, gia đình thân Việt cộng”.
Còn mẹ anh bị bắt lúc nào? Mẹ tôi là một bà mẹ rất mực thương con và hết lòng vì cách mạng. Khi chúng tôi bị bắt lần đầu, mẹ ở nhà vẫn vững vàng với nhiệm vụ nuôi giấu cán bộ an toàn. Vườn nhà tôi hồi ấy rất rộng, trong vườn trồng cây môn. Mẹ tôi chọn vị trí thuận lợi, đào công sự ngay dưới các hàng môn. Dưới là hầm bí mật, trên miệng hầm môn vẫn xanh tươi, tốt lá nên bọn địch không cách nào phát hiện được. Từ đấym suốt 9 năm liền từ năm 1956 đến năm 1964, khi xã Điện Nam phá được kèm, mẹ tôi vẫn nuôi, bảo vệ cán bộ an toàn.
Sau khi ra tù được một thời gian ngắn, tôi bị địch đưa đi học các lớp tố cộng tập trung 3 tháng liền, hết học ở Thanh Minh, Thanh Thủy rồi lên đình La Thọ, đền Vĩnh Hòa. Tháng 7-1956, Đỗ Phú Thứ bị bắt ở thôn Quảng Hậu. Thứ là cán bộ nhiều năm hoạt động ở nhà mẹ Hiệu. Thứ phản bội nhưng không khai gia đình mẹ. Lúc bấy giờ, đồng chí Nguyễn Đức An, Bí thư huyện ủy giao nhiệm vụ cho tôi tiếp cận và tìm mọi cách lôi kéo Thứ trở lại với cách mạng. Nhưng không ngờ, Thứ trở mặt phản bộ khai báo cho bọn Công an Điện Bàn đánh phá đường dây cơ sở cách mạng của mẹ Hiệu. Thế là cả gia đình ba mẹ con tôi lần này bị tóm gọn.
Anh Thắng còn cho biết, trận này bọn địch đánh ba mẹ con anh tơi bời thân xác, nhưng cả nhà không ai hé môi. Tội nghiệp nhất là mẹ anh, tuổi già sức yếu, vậy mà bọn nó không trừ một trận đánh nào. Chúng dẫn mẹ Hiệu ra cạnh giếng nước bắt nằm xuống bên thành giếng, rồi đổ nước ớt, xà phòng vào miệng đến lúc đầy bụng thì bọn nó thay phiên nhau leo lên bụng dậm. Mẹ Hiệu chết đi sống lại biết bao nhiêu lần, nhưng khi tỉnh lại, chúng dùng dùi cui đánh sứt hết hai hàm răng của bà già. Còn anh Nguyễn Hồng Thắng, Nguyễn Xuân Hồng thì bọn nó cho vào “ Hồ sơ những tên rất nguy hiểm” hết đưa vào nhà lao Vĩnh Điện, rồi chuyển xuống Hội An, ngược lên Khâm Đức ở tù.
Vào nhà lao, đánh mãi không khai, bọn nó lại cho ra tù, rồi tìm cách bắt tiếp. Từ lớp tố cộng ở xã Vĩnh Hòa, bọn chúng đưa anh Thắng về Vĩnh Điện làm lao công xây dựng trường trung học Nguyễn Duy Hiệu. Nguyễn Xuân Phái( Nghè Sách)- Trưởng ban kiến thiết trường hứa, nếu bọn bay lao động tốt thì thả về. Nhưng chúng đâu chịu buông tha, ngày 26 tháng Chạp âm lịch năm 1956, bọn chúng chuyển anh Nguyễn Hồng Thắng, Nguyễn Cư đi nhốt tiếp ở nhà lao Hội An với mục đích “ đánh tìm cho ra cơ sở cách mạng”. Vào nằm xà lim quá chật chội, rệp, kiến cắn suốt đêm ngày, ăn uống kham khổ, mất vệ sinh nên dẫn đến bệnh phù thủng.
Ở quê nhà, mẹ Hiệu thương con nhưng chẳng biết làm sao cứu được con thoát khỏi lao tù. Cứ mỗi tuần vào ngày chủ nhật, mẹ lặn lội đi bộ đến Hội An mang theo quà cho con, trong đó mẹ mang theo từ 5 đến 10 lon cám gạo để con mình ăn chống bệnh phù thủng. Gặp con, mẹ rưng rưng nước mắt khi thấy con mình ngày càng xanh xao, gầy còm, nhưng mẹ rất khâm phục vì con mình một mực trung thành với cách mạng, không bao giờ khai báo, nên cơ sở ở nhà mẹ vẫn tiếp tục nuôi, bảo vệ đồng chí Nguyễn Đức An và Võ Nghĩa an toàn. Chất cách mạng ở gia đình mẹ Hiệu là tuyệt vời như vậy đấy.
Cuối năm 1958, tại Hội An, bất ngờ chúng kêu anh Nguyễn Hồng Thắng cho về nhà. Chúng đưa anh đến văn phòng Tòa tỉnh trưởng. Tại đây, tên tỉnh trưởng Quảng Nam hù dọa các anh: “ Tau khuyên bọn bay về nhà muốn sống thì đi lính, nếu tiếp tay cho Việt cộng, mò vô nhà lao lần nữa thì tau cho lính bắn đầu”
Nói xong, bọn Công an dẫn ra bến xe bảo anh lên xe đi về Vĩnh Điện trình diện tại Chi Công an Điện Bàn. Anh Thắng tinh ý phát hiện ý đồ bọn chúng sé đón đường bắt đi thủ tiêu, nên anh đã tránh trớ và đi thoát ra hang Trần Xuân Vịnh để đi thẳng về nhà nhằm tránh né sự theo dõi của bọn địch. Tình hình ngày càng căng thẳng, thế là các con của mẹ Hiệu lần lượt thoát ly ra căn cứ trực tiếp cầm súng đánh giặc giải phóng quê hương. Năm 1967, mẹ Hiệu bám trụ hy sinh trong một trận pháo bầy của địch bắn dội về Cẩm Sa. Sau khi chiến tranh kết thúc, gia đình mẹ Hiệu cả thảy hy sinh, cống hiến cho đất nước 9 liệt sĩ (gồm mẹ Hiệu, các con trai của mẹ: Nguyễn Phụng, Nguyễn Xuân Hồng, Nguyễn Văn Cưu, con dâu của mẹ: Lê Thị Hốt và các cháu nội: Nguyễn Thị Thăng, Nguyễn Viết Phi, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Viết Hà) anh dũng hy sinh, mẹ Hiệu và người con dâu Lê Thị Hốt được Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý “ Bà mẹ Việt Nam anh hùng”- Mẹ Hiệu và các con cháu của mẹ đã ngã xuống, còn lại anh Nguyễn Hồng Thắng tiếp tục đứng mũi chịu sào, đội mưa bom, bão đạn, có mặt trên khắp các chiến trường Điện Bàn. Trong cương vị Bí thư huyện ủy Điện Bàn từ năm 1967-1973, với biết bao lần vào sinh ra tử, mặt giáp mặt với quân thù, nhưng anh kiên cường, dũng cảm, lãnh đạo quân dân trong huyện chiến đấu lập nên bao chiến công lừng lẫy. Hồi đoa, Bộ chỉ huy cảnh sát quốc gia Đà Nẵng đã nhiều lần ra lệnh truy nã Nguyễn Hồng Thắng, một người mà bọn địch cho là: “ Phần tử nguy hiểm, ai biết được tông tích Hồng Thắng xin báo ngay với cơ quan cảnh sát quốc gia gần nhất”.
Từ lúc làm Bí thư Huyện ủy Điện Bàn, đến lúc được bầu vào Ban thường vụ Tỉnh ủy, làm Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng và cho đến khi về hưu, lúc nào anh Nguyễn Hồng Thắng cũng toàn tâm, toàn ý cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Anh tâm sự với tôi: “ Trên cuộc đời này không có lúc nào gian nan, cực khổ bằng lúc ở tù. Nhưng cũng từ nhà tù, một trường học đã tôi luyện cho tôi về ý chí, nghị lực và bản lĩnh chính trị để củng cố niềm tin, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của một người chiến sĩ Cộng sản”.