Gió Nam thổi kiệt bảy ngày
Khoai lang khô cũng hết lúa vay chẳng còn
Ra quân làm thủy lợi đưa nước về tưới mát những cánh đồng ở Điện Bàn
Câu ca ấy với tiếng à ơi ru con của mẹ năm nào làm tôi gợi nhớ đến cảnh thiếu gạo triền miên của người dân xứ Quảng. Lúa tháng ba, gạo tháng tám, thua được nhờ trời. Gặp năm thời tiết biến động, biết bao gia đình ở quê tôi dù sống và lớn lên từ bụi lúa, luống cày, song vẫn chịu cảnh chạy gạo từng bữa.
Cách mạng về! Đồng ruộng Quảng Nam chưa mưa đã thấm này đã bừng lên làm cuộc cách mạng "lúa xuân hè".
Trên những cánh đồng Điện Bàn một thời
Trong cuộc đời làm báo của mình, tôi còn nhớ mãi những hình ảnh xắn quần, lội ruộng đi về cơ sở để có những bản tin, bài viết hừng hực khí thế toàn dân ra quân làm vụ lúa xuân hè đầu tiên vào mùa hè năm 1976. Để rồi một buổi sáng tháng năm năm ấy, giữa tiết trời mùa hè đang trút nắng chang chang xuống những cánh đồng, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Điện Bàn mở cuộc hội nghị đánh giá vụ đầu tiên làm lúa Xuân hè. Ở thời điểm ấy, cả đất trời Điện Bàn sôi động từng ngày. Chung quanh Vĩnh Điện, ngày ngày từng đoàn, từng tốp người nối nhau ra đồng di chuyển hàng vạn ngôi mộ nằm rải rác trên ruộng lúa về nghĩa trang xã Điện Nam, để trả lại cho người sống những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Từ Vĩnh Điện đến Đông Quang, từ Cẩm Văn đến Đông Hồ....hàng nghìn người cơm đùm, gạo gói với quang gánh, cuốc xẻn ngày ngày đi khắp cả huyện để gánh từng cục đất xây dựng trạm bơm, mở những đường kênh thủy lợi vươn xa tới những cánh đồng đang khát khao dòng nước mát.
Trạm bơm Vĩnh Điện được khánh thành”nghiêng sông đổ nước lên đồng”
Làm thêm vụ lúa xuân hè giữa lúc gạo châu, củi quế như thế, đúng là một cuộc cách mạng xanh trên đồng ruộng Điện Bàn, Quảng Nam - Đà Nẵng. Nhưng "vạn sự khởi đầu nan". Lúc ấy, đồng ruộng Điện Bàn đang khát nước. Không sợ khó, sợ khổ, bước đầu Điện Bàn làm thử 1000 ha lúa xuân hè ở vùng ven quốc lộ. Cái khó là nói như thế nào để nông dân chịu ra đồng làm thêm một vụ lúa giữa tiết trời mùa hè gió Nam thổi kiệt. Tập quán làm một năm "lúa ba trăng tháng ba, lúa đúc tháng tám" dường như đã ngự trị trong suy nghĩ của mọi gia đình nông dân. Nhiều hộ ở quanh vùng Điện Minh khi gặt lúa Đông Xuân xong, mặc dù huyện, xã tập trung vận động, nhưng họ chưa tin nên chần chừ không muốn cuốc ải, trổ bệ. Có người dù đã cắm tép mạ xuân hè xuống ruộng nhưng vẫn ngao ngán thở dài "Làm cực quá như ri mà chắc gì đã có lúa ăn".
Thật đúng là "trăm nghe không bằng một thấy", Tháng sáu năm ấy, bà con khắp nơi ở Điện Bàn rủ nhau về Vĩnh Điện xem trạm bơm điện 14 máy mang dòng nước sông Thu tưới mát khắp các cánh đồng, xem đồng lúa xuân hè ở Điện Minh, Điện An, Điện Phương lúa chín ngập đồng. Lúa và lòng người lâng lâng phơi phới, tất cả như rủ nhau đi tới những mùa màng.
Cùng lội ruộng với các phóng viên, nhà báo ở Trung ương và địa phương khi về xem lúa xuân hè trổ bông ken dày, anh Nguyễn Văn Chân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Điện Bàn lúc đó đã nói vui với anh chị em làm báo "Các anh chị giúp huyện tuyên truyền sao cho ra lúa xuân hè, cho có thêm nhiều trạm bơm điện"
Vụ lúa xuân hè đầu tiên thắng lợi với sản lượng thu được 4.000 tấn lúa, bình quân mỗi hecta đạt 4 tấn đã cổ vũ cả huyện bừng bừng khí thế ra quân "nghiêng sông đổ nước lên đồng. Để cho cây lúa trổ bông ba mùa". Nhà nhà rủ nhau đi vòng quanh cả huyện làm thủy lợi. Biết bao gia đình nông dân mặc dù cuộc sống sau giải phóng còn thiếu trước, hụt sau, nhưng vì quyền lợi chung đã chịu hy sinh di dời nhà cửa, cống hiến cả mảnh vườn đã một thời gắn bó, để cho những tuyến kênh vươn xa, trải rộng đến khắp các cánh đồng quê hương. Dòng nước con sông Thu Bồn, dòng sông đã đi vào lịch sử, chảy về tới đâu là lúa- rau xanh tốt bời bời đến đấy.
Dòng chảy thời gian trôi nhanh. Một thời, quê hương với cây lúa- hạt gạo xuân hè. Hạt gạo tháng năm ấy gởi gắm biết bao kỷ niệm khó quên của người nông dân quê tôi. Có năm cao điểm, vụ lúa xuân hè mở ra 4000 ha với các loại giống ngắn ngày, rồi kế tiếp là vụ ba. Đồng đất quê hương cày lên lật xuống để cho lúa thêm bông, cho Điện Bàn làm nên kỳ tích huyện lúa 12 tấn năm. Khi cả huyện đi vào cao trào hợp tác hóa nông nghiệp, rồi đến ngày thực hiện khoán 100, khoán 10, khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động, giao đất về cho nông dân, đứng trước ngưỡng cửa đổi mới, đầu tư thâm canh ruộng đồng theo hướng chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, tăng năng suất, vụ lúa xuân hè dần dần giảm diện tích, và tiến đến một năm chỉ làm hai vụ Đông Xuân- Hè Thu. Cây lúa – Xuân hè đã khép lại.
Trên cánh đồng Điện Bàn hôm nay
Bốn mươi năm đi qua cuộc sống có biết bao đổi thay, Điện Bàn đã cơ bản trở thành huyện công nghiệp, và đang trên đường đi tới thị xã. Nhưng những kỷ niệm của người nông dân quê tôi qua một thời với hạt gạo xuân hè vẫn mãi mãi là những kỷ niệm không bao giờ quên.
|