Nội dung chi tiết

Chúng tôi thành chiến sĩ
Tác giả: Ghi chép của Nguyễn Bảo .Ngày đăng: 14/02/2015 .Lượt xem: 2841 lượt. [In bài]
Chúng tôi vào trường Đại học trong những năm bom đạn rầm rĩ trên cả hai miền Nam Bắc. Ngay từ những năm đầu tiên, năm 1967, lớp ngữ văn của chúng tôi đã có một số sinh viên muốn xếp bút nghiên lên đường vào Nam chiến đấu. Nguyễn Hồng, Nguyễn văn Luận, Nguyễn Bá Thâm, Lê Tất Cứ, Nguyễn Văn Chính…có tên trong danh sách này. Cứ mỗi đợt tuyển quân, lớp lại tiễn đưa một vài người lên đường nhập ngũ.

Bia tưởng niệm nhà văn Nguyễn Hồng tại Điện Bàn
Cho đến năm thứ 3,  bỗng có công văn của Ban tổ chức Trung ương gửi về trường chọn một số sinh viên  đi chiến trường  Miền Nam. Chỉ mới vậy thôi mà không biết bao nhiêu nam nữ lớp K11, K12  náo nức, chộn rộn. Người có tên trong danh sách hăm hở chuẩn bị, người không có tên cuống quýt  xin đăng ký. Mới hay, tiếng gọi của Tổ quốc thiêng liêng biết chừng nào! Sau khám tuyển, lớp K12  có 13  người  được gọi về Hội Nhà Văn Việt Nam học khóa đặc biệt. Chúng tôi  không khỏi bùi ngùi khi thấy những người bạn của mình nước mắt vắn dài vì không được đi. Cũng có vài trường hợp không có tên trong danh sách nhưng không hiểu bằng cách nào vẫn có mặt  lên đường vào Nam với chúng tôi!

Lớp học chúng tôi  khá đông và cũng nhiều thành phần khác nhau, lứa tuổi khác nhau. Sau gần một năm thu nạp kiến thức làm văn, làm báo mà các bậc thầy về văn chương, báo chí giảng dạy, chúng tôi  còn được vài tháng tập quân sự. Kỷ niệm sẽ còn đeo đẳng mãi trong cuộc đời mỗi người về những ngày chia tay thầy giáo, chia tay bạn bè ở khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp, ở lớp viết văn Quảng Bá của Hội Nhà Văn Việt Nam, và cả những ngày rèn dũa gian khổ nhưng đầy hào hứng trên đất Hòa Bình. Từ đầu tuyến  lửa Quảng Bình, chúng tôi  rẽ theo các ngả đường về các mặt trận. Đoàn đi Nam bộ, đoàn đến  Bình Trị Thiên, đoàn vào  khu 6... Đoàn chúng tôi sau gần một tháng trèo đèo lội suối, hứng khá nhiều trận bom pháo dọc đường Trường Sơn, đã có mặt gần đầy đủ ở Ban tuyên huấn khu ủy Khu 5.

Bắt đầu một cuộc sống mới, một môi trường mới. Không thể dồn hết mọi người cho tờ  “ Văn nghệ TrungTrung Bộ,” nên có  sự phân công về các tiểu ban khác nhau. Nhưng trước hết là cùng  nhau đi gùi gạo và làm thêm nhà. Có tin Ban Tuyên huấn khu đang cho người tới bản dân tộc nào đó mang  muối  đổi heo liên hoan đoàn cán bộ miền Bắc mới vào. Mấy tháng trời không biết miếng thịt là gì, cái tin kia cũng hấp dẫn làm sao! Nhưng đúng lúc ấy, Nhà Văn Nguyên Ngọc ở Ban văn học Quân khu 5 sang thăm. Được nhìn, được nghe một nhà văn quân đội nổi tiếng như  anh Nguyên Ngọc là nguyện vong thiết tha của anh chị em mới vào. Nhà văn đã truyền lửa cho niềm khát khao  cháy bỏng  được phục vụ, được vào cuộc của các sĩ tử. Nhà văn hướng cho mọi người cách sống, cách đi, cách viết ở chiến trường  khốc liệt này.  Ông còn muốn xin  một số anh chị em mới vào sang phục vụ bên Quân đội. Tôi, Nguyễn Hồng và Vũ Thị Hồng tình nguyện đi ngay. Và thế là bỏ luôn cơ hội  được liên hoan với đồng đội trước lúc chia tay!

Hôm đó trời mưa sùi sụt, chúng tôi khoác ba lô theo chân những người đi gùi gạo về Ban Văn học Quân Khu 5. Khoảng nửa buổi đường, chúng tôi nhận ra: lấp loáng trong rừng cây là những mái nhà lá đơn sơ. Được biết đây là doanh trại của Cục Chính trị Quân khu 5. Vào đó mới biết, Ban văn học  không có ai ở nhà. Một số người đi với các đơn vị bộ đội, một số khác đi vỡ đất, trồng ngô, trồng sắn. Nơi cán bộ nhân viên ban văn  ăn ở, làm việc  chỉ còn trơ ra cái nền đất trống. Lâu ngày  không ai trông coi, lợn thả rông được phen tung hoành. Rồi mưa gió dầm dề đã làm ngôi nhà đổ gục. Nhà bếp được dịp lấy củi đun nấu. Ba anh em  đành xin ở tạm nhà Ban dân vân cạnh đó. Những ngày chờ đợi,  bàn nhau chặt gỗ, cắt lá làm nhà. Hồi còn là sinh viên sơ tán ở trên rừng, cũng đã từng làm nhà kiểu này nên không lạ lẫm gì. Chưa đầy tháng, các anh trong ban lục tục kéo về, cũng là lúc ngôi nhà  đang được  hoàn thiện. Anh Nguyên Ngọc trưởng Ban, ở Quảng Nam, anh Nguyễn Chí Trung phó ban và là bí thư chi bộ ở Quảng Ngãi về sau cùng. Các anh đi gặp Ban cán bộ. Đến lúc đó  chúng tôi  mới chính thức là người lính. Là lính binh nhất, mặc dù  từ miền Bắc ra đi chúng tôi đã là những cán bộ Nhà nước  có lương đại học hẳn hoi. Dẫu thế, thực lòng, chúng tôi chẳng  mấy quan tâm. Cuộc đời quân ngũ mà chúng tôi theo đuổi cho đến khi nghỉ hưu bắt đầu là như vậy đấy!

Là lính của Ban văn học Cục chính trị Quân khu 5, được các anh trong Ban quan tâm, chúng tôi  dần vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu. Trước tiên vẫn là làm quen với việc đi gùi gạo trên các bản dân tộc, cả đi lẫn về có khi hai ba ngày liền. Có lần trên đường đi, chúng tôi vướng vào bẫy địch của đồng bào dân tộc, chân bị xóc chông, máu  chảy lai láng phải nằm lại cả tuần ở bản mới về được đơn vị. Tiếp theo là làm quen với việc làm rẫy trồng sắn, trồng bắp. Nhưng có lẽ khác hơn so với bạn bè ở Khu ủy, tôi và hai đồng chí tên Hồng sớm được nhập cuộc với các trận chiến đấu đang diễn ra ngoài mặt trận. Chi ủy chi bộ Ban văn học xác định:  Chúng tôi vào đây trước hết là làm nhiệm vụ học tập, hòa nhập với bộ đội cùng công tác chiến đấu và cùng sống chết với họ. Với tinh thần  ấy, việc viết văn làm báo tính sau.

Chuyến đi thực tế đầu tiên của ba  chúng tôi là về các mặt trận nóng bỏng nhất, tự lo liệu đường đi nước bước, tự xoay xở các tình huống gay cấn   vẫn thường xẩy ra nơi bom đạn. Xuống đơn vị, theo truyền  thống của Ban, mỗi người  phải bám tiểu đoàn hoặc đại đội. Trận đầu tham gia, Vũ Thị Hồng đi với một tiểu đoàn của Sư 2 đánh địch ở Hòn Chiêng, Quảng Nam, rồi cầm AK cùng bộ đội rượt đuổi địch. Nguyễn Hồng đi với một Tiểu đoàn đặc công đóng quân  trên đất Quảng Ngãi,  theo một mũi chủ công của đại đội, cởi trần bôi lọ nghẹ bò vào tận đồn địch. Tôi đi với Tiểu đoàn đặc công 91 đóng trên đất Quảng Đà suýt chết vì bị địch vây phục trong trận đánh ở Bình Long Điện Bàn.

 Mỗi đợt đi kéo dài vài tháng có khi gần cả một năm. Hết chiến dịch, gặp nhau  còn  lành lặn, ôm choàng lấy nhau mừng đến trào nước mắt.  Nhưng cái gì đến đã đến! Một lần theo bộ đội Sư 2 đánh địch ở Sơn Cẩm Hà, đang loay hoay tìm đường ra khỏi trận địa thì máy bay B52 đến bỏ bom. Vũ Thị Hồng  bị xô xuống một rãnh ruộng lõm bõm nước. Khi bom dứt, mọi người chạy đến, lôi cô từ đất bùn lên, trên vai phải  đầm đìa máu. Nhưng đấy  vẫn còn là vận may. Riêng Nguyễn Hồng  như dự cảm của nhiều người: Khó đi  hết cuộc chiến tranh này!

Lần đó gần cuối năm 1973. Tôi và Nguyễn Hồng cùng được phân đi một chiến trường: Quảng Nam, Quảng Đà. Nguyễn  Hồng đi Điện Bàn, tôi đi Hòa Vang. Trước khi đi, Hồng có bút ký vượt trội: “Đêm cao điểm”. Do lăn xả vào cuộc chiến đấu với bộ đội hết mình, bút ký ngồn ngộn những tư liệu sống động về người lính, về kẻ thù, về những gì diễn ra trong một trận đánh khốc liệt. Hồng cặm cụi viết ,quên ngày quên đêm. Bài viết được cả Ban khen, tin tưởng, quý trọng. Chưa phải là người viết cao tay, nhưng rõ ràng đang hứa hẹn một cây bút trẻ đầy triển vọng. Tác phẩm này được in ở Tạp chí “Văn Nghệ Quân giải phóng Trung Trung Bộ”, sau đó được đăng trên Văn nghệ Quân đội, và được tặng thưởng văn xuôi xuất sắc  trong năm. Nhưng Hồng đã không kịp hay biết gì ngoài cái bản thảo được kỳ cạch đánh máy cẩn thận gửi Ban biên tập trước khi đi tham gia chiến dịch!

Trước khi đi, Hồng  được kết nạp Đảng. Chúng tôi vào chiến trường  mới chỉ là những đoàn viên. Nhưng chỉ vài năm đầu ở Ban văn học đã lần lượt được kết nạp vào Đảng và được đề bạt đại đội bậc phó (tương đương quân hàm Thiếu úy).  Ở Hòa Vang, tôi nhận  được hai bức thư của Hồng. Bức thư đầu hơi buồn. Hồng nói về sự phản bội quy định ngừng bắn của địch và sự quá thật thà của bộ đội ta. Bức thư thứ hai, Hồng hẹn tôi ngày về Quân khu. Hồng bảo tôi mua lấy chút bánh kẹo về làm quà và đi qua Tỉnh đội cùng về!

 Là thế, làm sao tôi có thể tin chuyện không may  đã đến với Hồng. Nhưng chiến tranh là vậy. Trong những ngày chờ về quân khu, Hồng  mượn được  khẩu AK và xin đi với đại đội 3 Địện Bàn đang  giữ đất cắm cờ ở Điện Xuân (thuộc xã Điện Hồng, Điện Bàn ngày nay). Mờ sáng ngày 3 tháng 12 năm 1973, từ một khu đất cạnh nơi đóng  quân của đại đội, địch nổ súng tấn công. Ban chỉ huy đại đội bàn nhau đánh địch giữ đất  hay là rút lui bởi địch vi phạm lệnh ngừng bắn.  Hồng nói: “Mỗi tấc đất ở đây đều đổi bằng rất nhiều xương máu của bộ đội, nhân dân. Không thể để địch ngang nhiên chiếm đoạt.” Nhưng địch quá đông quá, bên ta ít người, phương án được quyết định nhanh là rút để bảo toàn lực lượng, sau chờ lệnh cấp trên. Hồng xung phong ở lại chặn địch để đồng đội rút lui an toàn.

Đại đội rút về phía bờ sông. Hồng ở lại với khẩu AK và hai băng đạn. Những cán bộ chiến sĩ lui về phía bờ sông nghe mấy loạt AK đanh thép của Hồng, sau đó là tiếng AR 15 loạn xạ của địch và cả những tiếng chửi rủa tục tĩu. Hồng bị bắt hay bị đạn địch. Không ai biết. Rất nhiều tin đồn khác nhau. Nhưng thực sự không còn ai ở đó để kể lại rành mạch.

Sau giải phóng, chúng tôi xuống ngay vùng chiến sự đã xảy ra cuộc đụng độ không cân sức giữa Hồng với địch. Một trong những người ở đại đội Điện Bàn dẫn chúng tôi tới mấy bụi chuối mà Hồng ẩn nấp để ngăn chặn địch. Nhưng bụi chuối không còn. Không còn gì hết ngoài một vùng mênh mông địch cày ủi  trắng băng. Mùa xuân năm ấy, Cục chính trị Quân khu làm lễ tưởng niệm và trao tặng Huân chương chiến công cho Hồng!

 Nhưng với tôi, Hồng không chỉ nhận Huân chương chiến công mà phải được truy tặng danh hiệu Anh hùng. Bởi lẽ, đấy là một anh hùng đích thực, là niềm tự hào của những sinh viên khóa 12 lớp Ngữ văn, cũng là niềm tự hào của lớp viết văn đặc biệt đào tạo cho chiến trường miền Nam những năm chống Mỹ cứu nước,của Hội Nhà văn Việt Nam. Người anh hùng ấy còn sống hẵn sẽ là một nhà văn tầm cỡ, có những sáng tác để đời. Anh ngã xuống khi mới 25 tuổi (Nguyễn Hồng sinh năm 1948 tại Đức Long, Đức Thọ, Hà Tĩnh). Đất Điện Bàn, Quảng Nam trung dũng kiên cường này hẵn sẽ có trong những sáng tác tâm huyết của anh. Tiếc thay!

   37 năm sau ngày Nguyễn Hồng hy sinh, năm 2010, một số đồng nghiệp đã cùng chính quyền địa phương xây dựng Khu tưởng niệm nhà văn Nguyễn Hồng tại Dốc Khả, thôn 4, xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Khu tưởng niệm chưa thật hoành tráng nhưng có một dáng dấp riêng: Dáng dấp của một người cầm bút ra trận!

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Bị lừa, một thiếu niên trốn về quê được Công an phường Điện An giúp đỡ
Hội Cựu chiến binh xã Điện Hồng bàn giao nhà nghĩa tình đồng đội
Điện Bàn, 24 đại biểu tham gia chuỗi hoạt động “Hành quân về nguồn”
Công an phường Điện Dương tuyên truyền pháp luật cho chủ cơ sở lưu trú, cơ sở ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.
Ban chỉ huy Quân sự thị xã Điện Bàn quy tập 3 hài cốt liệt sĩ tại phường Điện Nam Bắc
Ngày hội “Thanh thiếu nhi với pháp luật và văn hoá giao thông” năm 2025
UBND thị xã Điện Bàn tổ chức Lễ ra quân huấn luyện năm 2025
80 năm tiến bước dưới quân kỳ
Điện Bàn quê ta giải phóng rồi
Công an xã Điện Hồng kiểm tra, bắt giữ đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy
    
1   2   3   4   5  
    
Các tin cũ hơn:
Thăm gia đình các quân nhân đang công tác trên quần đảo Trường Sa
Xã Điện An tổ chức Hội nghị tổng kết nhiệm vụ quốc phòng quân sự địa phương
UBND xã Điện Nam Đông triển khai nhiệm vụ Quốc phòng - Quân sự địa phương năm 2015
Thị trấn Vĩnh Điện tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ Quốc phòng- Quân sự địa phương năm 2014
Xã Điện Dương tổ chức Hội nghị tổng kết nhiệm vụ Quốc phòng, Quân sự địa phương năm 2014.
Thị trấn Vĩnh Điện tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Công an, Bảo vệ dân phố năm 2014.
Đồn Công An Điện Nam - Điện Ngọc “ Đơn vị quyết thắng” năm 2014
Điện Bàn tổng kết nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và tuyển gọi công dân nhập ngũ năm 2015
Điện Nam Bắc đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác ANTT năm 2014.
Công an huyện tổ chức Hội nghị Tổng kết ANTT năm 2014
    
1   2   3   4   5  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm