Nội dung chi tiết

Một thời thâm canh tăng vụ
Tác giả: Nhà văn, nhà báo Hồ Duy Lệ .Ngày đăng: 14/02/2015 .Lượt xem: 3571 lượt. [In bài]
Sau năm 1975, sáp nhập tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà, ông Phạm Đức Nam làm Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, phụ trách Nông - Lâm - Ngư. Ông Phạm Đức Nam, người làng Cấm Sa, Điện Nam, Điện Bàn.Tên cha mẹ đặt là Triêm,là con đầu nên thường gọi Hai Triêm. Theo kháng chiến ông lấy tên Nam – tên con trai làm tên hoạt động cách mạng. Thường gọi Sáu Nam.

Thời chống Pháp, ông làm Bí thư xã Cẩm Sa, rồi làm Bí thư xã Điện Minh, trúng  Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Điện Bàn. Từng giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đà trong kháng chiến chống Mỹ và phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thời xây dựng hòa bình từ sau năm 1975.

Ngay sau ngày giải phóng 1975, ông Sáu Nam chỉ huy công tác cấp bách, đột xuất lúc bấy giờ là đưa dân về làng cũ. Giao cho Năm Dừa và Phan Văn Nghệ lấy thanh niên làm lực lượng nòng cốt, huy động một lượng lớn ô tô, phát động và tổ chức đưa hàng vạn dân về quê, kể cả dân các tỉnh bạn chạy tránh bom đạn vào tá túc trong thành phố Đà Nẵng. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng vạn dân đã được tổ chức đưa về làng cũ, bắt tay ngay vào phát cỏ, cuốc đất, trồng khoai, trồng rau để sớm có cái ăn. Ông trực tiếp chỉ đạo chiến dịch ‘‘khai hoang vỡ hóa’’, ‘‘tấn công đồng cỏ’’, ‘‘phá dỡ bom mìn’’, giải phóng đất đến đâu thì được cày xới lên trồng tỉa ngay. Những người dân về làng sau ngày chiến tranh làm ‘‘đổ mồ hôi, sôi nước mắt’’ và đổ cả máu nữa: 540 người hy sinh, 3.150 người bị thương vì đụng phải bom mìn của giặc Mỹ đổ xuống làng quê còn nằm trong lòng đất. Vẫn không đủ lương thực để ăn, vẫn cần sự chi viện của trên, bởi, ‘‘đất ít người đông’’, tính ra bình quân đầu người mới hơn một sào Trung bộ (chừng 500m2) mà con cháu thì như tranh nhau chào đời để đón mùa xuân hòa bình.

Rà phá bom mìn trên những cánh đồng Điện Bàn

   Đất không chỉ bị bom mìn chiếm lấn mà còn bị mồ mả chiếm hữu. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Hồ Nghinh và ông Phạm Đức Nam, Năm Dừa kéo quân đi hết xã này đến xã khác phát động các chiến dịch khai hoang phục hóa phá dỡ bom mìn. Và, quyết liệt hơn là chiến dịch ‘‘di dời mồ mả lấy đất cho sản xuất’’ - một chủ trương táo bạo, đụng đến Tổ tiên, tộc họ, đụng đến tình cảm của bao gia đình. Một cuộc ‘‘phát động tư tưởng’’coi bộ còn khó hơn phát động nhân dân gậy gộc xuống đường xông vào sào huyệt giặc trong chiến dịch Xuân Mậu Thân - 1968. Rồi bà con, nhất là các cụ phụ lão cũng dần dần thông suốt. Làm sao không thông khi thấy ông Hồ Nghinh chống gậy ra tận ngoài gò mả gặp nói chuyện với các lão nông tri điền, vào tận các nhà thờ Tộc gặp nói chuyện với các bô lão. Hàng ngàn mồ mả ông bà cứ đến mùa mưa bão là ngập chìm trong nước được dời lên những nghĩa trang cao ráo. Hàng ngàn hecta đất do mồ mả chiếm từ bao đời dọc hai bên quốc lộ số 1 từ Hòa Vang vào đến Điện Bàn, Duy Xuyên trở thành những cánh động rộng, thẳng tắp, xanh xanh hai vụ lúa rồi tăng lên ba vụ lúa.

Để có thêm một vụ lúa là một kỳ công. Đang suy nghĩ lo cái ăn cho dân, một hôm đi công tác, ông Nguyễn Hồng Thắng, Bí thư Huyện ủy Điện Bàn, qua thôn Lạc Thành, xã Điện Hồng, giữa mùa Hè mà sao lại thấy có mấy đám lúa xanh. Hỏi bà con Lạc Thành, họ nói thấy đất bỏ không, mình cũng rãnh rỗi, thôi kệ, làm xen vào đây vụ lúa, gặp trời cho thì có được ít ang lúa cầm cự trong lúc giáp hạt. Hỏi bà con trồng giống lúa gì, chắc không phải giống lúa Ba Trăng, lúa Đồi? Đây là giống lúa Nhe, có người nói lúa Nhe - Khách. Năng suất không cao, nhưng cơm thì ngon lắm. Họ còn nói, cơm gạo lúa Nhe mà ăn với cá rô nướng dằm mắm cái thì tuyệt vời.

Nhân dân Điện Bàn tích cực khai hoang vỡ hóa, khôi phục những cánh đồng.

   Bí thư Huyện ủy Điện Bàn Nguyễn Hồng Thắng về báo lại chuyện này với ông Sáu Nam. Nghe chưa hết câu chuyện có phần hấp dẫn, hai khóe mắt của ông Sáu Nam nháy lia lịa, còn hai chân ông cứ nhịp nhịp. Ông Sáu Nam gọi xe theo Nguyễn Hồng Thắng vào Điện Bàn, gọi Nguyễn Văn Chân, lúc đó là Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Điện Bàn và gọi Trưởng phòng Nông nghiệp Điện Bàn lên giao nhiệm vụ xuống ngay xã Điện Hồng nghiên cứu xem bà con cấy lúa Nhe ra sao.

Nguyễn Bồng là Trưởng phòng Nông nghiệp Điện Bàn lúc đó, người có nhiều năm làm trong ngành Nông nghiệp nên biết tính năng của nhiều giống lúa, biết cả danh tính của lúa Trì, lúa Đồi, lúa Hẽo, lúa Nhe…Trưởng phòng Nông nghiệp không hào hứng gì việc làm thêm một vụ lúa trên đất mà ông biết rõ luôn bị mưa nắng thất thường, lụt, hạn liên miên, nhiều năm ‘‘có cấy, có gieo, mà không có gặt’’, nên bàn ra.

- Lúa Nhe này, mấy người làm, năng suất thấp xịt.

- Nhưng mình làm thêm một vụ, ít ra cũng tăng được một lượng lương thực.  - Thì, giỏi lắm cũng ‘‘hai chén úp một’’.

Là người thông minh, luôn đi sâu, đi sát để nắm chắc vấn đề và lúc nào cũng mang tinh thần tấn công, càng khó khăn càng phải tấn công, chứ gặp khó hoặc chưa chi đã bàn ra thì ông Sáu Nam không bằng lòng. Thường không bằng lòng gân cổ nổi lên, ông to tiếng, trường hợp này, ông không tỏ ra gia trưởng mà dằng lòng giải thích: Cái chúng ta cần hôm nay là bằng mọi cách tăng nguồn lương thực để giải quyết cái ăn, nhất là khi‘‘giáp hạt’’. Bà con nông dân họ làm cái trái vụ ấy vì cái đói ‘‘giáp hạt’’. Mình chỉ học trên sách vở (ám chỉ mấy anh trung cấp, kỹ sư nông nghiệp ngồi bàn giấy, lười xuống với ruộng đồng), còn nông dân thì họ trải nghiệm trên đồng ruộng bao đời, chống chọi với nắng nóng, với bão táp lụt lội, với cái đói, họ có nhiều kinh nghiệm, ta phải xuống ruộng mà học các ‘‘lão nông tri điền’’.

Xẻ cát dẫn nước từ trạm bơm Cẩm Sa. 

   Sau khi dẫn‘‘quân’’ đi nghiên cứu ở Lạc Thành, ở thôn Hai  xã Cẩm Thanh về, ông Sáu Nam bàn với lãnh đạo Ty Nông nghiệp, đưa ra xin ý kiến Tỉnh ủy và đi đến quyết định làm lúa tăng vụ giữa hai vụ chính trong năm là Đông Xuân và Hè Thu mà bà con ta thường gọi là vụ tháng Ba, hay vụ Ba Trăng, và vụ lúa tháng Tám, ở phía Nam tỉnh là lúa Đồi, lúa Trì... Lúc bấy giờ, huyện Điện Bàn tạm khai thác nước ở đập pa - ra An Trạch, còn Duy Xuyên thì nhằm vào cái đập Vĩnh Trinh đang cạn kiệt, kênh mương cỏ mọc lút đầu. Tính đi tính lại chỉ được khoảng trên 5.000ha có thể đưa vào làm vụ trái này, đặt tên là vụ Xuân Hè. Giao cho Nông nghiệp tính toán, đẩy vụ lúa Đông  Xuân sớm một thời gian và lùi vụ lúa Hè Thu lại một thời gian để có được trên dưới 90 ngày cho vụ lúa Xuân - Hè với giống thuần nông ỈR20, NN1.

Trời luôn ủng hộ con người. Song trời cũng luôn thử thách để đánh giá và khẳng định con người. Ông Sáu Nam là một con người luôn xáp mặt với thử thách lắm khi đầy khắc nghiệt! Vụ lúa Xuân - Hè năm đầu tiên ấy, năm 1976, thu về được 18.000 tấn lúa. Tìm đâu ra gần chục ngàn tấn gạo giữa mùa hè khô cháy Quảng Nam? Mừng chảy nước mắt! Dân Quảng Nam làm lúa Trì, lúa Đồi, lúa Ba Trăng, thuận trời mới được 15 đến 20 ang trên một sào. Vậy mà vụ lúa trái vụ đầu tiên ấy tính ra năng suất bình quân  3 tấn/ha, một vài đám ruộng ở Điện Bàn đạt đến 4 tấn/ha. Ai cũng thấy vui.

Năm 1977, tiếp tục vụ lúa Xuân - Hè. Làm nông, ai cũng phải nắm bốn chữ vàng: Nước, Phân, Cần, Giống. Qua vụ Xuân - Hè, nước vẫn phải xếp vị trí hàng đầu. Đó là thời kỳ các nhà Thủy Lợi tìm hiểu và truy lục các tài liệu về Thủy lợi trên đất Quảng Nam. Trên các diễn đàn trao đổi bàn luận về sản xuất nông nghiệp thì những địa danh quen thuộc có từ thời chống Pháp lại được đặt lên bàn nghị sự: Pa- ra An Trạch, đập Vĩnh Trinh, đập Thạch Bàn, đập Trà Lý, Khe Diêm, Khe Thẻ và Kênh Ba Kỳ. Hồ sơ về con kênh Ba Kỳ được lật ra xem xét, đặt ra câu hỏi, tại sao người Pháp đã khảo sát, đo đạt lên bản đồ rồi xếp hồ sơ vào ngăn kéo? Và, tại sao thời chống Pháp, Việt Minh Quảng Nam từng huy động hàng ngàn người lên phá đá, ngăn sông Tam Kỳ để lấy nước chống hạn mà không thành công, rồi bỏ cuộc. Quyết tâm không gì lay chuyển của Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng phải làm lại cái đã bỏ cuộc vì nhiều lý do ấy, đồng thời đầu tư tu bổ lại những công trình thủy lợi đã và đang xuống cấp trầm trọng. Sáng ngày 29 - 3 - 1977, kỷ niệm lần thứ 2 ngày giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Nam -  Đà Nẵng, 29 phát mìn nghe như đại bác nổ vang núi rừng Tây Tam Kỳ, khởi công xây dựng công trình Đại thủy nông Phú Ninh. Tỉnh ủy giao cho phó Chủ tịch Phạm Đức Nam trực tiếp chỉ huy, huy động tất cả lực lượng có thể huy động được, kể cả thanh niên bụi đời, hút xách ở Đà Nẵng cũng được huy động, tập hợp lại thành từng (trung đội gọi là B) đưa lên công trường Phú Ninh.

Vụ sản xuất năm 1977 không ‘‘mưa thuận gió hòa’’, ‘‘hạn sớm’’, ‘‘rét đậm kéo dài’’. Trà lúa Xuân - Hè đầu - được chỉ đạo làm sớm hơn một thời gian để cho vụ Hè - Thu tránh lụt, bị lạnh làm cho lúa lép nặng. Trà lúa sau bị chuột đồng hoành hành!

Dân mình lạ lắm, được mùa thì vui mừng, phấn khởi, hoan hô. Nhưng lỡ mất mùa, thì buồn teo, méo mặt, trách cứ đủ điều. Xuất hiện câu ca, có lẽ thu nhập từ các ‘‘danh sỹ Bắc Hà’, rằng: Mất mùa là do thiên tai. Được mùa, vì tại thiên tài Đảng ta’’.  Nghe người ta bàn tán, xôn xao, một số cán bộ dao động chuyện làm tăng vụ. Mấy người trước đây bàn ra, hoặc không đồng tình nhưng ‘‘làm thinh’’, hoặc  nói kiêu: ‘‘hai chén úp một’’, có người còn thách thức, ông Sáu Nam mà làm được vụ Xuân - Hè thì đặt ông táo lên lưng tôi mà nấu cơm’’, nay tỏ ra đắc ý: Tôi đã nói rồi mà không chịu nghe. Không ít ý kiến trái ngược nhau trong vụ Xuân - Hè. Mà, dân Quảng Nam ‘‘hay cãi’’, ‘‘chín người mười ý’’, thua cũng nổi gân cổ lên cãi, tức quá, người ta bảo ‘‘cãi dóng’’! Là người ăn nói hùng hồn, ông  Sáu Nam cũng cãi, nêu ra những lý do khách quan như thời tiết, lý do chủ quan như việc tính toán thời vụ, chuẩn bị giống mới, nguồn nước… Và, ông cũng rất ‘‘cường hào’’ trong các cuộc ‘‘cãi’’. Ở Quảng Nam - Đà Nẵng giai đoạn này còn rất ‘‘chủ quan, duy ý chí’’, nổi tiếng của sự ‘‘duy ý chí’’ là việc ‘‘đào sông Bà Rén’’, và ‘‘ ngăn sông Trường Giang’’, mà ông Sáu Nam là một trong những ‘‘nhân vật’’ ‘‘hăng hái nhất’’, ‘‘quyết liệt nhất’’. Vì nguồn nước tưới, các ông quyết định khơi thông con sông Bà Rén để chia nước sông Thu Bồn cho vào cánh Nam. Hàng vạn lượt người lên công trường khơi thông sông Bà Rén. Sông thông dòng, niềm vui sướng vô bờ chưa theo nguồn nước chảy về, chưa kịp đưa lên đồng ruộng trong vụ mùa đầu tiên thì mùa mưa đến. Chỉ một trận lụt, con sông Bà Rén nối với sông Thu Bôn trở thành bãi cát bồi như xưa! Một bài học đắt giá. Rồi ngăn sông Trường Giang cũng vì nguồn nước tưới.

Vụ Xuân - Hè năm 1978, tăng diện tích cấy theo nguồn nước có được và  trúng to! Thắng tiếp ba vụ lúa Xuân - Hè, nhất là khi có thêm nguồn nước nhờ tu bổ lại các đập thời vụ, đại tu Ba ra An Trạch, trung tu hô Vĩnh Trinh… Đặc biệt nguồn nước của Phú Ninh đã theo các con kênh về tưới cho các cánh đồng lúa của Tam Kỳ, Thăng Bình, Quế Sơn, Duy Xuyên. Cùng với các loại giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, kháng rầy tốt, được khảo nghiệm đưa vào đồng đất Quảng Nam, đã làm cho vụ lúa Xuân Hè trở thành vụ sản xuất chắc ăn nhất trong ba vụ lúa. Hàng năm tăng  lên bảy trăm tấn lúa, chiếm hơn hai mươi phần trăm tổng sản lượng lương thực của cả năm. Tỉnh đã có lương thực chi viện cho nơi khác.

Một thời thâm canh tăng vụ đã đem lại những mùa vàng trên cánh đồng Điện Bàn.

   Huyện Điện Bàn không được hưởng nước của Phú Ninh. Ông Sáu Nam về chỉ đạo Điện Bàn phát triển Thủy lợi. Họp Huyện ủy mở rộng, giở bản đồ Điện Bàn ra, ông chỉ chỗ nào trên sông Vĩnh Điện có thể đặt trạm bơm tưới cho các cánh đồng Bồ Mưng, Giáp Năm, Phong Hồ… Chỗ nào trên sông Bàu Sấu ở Điện Hòa có thể đặt trạm bơm để tưới cho các cánh đồng Quang Hiện, Hà Thanh, Bích Trâm… Chỗ nào trên sông Cổ Cò có thể đặt trạm bơm để tưới cho vùng cát. Nói xong, ông dẫn cán bộ Nông nghiệp đi khảo sát, xác định vị trí đặt trạm bơm, rồi quyết định luôn tại chỗ. Trước mắt, năm 1976,xây dựng trạm bơm Vĩnh Điện, sau đó là Đông Quang, rồi đến Cẩm Văn, Đông Hồ, Cẩm Sa… Khi trạm bơm Cẩm Sa hoạt động, tưới cho đồng lúa Điện Nam, ông quyết định làm cái cầu máng bắc qua sông Cổ Cò đưa nước về Điện Dương. Khi nước trạm bơm Câm Sa băng sông, chảy qua cát, về các cánh đồng Gia Lộc, Hà Lộc, thì dân ở đây kéo ra đường đi theo hai bên bờ kênh mương, nhìn nước, vỗ tay hoan hô ông Nhà nước, cám ơn ông Phạm Đức Nam.

Nhờ có nguồn nước tưới mà các hợp tác xã như Điện Thọ 1, Điện Thọ 3, Điện Phước, nổi tiếng một thời. Huyện Điện Bàn cho nhiều bài học trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp và là một huyện phát triển Nông nghiệp hàng đầu của tỉnh. Khi không còn cảnh giáp hạt nữa, không còn cảnh‘‘khoai lang khô cũng hết, lúa vay cũng không còn’’, Điện Bàn vẫn thâm canh trong Nông nghiệp. Song, để phát triển bền vững và ngày càng có nhiều hộ giàu, hộ khá giả, Điện Bàn không đơn thuần thâm canh cây lúa mà phát triển chăn nuôi, trồng nhiều loại rau màu có giá trị cao, chuyển dần sang Công nghiệp và Dịch vụ và Du lịch....

   Xuân Ất Mùi - 2015, kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn quê hương, nhắc lại một vài kỷ niệm về một thời lo cho cái ăn mà thâm canh, tăng vụ, tưởng nhớ ông Sáu Nam và những người đồng chí của ông là con em Điện Bàn với những đóng góp rất đặc biệt trong những ngày đầy khó khăn sau ngày giải phóng quê nhà. Các ông Sáu Nam, Năm Dừa, Trần Vĩnh Quốc, Nguyễn Văn Chân, Lý Qúy... và không ít những người bạn chiến đấu thân thiết của các ông một thời đã đi theo mẹ Nguyễn Thị Thứ, anh Nguyễn Văn Trổi, ông Hồ Nghinh.... Những người xông pha thời khó khăn ấy nay còn sống đã bước vào tuổi của Trời cho. Những người con của Điện Bàn, của Quảng Nam hôm nay tiếp tục nổ lực không mệt mỏi, bằng kiến thức mới và sức sáng tạo làm những việc cha anh chưa kịp làm, tiếp tục nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, xây dựng nông thôn mới, làm cho huyện nông nghiệp Điện Bàn trở thành thị xã Điện Bàn  -  một thị xã phát triển toàn diện đầy năng động, giao lưu, gắn kết hai thành phố Đà Nẵng và Hội An Di sản văn hóa thế giới.  
[Trở về]
Các tin mới hơn:
Hướng dẫn chăm sóc, quản lý dịch hại cây trồng giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025
Số liệu thống kê chủ yếu năm 2023 thị xã Điện Bàn
Bổ nhiệm Phó Giám đốc Ngân hành Chính sách xã hội thị xã Điện Bàn
Hướng dẫn chăm sóc các loại cây trồng vụ Đông Xuân 2024-2025 trong điều kiện rét lạnh
Điện lực Điện Bàn tổ chức vệ sinh công nghiệp cách điện
Bế giảng lớp nghề kỹ thuật pha chế đồ uống tại phường Điện Ngọc
Giải pháp nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi trong mùa Đông
Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Điện Bàn tổ chức tập huấn hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã cho cán bộ, hội viên
Hội Nông dân các địa phương đồng loạt ra quân diệt chuột
Dự báo tình hình sinh vật gây hại trên cây trồng vụ Đông Xuân 2024 - 2025
    
1   2   3   4   5  
    
Các tin cũ hơn:
CÂY LÚA XUÂN HÈ
Công ty cổ phần tập đoàn Đất Quảng tổ chức Lễ đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
UBND huyện Điện Bàn họp góp ý xây dựng hệ thống hỗ trợ giám sát ô nhiễm môi trường.
Công Ty May Hòa Thọ - Điện Bàn gặp mặt đầu năm mới.
Xã Điện Phong tổ chức Hội nghị Tổng kết Nông nghiệp năm 2014.
Xã Điện Nam Đông tổ chức Hội nghị tổng kết sản xuất nông nghiệp năm 2014
Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc tổ chức Lễ kỷ niệm 6 năm Ngày thành lập đô thị Việt Nam.
Đoàn đại biểu và học viên Trường Chính trị Quảng Ngãi nghiên cứu và tham quan các mô hình kinh tế tại xã Điện Ngọc
Công ty TNHH SX&TM Bách Đạt tổ chức Lễ úp mái chợ Điện Dương
Điện Nam Đông – phường nội thị tương lai
    
1   2   3   4   5  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm