Trong những năm qua, vấn đề phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn luôn được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở Điện Bàn xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là nền tảng, động lực và luôn song hành cùng với mục tiêu xây dựng huyện thành thị xã. Huyện xác định, phát triển đô thị gắn với việc thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), để phát huy mọi tiềm năng, lợi thế của cả vùng đô thị và nông thôn, tạo nền tảng để huyện phát triển nhanh, bền vững.
Năm 2011, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện quyết định chọn 5 xã Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong, Điện Phước, Điện Thọ sau đó bổ sung thêm 2 xã Điện Hồng và Điện Hòa triển khai xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011- 2015, các xã còn lại triển khai xây dựng xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
Sức bật mới từ phong trào
Nhiệm vụ chung được huyện xác định là tập trung phát huy sức mạnh đoàn kết, huy động mọi nguồn lực của toàn xã hội, ngân sách Nhà nước từ các chương trình, dự án, thực hiện tốt 5 nhóm lĩnh vực được quy định tại Quyết định số 491/2009/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ: Lập quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới; Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; Phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất; Phát triển văn hóa - xã hội - bảo vệ môi trường; Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và giữ vững an ninh, trật tự xã hội ở nông thôn.
Từ việc xác định những nội dung cốt yếu trong xây dựng nông thôn mới và từ thực tiễn nông thôn Điện Bàn, đặc điểm của từng địa phương, các cấp chính quyền đã chủ động và sáng tạo trong chỉ đạo thực hiện, đã đạt được những kết quả khá toàn diện, tạo ra bước chuyển biến tích cực trong nông nghiệp, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống của người dân được nâng lên.
Để đạt được hiệu ứng mạnh trong Chương trình MTQG xây dựng NTM, ngay từ khi triển khai thực hiện, các cấp, các ngành trong huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức, nội dung phong phú đến từng địa phương, từng đối tượng theo hướng đi vào chiều sâu, sát thực tế cuộc sống để nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân, từ đó có sự đồng lòng, hưởng ứng, quyết tâm thực hiện, vận động được nguồn lực trong dân để hoàn thành mục tiêu theo đúng kế hoạch.
Một trong những nội dung ưu tiên trong chỉ đạo xây dựng NTM là chú trọng đến công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Bởi lẽ xây dựng nông thôn mới cốt yếu là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn, thay đổi diện mạo nông thôn ngày một tiến bộ, khởi sắc. Trong đó, huyện xây dựng nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, vận động thực hiện đồn điền, đổi thửa, cơ giới hóa trong sản xuất, nhiều mô hình kinh tế trong trồng trọt, chăn nuôi… cho thu nhập cao đã cải thiện, nâng cao thu nhập, đem lại đời sống no ấm cho nhân dân. Nhờ đó, giá trị sản xuất bình quân/ha canh tác tăng lên khá rõ, đạt trên 95 triệu đồng/ha năm 2014, tăng hơn 10 triệu đồng so với năm 2011.
Trung tâm Văn hóa Thể thao xã Điện Thọ
Đặc biệt, huyện chú trọng đến xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu trong nông nghiệp, nông thôn, bởi đây là huyết mạch trong phát triển kinh tế - xã hội. 4 năm qua, huyện huy động hơn 600 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó vốn trực tiếp của Chương trình là 75,165 tỷ đồng (phần Trung ương, tỉnh 54,850 tỷ đồng, phần ngân sách huyện 20,315 tỷ đồng). Qua 04 năm (2011-2014) xây dựng nông thôn mới, nhân dân trong huyện đã hiến trên 100.000m2 đất với giá trị trên 15 tỷ đồng và với hơn hàng ngàn ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn; thủy lợi hóa đất màu; bê tông kênh mương, cầu cống dân sinh; xây mới, nâng cấp nhà văn hóa - trung tâm văn hóa xã, nhà văn hóa - khu thể thao thôn và các thiết chế văn hóa đạt chuẩn; xây mới, nâng cấp trường học các cấp... Trong nhân dân, các khu dân cư, vườn tược, tường rào, cổng ngõ, nhà cửa từng bước được chỉnh trang, nâng cấp khang trang, sạch đẹp.
Huyện đã tập trung thực hiện đồng bộ các tiêu chí hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới. Về điện đã phối hợp với ngành điện tiến hành xây mới, sữa chữa, nâng cấp các công trình điện năng phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Đến nay, có 12/13 xã đạt tiêu chí này, còn lại 1 xã đạt được trên 70%. Về bưu điện, hiện tại toàn huyện có 13/13 xã đạt tiêu chí số 8 về bưu điện, có internet đến các thôn phục vụ tốt cho nhu cầu thông tin và giải trí của người dân. Về nhà ở dân cư, huyện thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và vận động các cá nhân, đơn vị hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương với mục tiêu xoá nhà tạm, xây dựng nhà kiên cố cho người dân. Đến nay, có 12/13 xã thực hiện hoàn thành tiêu chí này.
Huyện quan tâm chăm lo toàn diện các mặt về phát triển giáo dục, y tế, văn hoá, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường. Đến nay trên địa bàn toàn huyện có 64/68 trường đạt chuẩn Quốc gia, có 9/13 xã đạt tiêu chí về trường học, 13/13 xã đạt chuẩn về giáo dục. Mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác khám bệnh, chữa bệnh từ huyện đến cơ sở được triển khai đồng bộ, mạng y tế phủ khắp với 2 bệnh viện đa khoa, 1 trung tâm y tế, 16/20 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, bình quân đạt 6 bác sĩ/1vạn dân, đến nay có 13/13 xã đạt chuẩn tiêu chí Y tế.
Huyện tập trung triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội đối với người nghèo, tổ chức tư vấn việc làm, nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người dân nông thôn. Công tác giảm nghèo được huyện và các xã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân hưởng các chính sách hỗ trợ và tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo; Bên cạnh đó, các hội, đoàn thể đã đẩy mạnh phong trào giúp nhau thoát nghèo. Hộ nghèo cuối năm 2014 chỉ còn 3,46 %; có 13/13 xã đạt tiêu chí hộ nghèo và 13/13 xã đạt tiêu chí thu nhập theo chuẩn quy định.
Thông qua phong trào xây dựng NTM, đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường cho mọi người; toàn huyện đã triển khai thực hiện Đề án thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. UBND huyện có chủ trương kiên quyết không thu hút các doanh nghiệp đầu tư làm ảnh hưởng môi trường về các xã nông thôn. Không có các cơ sở sản xuất bị ô nhiễm trong các xã xây dựng NTM. Phong trào xây dựng, cải tạo vườn nhà và xây dựng công trình vệ sinh trong từng hộ gia đình đã có bước chuyển biến, hiện nay tỷ lệ hộ gia đình có hố xí hợp vệ sinh đạt gần 100%; môi trường ở nông thôn từng bước sáng, xanh, sạch, đẹp. Hiện nay có 7/13 xã đạt chuẩn về môi trường.
Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố và tăng cường, công tác đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ được quan tâm cao, từng bước được trẻ hoá, chuẩn hoá. Các tổ chức trong hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn trong sạch, vững mạnh. Tình hình an ninh trật tự xã hội nông thôn cơ bản ổn định, không xảy ra các vụ việc lớn; các phong trào, mô hình Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới. tiếp tục được phát động và đẩy mạnh.
Diện mạo nông thôn ở các xã xây dựng NTM có những thay đổi rõ nét. Đến cuối năm 2014, 3 xã Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong đạt 19/19 tiêu chí được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, về đích trước 1 năm so với kế hoạch; trong đó xã Điện Quang được suy tôn là xã dẫn đầu phong trào xây dựng NTM toàn tỉnh Quảng Nam. Các xã còn lại:Điện Phước đạt 17/19, Điện Thọ 16/19, Điện Hồng 16/19, Điện Thắng Bắc 15/19 và các xã khác đều đạt 13 tiêu chí trở lên.
Định hướng
Sự đồng thuận, hưởng ứng và nội lực của nhân dân là chìa khóa của sự thành công chương trình MTQG xây dựng NTM ở Điện Bàn. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tự giác tham gia xây dựng NTM của các tầng lớp nhân dân ở các địa phương NTM. Chú trọng đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, tập trung vào tuyên truyền, phổ biến cơ chế, chính sách mới và các cách làm hay, sáng tạo, các kinh nghiệm, các mô hình sản xuất có hiệu quả, các gương điển hình điển hình tiêu biểu ở mọi lĩnh vực, góp phần trong xây dựng NTM. Đến cuối năm 2015 có thêm 5 xã Điện Thắng Bắc, Điện Phước, Điện Thọ, Điện Hồng và Điện Hòa đạt 19 tiêu chí theo bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới đạt xã nông thôn mới. Các xã còn lại đều đạt 15 tiêu chí trở lên;
Xây dựng Nông thôn mới ở Điện Trung
Từng xã xây dựng kế hoạch, lộ trình, biện pháp để chỉ đạo tổ chức thực hiện các tiêu chí còn lại chưa đạt và đầu tư, nâng chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn. Chú trọng có cơ chế lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ các Chương trình, dự án khác trên địa bàn; tranh thủ nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, HTX, vốn tín dụng và các nguồn huy động hợp pháp khác. Xây dựng kế hoạch, lộ trình để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm làm chuyển biến một bước hệ thống cơ sở hạ tầng các xã, ưu tiên xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh như giao thông, thuỷ lợi, Y tế, giáo dục, nước sạch và vệ sinh môi trường trên cơ sở các đề án đã được UBND huyện đang triển khai. Chú trọng ưu tiên cho các xã triển khai xây dựng xã NTM trong năm 2015 và chuẩn bị một bước cho việc triển khai giai đoạn 2016- 2020.
Qua 4 năm xây dựng NTM, bài học mà Điện Bàn có được là, xây dựng NTM là một quá trình lâu dài và liên tục, sức mạnh và đồng thuận của nhân dân là “chìa khóa” thành công. Ngoài ra, việc phát huy sức mạnh, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị vào cuộc, làm trung tâm để toàn dân và toàn xã hội tham gia xây dựng NTM và quan trọng hơn, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải làm quyết liệt và tâm huyết, với cách làm năng động, sáng tạọ phù hợp với từng địa phương; phát triển nông thôn nhưng phải giữ cho được cái hồn của quê, giữ được cái bản sắc của đất và người Điện Bàn.