Nổi bật nhất trong những năm đầu hoạt động là việc chuyển đổi mùa vụ từ 3 vụ lúa bấp bênh sang 2 vụ lúa ăn chắc; việc ứng dụng thành công hạt giống lúa lai, lúa chất lượng cao, giống ngô lai vào sản xuất đã nâng năng suất lúa từ 55 tạ/ha lên 60 tạ/ha, ngô từ 25-30 tạ/ha lên 58-60 tạ/ha hiện nay, góp phần làm tăng thu nhập cho người nông dân.
Nhiều năm gần đây, với việc triển khai và nhân rộng rất thành công mô hình “3 giảm 3 tăng kết hợp sử dụng công cụ sạ hàng", mô hình “Thâm canh lúa tổng hợp”, mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” đã tạo nên bước đột phá mới trong sản xuất lúa. Kết quả mà người nông dân nhận được là sản phẩm có giá thành giảm, có năng suất và chất lượng cao với đầu ra ổn định. Cùng với đó, việc ứng dụng thành công phân sinh học WEHG, phân hữu cơ vi sinh các loại.... đã góp phần cùng bà con nông dân tổ chức sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, bền vững.
Trong chăn nuôi, chương trình “cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò” đã và đang giúp người nông dân có được nguồn thu nhập khá cao nhờ lợi ích mang lại từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. Thông qua đội ngũ dẫn tinh viên cơ sở, thực hiện phối giống trên 4.000 liều tinh/năm. Hiệu quả từ việc ứng dụng truyền tinh nhân tạo ở bò khá rõ nét: đàn bò có tỷ lệ máu ngoại cao, tầm vóc được cải thiện, chất lượng bê lai được nâng cao; tỷ lệ bò lai của huyện nhà tăng nhanh, từ 50% năm 2006 lên gần 80% năm 2014. Phong trào trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò cũng được phát triển mạnh nhờ việc đưa các giống cỏ cao sản về trình diễn và nhân rộng tại nhiều địa phương; gồm: TD58 (cỏ sả lá lớn), K280 (cỏ sả lá nhỏ), giống cỏ Ruzi, VA06, Hamill.
Sau 05 năm triển khai mô hình “Xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm bể biogas composite”, đến nay đã nhân rộng được gần 500 bể trên địa bàn toàn huyện. Mô hình này cùng với một số mô hình chăn nuôi khác như “Nuôi gà an toàn dịch bệnh”, “Nuôi heo nái giống F1 theo hướng gia trại, đảm bảo vệ sinh môi trường”... đã góp phần phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm của huyện nhà theo hướng an toàn dịch bệnh, làm cho môi trường nông thôn sạch đẹp hơn.
Hoạt động khuyến ngư được triển khai có trọng điểm bằng việc nhân rộng thành công một số đối tượng nuôi mới như cá điêu hồng, cá lóc bông... đã góp phần tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Mô hình “Sử dụng chế phẩm sinh học quản lý môi trường ao nuôi ghép cá nước ngọt” tuy mới được triển khai nhưng bước đầu đã tạo điều kiện cho người nuôi cá tiếp cận với việc sử dụng sản phẩm sinh học để cải tạo ao, hình thành thói quen tốt trong quản lý ao nuôi.
Qua 20 năm xây dựng và phát triển, cán bộ khuyến nông huyện đã cung cấp thông tin trao đổi, giải đáp thắc mắc cho hàng chục nghìn lượt nông dân qua điện thoại hoặc qua gặp gỡ trực tiếp. Ngoài ra, thông qua các lớp tập huấn chuyển giao, các buổi hội thảo đã tư vấn kiến thức và khoa học kỹ thuật cho 25.000 lượt nông dân theo các chuyên đề, chủ đề riêng. Số nông dân đến với các lớp tập huấn, hội thảo ngày càng đông, năm sau cao hơn năm trước.
Để công tác khuyến nông thật sự gẫn gũi với người nông dân, Trạm còn phối hợp với Đài truyền thanh truyền hình huyện xây dựng “Chuyên mục khuyến nông” phát sóng các tin bài liên quan đến nông nghiệp nông thôn, các hoạt động khuyến nông khuyến ngư vào sáng và trưa thứ sáu hàng tuần. Bên cạnh đó, cán bộ khuyến nông còn trực tiếp xuống hiện trường, đến từng hộ gia đình để động viên, giúp nông dân giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong sản xuất cũng như tư vấn cho bà con cách áp dụng công nghệ mới sao cho có hiệu quả nhất.
Chính nhờ sự kết hợp nhịp nhàng, đồng bộ các phương pháp chuyển giao mà rất nhiều những tiến bộ KHKT đã được nông dân ứng dụng thành công, trình độ sản xuất của bà con ngày càng được nâng cao, nhiều mô hình khuyến nông hiệu quả đã có sức lan toả mạnh mẽ không chỉ trên địa bàn huyện mà còn được nhiều nông dân ở các huyện, các tỉnh lân cận biết đến, học tập và làm theo.
Tròn 20 năm bám sát ruộng đồng, bằng sự tận tâm của lãnh đạo và sự phấn đấu nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ, Trạm KN-KL Điện Bàn đã vinh dự nhận được nhiều bằng khen và giấy khen của lãnh đạo UBND tỉnh, huyện; được cơ quan chuyên môn cấp trên đánh giá là đơn vị thi đua xuất sắc, xếp vị trí dẫn đầu trong hệ thống các trạm khuyến nông huyện, thành phố thuộc tỉnh.
Tiếp tục phát huy những thành quả đó, công tác khuyến nông trong những năm đến sẽ chú trọng xây dựng và triển khai các mô hình bám sát mục tiêu “Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững” khi Điện Bàn trở thành thị xã vào năm 2015.
Xác định là người bạn đồng hành của nông dân, phần thưởng lớn nhất của những người làm công tác khuyến nông là nụ cười rạng rỡ của bà con sau mỗi kỳ thu hoạch. Tập thể cán bộ khuyến nông huyện Điện Bàn quyết tâm sẽ luôn cố gắng không mệt mỏi để giành được phần thưởng cao quý đó.