Nội dung chi tiết

Vị tướng và những trận đánh nổi tiếng
Tác giả: Hồng Vân .Ngày đăng: 18/02/2015 .Lượt xem: 3150 lượt. [In bài]
Thiếu tướng Vương Tuấn Kiệt nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5, hiện ở 50 Yên Bái, Đà Nẵng năm nay đã ở tuổi 95. Trí nhớ không còn liền mạch, nhưng nhờ sự giúp đỡ của đồng đội ông ngày trước, chúng tôi vẫn có thể hình dung được con đường binh nghiệp đầy oai hùng của vị tướng có cái tên thật đẹp này.

   Ông sinh ra ở làng Thái Sơn, Điện Tiến (Điện Bàn) với tên thật là Bùi Ngọc Hoàng. Cha mẹ là trung nông nên có điều kiện cho ông đi học đến Pri-me. Tiếng Pháp đủ để ông sau này làm thông ngôn trong một trận đánh. Ông vào Đảng từ năm 1940 (chỉ sau ông Cao Sơn Pháo, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam vài ngày, cũng tại Điện Tiến). Năm 1942, ông bị bắt giam, sau đó một năm thì được thả. Biết đã lộ, không thể hoạt động ở quê nhà được nữa, ông thoát ly ra Huế, bắt liên lạc với đồng chí Trần Thanh Từ và tiếp tục hoạt động, rồi được kết nạp Đảng lại tại Huế năm 1945. Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông mải miết theo các chiến trường với những trận đánh ngày càng dồn dập. Biết địch tìm cách giết cho bằng được, ông nói với cấp trên cho đổi tên để tránh hiểm họa. Được đồng ý, ông đổi thành Vương Tuấn Kiệt. Giải thích vì sao chọn cái tên này, ông trả lời: “Vương là ông Vương Thừa Vũ, một vị tướng giỏi cầm quân lúc đó. Tuấn Kiệt là khẳng định chí nam nhi tung hoành”.

Làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 319, Trung đoàn 101 (Thừa Thiên), ông có nhiều kỷ niệm với các hàng binh. Ngày đó thấy được cuộc chiến phi nghĩa, có nhiều lính đánh thuê Âu-Phi đã quay súng theo Việt Minh. Đặc biệt có một người lính Nhật tên là Nguyễn Chí Hùng rất giác ngộ cách mạng, được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, bấy giờ là Bí thư phân Khu ủy Bình-Trị Thiên giao về đơn vị ông làm Tiểu đoàn phó. Chính lực lượng hàng binh giúp ông có một trận đánh để đời.

          
Thiếu tướng Vương Tuấn Kiệt (giữa) cùng các bạn hàng binh tham gia đánh trận Hà Thanh

   Đồn Hà Thanh án ngữ một vùng rộng lớn huyện Phú Vang. Đóng nơi đây là một đơn vị bảo an binh giáo dân do tên linh mục Giảng nổi tiếng gian ác được Pháp phong làm quan hai chỉ huy. Quân lính có 70 tên với súng ống hiện đại nhất của Pháp bấy giờ. Trong đồn này chúng thường xuyên giam giữ cán bộ và đồng bào bị bắt, tra tấn dã man. Đã nhiều lần, địa phương đánh mà không được. Tiểu đoàn trưởng Kiệt sau khi nghiên cứu địa hình, hứa với đồng chí Bí thư Huyện ủy Phú Vang Nguyễn Tư Chúc: “Chúng tôi sẽ nhổ đồn”. Ông Kiệt lập sa bàn đồn Hà Thanh để anh em luyện tập, làm quen cách đánh. Tương kế tượng kế, khi bọn trong đồn loan tin trao thưởng cho ai bắt được đồng chí Dương Tự, xã đội trưởng xã Phú Ngạn, ông Kiệt bảo ông Tự giả đò bị bắt để giao nộp cho chúng. Mặt khác ông kiếm áo quần lính Pháp, giặt ủi, giữ nếp cẩn thận mặc cho đội ngũ hàng binh của ta, giao cho anh Kemen (Đức) giả đò mang lon quan hai chỉ huy lực lượng 50 người trực tiếp đánh Hà Thanh. Để bọn trong đồn tin, ông viết phù lệnh bằng tiếng Pháp, giả con dấu “công lệnh vụ” sai đồn phối hợp bắt Việt Minh.

Ngày 9-7-1948, đơn vị com-măng-đô vừa lính Pháp vừa lính Việt của ta thản nhiên tiến vào đồn, vừa đi vừa quát tháo, đánh đập anh Dương Tự. Ông Kiệt giả làm thông ngôn, xum xoe bên “quan hai” Kemen. Bọn lính trong đồn túa ra nhìn. Tên Giảng sau khi xem “công lệnh vụ” âm thầm cải trang bỏ trốn. Tên đồn phó quan hai Pháp tập hợp lính lại nghe lệnh. Chỉ chờ có vậy, đội com-măng-đô nã súng tiêu diệt gần hết bọn lính trong đồn. Ông Kiệt, ông Cảnh ra phía sau mở cửa giải thoát cho hơn 30 cán bộ, đồng bào bị bắt giam. Ta chiếm hoàn toàn đồn Hà Thanh, thu hết vũ khí mà không hề xây xước. Trong quyển “Thừa Thiên- Huế kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược” có ghi: “Trận diệt đồn Hà Thanh đã tạo điều kiện cho huyện Phú Vang xây dựng cơ sở cách mạng, mở rộng phong trào kháng chiến, thực hiện đoàn kết lương giáo chống mọi âm mưu kẻ thù”.

          Bác sĩ Hoàng Minh Cảnh, hiện ở Hà Nội, lúc đó là y tá của tiểu đoàn nhớ lại: “Sau trận đánh chỉ huy tiểu đoàn và các hàng binh có bức ảnh chụp chung, đến nay vẫn còn. Mấy năm sau, các hàng binh về nước. Anh Hùng, người Nhật, có quay trở lại tìm chúng tôi nhưng tiếc là không gặp. Trận này có công lớn của anh Kiệt. Không thông minh mưu trí và dũng cảm thì không thể lấy được đồn”. Trên tường nhà Thiếu tướng Vương Tuấn Kiệt treo rất nhiều bằng huân chương Quân Công hạng Nhất, Độc lập hạng Nhất..., nhưng ông tâm đắc với tấm Huân chương Chiến công hạng Ba ký tháng 8/1948. Ông nói rằng, đây là tấm Huân chương quý giá của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thưởng cho ông vì các thành tích đánh hàng chục trận lớn ở chiến trường Thừa Thiên, đặc biệt là trận đánh đồn Hà Thanh.

          Năm 1954, ông tập kết ra Bắc trong đội hình Sư đoàn 325. Được đi học Trung Quốc, năm 1965, ông trở về làm chỉ huy Sư đoàn 325 B vào Nam chiến đấu. Ở Mặt trận B3 Tây Nguyên, ông là Tham mưu phó, rồi Tham mưu trưởng. Năm 1968, ông kiêm Tư lệnh Mặt trận Kon Tum. Tại Bảo tàng tỉnh Kon Tum có trưng bày một số hiện vật gắn với cuộc đời binh nghiệp của Thiếu tướng Vương Tuấn Kiệt như: Chiếc La bàn ta thu được của địch trong trận đánh Ngọc Bơ Biêng năm 1967 đã được ông sử dụng cho đến hết thời kỳ chống Mỹ. Chiếc Đồng hồ của ông Phan Quyết( Phan Phụ), Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum tặng ông trước khi vào chiến dịch xuân Mậu thân 1968; Bản đồ quân sự ta thu được trong trận đánh lữ đoàn dù 173 Mỹ tại Ngọc Hồi, được ông dùng để chỉ huy chiến đấu từ 1967.... Cùng với Thừa Thiên, mảnh đất  Kon Tum với hàng chục năm binh nghiệm vẫn luôn hiện trong ký ức của ông: Chiến dịch Sa Thầy đánh bại cuộc phản công mùa khô lần thứ hai của Mỹ (1966); Chiến dịch Đăk Tô mùa đông 1967 đánh lữ đoàn dù 173 Mỹ; Chiến dịch Đăk Xiêng 1971; Chiến dịch Xuân - Hè 1972 đánh Đăk Tô - Tân Cảnh; Rồi Plây cần, Đăk Mót, Đăk Pét, Măng Đen… Những địa danh đó luôn gợi lại trong ông những năm tháng đầy khó khăn gian khổ, hy sinh ác liệt nhưng cũng đầy khí thế hào hùng của những người lính thời chiến.

         
 Thiếu tướng Lê Anh Thơ, Phó Chính ủy Quân khu thăm hỏi, tặng quà Thiếu tướng Vương Tuấn Kiệt.

   Gắn bó nhiều năm với B3, ông là một trong những người tham mưu chọn Buôn  Ma Thuột làm trận then chốt quyết định trong chiến dịch Tây Nguyên 1975. Thượng tướng, giáo sư Hoàng Minh Thảo, nguyên Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên đã viết trong hồi ký: “Khi bàn đến tình huống này, Đại tá Vương Tuấn Kiệt, Tham mưu trưởng Tây Nguyên, đã thốt lên: “Phải chi chúng ta có thêm 2 sư đoàn nữa để đánh ngay Buôn Ma Thuột”. Chúng tôi đã nhìn thấy khả năng này không những sẽ là bảo đảm vững chắc cho sự thông suốt của hành lang Bắc - Nam, là mục đích chiến dịch lúc ấy mà còn tạo được một địa bàn chiến lược rất cơ động”.

          Từ Mặt trận Tây Nguyên, ông về làm Phó Tư lệnh Quân khu 5 cho đến khi nghỉ hưu. Những người chiến đấu cùng với ông đã lần lượt ra đi. Không còn nhiều bạn để đàm đạo, ông  hàng ngày đọc sách, nói chuyện và động viên người vợ nằm tại chỗ từ nhiều năm nay. Ông vui nhất khi đón đoàn Bộ Tư lệnh Quân khu đến thăm nhân ngày lễ, tết. Những lúc đó, ông ăn mặc chỉn chu, gương mặt hồng hào, toát lên vẻ mạnh mẽ, tuấn kiệt như chính cái tên thật đẹp của ông.

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Bị lừa, một thiếu niên trốn về quê được Công an phường Điện An giúp đỡ
Hội Cựu chiến binh xã Điện Hồng bàn giao nhà nghĩa tình đồng đội
Điện Bàn, 24 đại biểu tham gia chuỗi hoạt động “Hành quân về nguồn”
Công an phường Điện Dương tuyên truyền pháp luật cho chủ cơ sở lưu trú, cơ sở ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.
Ban chỉ huy Quân sự thị xã Điện Bàn quy tập 3 hài cốt liệt sĩ tại phường Điện Nam Bắc
Ngày hội “Thanh thiếu nhi với pháp luật và văn hoá giao thông” năm 2025
UBND thị xã Điện Bàn tổ chức Lễ ra quân huấn luyện năm 2025
80 năm tiến bước dưới quân kỳ
Điện Bàn quê ta giải phóng rồi
Công an xã Điện Hồng kiểm tra, bắt giữ đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy
    
1   2   3   4   5  
    
Các tin cũ hơn:
Ngày xuân nhớ trận công đồn
Hai mẹ con đều là anh hùng
Những người giữ mạch máu thông tin
Cựu chiến binh giữa đời thường.
Sự hi sinh thầm lặng
Chúng tôi thành chiến sĩ
Thăm gia đình các quân nhân đang công tác trên quần đảo Trường Sa
Xã Điện An tổ chức Hội nghị tổng kết nhiệm vụ quốc phòng quân sự địa phương
UBND xã Điện Nam Đông triển khai nhiệm vụ Quốc phòng - Quân sự địa phương năm 2015
Thị trấn Vĩnh Điện tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ Quốc phòng- Quân sự địa phương năm 2014
    
1   2   3   4   5  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm