Năm 1949, 17 tuổi, anh tình nguyện vào quân đội làm lính trinh sát thuộc đơn vị 108, tiểu đoàn 50-Liên khu 5. Gần 3 năm cầm súng chiến đấu, nhiệm vụ nào của đơn vị giao, anh đều hoàn thành xuất sắc. Năm 1951, do tình hình kinh tế của đơn vị gặp nhiều khó khăn, thêm vào đó, sức khoẻ của anh giảm sút. Đơn vị động viên anh về địa phương để gia đình bồi dưỡng. Về quê chẳng được bao lâu, anh bị giặc Pháp bắt và giam tại nhà lao Con Gà Đà Nẵng. Năm 1953, anh được trả tự do về địa phương tiếp tục hoạt động cách mạng với chức vụ tiểu đội trưởng du kích. Thời gian này, anh cùng đồng đội mở nhiều trận tấn công phủ đầu đồn bốt giặc. Như trận công đồn Kiểm Bền, Thanh Quýt, Bồ Bồ... Anh trực tiếp tiêu diệt 2 tên lính Pháp và thu vũ khí. Chiến công này, anh Hạng được cấp trên biểu dương và khen thưởng.
Năm 1954, đất nước bị chia cắt. Anh được tổ chức tuyển chọn cho đi tập kết ra miền Bắc. Nhưng các đồng chí Huyện uỷ Điện bàn bấy giờ xét thấy anh cần phải ở lại địa phương để hoạt động và xây dựng cơ sở.
Những năm đầu, dưới chế độ Mỹ-Diệm, cách mạng nghìn cân treo sợi tóc. Gia đình anh đào hầm bí mật chở che nuôi giấu cán bộ lãnh đạo, như đồng chí Cao Sơn Pháo-Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam và các đồng chí cán bộ nằm vùng của Huyện uỷ Điện Bàn...
Luật 10/59 của Mỹ-Diệm ban hành. Châu Bí cũng như bao làng quê khác ảm đạm và thê lương. Bọn nguỵ tề lang sói luôn rình rập những gia đình cách mạng. Tại làng Châu Bí, gia đình anh, bọn chúng ghi vào sổ đen-gia đình can cứu số 1. Chúng quản thúc anh tại nhà. Sau đó, bọn chúng bắt giam anh tại Nha Thanh Quýt. Ngày học tập tố cộng, ban đêm sám hối. Ngày này qua đêm khác, song ý chí của người chiến sĩ cách mạng được anh tôi luyện tinh thần không nao núng. Cuối cùng, chúng trả tự cho anh. Năm 1961, theo chủ trương của trên chuẩn bị chiến dịch phá kèm. Anh được Huyện uỷ Điện Bàn chọn tham gia lớp học đấu tranh chính trị. Mãn khoá trở về địa phương với nhiệm vụ công tác phong trào và cán bộ thu mua lương thực huyện Điện Bàn. Thời gian này, anh như coi thoi ban ngày tích cực hoạt động công tác tuyên truyền vận động, ban đêm ở bến sông Cẩm Lý lo việc nhập hàng thu mua lương thực.
Đến tháng 10-1962, do tên phản cách mạng khai báo, bọn địch truy lùng và bắt anh. Kể từ ngày đó, cảnh ngục tù, tra tấn đến với anh. Tại nhà lao Vĩnh Điện, bọn cai ngục tra tấn anh rất dã man để tìm cơ sở cách mạng của ta.
- Mày phải khai công việc làm của mày. Mày mua lương thực cho ai? Cơ quan tỉnh huyện của cộng sản ở chỗ nào? Bọn giặc hỏi.
- Tôi không biết. Anh đáp.
Thế là nhục hình lại đến với anh. Suốt 7 ngày đêm chúng ra sức thẳng tay hành hạ. Nào xà phòng trộn với ớt cay đổ vào mũi, vào miệng. Cột chân rút tren sàn nhà. Rồi tàu thuỷ, tàu bay. Dã man hơn, bọn chúng dùng lửa thuốc điếu châm trên ngực, châm phần bụng. Nhưng anh nghiến răng chịu đau đớn, kiên quyết không khai. Bất lực trước tinh thấn đấu tranh kiên cường của anh, bọn chúng đưa tên phản bội trực tiếp đối chấp với anh.
- Hạng, mày với tao cùng học một khoá chính trị... Mày là tên thảo luận sôi nổi nhất trong khoá. Mày đừng giả vờ. Thôi, tau để cho mày một đêm suy nghĩ. Thế là một đêm trắng ngủ cùng với những vết thương tra tấn rát nhức, ngồi trong nhà ngục, vắt óc tìm câu trả lời sáng mai. Cuối cùng, anh quyết định, trà lời gì đó, chứ kiên quyết bảo vệ cơ sở.
- Chuyện đã rõ như ban ngày, mày khai đi. Mày học chính trị ở đâu? Bọn giặc hỏi.
Lúc đó, họ dẫn tôi đi ban đêm, về cũng ban đêm cho nên tôi không biết. Anh đáp.
Thế là cảnh nhục hình lại đến với anh.
Tháng 12-1962, chúng đưa anh vào nhà lao Hội An. Mãi đến tháng 10- 1964, chúng đày anh ra Côn Đảo. Tại đây, anh cùng bạn tù tiếp tục đấu tranh, như đấu tranh đòi quyền dân chủ dân sinh, chống chào cờ ba que, chống tâm lý chiến, chống tố cộng. Tháng 6-1965, niềm vui lớn đến với anh, đó là khi đi làm lao động khảo sai, anh tìm được cơ sở cách mạng Sở lưới tại Côn Đảo. Từ đó có cầu nối giữa cách mạng bên ngoài với tù nhân bên trong. Những thông tin, tài liệu của Đảng ở cơ sở anh đều chuyển vào nhà giam để anh em nắm bắt tình hình. Chuyện chuyển tài liệu vào nhà giam bị địch phát hiện, mãi đến bây giờ, ngoài 70 tuổi, anh vẫn còn nhớ: Cơ sở giao tôi chuyển vào nhà giam thư thăm hỏi anh em tù nhân Côn Đảo của Trung ương Cục miền Nam. Nhận được thư, tôi chuyển sang viết tay, rồi mới chuyển đến anh em chứ không đánh máy, in ấn. Nhưng trong số tù nhân có người thiếu bản lĩnh cách mạng khai báo cho địch. Thế là bọn cai ngục thẳng tay trừng trị. Chúng bắt 5 đồng chí khai thác. Thấy anh em bị tra khảo, tôi quyết định mình làm mình chịu, để chúng đừng tra khảo anh em. Vì vậy, suốt 20 ngày đêm, bọn cai ngục tra tấn tôi một cách man rợ.
- Thư đó ở đâu mày có? Bọn cai ngục hỏi.
- Thư đó là của tôi tự viết. Chứ thư của Trung ương Cục mà viết tay... -Anh đáp.
- Bây giờ mày viết lại để chúng tao xem có phải là chữ của mày không? Bọn cai ngục hỏi.
- Mấy ông đánh tôi tay chân sưng vù như thế này làm sao tôi viết được- Anh đáp.
- Và cứ như thế, nhục hình tái diễn trên thân thể đầy thương tích của anh.
Bọn chúng xét thấy anh một tên cộng sản khá nguy hiểm, chúng giam anh vào chuồng cọp. Mãi năm 1974, anh mới được bọn chúng trao trả lại Lộc Ninh. Tại đây, anh được các bạn tù tín nhiệm, giới thiệu là một tù nhân trung kiên với cách mạng. Theo đó, tổ chức giao anh nhiệm vụ mới, trưởng đoàn xây dựng trường Đảng Khu 5. Sau đó, anh chuyển công tác cán bộ phong trào. Đầu năm 1975, do sống dưới chế độ nhà tù thực dân- đế quốc quá hà khắc, sức khoẻ của anh suy giảm, tổ chức cho anh sang Trung Quốc nghỉ dưỡng và chữa bệnh, rồi về hưu ở làng Châu Bí. Trở về quê hương, anh sống bình dị với ruộng đồng. Nhưng những năm sống trong lao tù luôn sống mãi trong anh. Nơi đó đã rèn luyện cho anh lòng trung thành với Đảng, với nhân dân.