Làng Cẩm Văn, xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn với vị trí chiến lược nằm ở phía bắc đường 100, bên sông Bình Phước nên vừa là cửa ngõ, vừa là hậu phương quan trọng vùng A, B Điện Bàn. Tại Cẩm Văn có thời kỳ từng là nơi một số bộ phận của cơ quan Huyện ủy Điện Bàn, Tỉnh ủy Quảng Đà, các đơn vị bộ đội chủ lực đóng quân nhằm lãnh đạo kháng chiến và làm bàn đạp tấn công cứ điểm địch ở Ái Nghĩa, Bồ Bồ. Do vậy mà làng Cẩm Văn luôn là địa bàn ác liệt, trọng điểm đánh phá, khủng bố của kẻ thù trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Nhưng với tinh thần "không có gì quý hơn độc lập, tự do",“giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Điện Văn (nay là Điện Hồng) dù mưa bom bão đạn, suốt cả thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, với hàng trăm cuộc xúc tác dân vào khu dồn Cẩm Lý, Cẩm Phước, nhưng nhân dân đấu tranh và trở về làng, nơi đây là địa bàn luôn có trên 150 hộ dân bám trụ kiên cường với tinh thần “một tấc không đi, một ly không rời”, nhờ vậy mà cán bộ, du kích, bộ đội có chỗ dựa để hoạt động, bám đất, bám làng, ngày đêm kiên cường chiến đấu, lập nhiều chiến công vẻ vang.
Trong kháng chiến chống Mỹ làng Cẩm Văn được biết đến như là một hậu phương quan trọng, nơi không những cung cấp về lương thực, thực phẩm, thuốc men phục vụ cho cán bộ, du kích tại hai xã Điện Xuân, Điện Văn, mà còn là đầu mối cung cấp nguồn lương thực, thuốc men, các vật dụng phục vụ cho kháng chiến của huyện Điện Bàn, của tỉnh Quảng Đà và các đơn vị bộ đội địa phương, chủ lực.
Để có được ngày vui giải phóng, Đảng bộ và nhân dân xã Điện Hồng nói chung, làng Cẩm Văn nói riêng, không bao giờ quên sự cống hiến, hy sinh xương máu của biết bao đồng chí, đồng bào đã ngã xuống. Riêng làng Cẩm Văn đã có hàng trăm người con tham gia kháng chiến, ngày hòa bình về số gia đình có công cách mạng đã được Nhà nước công nhận 225 liệt sĩ, 101 thương bệnh binh, 86 hội viên tù yêu nước và 53 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hiện 6 mẹ còn sống).
Trong không khí ấm cúng, thân mật của buổi gặp mặt lần đầu tiên sau 40 năm giải phóng quê hương, hơn 200 đồng chí, đồng bào là những cán bộ, du kích, người dân bám trụ tại làng và nơi xa quê trở về đều bồi hồi xúc động và vui mừng trước sự đổi thay, phát triển của quê hương. Một số bà con, nhất là các đồng chí Trần Ngọc Thành, Trần Phú, Lê Ngọc Ba nguyên là Bí thư xã Điện Văn, Điện Hồng trước đây đã phát biểu và bày tỏ lòng kính trọng biết ơn đến với các gia đình bám trụ kiên cường bảo vệ Đảng, nuôi dấu cán bộ, du kích hoạt động và tri ân biết bao đồng chí, đồng bào đã ngã xuống cho quê hương được giải phóng, hòa bình. Đồng thời cũng cảm ơn Ban liên lạc cán bộ, du kích và nhân dân làng Cẩm Văn đã tổ chức cuộc họp mặt. Cuộc hội ngộ lần này là niềm vinh dự, là điểm kết nối truyền thống anh hùng giữa các thế hệ đã một thời sống chiến đấu trên quê hương Cẩm Văn.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Trương Ngọc Năm, Bí thư Đảng bộ xã Điện Hồng đã chia xẻ niềm vui chung trong ngày gặp mặt đầy xúc động sau 40 năm giải phóng quê hương của cán bộ, du kích và nhân dân bám trụ làng Cẩm Văn. Đồng thời nhấn mạnh làng Cẩm Văn trước đây, nay được chia thành 3 thôn: Cẩm Văn Nam, Cẩm Văn Bắc, Cẩm Văn Tây, các đồng chí lãnh đạo trong các thôn cần phải chú ý thực hiện đảm bảo tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh, gia đình chính sách, vận động nhân dân cùng đồng lòng và chung sức xây dựng nông thôn mới trên từng thôn, để góp phần vào xã Điện Hồng đạt xã nông thôn mới.