Sau khi Chỉ thị 54-CT/TW, ngày 30/11/2005 của Ban Bí thư về "Tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới" được ban hành, Thị ủy đã tổ chức hội nghị triển khai quán triệt thực hiện Chỉ thị 54-CT/TW tới toàn thể cán bộ, đảng viên và các hội đoàn viên trong toàn thị xã, đồng thời thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS của thị xã do đ/c Phó Chủ tịch UBND thị xã phụ trách văn hóa-xã hội làm trưởng ban và với các thành viên nòng cốt là các ngành y tế, công an, tập trung phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phòng chống HIV/AIDS. Ban chỉ đạo tại 20/20 xã-phường được thành lập và kiện toàn, trong đó ngành y tế là cơ quan thường trực để tham mưu tổ chức thực hiện.
Xác định HIV/AIDS là một căn bệnh nguy hiểm đối với xã hội, ngành y tế của huyện đề ra chủ trương trong phòng chống HIV/AIDS lấy dự phòng là chính, đồng thời chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông, trong 10 năm thực hiện Chỉ thị, công tác phòng, chống HIV/AIDS luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền và sự tham gia tích cực của các tổ chức Mặt trận-đoàn thể nên hoạt động thông tin giáo dục, phổ biến kiến thức được thực hiện khá mạnh. Định kỳ hàng tuần có chuyên đề tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS trên hệ thống Đài truyền thanh của huyện; các trạm y tế xã chủ động phát tờ rơi, tổ chức tuyên truyền cho chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nhất là phụ nữ mang thai. Đồng thời, xây dựng nhiều pano, băng rôn để tuyên truyền trực quan tại cộng đồng khu dân cư, nhà sinh hoạt văn hóa thôn, khối phố. Hội LHPN, Đoàn thanh niên, Hội Nông dân các xã đã chủ động phối hợp với các ngành cấp trên tổ chức lớp tập huấn về các tác hại và cách phòng, chống HIV/AIDS. Phong trào "Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” được triển khai ở các xã-phường và các khu du lịch. Tổ chức các đội xe lưu động, phát tờ rơi, treo băng rôn, áp phích về cách phòng, chống HIV/AIDS vào tháng 6 và tháng 12 hàng năm được thực hiện có hiệu quả. Thông qua các buổi tuyên truyền, các lớp tập huấn đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của từng hội viên, đoàn viên và gia đình, xã hội về phòng, chống HIV/AIDS.
Ngành y tế huyện đã tổ chức thực hiện giám sát phát hiện, tư vấn, xét nghiệm sàng lọc cho 250 đối tượng có nguy cơ cao, phối hợp với khoa sản bệnh viện Đa khoa Khu vực Quảng Nam, bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức thực hiện tốt công tác dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Giúp đỡ và giới thiệu 85% bệnh nhân đến Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Quảng Nam tiếp cận điều trị ARV.
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 54-CT/TW, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn thị xã đã đạt được những chuyển biến tích cực. Với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Thị uỷ-HĐND-UBND thị xã, UBND các xã-phường, Ban chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS từ thị xã đến cơ sở đã góp phần huy động sự tham gia tích cực của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong việc phòng, chống HIV/AIDS, đây là cơ sở quan trọng để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 54 trên địa bàn thị xã. Bên cạnh những kết quả nổi bật nêu trên, việc thực hiện Chỉ thị trong 10 năm qua còn bộc lộ một số những hạn chế, đó là: Ban chỉ đạo các cấp hoạt động chưa hiệu quả, đội ngũ cán bộ chuyên trách vừa thiếu, vừa yếu, kiêm nhiệm nhiều việc; kinh phí và chế độ đãi ngộ chưa được quan tâm đúng mức đối với cán bộ tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS
Để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 54 -CT/TW trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như: Tiếp tục quán triệt Chỉ thị 54-CT/TW của Ban Bí thư sâu rộng trong cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân trong thị xã. Duy trì và đẩy mạnh các hoạt động phòng chống HIV/AIDS lấy dự phòng là chính; tiếp tục thực hiện tốt công tác thông tin, giáo dục truyền thông thay đổi hành vi; hướng dẫn thực hiện hành vi an toàn phòng lây nhiễm HIV/AIDS. Thực hiện tốt các hoạt động phòng chống HIV/AIDS trong lĩnh vực y tế; quản lý bệnh lây truyền qua đường tình dục; không kỳ thị, phân biệt đối xử; giúp người bệnh HIV/AIDS hoà nhập với cộng đồng. Tiếp tục kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của các ban chỉ đạo, đội ngũ cộng tác viên làm công tác phòng chống HIV/AIDS từ thị xã đến cơ sở.
Phòng, chống HIV/AIDS vừa là nhiệm vụ cấp bách vừa là nhiệm vụ lâu dài, để triển khai thực hiện đạt kết quả tốt, các cấp, các ngành trong thị xã cần phải có nhận thức đúng đắn về những hiểm hoạ của “căn bệnh thế kỷ” đối với sự phát triển của xã hội; từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm huy động sự tham gia của toàn hệ thống chính trị và của toàn xã hội để phòng, chống HIV/AIDS có hiệu quả.