Sau khi có Chương trình hành động của Huyện ủy, tất cả các tổ chức cơ sở đảng đã xây dựng chương trình thực hiện chỉ thị; đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp cụ thể, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đưa nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác xây dựng gia đình vào các nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương hằng năm; là tiêu chí để xem xét, đánh giá; khen thưởng của cơ quan, tổ chức hằng năm. Đối với nhân dân, là tiêu chí để xét công nhận “gia đình văn hoá”.
Từ đó, trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, các ngành, các đoàn thể, tổ chức xã hội và toàn dân về gia đình và công tác gia đình được đề cao, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng gia đình văn hóa. Các địa phương trong thị xã đã tổ chức phát động thi đua sâu rộng trong từng gia đình, từng thôn, khối phố và đã đạt được những kết quả tốt. Qua phong trào thi đua, mỗi năm có thêm nhiều gia đình văn hóa, gia đình kiểu mẫu, gia đình hiếu học được công nhận.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị, tình hình gia đình và công tác gia đình đã có tiến bộ nhiều mặt. Sự hưởng ứng và tham gia của gia đình vào các phong trào hoạt động xã hội hết sức đa dạng phong phú, góp phần xây dựng gia đình phát triển bền vững. Nhiều gia đình tích cực tham gia các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; “Đền ơn đáp nghĩa”, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”; xây dựng Tộc văn hóa, Thôn văn hóa, xã văn hóa ... góp phần tăng cường mối liên kết gia đình, tình đoàn kết, sẻ chia và hỗ trợ trong cộng đồng; phòng, chống các tệ nạn xã hội xâm nhập và tấn công vào các thành viên gia đình. Phong trào “Gia đình hiếu học”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “ xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, bình đẳng và hạnh phúc.”… nhiều hội thi với các chủ đề phong phú được tổ chức hằng năm nhân ngày Gia đình Việt Nam (28/6) như: Gia đình thể thao, gia đình văn hoá... là những hoạt động thiết thực và trở thành nguồn động viên quan trọng trong cuộc sống gia đình. Qua đó các gia đình có được cơ hội nâng cao kiến thức, hiểu biết và rèn luyện các kỹ năng sống và ứng xử. Trong những năm gần đây, các mô hình gia đình phát triển bền vững của nông dân, phụ nữ như: “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”, “Tín dụng gia đình”... được triển khai có hiệu quả, giúp nhiều gia đình, đặc biệt các gia đình khó khăn thoát khỏi nghèo đói.
Thông qua các phong trào, các hoạt động nhiều hộ gia đình văn hóa xuất sắc, tiêu biểu được cấp trên biểu dương khen thưởng. Năm 2007, vinh dự có 02 hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tiếp (Điện Phương) và bà Đinh Thị Thục (Điện Nam Bắc) tham dự Hội nghị Gia đình Việt Nam tiêu biểu xuất sắc toàn quốc. Năm 2013, có hộ gia đình bà Nguyễn Thị Mai (Điện Tiến) được Trung ương khen tặng là gia đình văn hóa tiêu biểu toàn quốc. Cuối năm 2014, có 46.766 hộ đạt gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 92,4% tăng 9,4% so với năm 2009; có 130/182 thôn khối phố đạt danh hiệu thôn, khối phố văn hóa.
Trong 10 năm, thị xã Điện Bàn đã cho ra mắt 20 Câu lạc bộ phòng chống Bạo lực gia đình; mô hình Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, “Người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan” ở 20 xã-phường, điển hình tiêu biểu như xã Điện Minh, Điện Phước, Điện Hòa, Điện Quang, Điện Phong, Điện Trung.... Năm 2013, triển khai mô hình CLB tuyên truyền đạo đức lối sống trong gia đình ở xã Điện Phước và Điện Hòa. Năm 2013, Phòng VH-TT phối hợp vói Hội LHPN và Phòng LĐTB-XH huyện tổ chức hội thảo chuyên đề “Gia đình–trẻ em”. Đây thật sự là những mô hình có tác dụng tốt đến xây dựng gia đình phát triển bền vững.
Chính những mô hình này đã góp phần làm cho ông bà, cha mẹ luôn gương mẫu trong mọi lĩnh vực, là tấm gương sáng cho con cháu noi theo, trẻ em luôn chăm ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ. Tạo sự gắn kết các thành viên trong gia đình, làm cơ sở xây dựng gia đình phát triển bền vững, tình làng nghĩa xóm ngày càng vẹn toàn, làm tròn nghĩa vụ công dân. Các hoạt động trên đã góp phần củng cố thiết chế gia đình, đồng thời thông qua đó các gia đình thực sự tham gia và phát huy vai trò của mình vào sự nghiệp xây dựng gia đình trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước.
Ngoài những mô hình trên, phong trào xây dựng tộc họ văn hoá cũng đã góp phần xây dựng gia đình có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, ổn định và nâng cao chất lượng dân số, phát triển nguồn nhân lực xây dựng đất nước. Vai trò của tộc họ thể hiện rõ nét trong công tác tuyên truyền, vận động từng hộ, từng gia đình, từng cặp vợ chồng nâng cao kiến thức xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ. Để giữ gìn nề nếp gia phong, thanh danh dòng tộc, hằng năm nhiều tộc họ tổ chức họp mặt các thành viên trong tộc để biểu dương, động viên các gia đình ít con, hạnh phúc, con cái học hành, làm ăn thành đạt, vận động bà con trong xóm, trong tộc đóng góp giúp đỡ trẻ em bị khuyết tật, vận động con cháu ra lớp không bỏ học giữa chừng; phối hợp cùng với chính quyền địa phương và có nhiều biện pháp để cảm hoá, ngăn ngừa trẻ em hư, vi phạm pháp luật... Phong trào xây dựng tộc họ văn hoá tạo ra hình mẫu cho thế hệ trẻ phát triển về nhân cách, lối sống làm nền tảng vững chắc cho gia đình.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế: Một số cấp uỷ, chính quyền chưa quan tâm đúng mức; công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW ở các địa phương, ban ngành, đoàn thể chưa được thường xuyên; một số địa phương đề ra chương trình, kế hoạch về công tác gia đình còn chung chung thiếu sự phân công cán bộ, đảng viên theo dõi, đôn đốc thực hiện. Trong vài năm gần đây tỷ lệ người sinh 3+ ở một số địa phương còn cao đã ảnh hưởng đến chất lượng dân số và cải thiện đời sống nhân dân. Vai trò tham mưu của cán bộ làm công tác gia đình còn hạn chế, một số cán bộ chuyên trách cơ sở hầu hết kiêm nhiệm, chế độ đãi ngộ còn thấp nên hiệu quả công tác chưa cao. Mối quan hệ, phối hợp giữa các ngành, đoàn thể trong công tác gia đình có nơi, có lúc chưa chặt chẽ, đồng bộ. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền giáo dục các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác gia đình còn hạn chế cho nên nhận thức của một số bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò của gia đình và công tác gia đình trong thời kỳ CNH-HĐH chưa đầy đủ, nên còn tình trạng một số gia đình có điều kiện nhưng chưa làm tốt công tác xây dựng gia đình; bảo vệ chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; nhiều trường hợp vi phạm pháp luật.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác gia đình trong thời gian tới, cần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác gia đình gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong việc thực hiện công tác xây dựng và phát triển gia đình, gắn với việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới của thị xã. Thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, quan tâm hơn nữa đến các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, tuyên truyền, phổ biến Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới… nhằm nâng cao nhận thức người dân về vị trí, vai trò của gia đình trong thời kỳ mới. Bên cạnh đó, cần kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực gia đình; vận động xã hội đấu tranh, phê phán các hành vi thiếu trách nhiệm, bạo lực trong gia đình; kịp thời biểu dương, khen thưởng những gia đình điển hình, những địa phương, đơn vị thực hiện tốt công tác gia đình. Chính quyền các cấp cần gắn công tác gia đình với phong trào“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, mà trọng tâm là phong trào xây dựng gia đình văn hóa; hàng năm cân đối, bố trí kinh phí từ ngân sách cho hoạt động sự nghiệp gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; kiện toàn, củng cố và nâng cao năng lực bộ máy làm công tác gia đình từ thị xã đến cơ sở để thực hiện tốt công tác xây dựng gia đình.