Nội dung chi tiết

CHUYỆN VƯỢT NGỤC Ở NHÀ LAO HỘI AN
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 16/02/2009 .Lượt xem: 4909 lượt. [In bài]

Phạm Nên

(Ghi theo lời kể của ông Lê Thăng, lão thành cách mạng ở làng Giáo Ái, xã Điện Hồng) 

 

            Là một cán bộ ở miền Nam tập kết ra Bắc, đầu năm 1962, tôi được trên cử vào Thường Tín học tập hai tháng rưỡi ( cả về chính trị, quân sự) để chuẩn bị vào Nam. Sau gần hai tháng đi đường Trường Sơn, đến ngày 20 tháng 4 năm 1962, tôi về đến căn cứ Quảng Nam.

           Người tôi gặp đầu tiên là anh Nguyễn Tất Thắng, cán bộ Ban tổ chức Tỉnh uỷ đã phổ biến cho tôi nắm rõ tình hình ở miền Nam và kinh nghiệm trong phong trào Đồng Khởi ở Bến Tre. Sau đó, tôi được tổ chức bố trí về huyện Điện Bàn. Nghỉ được một hôm, huyện uỷ phân công tôi đứng chân ở xã Kỳ Tân( tức Điện Hồng bấy giờ)

            Trở lại quê hương lúc Mỹ- Diệm đang ráo riết đánh phá phong trào cách mạng, nhưng tôi luôn vững lòng tin vào Đảng, vào cách mạng và quyết tâm nhận bất cứ nhiệm vụ gì được Đảng phân công. Ngày 26-4-1962, Huyện uỷ Điện Bàn phân công anh Trần Kiện về vùng A họp cán bộ chủ chốt ở cơ sở để tìm cách đánh vào cơ quan xã Kỳ Tân. Mục đích của trận đánh này là phải bắt cho được tên xã trưởng và tên cảnh sát trưởng.

Sau khi vừa họp xong, đúng 14 giờ chiều cùng ngày, ta ém ba chiến sĩ vũ trang ở nhà bà Võ Thị Sam, cách cơ quan xã Kỳ Tân 50 mét. Một giờ sau, du kích nổ súng giữa lúc bọn tề xã đang họp với nhóm thanh niên cộng hoà. Kết thúc trận đánh, ta bắt được 4 tên ấp trưởng, một số thanh niên cộng hoà, còn tên xã trưởng và tên cảnh sát trưởng thì bỏ chạy. Ngay tối hôm đó, mặt trận xã tổ chức họp dân và buộc các tên bị bắt làm cam đoan không làm tay sai cho địch nữa mới được thả về. Tại buổi mít-tin, tôi được anh Trần Kiện phân công phổ biến trước dân về cương lĩnh Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam để dân hiểu và góp sức cùng với mặt trận đấu tranh giải phóng quê hương.

Hai ngày sau, bọn địch tổ chức truy lùng ráo riết. Khắp nơi trong xã đều nghe có tiếng súng nổ. Do chưa đào được hầm bí mật nên anh Trần Kiện, ban ngày né tránh ở xóm vạn ghe, tối lén ra hoạt động. Còn tôi thì tìm cách né tránh ở thôn Tuý La. Sau khi tạm lánh ở nhà bà Dương, bà Xứng hai ngày cảm thấy yên ắng nên đến tối, tôi mới tìm cách đào hầm trong vườn để núp tiếp tục hoạt động. Không ngờ, vào sáng ngày 01-5-1962, có một cậu bé trong lúc lùa trâu đi ăn cỏ, bỗng phát hiện có một cái hầm bí mật đang có người rúc lên, nên nó bỏ trâu chạy về báo với tên thôn trưởng làng Giáo Ái.

Nhận được tin, cả bọn hội đồng hương chính xã Kỳ Tân xông tới, ném lựu đạn tới tấp về phía hầm bí mật tôi ở. Quyết không nao núng, tôi vượt hầm chạy thẳng lên hướng Tây rồi quay lại chạy qua Đồng Trại, bọn địch cứ thế rượt đuổi tôi. Không ngờ, lúc ấy có chiếc máy bay L19 của địch phát hiện quầng lượn 2 vòng, nên tôi rúc vào hàng tre, hàng chuối trong xóm, rồi tháo lui chạy ra hướng bàu nước. Khi thấy 5 tên dân vệ đang bao vây mình, tôi còn một quả lựu đạn nên vội rút kíp nổ nhắm hướng bọn nó quăng tới, nhưng lựu đạn không nổ và thế là tôi bị địch bắt vào chiều ngày 01-5-1962.

Sau khi bị bắt, bọn chúng còng tay tôi và dẫn về Ái Nghĩa giam giữ, liên tục tra tấn suốt cả đêm. Đến sáng ngày hôm sau, bọn nó bịt mắt và đưa tôi ra Sơn Trà (Đà Nẵng) giam 1 tháng rồi chuyển tiếp về nhà lao Hội An.

Vào nhà tù, bọn địch hết tra tấn rồi lại dụ dỗ nhưng tôi quyết không hé răng khai báo. Những người trong tù lúc ấy cùng ở với tôi có Tiên ( cháu kêu tôi bằng cậu) Ký, Thông, Đợi, Trọng. Cả 6 anh em bị bọn chúng nhốt voà 6 phòng giam. Mỗi phòng giam tựa như một cái vòm, trên nền trần đổ mê ximăng, tường xây gạch, cửa ra vào có khoét một cái lỗ để khi tù nhân ngủ, thì bọn giám thị buộc bỏ một cái chân qua các lỗ ấy đưa ra ngoài cùm lại và răn đe tù nhân: “ Bọn bay muốn vượt ngục thì chặt một cái chân để lại rồi đi”. Đêm đêm bọn nó đi tuần tra thấy có cái chân là chắc chắn có tù nhân bên trong. Bị cùm một cái chân, nên không đêm nào 6 anh em tôi tròn được giấc ngủ. “ Trong cái khó ló cái khôn”, lúc ra ngoài tắm rửa, đi vệ sinh, bọn tôi mới rủ nhau bàn bạc kế hoạch làm chân giả để lừa bọn giám thị trật tự. Thế là sau mỗi bữa ăn, bọn tôi để lại một chiếc đũa và xé quần cũ quấn bên ngoài làm chân giả. Do ban ngày, chúng nó không cùm chân để đi lại tự do trong xà lim nên lợi dung trưa vắng bọn giám thị, trật tự đi ngủ, nên tôi thò tay ra ngoài lỗ cửa quan sát cái cùm mỏ vịt để tìm kế mở cùm.

Khi đi ra ngoài, bọn tôi đo từ mỏ vịt của cùm đến cổ chân và đỡ mỏ vịt lên xem thấy có cách mở được. Một sáng kiến loé ra trong tù. Sử dụng một đoạn thép uốn cong, đỡ mỏ vịt lên, đẩy dây thép vào miệng cùm, mỏ vịt bật ra... Thế là ý định vượt ngục bắt đầu từ đấy.

            Đêm đêm dưới ánh đèn lờ mờ, bọn trật tự đứng từ phía xa nhìn tới xà lim, thấy có chân( chân giả) nên chúng nó cứ yên tâm ngủ, không để ý đến các buồng giam. Lợi dụng sơ hở đó, anh em tù chúng tôi tìm mưu kế vượt ngục.

            Thông thường, buổi trưa, bọn chúng không giam để tù nhân ra ngoài phòng giam. Cạnh xà lim có một cái giếng nước, ngày ngày có một ngườ i( thuộc đối tượng tốt) ra vào gánh nước đổ vào bể cho tù nhân tắm rửa. Anh em nhờ họ kiếm giúp 2 khúc sắt 10 bỏ vào thùng nước gánh vào trại giam rồi bí mật trao cho anh em tù. Có được 2 khúc sắt, chúng tôi chuyền nhau cạy tường. Vì bờ tường phòng giam xấy bằng vôi nên cạy đến đâu là mạch hồ rớt đến đấy. Sáu anh em cứ âm thầm mỗi người phá thủng một bờ xông, rồi tìm hướng rúc ra.

            Nhưng ra hướng nào để tránh sự phát hiện của lính gác. Lúc đầu dự định phá hệ thốc điện nhưng sợ bị lộ. Một kế hoạch mới đưa ra là lợi dụng bọn trại giam tổ chức văn nghệ, thì trong tù đồng loạt đục tường. Tiếng hát, tiếng ca phát ra từ chiếc loa phóng thanh rất lớn nên đục phòng giam không ai nghe được. Văn nghệ xong, bọn lính mệt mỏi đi ngủ, còn anh em tôi thì lén bò ra ngoài và cả 6 người vượt ngục ra khỏi nhà lao vào lúc 3 giờ sáng ngày 17-01-1964.

            Sau khi vượt qua được các lớp hàng rào nhà lao Hội An, 6 anh em chúng tôi men theo đường đồng ra xóm. Khi phát hiện có một thửa ruộng lớn cỏ mọc um tùm, bốn phía bờ có đụn cát mọc đủ loại cây, nên tôi và các anh Thông, Đợi, Trọng vào tìm chỗ núp vì lúc này trời đã gần sáng. Còn Tiên, Ký thì lại xuống mương thuỷ lợi ven lùm cỏ rúc vào để trốn nhằm đợi đến tối đi tiếp. Cuộc vượt ngục tưởng đâu như thế là trót lọt, nào ngờ đến 14 giờ chiều, dân trong xóm thả bò ra bờ mương để ăn cỏ, đi đến gần phát hiện thấy 2 người đang núp dưới bờ cỏ nên hốt hoảng bỏ chạy.

            Thấy vậy, bọn dân vệ trong xóm đánh mỏ báo động inh ỏi, còn Tiên và Ký bị lộ nên thoát chạy. Chạy được 2 cây số trên đồi cát vì bị đạp gai, đạp mẻ chai vào chân nên cả hai người kiệt sức. Bọn địch rượt đuổi theo, bao vây bốn hướng và tóm được Tiên, Ký tống vào giam tiếp ở nhà lao Hội An. Vào tù, bọn giám thị tra hỏi Tiên, Ký:

Bốn người kia chạy mô rồi?

Không biết, mấy đứa tôi vượt ngục mạnh đứa nào đứa nấy chạy!

Trong lúc đó, bốn người ngồi trong đùn cát không bị lộ nên cứ co mình chờ tới tối tìm đường đi tiếp. Thế là suốt 6 ngày nhịn đói, đi bộ, 4 anh em chúng tôi mới về được đến nơi. Bản thân tôi thì sau khi đến đình Cẩm Sa phát hiện có chiếc ghe nằm ven sông, lấy ghe chèo qua sông lên Thanh Quýt, qua đường quốc lộ và tìm về đến làng Kỳ Tân.

            Cuộc vượt ngục thành công, tôi được công tác của huyện đưa về căn cứ Ô Rây, rồi quay về xã làm đội trưởng đội công tác lãnh đạo quần chúng phá kèm và tiến đến giải phóng xã Kỳ Tân vào cuối tháng 11 năm 1964.

            Bây giờ, tôi đã chín mươi mốt tuổi đời, năm mươi sáu năm tuổi Đảng, nhưng với hình ảnh vượt ngục ở nhà lao Hội An mãi mãi là kỷ niệm không bao giờ quên.

 

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Một lòng theo Đảng
Người con gái Gò nổi 2 lần gặp Bác.
NGƯỜI CON GÁI VIỆT NAM
VÕ NGHĨA NGƯỜI TỬ TÙ NĂM ẤY
TÔN VINH NGƯỜI MẸ ANH HÙNG
SINH HOẠT ĐẢNG TRONG TÙ
SÁNG NGỜI HUYỀN THOẠI NỮ ANH HÙNG
NGUYỄN CHẮT BỊ ĐÀY ĐI NHIỀU NƠI GIAM GIỮ CỦA MỸ- NGỤY
NGƯỜI CON GÁI QUÊ HƯƠNG 7 DŨNG SĨ
NGƯỜI CON GÁI ĐIỆN TRUNG
    
1   2  
    
Các tin cũ hơn:
CHỊU NHỤC HÌNH ĐỂ BẢO VỆ CƠ SỞ
CẢ BA MẸ CON ĐỀU BỊ ĐỊCH BẮT Ở TÙ
VƯỢT LAO TỐ CÁO QUÂN THÙ RỒI LẤY DAO MỔ BỤNG HY SINH
LÊ NGỌC GIÁ NGƯỜI CON KIÊN TRUNG CỦA ĐIỆN DƯƠNG
NGUYỄN HỮU LỲ TUỔI NHỎ CHÍ LỚN LÀM VIỆC ANH HÙNG
NGUYỄN HỮU LẤT NGƯỜI CHIẾN SĨ CÁCH MẠNG TRUNG KIÊN
ANH PHAN ĐÌNH TỰU

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm