Đến thời chống Mỹ, đồn được củng cố thêm tám lớp rào kẽm gai và cài mìn dày đặc, bố trí một trận địa cối 81mm, quân số có lúc lên đến trên đại đội lính địa phương quân. Với hệ thống phòng ngự như vậy nên bọn địch rất chủ quan tuyên bố rằng: “Khi nào nước sông Thanh Quýt chảy ngược thì Việt Cộng mới đánh được đồn Ngũ Giáp”
Cuối năm 1965, chiến sự trên khắp chiến trường miền Nam diễn ra quyết liệt, Mỹ và chư hầu tiếp tục tăng quân mở cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất (1965-1966). Trên chiến trường Quảng Đà, đặc biệt ở Điện Bàn, chúng huy động tổng lực các lực lượng, liên tục càn quét, đánh phá ác liệt. Quân Mỹ tăng cường lực lượng và trang bị tại các đồn bốt, các căn cứ lớn dọc tuyến đường giao thông phục vụ cho việc cơ động, hành quân. Đồn Ngũ Giáp là một trong những cứ điểm quan trọng của chúng lúc bấy giờ.
Về phía ta, thực hiện Nghị quyết 12 của Trung ương Đảng (12/1965), tháng 1/1966 Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Đà phát động phong trào “Toàn dân đánh giặc”, Huyện ủy Điện Bàn phát động phong trào tìm ngụy mà đánh, tìm Mỹ mà diệt trong các lực lượng vũ trang. Các đội du kích các xã liên tục tổ chức tấn công vào các đồn bốt của địch với nhiều trận đánh gan dạ, mưu trí sáng tạo làm cho kẻ thù khiếp sợ. Tiêu biểu nhất là trận tiến công Đồn Ngũ Giáp (xã Điện Thắng) vào lúc 12 giờ trưa ngày 14/7/1966 của Du kích Điện Thắng và Đại đội 1 bộ đội địa phương huyện.
Sơ đồ trận đánh Đồn Ngũ Giáp năm 1966
Sau nghi nghiên cứu tình hình, du kích xã Điện Thắng mà đứng đầu là đồng chí Trần Kỳ xã đội trưởng đã xây dựng phương án đánh đồn Ngũ Giáp bằng xe bò giữa ban ngày, phương án được các cấp phê duyệt, đồng thời giao trách nhiệm cho Đại đội 1 của huyện và du kích xã Điện Thắng, Điện An sử dụng lực lượng tiến công đồn Ngũ Giáp theo phương án đã trình. Trận đánh do đồng chí Hồ Hy – Đại đôi trưởng và đồng chí Trần Kỳ xã đội trưởng Điện Thắng chỉ huy.
Đồng chí Trần Phước Kỳ, một trong những đồng chí chỉ huy trận đánh Đồn Ngũ Giáp
Căn cứ nhiệm vụ được giao và đặc điểm, địa hình, địa thế của đồn. Cấp ủy, Ban chỉ huy xã đội và Đại đội 1 đã hình thành sa bàn, tổ chức tập luyện tại thôn Viêm Tây xã Điện Thắng.
Lực lượng tham gia chiến đấu được bố trí thành ba bộ phận.
(1)Bộ phận chủ yếu: gồm mười tám đồng chí, trong đó có năm nữ (hầu hết là đảng viên hợp pháp), chín chiến sỹ đại đội 1, chín du kích xã có do đồng chí Trần Kỳ xã đội trưởng và đồng chí Nguyễn Thị Tranh xã đội phó chỉ huy. Bộ phận này chia làm ba tổ, cải trang thành người dân lao động sử dụng ba chiếc xe bò kéo phân chuồng ra đồng bón lúa, mỗi xe một người kéo, một người đẩy[1], nằm trong mỗi xe bò có ba bộ đội, một du kích, phía trên đậy tấm cót tre, đổ phân lên để ngụy trang. Theo phương án bộ phận nầy tập kết tại Nhà Ông Củng thôn Viêm Tây cách mục tiêu hai km, thời gian xuất phát lúc 11 giờ 30 phút, đến 12 giờ đội hình tiến đến cổng đồn bất ngờ bật dậy diệt bọn lính gác rồi xông vào tiến công tiêu diệt địch.
(2)Bộ phận thứ 2: Sử dụng một trung đội phối hợp với du kích xã Điện An bố trí trận địa phục kích ở thôn Phong Nhất, Phong Nhị có nhiệm vụ sẵn sàng đánh địch từ Vĩnh Điện cơ động ra chi viện cho Đồn Ngũ Giáp.
(3)Bộ phận thứ 3: Du kích Điện Thắng sử dụng lực lượng bí mật giấu quân ở Bồ Mưng[2], khi trận đánh diễn ra thì cơ động chặn đường số 1, không cho xe và người qua lại, có lực lượng du kích mật và quần chúng cốt cán canh gác, hỗ trợ.
Sáng ngày 14-7, tất cả các bộ phận đã hoàn thành công tác chuẩn bị, sẵn sàng xuất phát tiếp cận mục tiêu.
Đúng 11 giờ 30 phút, các bộ phận bắt đầu xuất phát, vừa lên đến đường số 1 lại gặp một đoàn xe chở lính Mỹ từ Đà Nằng đi vào buộc đội hình xe bò phải dừng lại, chờ xe của Mỹ qua rồi mới tiếp tục đi. 12 giờ xe bò thứ nhất vượt qua khỏi cổng đồn đến điểm lô cốt phía Nam, chiếc thứ hai vừa đến cổng, chiếc thứ 3 vừa đến điểm lô cốt phía Bắc. Tất cả dừng lại đồng thanh xung phong nổ súng tiến công địch, cổng đồn bị chốt chặn, không chần chừ, đồng chí Trần Kỳ ra lệnh diệt tên lính gác rồi phá cổng tiến vào bên trong dùng lựu đạn, tiểu liên tiêu diệt địch. Trong khi ta tiến công vào lô cốt trung tâm, bọn lính trên vọng gác ném lựu đạn xuống gây thương vong 2 đồng chí, trong đó có đồng chí Trần Kỳ- xã đội trưởng, lập tức đồng chí Nguyễn Thị Tranh xông lên chỉ huy các tổ chiến đấu tiêu diệt ổ đề kháng của địch. Do ta tiến công bất ngờ nên một số lính bỏ lô cốt, công sự vượt rào chạy ra bên ngoài nhưng cũng bị tiêu diệt và bị bắt. Lực lượng bên ngoài cũng nổ súng đến chốt chặn đường số 1 theo kế hoạch. Diễn biến trận chiến đấu kéo dài 15 phút, lực lượng tấn công bên trong thu chiến lợi phẩm và rút lui. Vừa ra khỏi đồn thì quân Mỹ từ Vĩnh Điện ra cứu viện dùng đại liên bắn vào đội hình của ta, đồng chí Nguyễn Thị Tranh trúng đạn đã hy sinh.
Kết quả trận đánh, ta tiêu diệt mười bảy tên, bắt sống mười ba tên, thu hai mươi súng, phá hủy hai đại liên, hai cối 81mm. Đồng chí Trần Kỳ[3] và Nguyễn Thị Tranh đã anh dũng hy sinh trong trận chiến oanh liệt nầy.
Trận Cải trang tập kích Đồn Ngũ Giáp giữa ban ngày là trận đánh hay có tính kế thừa của lực lượng vũ trang địa phương trong kháng chiến chống Pháp, thể hiện sự sáng tạo, mưu trí, dũng cảm, bất ngờ của du kích Điện Thắng, thể hiện tinh thần đoàn kết nhất quán giữa bộ đội, du kích và nhân dân, đặc biệt là tinh thần giác ngộ của nhân dân và mạng lưới cơ sở mật của ta đã bảo vệ chu đáo cho lực lượng chiến đấu, che mắt bọn gián điệp, chỉ điểm, quá trình luyện tập và chuẩn bị chiến trường ngay trong nhà dân trước mắt quần chúng mà vẫn giữ được yếu tố bí mật đến giờ chót.
Trận đánh đã khắc ghi mốc son lịch sử chói ngời của quân dân Điện Thắng trong những năn đầu đánh Mỹ, phong trào đánh Mỹ ở Điện Thắng tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn, làm phong phú kho tàng nghệ thuật quân sự về chiến tranh du kích của nhân dân ta.
Đồn Ngũ Giáp; nơi diễn ra những trận đánh đi vào huyền thoại trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc, là sự kế thừa truyền thống chiến đấu mưu lược, anh dũng ngoan cường của bộ đội và du kích địa phương. Nơi đây sẽ lưu giữ những hình ảnh, tài liệu quý giá về các cuộc chiến tranh, về các trận đánh tiêu biểu của quân và dân ta. Nếu xây dựng tại đây một di tích lịch sử thì Đồn Ngũ Giáp sẽ là nơi sinh hoạt văn hóa và giáo dục truyền thống lịch sử địa phương cho các thế hệ và là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách đến nghiên cứu, tham quan.
* Bài có sử dụng tư liệu của các nhân chứng: Tống Thú, Phan Song, Nguyễn Thành Nhơn, Nguyễn Thị Tha…