Trên cơ sở các chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn của Bộ, Ngành Nông nghiệp, nhu cầu của các địa phương và thực tiễn sản xuất, 5 năm qua UBND thị xã Điện Bàn đã chỉ đạo Ngành Khuyến nông triển khai và nhân rộng nhiều chương trình khuyến nông bám sát định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh, thị xã.
Tiêu biểu như Mô hình “3 giảm 3 tăng kết hợp công cụ sạ hàng” đến mô hình “cánh đồng mẫu lớn”. Được sự đầu tư hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, chương trình “3 giảm 3 tăng” trong sản xuất lúa được triển khai và nhân rộng tại nhiều địa phương trên địa bàn thị xã, phát triển lên một bước thành mô hình “Thâm canh lúa tổng hợp” và “Cánh đồng mẫu lớn”. Qua hạch toán cuối vụ, lãi ròng mô hình là 27,1 triệu đồng/ha, cao hơn 1,3 lần so với sản xuất lúa đại trà.
Từ kết quả này, để ngày càng phát huy hiệu quả của chương trình, UBND thị xã đã hỗ trợ hàng trăm công cụ sạ hàng cho các địa phương, nhất là các xã nông thôn mới. Chỉ riêng trong vụ Đông Xuân và Hè Thu năm 2014, UBND thị xã đã chuyển giao gần 200 công cụ sạ hàng cho các xã. Trong đó đáng chú ý, có đến hơn 50 hộ nông dân đã tự bỏ tiền mua công cụ sạ hàng về ứng dụng trên mảnh ruộng của mình.
Qua nhiều vụ, chương trình “3 giảm 3 tăng kết hợp công cụ sạ hàng” đã chứng minh được tính ưu việt của nó và dần trở thành phong trào rộng khắp trong toàn thị xã. Hiện nay mô hình có sức lan tỏa rất nhanh, diện tích lúa canh tác theo phương pháp này ngày càng được mở rộng với 837,7 ha được áp dụng.
“Mô hình ứng dụng phân hữu cơ vi sinh đẩy mạnh thâm canh trên đồng ruộng” được triển khai trong năm 2014 tại 06 xã: Điện Phương, Điện Minh, Điện Trung, Điện Phong, Điện An và Điện Tiến với tổng số 400 hộ tham gia. Đến nay đã được nhân rộng cho 826 hộ trên địa bàn thị xã, nhiều nhất là ở các xã: Điện phong, Điện Tiến, Điện Minh, Điện Phương. “Ứng dụng phân hữu cơ vi sinh đẩy mạnh thâm canh trên đồng ruộng” giúp giải quyết được nhiều vấn đề tồn tại trong sản xuất nông nghiệp hiện nay như: để lãng phí phế phụ phẩm trong trồng trọt và chăn nuôi, suy giảm thâm canh, lạm dụng quá mức phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật... góp phần cải tạo đất canh tác nông nghiệp, hạn chế ô nhiễm môi trường nông thôn.
Được sự hỗ trợ kinh phí của Trung tâm KNKN tỉnh, mô hình “Trồng măng tây xanh an toàn” tuy mới được triển khai trong năm 2014 trên diện tích 2.500m2 tại phường Điện Dương. Song với việc chuẩn bị tốt mọi điều kiện phục vụ trình diễn đã giúp mô hình thành công bước đầu, góp phần đa dạng hóa cây trồng trên địa bàn thị xã nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung. So với các loại cây trồng khác trên địa bàn thị xã như đậu, ngô, lúa thì măng tây xanh cho lợi nhuận cao hơn nhiều lần. Năm 2015, UBND thị xã tổ chức cho các hộ nông dân phường Điện Dương tham quan thực tế mô hình trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm Măng tây xanh tại tỉnh Ninh Thuận đồng thời tiếp tục hỗ trợ 6000 cây giống để trình diễn trên diện tích 3000m2.
Trên lĩnh vực chăn nuôi, chương trình cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò, chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò. Các tinh bò đang được UBND thị xã chọn để lai tạo thuộc các giống bò chuyên thịt như Brahman, Droughmaster và các giống bò thịt chất lượng cao như Limousine, Angus - hiện rất được bà con nông dân ưa chuộng. Trong 5 năm, đã cấp phát 20.842 liều tinh nhóm máu ngoại chất lượng cao cho các hộ chăn nuôi. Kết quả thực tế mang lại góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy nhanh chóng chương trình cải tạo và nâng cao chất lượng đàn bò cả về chất lượng lẫn số lượng. Hiện nay, Điện Bàn hiện có khoảng 17 nghìn con bò trong đó tỷ lệ bò lai chiếm trên 72% tổng đàn.
Để đáp ứng nhu cầu về giống cỏ mới phục vụ chăn nuôi bò theo hình thức bán công nghiệp, thời gian qua UBND thị xã đã đưa các giống cỏ mới về trình diễn và nhân rộng tại nhiều địa phương; gồm: TD58 (cỏ sả lá lớn), K280 (cỏ sả lá nhỏ), giống cỏ Ruzi và cỏ VA06. Hiện nay, diện tích trồng các giống cỏ mới phục vụ chăn nuôi bò trên địa bàn thị xã là 258,5ha. Song song với “Mô hình trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò”, UBND thị xã đã chỉ đạo Ngành Khuyến nông tổ chức tập huấn “Chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò” nhằm hạn chế việc sử dụng thức ăn công nghiệp, hạ giá thành sản phẩm chăn nuôi. Từ một mô hình ban đầu với 10 hộ tham gia tại 3 xã Gò Nổi nay được phát triển lên 240 hộ.
Thực hiện tốt chương trình nạc hoá đàn heo theo chủ trương của tỉnh và thị xã với các mô hình tiêu biểu trong những năm qua là "Mô hình nâng cao chất lượng tinh heo đực giống" và "Mô hình nuôi nái F1".
“Mô hình xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm bể biogas composite” với số lượng chỉ vài bể (năm 2009), đến nay đã được nhân rộng ra toàn thị xã với số lượng lên đến 508 bể. Từ chỗ lắp đặt 01 bể để xử lý chất thải chăn nuôi cho hộ gia đình, mô hình phát triển thành hệ thống gồm 2-4 bể được kết nối với nhau để xử lý chất thải cho các trang trại, các lò giết mổ gia súc.
Trên lĩnh vực khuyến ngư, “Mô hình Nuôi cá điêu hồng theo phương thức bán thâm canh” được xem là mô hình khuyến nông khá tiêu biểu trong thời gian qua. Hiện nay, người dân cơ cấu cá điêu hồng như là đối tượng chính trong quá trình nuôi ghép (với tổng số 104 hộ nuôi toàn thị xã).
Mô hình “Nuôi ghép cá nước ngọt”, “Sử dụng chế phẩm sinh học quản lý môi trường ao nuôi ghép” bước đầu đã tạo điều kiện cho người nuôi cá tiếp cận với việc sử dụng sản phẩm sinh học để cải tạo ao, dần thay đổi thói quen và nhận thức của người nuôi cá trong quá trình quản lý ao nuôi.
Trên lĩnh vực thông tin tuyên truyền, trong 5 năm qua, UBND thị xã đã tổ chức 110 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ KH-KT cho các đối tượng nông dân với trên 6.500 học viên tham dự và nhiều lớp dành riêng cho cộng tác viên khuyến nông. Đã tổ chức 45 buổi hội thảo đầu bờ tổng kết và nhân rộng các mô hình hiệu quả. Đồng thời, để công tác khuyến nông có sức lan toả mạnh mẽ trong nhân dân, UBND thị xã luôn dành nguồn kinh phí xây dựng “Chuyên mục khuyến nông” phát sóng gần 240 tin bài vào trưa các ngày thứ sáu hàng tuần trên sóng phát thanh thị xã.
Có thể khẳng định rằng, hầu hết các chương trình khuyến nông đều xuất phát từ thực tế, đưa ra được những giải pháp kỹ thuật hợp lý nên được nông dân chấp nhận ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Nhiều mô hình có hiệu quả được triển khai và nhân rộng, tạo ra hiệu ứng tích cực về mặt kinh tế, xã hội và môi trường:
Trong những năm tới, UBND thị xã sẽ chú trọng xây dựng các chương trình khuyến nông trung và dài hạn. Các hoạt động trung và dài hạn này sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, các sản phẩm chủ lực phục vụ trực tiếp đề án tái cơ cấu ngành, các tiến bộ kỹ thuật có khả năng bứt phá và có sức lan tỏa mạnh, chuyển giao đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật tổng hợp. Trong đó, phần lớn nguồn kinh phí sẽ được sử dụng để nhân rộng các mô hình đã đạt hiệu quả nhằm tác động mạnh mẽ vào sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, tiếp tục thử nghiệm trình diễn các loại giống mới có tiềm năng năng suất, chất lượng và có khả năng chống chịu với điều kiện khắc nghiệt của ngoại cảnh. Đồng thời, theo dõi đánh giá các mô hình đang thực hiện; quan tâm xây dựng các mô hình mới, tìm kiếm những giải pháp mới phục vụ cho mục tiêu tái cơ cấu ngành theo hướng gia tăng giá trị và bền vững. Một số mô hình mới cần được quan tâm như: Mô hình xây dựng cánh đồng lớn trên cây màu; Mô hình cơ giới hóa trong khâu thu hoạch sản phẩm trên cây trồng cạn; Mô hình sử dụng thức ăn sẵn có tại địa phương để hạ giá thành trong chăn nuôi cá; Thực nghiệm các giải pháp bảo quản chế biến sau thu hoạch, các giải pháp hạ giá thành sản phẩm nông nghiệp tăng sức cạnh tranh, các đối tượng nuôi cá nước ngọt mới, các mô hình phát triển nông nghiệp đô thị...
Muốn đạt được kết quả này, công tác khuyến nông trong 5 năm đến cần phải được đổi mới; trong đó trọng tâm là đổi mới về phương pháp tiếp cận, công tác quản lý và tổ chức thực hiện để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động khuyến nông.
Cũng tại Hội nghị này, UBND thị xã Điện Bàn đã khen thưởng cho 7 tập thể và 7 cá nhân đã có những thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện các chương trình khuyến nông, giai đoạn 2011-2015.