Trải qua các cuộc diễn tập, đến năm 1945, phong trào cách mạng ở nước ta tiếp tục dâng cao. Từ tháng 4-1945 trở đi, cao trào kháng Nhật cứu nước diễn ra mạnh mẽ, phong phú về nội dung và hình thức. Tháng 8-1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương; đề ra ba nguyên tắc bảo đảm tổng khởi nghĩa thắng lợi, đó là: tập trung, thống nhất, kịp thời. 23 giờ ngày 13-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 hiệu triệu toàn dân tổng khởi nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền....
Tối ngày 17/8/1945, Ủy ban bạo động phủ Điện Bàn nhận được lệnh phát động khởi nghĩa của Vụ Quang (Tỉnh uỷ) trong đó giao cho Điện Bàn phải gấp rút huy động quần chúng nổi dậy giành chính quyền, hạ cây, dựng các chướng ngại vật cản đường từ Giáp Năm vào và từ Bình Long xuống Vĩnh Điện để ngăn chặn xe Nhật chở quân chi viện cho chính quyền bù nhìn chống lại ta, đồng thời tổ chức lực lượng hỗ trợ để giành chính quyền tại tỉnh lỵ Hội An.
Từ tối ngày 17.8 đến khoảng 1 giờ sáng ngày 18.8, lệnh khởi nghĩa của Ủy ban bạo động phủ về tới các Ủy ban bạo động của các tổng, xã. Tức thì thanh la, trống, mõ nỗi lên vang dội, từ tổng này lan đến tổng khác. Từ làng này lan đến làng khác làm hiệu lệnh huy động quần chúng khởi nghĩa. Tại các làng xóm đèn đuốc thắp sáng, đồng bào thức trắng đêm, chuẩn bị cơm nước, băng cờ, giáo mác, gậy gộc để chờ lệnh tập trung xuống đường. Bọn địa chủ gian ác, các chánh tổng, lý trưởng, cường hào tay sai hoang mang cực độ.
Theo kế hoạch của Ủy ban bạo động phủ, quần chúng khởi nghĩa được huy động và tổ chức thành 3 cánh quân để kéo về phủ lỵ: Một cánh từ Giáp Năm theo quốc lộ 1 kéo vào. Một cánh từ Bất Nhị theo tỉnh lộ 100 kéo xuống. Một cánh từ Gò Nổi sang đò Phương Trà kéo xuống.
Mờ sáng ngày 18/8, các cánh quân khởi nghĩa đã rầm rập xuống đường. Cây cối dọc quốc lộ 1, từ Giáp Năm vào phủ lỵ và trên đường 100, từ Bình Long xuống Vĩnh Điện được đồng bào đốn ngã nằm ngỗn ngang. Lúc lực lượng khởi nghĩa của ta đang trên đường tiến về phủ lỵ, trống rung cờ phất thì cũng là lúc xe Nhật từ Tam Kỳ chạy ra và từ Hà Tân (Đại Lộc) chạy xuống. Cánh quân từ Giáp Năm vừa vào đến Cống giáp Ba và cánh quân từ Bất Nhị theo đường tỉnh lộ 100 (ĐT 609) xuống đến cống Bình Long thì gặp xe Nhật. Do cây cối làm chướng ngại vật của ta cản đường, trước mắt là hang ngàn đồng bào ta với giáo mác, dây gậy cầm tay, đoàn xe Nhật đã phải dừng lại. Tại Giáp Ba, một số tự vệ của ta thấy xe Nhật đã phải dừng lại đã hăng hái xông vào đâm thủng lốp xe và leo lên xe đâm chém quân Nhật, cướp vũ khí. Quân Nhật đã bắn xả vào lực lượng khởi nghĩa, kéo cây đổ để dọn đường tháo chạy. Ta bị thương vong tổng cộng 23 người.
Khi quân Nhật nổ súng, quần chúng giáp mặt với quân Nhật đã chạy tản ra và lo giải quyết thương vong. Riêng các tán quần chúng khác vẫn tiếp tục kéo về cướp chính quyền ở phủ lỵ. Cánh quân khởi nghĩa ở Gò Nổi vừa đến bến đò Phương Trà thì được tin hai cánh quân bạn gặp trở ngại. Ban chỉ huy của cánh quân khởi nghĩa này đã hạ lệnh trưng dụng tất cả các thuyền bè đang qua lại trên sông, gấp rút đưa quần chúng qua sông, ùn ùn kéo về phủ lỵ để cướp chính quyền.
Đoàn khởi nghĩa của làng Diệm Sơn trên đường tiến về phủ đường, lúc đến gần nhà Nghè Dung ở Bích Trâm thì được đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ trao lá cờ đỏ sao vàng và giao nhiệm vụ đến sở chỉ huy của Quân Nhật ở Trảng Nhật để giải thoát cho một cán bộ Việt Minh vừa bị Quân Nhật bắt giam trong đêm 17/8/1945. Trước khí thế cách mạng của quần chúng, quân Nhật đã phải trả tự do cho các đồng chí của ta.
Ở Điện Bàn, trong lúc Ủy ban bạo động phủ đang lãnh dạo quần chúng tiến vào chính quyền ở phủ lỵ, được tin cuộc khởi nghĩa ở Hội An đã giành được thắng lợi, anh Nguyễn Văn Xuân, người làng Phước Kiều, ở gần phủ lỵ đã đến phủ đường đòi phủ trưởng bù nhìn Nguyễn Bá Luân bàn giao chính quyền. Nguyễn Văn Xuân bị Nguyễn Bá Luân cự tuyệt và đòi tống giam nên đã vội vã chạy đi báo với cán bộ Việt Minh phủ. Lực lượng khởi nghĩa của ta do do đồng chí Bùi Minh Chiêu chỉ huy rầm rộ kéo vào phủ đường, phủ trưởng bù nhìn Điện Bàn đầu hàng, giao toàn bộ hồ sơ, con dấu, 7 súng trường, 3 lạng vàng lá, 240 đồng bạc Đông Dương cho ta. Đúng vào lúc 9 giờ sáng ngày 18/8/1945 chính quyền trong phủ Điện Bàn đã về tay nhân dân.
Thắng lợi Cách mạng tháng Tám ở phủ Điện Bàn là một mốc son lớn trong lịch sử của Đảng bộ và nhân dân trong phủ. Từ thân phận của người dân mất nước, nô lệ dưới chế độ thực dân phong kiến, đồng bào Điện Bàn, đồng bào cả tỉnh và cả nước trở thành người dân của một nước độc lập tự do, làm chủ đất nước và vận mệnh của mình.
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám ở Điện Bàn trước hết là nhờ đường lối và sự lãnh đạo của Đảng, sức quật khởi của quần chúng bị áp bức, đè nén bao nhiêu năm dưới chế độ thực dân phong kiến, là kết quả của bao nhiêu năm bền bỉ đấu tranh của đảng viên, cở sở quần chúng cách mạng của Đảng bộ Điện Bàn.
Cách mạng tháng Tám thành công đã làm rạng rỡ thêm truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất chống ngoại xâm của nhân dân ta, đồng thời để lại những bài học lịch sử và kinh nghiệm quý báu về xây dựng thực lực cách mạng, xây dựng lực lượng quần chúng và phát huy tinh thần yêu nước và cách mạng của nhân dân, về nghệ thuật lãnh đạo và chỉ đạo cách mạng, về công tác xây dựng Đảng, về vai trò tiên phong, gương mẫu, chịu đựng hy sinh gian khổ của đảng viên trong quá trình đấu tranh cách mạng.
Từ mốc son chói lọi Cách mạng tháng Tám, cùng với nhân dân cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ và nhân dân Điện Bàn đã phấn khởi, tin tưởng bước vào chặng đường tiếp theo của dân tộc với tinh thần: “đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.