Mà cũng chính vì cái lý tưởng cao đẹp ấy, đã hằn sâu vào trái tim, khối óc của mỗi người, trở thành một động lực mạnh mẽ vượt qua sống những ngày không cơm, không thuốc và đói khát đến cháy cổ, khô người. Bốn người không chịu nổi cuộc sống hà khắc đó đã anh dũng hy sinh là anh Nghĩa, người Biên Hoà, anh Dự- Quảng Ngãi, anh Khôi, anh Kình, Quảng Nam. Sự hy sinh của bốn đồng chí đó đã để lại trong lòng những người còn sống một niềm thương xót khôn nguôi và như nhắc nhở mọi người phải luôn luôn giữ vững khí tiết của người tù chính trị đối với kẻ thù trong cuộc đấu tranh để giành phần thắng về mình. Mặc cho cái đói, cái khát thi nhau hành hạ. Cái đói tuy bủn rủn tay chân nhưng vẫn còn dễ chịu hơn cái khát khô cổ, đắng mồm. Nó dằn vặt, làm cho con người rốc khô, nóng như nằm bên đống than hầm, thân hình chỉ còn là một bộ xương bọc da trên bệ- Mặt mày hốc hác, mắt đờ thụt sâu vì nhiều đêm mất ngủ, thiếu ăn, thiếu nước, hai má tóp sủng như dính vào, xương, răng dài đưa lần ra, nếu không có sự phân biệt được nhịp thở thì cũng khó biết là người sống hay đã chết. Cơn khát từng hồi lồng lộn, khó thở. Chợt nghe tiếng mưa rơi lộp độp trên mái nhà mà cảm như những hạt mưa đã rơi thẳng vào miệng, nhướng cổ lên liếm mép, chắp nuốt. Một sự khêu gợi vô tình mà rất ác hiểm, đã làm cho một số người nằm không yên phải nhúc nhích cựa quậy- Nằm mê mơ được uống nước nên ngồi chồm dậy, rồi ngả vật ra, mở mắt nhìn quanh như tìm kiếm vật gì, rồi mê mệt. Nằm tiếc, thèm nhớ lại buổi đầu sao không uống một bụng cho đã mà lại đổ nước đi. Cơn khát như cháy môi, cháy cổ không còn biết nước đục, trong gì nữa, họ bò lại múc thùng cầu gạt xác rồi uống vẫn thấy ngon lành. Một ngụm nước uống cũng đã cứu sống được nhiều mạng người, đem lại sự tươi tỉnh cho con người trong khoảnh khắc. Nhưng rồi, cơn khát cháy cổ cùng với việc chết người ập đến mà kỷ luật đấu tranh không cho phép bất cứ ai bất tuân. Tuy vậy, có một số ít người không chịu nổi cơn khát khủng khiếp kéo dài triền miên, không đấu tranh nổi tư tưởng, khiến họ bò ra cửa “ Xin ra”. Thấy vậy bọn địch nham hiểm nghĩ ra cách: Kê một khạp nước trước cửa với cái gáo bằng lon sữa bò- Mỗi lần có người “ xin ra” gáo lại khua lên “ loảng xoảng” để cho nhiều người biết, tạo nên tình thế khó xử cho một số ít người bị dao động, chịu không nổi đành bỏ cuộc.
Thấy thế, địch càng được dịp trấn áp, hù doạ và chúng xáo trộn phòng, chúng xoá phòng tám. Chuyển số anh em phòng tám qua phòng bảy, phòng sáu qua phòng năm. Số “ uống nước” chúng dồn về phòng ba, phòng bốn. Cứ một người nắm một tay, một chân tréo xách lên như mèo tha chuột. Khi cái sống chỉ còn là hơi thở thoi thóp. Hằng ngày chúng bám sát theo dõi. Chúng lệnh dội phòng để đẩy bớt mùi hôi thối không chịu nổi, phân người nhiều ngày, lẫn lộn với người cùng với giòi lúc nhúc. Cứ một thằng xách người lên, thì thằng thứ hai tạt nước, thằng thứ ba cầm chổi quét, hết người này, sang người khác. Chúng chuyển tôi qua phòng sáu bên cạnh ông Trâm. Thoạt nhìn đôi mắt “ lác” của ông trắng trợt làm tôi hoảng hốt, tưởng ông đã đi... nhưng nhìn kỹ lại thì ông vẫn còn sống. Nước thấm vào người ông ước đẫm, hơi thở thoi thóp. Nhìn thấy các anh “ trực” gạn nước trong thùng cầu, ông ngoái lại bảo lấy miếng vải đó đắp lên người ông- Đôi mắt ông lim dim, hai tay sải thẳng xem chừng ông thoải mái lắm. Đoạn phút sau, hai tay ống cứ quờ quạng lung tung lên mũi, miệng, tai, tóc chỗ nào ông cũng sờ mó lia lịa. Thấy thế, tôi lật đật lấy miếng giẻ đưa ra chỗ sáng để xem, thì ra vô số giòi con chịu nóng không nổi lúc nhúc tứ tung. Chúng tôi lấy khăn, giẻ thấm xuống chỗ nước sủng vắt vào ca, vào guy gô, múc gạn hết nước trong cầu và thùng cầu để cấp cứu. Anh em nằm sải thẳng tay chân trên bệ, dưới nền. Lăn đến đâu bốc hơi đến đó. Nằm nghe nước đi từ lỗ chân lông thấm vào khắp cơ thể. Đến khi không còn thấy mát nữa, lại lăn qua chỗ khác để lại thân hình dán lên chỗ đó.
Đêm ấy trời mưa to. Các anh “ trực” cố leo lên khung cửa sắt để giở ngói, lấy ni lông hứng nước dự trữ một ít nên cả phòng được đãi một chầu “ giải khát” nhưng địch vẫn tiếp tục theo dõi, hăm doạ mà không hề động đến yêu sách của anh em tù. Từ ngoài cửa chúng dội nước vào: “ Ai ăn- Ra”- Còn chúng tôi qua cơn dao động tột độ lại bình tĩnh hơn- Chỉnh đốn đội ngũ lại. Cho đến ngày thứ 17 thì chấm dứt, không còn tình trạng “ xin ra” nữa. Ông Trầm đòi mổ bụng, ông nói: “ Tau phải chết mới được nếu không bọn hắn cứ ngoan cố bỏ anh em chết hết sao? đã kéo dài 18 ngày trời, đâu phải dễ” chúng tôi ngăn-không cho ông hành động- ông còn sống thì phải sống-Địch càng ngoan cố thì chúng ta càng phải siết chặt hàng ngũ đấu tranh quyết liệt hơn. Hôm còn ở phòng tám anh Mính cũng la tôi chuyện này, ông ạ.
Sáng ngày thứ 19, cũng bằng cách nắm tréo một tay, một chân, chúng chuyển tôi sang phòng năm trên đầu bệ sát cửa. Khi địch ra khỏi phòng, anh bạn thân kề sát bên tôi hỏi nhỏ:
- Đôi hả.
Tuy giọng nói khô khan yếu ớt chỉ vừa đủ nghe. Song tôi cũng nhận ra tiếng thân quen. Tôi mừng quá liền hỏi:
-Ai đó?
-Hà Lợi đây, chứ ai nữa-Rồi hai đứa xây mặt lại sát vào nhau siết mạnh.
Lợi hỏi:
-Ở đâu lại đây?
-Ở phòng tám, phòng sáu lại đây.
-Đôi nè-Làm răng cứu anh Anh Tùng-Anh gần chết rồi.
-Ảnh đâu?
-Ảnh nằm bên mình nè.
Tôi lần theo lưng quần còn sót nửa viên Vitamine C 500 tôi đưa cho Lợi bỏ vào miệng anh Tùng - Chừng gần tối, nghe giọng khàn khàn, nho nhỏ vọng ra:
-Đôi hỏi- Anh tỉnh chưa?
-Đỡ rồi.
Đêm đó, tôi và Lợi say những chuyện. Tiếc vì không còn nhiều hơi để nói cho rõ, chúng tôi lẩm nhẩm thì thầm - Lợi kể cho tôi nghe lần về đất liền, anh em mình đấu tranh ngoan cường?- Địch khủng bố ác liệt và để tiếp tục phân hoá... Một số đi Chí rắn, một số đi Thanh Tân: Lê Xuân Long, Trần Hạp, mình và nhiều anh em nữa... ra đó, cũng một trận dữ dội không kém, nên suy kiệt quá.
Hai đứa say sưa tưởng không cắt ra được, thì sáng ngày thứ 20, cũng bằng cách cũ, địch chuyển tôi ra phía trước vào phòng bốn. Ở đây tôi gặp lại các anh Nguyễn Thiện, Nguyễn Văn Bào, Nguyễn Hải (đại diện phòng) và nhiều anh em khác- các anh cho biết: phòng bốn là phòng bệnh, hầu hết anh em đều ốm yếu. Không chịu nổi dài ngày nên đã nhận ăn chiều qua-Số anh, em các phòng bỏ cuộc có đưa vào đây cũng như số anh em trong phòng, địch chưa giải quyết gì-Tranh thủ bàn với các ảnh. Tôi từ phòng tám, địch chuyển qua phòng sáu, phòng năm rồi lại đây-Phòng nào tôi cũng có ở lại đêm. Tình hình các phòng có biến động, có xáo trộn như các anh biết đó; nhưng đã ổn định từ ngày thứ 17 của cuộc, chấm dứt tình trạng “ xin ra”. Còn các phòng chưa nhận ăn, đặc biệt phòng năm (phòng mở đầu) địch chưa động đậy, nếu bây giờ làm thinh nhận cơm, vô hình dung chúng ta từ bỏ yêu sách đấu tranh- Hơn nữa, phòng ta là phòng bệnh, anh em ta qua trận này suy yếu quá nhiều, nếu không buộc địch phải cứu chữa thì tình trạng sức khoẻ ngày càng nguy kịch hơn. Tôi đề nghị vận động một số anh em còn khỏe không nhận ăn, để tiếp tục đòi nhà cầm quyền phải giải quyết yêu sách. Quả nhiên, sau khi thấy rõ âm mưu của kẻ địch, số không nhận ăn lên được 20 người, bằng phần ba số trong phòng. Trưa hôm đó, chúng tôi không nhận cháo đòi gặp trưởng trại- Tên Thung, công an trại tới. Chúng tôi nhắc lại yêu sách và buộc phải cứu chữa. Hình như đã có lệnh trên, tên Thung nói dứt khoát “ Các anh không chào cờ thì nằm trong này. Còn những yêu sách khác nếu các anh chịu ăn mới giải quyết được- Nhà cầm quyền sẽ cứu chữa cho các anh khi các anh dậy ăn”.
Sáng ngày thứ 22 của cuộc đấu tranh, tức là ngày 27/6/1964, chúng tôi mới tuyên bố nhận ăn và tiếp sáng ngày thứ 23, tức là ngày 28/6/1964, Tăng Tư quản đốc tới giải quyết cho phòng năm. Cuộc đấu tranh kết thúc thắng lợi.
Được biểu hiện rõ nét của sự thắng lợi là bọn “ Chúa đảo” đã thực hiện lời hứa. Ngoài việc cho ăn theo yêu cầu của chúng tôi, từ chỗ nước cháo đến cháo loảng, cháo đặc rồi mới đến cơm trong hai tuần, để từ từ hồi sức. Thức ăn cũng được thay đổi hằng ngày cộng với những tiêu chuẩn thông thường của Côn Đảo, lại thêm có lươn nấu cháo, lươn kho và thịt heo kho là một việc làm mà anh em chúng tôi không ngờ có được ở cái địa ngục trần gian này.
Thuốc uống cũng vậy, ngày phát hai lần bằng nhiều thứ sinh tố A, B, C có gần 10 viên một lần cho một người cộng với thuốc chích bắp và tĩnh mạch cũng đều được chích trong tuần đầu. Bình dịch thì treo sáng phòng, chỗ này loáng loáng chỗ kia nháy nháy truyền đều cho từng người, có người có đến hai bình trong hai ngày liền.
Nhờ vậy, mới có hai tuần, sức khoẻ anh em chúng tôi khá hẳn lên trông thấy, nhưng nước da thì chưa trở lại bình thường.
Qua đó, anh chị em tù chính trị chúng tôi đều thấm thía, biết thêm được cái bí quyết đấu tranh với kẻ địch:
Dù kẻ thù ngoan cố, tàn bạo đến đâu, xem cái chết là điều thích thú, tiêu khiển và đem cái chết ra hù doạ trấn áp tinh thần đấu tranh của tù nhân thì tù nhân cũng sẵn sàng đem cái chết ra để chống đỡ, thách thức, để đổi lấy sự sống còn như cuộc tuyệt thực, tuyệt ẩm 23 ngày đêm này.
NGÔ ĐÔI