Sau khi xác định tư tưởng và hoàn tất các bước chuẩn bị tiếp tục tấn công địch, ngày 08 tháng 12 năm 1968, tôi cùng số anh em cán bộ tổ chức vào hướng Xuyên Hiệp để chuẩn bị mở lớp cán bộ hợp pháp cho thành phố Đà Nẵng. Không ngờ khi vừa đặt chân đến đập Vĩnh Trinh thì bị địch phục kích trên đồi phát hiện và báo máy bay trực thăng chụp quân xuống, thế là tôi bị chúng bắt đưa lên máy bay trực thăng chở về căn cứ Mỹ đóng ở Hòa Cầm.
Vừa bước chân xuống máy bay, chúng đẩy tôi vào phòng khai thác cung thì bất ngờ một tên lính Mỹ dung chỏ tay đánh vào mặt tôi túi bụi làm miệng tôi đổ máu lai láng ra ngoài. Đánh xong, nó cử một tên thong ngôn ngồi bên tên Mỹ khai thác cung tôi. Bọn nó bảo tôi khai rõ tên tuổi, hoạt động ở đâu, nay đang làm gì. Tên thông ngôn còn tra hỏi kỹ nhiều thứ nhưng tôi cứ khai “ tôi tên là Nguyễn Văn Thông, quê ở làng Bình Phước, huyện Điện Bàn. Sau hiệp định Giơ-ne- vơ, chính quyền Sài Gòn phân biệt đối xử tồi tệ với người kháng chiến cũ, nên tôi trốn lên miền núi dạy học nội trú cho người dân tộc. Nay Mỹ đưa quân vào đánh phá làng mạc làm trường hư hỏng nên tôi xuống lại đồng bằng thì bị mấy ông bắt. Ngoài ra, tôi không còn biết thêm gì nữa”. Sau khi khai thác xong, bọn chúng tống giam tôi vào xà lim.
Một tuần lễ sau, chúng bịt mắt và chở tôi xuống nhà giam Thanh Bình để tù nhân ở đây nhận diện. Đến chiều, bọn nó lại chở ngược tôi lên căn cứ Hòa Cầm. Đến cuối năm Mậu Thân, bọn Mỹ phải giao tôi qua chính quyền Sài Gòn ở tỉnh đường Quảng Nam, rồi đưa nhốt tại nhà lao Hội An, tôi bị bọn chúng đánh đập, thẩm vấn, tra hỏi liên tục, có lúc chúng đưa bọn chiêu hồi ra dụ dỗ, mua chuộc, nhưng trước sau như một tôi vẫn khai: “ Tôi là giáo viên”. Bị nhối ở xà lim Hội An, ngày đêm sặc mùi hôi thối, muỗi, rệp cắn không sao nằm, ngồi được. Từ đó, sức khỏe của tôi ngày càng bị giảm sút nghiêm trọng.
Đi hết nhà lao này đến nhà lao khác, từ Hội An chúng đưa tôi ra giam tiếp ở nhà lao Non Nước. Tại đây, buổi sang bọn trại giam dẫn tôi qua khai thác ở Phòng Nhì Việt Mỹ, giờ nghĩ trưa lại giam vào xà lim. Nội dung thẩm vấn nó vẫn xoay quanh lời hỏi cung cũ. Ngày thứ ba ngồi nhà lao Non Nước, có tên Trung úy Tập, người cùng quê với tôi (xã Điện Tiến) đến gạ hỏi: “ Anh chừ nhớ chi tôi, chớ tôi nhớ anh cùng học trường với tôi, anh là con ông Giáo Năm, cháu ông Hương Thể”. Trong lúc nó và tôi đang trò chuyện thì tên Mỹ bước tới hỏi: “ Hai ông quen biết nhau phải không?”. Nghe vậy, tôi tranh thủ trả lời ngay: “ Vâng, ông Tập biết rõ tôi tất cả, ông không cần hỏi tôi, mà cần gì về tôi, ông cứ hỏi ông Tập sẽ rõ”. Sau đó, tên Mỹ mở cuộc đối thoại với tôi về tình hình chiến sự ở Việt Nam và lợi thế của người Mỹ. Cuối cùng nó vẫn khuyên răn, dụ dỗ tôi phải suy nghĩ kỹ, khách quan mà suy xét, chớ để khi thiêu thân, lúc đó có ân hận cũng là sự đã rồi…
Thuyết phục mãi không được, bọn nó răn đe tôi: “ Trong đầu ông đã bị nhồi sọ thành sỏi đá, ông chủ quan quá sức, rồi thực tế để mà xem”. Đa số anh em trong tù cũng như kiên quyết đấu tranh để giữ phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng, thà chịu hi sinh chớ không để bị địch dụ dỗ, mua chuộc trong tù.
Về phương pháp đấu tranh, do tương quan lực lượng giữa ta và địch nên phải đấu tranh chính trị làm chủ yếu dùng chính nghĩa, lý lẽ thuyết phục địch, phân hóa hàng ngũ địch, cô lập những tên ác ôn đang cai quản nhà tù. Đặc biệt, ngay trong nhà tù, số anh em đảng viên cốt cán thường xuyên đến gặp tôi, nắm lại các chi bộ địa phương tới các phòng giam, thành lập Đảng ủy của khu giam gồm có 9 người do tôi làm Bí thư Đảng ủy.
Có Đảng lãnh đạo trong nhà tù, anh em tù nhân đã nâng cao được ý chí đấu tranh đoàn kết thống nhất, tập hợp lực lượng, tránh được manh động, khiêu khích của địch, thông qua các cuộc đấu tranh để từng bước phân hóa bọn cai trị tù.
Tháng 8 năm 1969, địch chuyển tôi ra đảo Phú Quốc, một trại giam tù binh trên toàn quốc. Khi máy bay vừa hạ cánh đến sân bay đảo, thì xuất hiện ngay một lũ người mang mặt nạ, tay cầm gậy hùng hùng, hổ hổ xông đến như cọp vồ được lấy mồi. Bọn chúng dẫn tôi về phòng điều hành trại giam và kêu tên về các khu giam. Tôi và Đá, chúng đưa về phân khu B2. Vừa đến cổng phòng giam số 7, tên Trung sĩ Nhu, một tên ác ôn khét tiếng đánh chúng tôi mỗi người hai roi đuôi cá đuối ( chúng cho là lễ nhập trại). Quan sát phân khu giam tôi thấy có 3 dãy nhà, mỗi dãy có 6 phòng giam, bao bọc bên ngoài có dây thép gai.
Tình hình tù nhân trong tù có đủ ba miền Bắc, Trung, Nam. Về lãnh đạo khối miền Trung và miền Bắc có một Đảng ủy do anh Cận, Tỉnh đội trưởng Bình Định làm bí thư, các phòng giam đều có chi bộ, trong đó tôi quen anh Dũng, người ở cùng xã với tôi làm bí thư. Tôi vào khu giam được mấy ngày thì được anh Dũng giới thiệu nên anh Cận tìm đến gặp tôi hỏi về tình hình bên ngoài chủ yếu là chiến sự sau Tết Mậu Thân và những nhận định sắp đến. Cũng từ đó, tôi là người giữ trung gian hòa giải, tăng cường sự thống nhất lãnh đạo của Đảng trong từng phân khu giam. Tháng 5 năm 1970, địch bắt tôi lên Ban điều hành để tra tấn, đánh đập khai thác các hoạt động trong nhà tù, chúng dùng điện quay, rồi dùng dây cáp tròng hai cổ chân tôi quay thắt tưởng như đứt hai bàn chân làm đau đớn khôn xiết. Bọn chúng còn dùng dây cột chân tay xuống dưới ghế trường, rồi dùng băng dính dán không cho hai mắt nhắm lại, xong sử dụng ngọn đèn điện 100 watt đưa vào gần hai mắt làm cho tôi ngất xỉu, đau đớn thấu thiên địa. Độc ác hơn, chúng còn dung đinh đóng vào xương trái tram làm tôi chết điếng cả thân người. Khi thấy áp dụng đủ mọi cách mà vẫn không khai thác được gì, chúng bắt tôi cới hết quần áo, chỉ còn một chiếc quần đùi ra ngồi ở giữa sân tráng xi măng dưới cái nắng như lửa đốt trên đảo làm tôi vừa bị say nắng, vừa bị bỏng hết da.
Còn chuồng cọp tập thể địch dùng ri sắt thép ghép thành một hộp chữ nhật có chiều ngang 3 mét, chiều dài 9 mét, nhưng chúng nhốt vào đó có lúc tới 78 người đều là những người sau khi bị tra tấn đánh đập. Vì thế có người nằm mê man, bất tỉnh. Ở trong chuồng cọp, nắng nóng tạt vào khung sắt bốc lên không khí nóng bức chưa từng thấy, làm áo quần tù nhân ướt như tắm. Còn ban đêm, gió đảo tràn vào làm tù nhân lạnh thấu xương. Sống trong lao tù đọa đày, gian khổ như thế, nhưng chế độ ăn uống ngày hai bữa, mỗi bữa một cục cơm với dưa muối, còn nước, mỗi ngày được một ca US chỉ đủ để súc miệng không còn đủ để vệ sinh thân thể. Trong tù, ngày nào cũng có tù nhân bị tên Trung sĩ Nhu tra tấn, đánh đập tàn nhẫn nên bị chết đưa ra chôn ở bên ngoài trại giam.
Tôi chịu đựng ở đó một tháng trời, đến khi chúng trả tôi về Phân khu giam, anh em không nhận ra tôi vì mặt mũi hốc hác, bơ phờ, thân thể tiều tụy và không đi đứng được. Thấy tình cảnh ấy, nhiều anh em tù nhân nước mắt chảy ràn rụa, thương xót cho đồng chí của mình. Nhiều anh em tìm mọi cách san sẻ phần ăn của mình để bồi dưỡng thêm cho tôi, cụ thể như khi làm cá liệt dồn gom lại mỗi ngày một chén, khi nấu cơm dành cho tôi một chén nước cơm, anh em đi tập kích bắt cá, nhổ rau sam về nấu canh bồi dưỡng cho tôi. Đến mỗi bữa tối anh em dùng nước muối xoa bóp giúp cho tôi giảm đau. Với nghĩa cử đồng đội, đồng chí sâu nặng nghĩa tình như vậy nên đã động viên, an ủi tôi vững tin vào tập thể, kiên cường trước mọi thủ đoạn tra tấn dã man của bọn cai tù.
Quá bức xúc, nhiều lần anh em đề nghị bí mật giết tên Nhu, hay hạ uy thế tên Nhu bằng cách đào hầm vượt ngục. Tính đi, tính lại, cuối cùng anh em chọn phương án phải tìm cách hạ uy thế tên Nhu. Từ ý nghĩ đó, anh em dò la tìm mọi sơ hở của địch, ta lựa chọn vài tù nhân đặc công vượt ngục rồi vu cáo cho nó. Qua kiểm soát mỗi ngày khi về đêm, lúc nấu cơm xong phải đưa các đầu củi vào giỏ khiêng ra để trước phòng giám thị. Thế là vào một hôm, anh em cố tình nấu cơm chiều trễ để chờ đến tối, ta cải trang hai đặc công bí mật ngồi trong hai giỏ củi đốt lở dở khiêng ra ngoài để trước phòng giám thị và lợi dụng đêm tối, hai người lẻn ra ngoài vượt ngục. Đến sang, điểm danh phát hiện thấy vắng hai người, anh em tù nhân đều nói rằng: chiều hôm qua, thấy Trung sĩ Nhu dẫn ra ngoài phòng giám thị mà không thấy về. Chúng liền báo động quân cảnh kéo đến gác quanh các phân khu giam. Còn tên Nhu thì bị bọn chỉ huy của nó kỷ luật hạ chức trưởng phân khu giam, đồng thời chuyển toàn bộ anh em tù nhân qua phân khu giam D4.
Khi đến Phân khu mới thì bọn giám thị dễ dãi hơn. Có lần tên giám thị trưởng phân khu kêu tôi tới nhà giám thị để động viên: Các bác lớn tuổi như cha, chú tôi ở nhà, nên tôi khuyên các bác chịu ở đây ít năm rồi về với con, với cháu. Các cháu vì nhiệm vụ cấp trên giao phải giữ các bác, mong các bác đừng kích động đấu tranh vì sẽ làm cho các bác căng thẳng và các cháu cũng căng thẳng theo. Nghe vậy, tôi đáp ngay: Tôi rất thông cảm với Trung sĩ, việc đấu tranh là vì bức xúc của người tù bị đối xử quá tệ bạc, hoặc bị đánh đập dã man chớ ai muốn làm vậy.
Từ đó, trong khu không khí có lắng dịu hơn, còn anh em tù nhân thì tìm mọi sơ hở của địch tiến hành đào hầm vượt ngục. Trong phân khu có một lô cốt nằm bên giếng tắm, hàng ngày có người thường xuyên ra vào tắm giặt nên dễ đưa người đào ép đất và tiêu hủy đất khi đào hầm. Cứ kiên trì như thế trong ba tháng thì đường hầm hoàn thành. Vào một buổi chiều( tôi không nhớ rõ ngày, giờ) ta chuẩn bị sẵn 23 người, trong đó có tôi vào núp trước trong lô cốt để chờ đến ban đêm vượt ngục. Nhưng khi chui vào đường hầm bò ra thấy chỗ chui lên trúng góc ở đường xe ôtô, dễ bị lộ nên tôi động viên anh em tìm cách trở lại phòng giam đảm bảo an toàn.
Đến tháng 9-1971, bọn chúng đưa xe jeep đến bắt tôi đi trước sự ngơ ngác của anh em tù nhân. Lần này, chúng nhốt tôi vào phân khu giam C8, nơi chúng gọi là phân khu giam “ biệt lập”. Tại đây, chúng tuyên bố thẳng thừng: “ Đây là khu giam nhốt riêng những tù nhân sừng sỏ, cứng đầu nhất không cai trị được. Vào đây, nếu tên nào vượt ra khỏi hàng rào là cho lính bắn bỏ ngay”. Trong khu giam có Đảng ủy, sau một thời gian về đây tôi được anh em tín nhiệm cử tôi làm Bí thư Đảng ủy. Ngồi tù nhưng nhiều anh chị em tranh thủ học tập cả văn hóa, ngoại ngữ. Đến khi ra tù, từ cơ sở đó, anh em tiếp tục theo con đường học vấn và trở thành bác sĩ, giáo viên, cán bộ lãnh đạo cốt cán của Đảng.
Trong thời gian khoảng giữa năm 1972, nổ ra cuộc đấu tranh dai dẳng và quyết liệt vì bọn địch sử dụng loa to chĩa vào các khu giam biệt lập để tuyên truyền, kích động, vận động chiêu hồi. Trước tuyên thủ đoạn này, anh em kiên trì đấu tranh, tuyên bố tuyệt thực, cuối cùng bọn chúng phải chấp nhận theo yêu sách của ta. Sau thắng lợi to lớn từ Hiệp định Pari được ký kết, bọn địch phải chấp nhận trao trả tù binh. Giờ lịch sử đã đến. Tôi không sao quên được cái chiếc máy bay chở anh em chúng tôi bay lướt qua bầu trời và từ trên nhìn xuống cả đất trời rợp đỏ màu cờ giải phóng. Khi máy bay chạm đất xuống sân bay Thiện Ngôn, lớp lớp tù nhân cách mạng bước ra sắp hàng trên ghế chờ đến phiên mình kêu tên trao trả. Khi trở về, nhiều bà mẹ ôm choàng lấy những đứa con thân yêu khóc nức nở vì tưởng đâu con mình khó có ngày đoàn tụ. Từ sân bay Thiện Ngôn, chúng tôi lại lên xe tiếp tục vào vùng Tây Ninh được Trung ương Cục trực tiếp là Ban tổ chức Trung ương Cục đón tiếp niềm nở trong sự cảm phục và tình thương yêu vô hạn đối với những cán bộ, chiến sĩ cách mạng kiên trung bất khuất từ các nhà tù chiến thắng trở về. Cái ngày vinh quang ấy đối với tôi là những kỹ niệm lịch sử của đời mình mà tôi mãi mãi không bao giờ quên được.