Sáng ngày 02/12/2015, Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm thị xã Điện Bàn tổ chức buổi Hội thảo tổng kết mô hình "Nuôi ghép cá nước ngọt trong đó cá rô đầu vuông là đối tượng chính” tại Hội trường thôn La Trung - xã Điện Thọ. Tham dự buổi Hội thảo có đại diện lãnh đạo Phòng kinh tế, Hội Nông dân thị xã; đại biểu lãnh đạo UBND, Ban Nông lâm cùng hơn 50 nông dân ở 04 xã Điện Thọ, Điện Hòa, Điện Tiến và Điện Thắng Nam.
|
Mô hình được trình diễn tại hộ ông Phan Văn Ánh, thôn La Trung và hộ ông Nguyễn Văn Hoàng, thôn Châu Lâu với tổng quy mô 1.800m2 ao. Trong đó, tiến hành thả 20.000 con cá rô đầu vuông, 8.000 con cá trê vàng. Mật độ thả giống: 16 con/m2, tỷ lệ ghép: cá rô đầu vuông 70%, cá trê vàng 30%. Ngoài ra, trong mỗi ao các hộ còn thả thêm cá mè với mật độ 1con/5m2 để tận dụng tảo trong ao nhằm giảm lượng tảo phát triển quá mức ảnh hưởng đến chất lượng nước.
Qua theo dõi tại địa 02 điểm trình diễn cho kết quả khá tốt, cá sinh trưởng phát triển ổn định. Sau 04 tháng nuôi, kết quả thu hoạch tại hộ ông Phan Văn Ánh (diện tích 600m2 ao) cá rô đầu vuông có trọng lượng trung bình 150g/con, cá trê vàng 185g/con. Với giá bán cá rô đầu vuông 45.000 đồng/kg, cá trê vàng 30.000 đồng/kg cho thu lãi 12.500.000đ.
Cá rô đầu vuông ăn tầng mặt, cá trê vàng có tập tính ăn đáy nên việc nuôi ghép 02 đối tượng này giúp tận dụng được nguồn thức ăn, hạn chế ô nhiễm trong ao. Hiện nay cá rô đầu vuông có thị trường tiêu thụ tốt; riêng cá trê vàng tuy là loài có giá trị kinh tế cao, thịt thơm ngon, giàu dinh dưỡng nhưng thị trường khu vực miền Trung chưa quen sản phẩm này, giá bán còn thấp so với khu vực miền Nam. Vì vậy, người dân khi thực hiện nuôi ghép có thể cơ cấu cá trê vàng với tỷ lệ thấp hơn.
Cá rô đầu vuông và cá trê vàng là 02 đối tượng có thời gian nuôi ngắn (4-5 tháng), dễ nuôi, phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán nuôi của nông dân Điện Bàn nên cần phải được từng bước nhân rộng trong thời gian đến.
|