Chương trình “3 giảm 3 tăng kết hợp công cụ sạ hàng” trong sản xuất lúa với mục tiêu nhằm giúp nông dân giảm lượng giống gieo sạ không cần thiết; giảm lượng phân bón mà chủ yếu là lượng phân đạm, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật. Ứng dụng 3 giảm trên sẽ tăng được năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng hiệu quả kinh tế.
Không phải ngẫu nhiên mà giống là yếu tố được quan tâm hàng đầu khi áp dụng “3 giảm”. Với lượng giống gieo sạ cao trước tiên sẽ làm tăng chi phí tiền giống, thứ hai sẽ làm tăng mật độ số cây lúa trên ruộng. Việc tăng mật độ này kéo theo hậu quả là dễ phát sinh sâu bệnh trên ruộng lúa, hao tốn thêm số lần phun thuốc, cây lúa sinh trưởng yếu, dễ đỗ ngã. Đồng thời, do nhiều cây lúa trên ruộng thì tiêu hao chất dinh dưỡng nhiều hơn, bắt buộc người sản xuất phải bón thêm phân. Vì vậy, gieo sạ thưa thích hợp sẽ là giải pháp quan trọng đầu tiên giúp nông dân tiết kiệm được chi phí, tăng năng suất lúa.
Cơ sở khoa học của việc sạ thưa là dùng công cụ sạ hàng để điều khiển được mật độ đồng đều hợp lý. Những ưu điểm của sạ hàng:
- Giảm được lượng giống gieo sạ. (Lượng giống sạ: lúa thường: 2,5 - 3 kg/sào; lúa lai F1: 1,2 - 1,5 kg/sào.)
- Hạn chế được sâu bệnh gây hại.
- Dễ chăm sóc, bón phân và phòng trừ sâu bệnh.
- Dễ thực hiện cơ giới hóa khâu thu hoạch…
So sánh giữa sạ thưa và sạ dày qua thực tế nhiều vụ cho thấy:
Sạ dày sẽ tốn nhiều giống, phân, dễ bị nhiễm sâu bệnh, dễ bị đổ ngã, sản lượng thấp
Sạ thưa ít tốn giống, phân, hạn chế sâu bệnh, ít đổ ngã, hiệu quả kinh tế cao.
Hiện nay, chương trình “3 giảm 3 tăng kết hợp công cụ sạ hàng” đã trở thành phong trào rộng khắp trong toàn thị xã, diện tích lúa canh tác theo phương pháp này ngày càng được mở rộng với 837,7 ha được áp dụng.
Từ đầu tháng 11 đến nay, Trạm Khuyến nông Điện Bàn đã tổ chức 15 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sạ hàng tại 12 xã, phường cho bà con nông dân. Ở một số địa phương như Điện Ngọc, Điện Phương, Điện Thắng Nam, Điện Minh, Điện Phước thu hút hàng trăm nông dân đến tham dự tại mỗi lớp.
Đến nay, có thể khẳng định rằng: nói đến giải pháp 3 giảm 3 tăng trong sản xuất lúa hầu như bà con nông dân nào ở Điện Bàn cũng đều biết. Vì vậy, “3 giảm 3 tăng kết hợp công cụ sạ hàng” sẽ phủ khắp các cánh đồng thị xã Điện Bàn là một thực tế hoàn toàn có thể xảy ra trong một tương lai không xa.