Năm 1945, anh là Bí thư phân chi Phan Thảo thuộc Chi ủy Phan Xuân Mai. Năm 1946, Chính trị viên trưởng Xã đội Điện Hòa(cũ). Năm 1947, Bí thư Chi bộ Phan Xuân Mai và làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính xã. Năm 1948, được bầu làm Huyện ủy viên Điện Bàn. Năm 1949 được bổ sung vào Thường vụ Huyện ủy, rồi sau đó điều về Ban tuyên huấn Tỉnh ủy làm giảng viên trường công nông tỉnh, sau về cơ quan 50 (Ban chỉ hủy Tỉnh đội Quảng Nam) phục vụ tiền phương tiêu diệt cứ điểm Bồ Bồ vào ngày 20-7-1954.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, vì điều kiện mới của Cách mạng miền Nam, anh được phân công ở lại trực tiếp làm Bí thư Huyện ủy Điện Bàn. Nhiệm vụ của Huyện ủy lúc bấy giờ là nhanh chóng triển khai công tác chuyển hướng hoạt động phù hợp với tình hình mới, nhất là tuyên truyền thắng lợi của Hiệp định Giơ-ne-vơ.
Giai đoạn này, Mỹ hất cẳng Pháp, đưa Ngô Đình Diệm lên nắm chính quyền bù nhìn ở miền Nam, đề ra chính sách “ tố cộng- diệt cộng”, đánh phá dập tắt phong trào, phá bỏ Hiệp định, không thực hiện tổng tuyển cử thống nhất nước nhà.
Bọn chúng thành lập đảng Cần lao nhân vị, xây dựng bộ máy ngụy quân, ngụy quyền, thiết lập nơi giam cầm tù đày, trang bị phương tiện tra tấn dã man, tinh vi, ác độc, bắt đóng đinh vào đầu rồi chôn sống nhiều cơ sở cách mạng và cán bộ ở lại nằm vùng của ta. Trước tình hình đen tối và khốc liệt đó, anh Ngô Dinh thấy được trách nhiệm nặng nề của mình trước dân, trước Đảng đã kịp thời lãnh đạo tổ chức lực lượng, hoạt động bí mật, kết hợp hoạt động hợp pháp, bán hợp pháp nên đã duy trì được tình hình, tạo cơ hội để sau đó Đảng bộ lãnh đạo đấu tranh rộng lớn trong những năm tiếp theo.
Tháng 6- năm 1956, trong lúc đang họp nhân dân tại La Thọ Bắc để giải thích về Hiệp định Giơ-ne-vơ về điều 14C nghiêm cấm trả thù những người kháng chiến cũ, thì bọn chỉ điểm khai báo cho bọn lính khu hành chính Thanh Quýt phát hiện bắt anh đưa về nhà lao Vĩnh Điện. Tại nhà lao với những tên ác ôn khét tiếng đã từng là tay đao phủ, như tên Tấn (chột) đã dùng đủ loại cực hình tra tấn anh, cho chó Béc-rê cấu xé anh, trói ngược anh đánh đập vô cùng tàn nhẫn.
Chúng kéo lê xác người anh dưới sàn nhà suốt 3 ngày đêm ròng rã, thay phiên tra tấn nhưng vẫn không khuất phục được ý chí kiên cường của người Cộng sản. Dù phải chịu mọi cực hình tra tấn, nhưng anh vẫn hiên ngang dõng dạc chửi thẳng vào bọn đầu trâu mặt ngựa, kiên cường không chịu khuất phục, giữ vững bản lĩnh và khí phách của người cách mạng. Có những lần khi tra tấn anh Dinh, chúng bắt tù nhân đứng xem, nhìn thấy lối tra tấn độc ác đối với anh, anh em tù nhân có người chóng váng mặt mày, ngất xỉu giữa lao tù. Tra tấn mãi nhưng thất bại, bọn chúng khiêng anh ra nằm trên vũng đất lãnh địa phía sau Chi công an quận, rồi dùng cọc tre đóng căng tay chân anh ra phơi dưới cái nắng chói chang của mùa hè khắc nghiệt, mặc dù đã đến lúc sức yếu, lực kiệt, chỉ còn hơi thoi thóp thở, nhưng không, anh vẫn gắng dậy, ngẩng cao đầu chửi vào bọn chúng làm rung động cả vùng dân chung quanh Chi công an quận Điện Bàn. Quá tức giận, bọn chúng đóng cây cọc thứ 5 vào miệng anh, đóng cắm sâu xuống đất với dã tâm giết chết anh, người Bí thư Huyện ủy kiên cường. Anh nằm xuống để lại nỗi đau thương, căm hờn bọn tay sai bán nước. Khiếp sợ trước tinh thần dũng cảm của anh, chúng đem xác anh phi tang mất tích. Mãi đến 39 năm sau, đồng đội và gia đình mới tìm ra hài cốt anh và đưa anh về yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn.
Anh Ngô Dinh vĩnh viễn ra đi, nhưng đồng đội và bà con, bạn bè của anh rất yên lòng vì anh để lại được cậu con trai độc nhất có cái tên Ngô Đình Thành, hiện đang là Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế thành phố Hồ Chí Minh.
Vợ anh, bà Nguyễn Thị Tề, với tấm lòng thủy chung, chịu đựng bao gian nan, tần tảo vượt qua mưa bom, bão đạn nuôi con học hành thành tài. Nơi chin suối, anh Ngô Dinh hẳn sẽ yên lòng.
NGUYỄN THÀNH NHƠN