Tham dự buổi Hội thảo có đại biểu lãnh đạo Trung tâm KN-KN, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Quảng Nam; đại biểu lãnh đạo UBND, Phòng Kinh tế, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ thị xã; lãnh đạo UBND các phường vùng Đông, Ban Nông lâm 20 xã, phường cùng hơn 40 nông dân ở 05 phường vùng Đông của thị xã.
Từ kết quả trình diễn mô hình “Trồng măng tây xanh an toàn” năm 2014 bước đầu đem lại hiệu quả cao. Trong năm 2015, Trạm KN-KL thị xã Điện Bàn tiếp tục tổ chức nhân rộng mô hình này tại phường Điện Dương nhằm hỗ trợ cho bà con nông dân có điều kiện mở rộng sản xuất đối tượng cây trồng mới có giá trị kinh tế cao, tạo sản phẩm hàng hóa có thương hiệu cung ứng ra thị trường.
Mô hình được nhân rộng trên quy mô 3.000 m2 tại khối phố Hà My Trung và khối phố Tân Khai với 04 hộ tham gia. Mô hình áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn: chủ yếu dùng phân hữu cơ vi sinh, đảm bảo thời gian cách ly sau khi bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật. Các hộ tham gia được Chi cục Bảo vệ thực vật đào tạo và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn.
Qua theo dõi tại các điểm nhân rộng cho thấy: Cây măng tây xanh khá thích nghi với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng tại địa điểm trồng; sinh trưởng phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe. Tỷ lệ cây sống sau trồng đạt 95%, thời gian bắt đầu thu hoạch là 150 ngày sau trồng, thu hoạch rộ sau trồng 180 ngày.
Trong quá trình trồng, chỉ thấy xuất hiện sâu xám nhưng tỷ lệ gây hại không đáng kể. Bệnh khô vằn xuất hiện ít, giai đoạn thu hoạch rộ trở về sau bệnh xuất hiện nhiều hơn. Thời điểm này, Trạm đã hướng dẫn nông dân ngưng thu hoạch và phòng trừ bằng các loại thuốc Validamicin, Zineb, Kumulus đạt hiệu quả cao.
Với thời gian thu hoạch trong 01 năm là 240 ngày (8 tháng); bình quân măng tây xanh cho thu hoạch 2kg/ngày, với giá bán 70.000đ/kg sẽ thu được 33.600.000đ/sào/năm. Tổng chi phí vật chất đầu tư ban đầu đối với cây măng tây xanh là khá lớn: 14.470.000đ bao gồm tiền giống, hệ thống tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí điện, nước. Ngoài ra, chi phí công lao động 01 năm bình quân 60 công/sào x 150.000đ/công = 7.000.000đ.
Sau khi trừ chi phí công lao động, bà con nông dân sẽ thu được lãi ròng năm đầu tiên là 12.130.000đ/sào/năm, ước tính 05 năm đạt 104.650.000đ/sào, bình quân 01 năm lãi ròng đạt 20.930.000đ/sào. Như vậy, hiệu quả kinh tế do măng tây xanh đem lại là rất cao, bình quân mỗi năm lãi ròng đạt 418.600.000đ/ha.
Đến nay, sản phẩm măng tây an toàn Điện Dương đã tiếp cận được với một số khách sạn và cửa hàng như: khách sạn The Nam Hải, khách sạn Victoria, chợ phiên hàng nông sản Đà Nẵng, cửa hàng rau sạch Vitamin shop Đà Nẵng và một số nhà hàng ăn uống ở thành phố Đà nẵng; giá bình quân loại 1: 90.000đ/kg, loại 2: 70.000đ/kg, loại 3: 50.000đ/kg .
Ngoài diện tích 5.000m2 (10 sào) được Nhà nước đầu tư hỗ trợ một phần, đến nay một số hộ nông dân đã tự đầu tư kinh phí để thực hiện với diện tích 7.500 m2 (15 sào). Hiện trên địa bàn phường Điện Dương, tổng diện tích trồng măng tây xanh là 12.500 m2 (25 sào) trong đó 12 sào đang thu hoạch và 13 sào đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản.
Kết quả nhân rộng mô hình “Trồng măng tây xanh an toàn” đã khẳng định sự thích nghi của măng tây xanh với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết tại một số địa điểm trên địa bàn thị xã. Đây là đối tượng cây trồng mới, có giá trị dinh dưỡng và hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với chủ trương phát triển nông nghiệp đô thị và mục tiêu đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của thị xã.
Trong thời gian đến, UBND các phường vùng Đông cần có định hướng quy hoạch vùng sản xuất măng tây tập trung để có cơ sở nhân rộng và quảng bá sản phẩm. Đồng thời các ban ngành, hội đoàn thể và địa phương cần quan tâm đầu tư, tuyên truyền để mô hình “Trồng măng tây xanh an toàn” nhân rộng, góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho nông dân.
Cũng tại buổi Hội thảo, UBND phường Điện Dương đã thông qua chứng nhận và ra mắt “Tổ hợp tác sản xuất măng tây an toàn Điện Dương”, Tổ hợp tác đi vào hoạt động kể từ ngày 05/01/2016 với 08 thành viên.