Xóm Chín Chủ là căn cứ địa cách mạng vững chắc, trạm giao liên thông suốt, cơ quan đầu não của cách mạng trong những ngày dầu sôi lửa bỏng. Xóm Chín Chủ đùm bọc chở che nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ Huyện ủy Điện Bàn, Tỉnh ủy Quảng Đà, Thành ủy, an ninh quận Nhất, quận Nhì thành phố Đà nẵng, biệt động 91, tiểu đoàn R 20, V25... và cán bộ, dân quân du kích xã Điện An và Điện Thắng. Tại đây vào năm 1967, ông Lê Ba, thôn đội trưởng, ở xóm Chín chủ, tập hợp 9 trẻ từ 11 đến 14 tuổi, đều con nhà nghèo, gia đình truyền thống cách mạng, chăn trâu thuê để kiếm cơm, theo đó ông thành lập đội du kích mật chăn trâu. Gồm các em: Nguyễn Văn Trung, Lê Văn Thiệt, Nguyễn Trãi, Lê Văn Hòa, Lê văn Sáu, Lê Văn Hoằng, ở thôn Đông Hồ, Thái Thanh Bàn, Nguyễn Văn Nhường,Nguyễn Tấn Dưỡng, ở thôn La Thọ.
Nhiệm vụ của các em bấy giờ là vừa chăn trâu, vừa làm nhiệm vụ như nắm thông tin của địch cung cấp cho du kích địa phương để xây dựng kế hoạch chiến đấu. Bảo vệ đường dây liên lạc, từ xóm Chín Chủ qua cây Da làng An Tự, xã Điện Thắng đến Còn Chè, làng La Thọ, xã Điện Hòa.
Theo người dân bám trụ ở đây cho biết, đội du kích chăn trâu làng Đông Hồ hoạt động từ năm 1967 đến năm 1972 đã tiêu diệt và làm bị thương hơn 100 tên địch và cung cấp cho du kích địa phương hàng nghìn quả mìn để đánh địch. Chiến công nổi bật của Đội là vào năm 1969, tại thôn Phong Lục Tây, xã Điện Nam, đội du kích mật thiếu niên làng Đông Hồ phối hợp du kích xã Điện Thắng tiêu diệt gọn 25 tên Mỹ Kép đang càn quét vào làng. Chiến công này làm nức lòng nhân dân cả xã. Tại Ao Phồi, ở thôn Phong Lục Nam đội du kích chăn trâu đặt mìn tiêu diệt 7 tên giặc Mỹ. Thấy lính Nam Triều Tiên thường xuyên đi lại trên đường thôn Phong Lục Tây, đội viên Nguyễn Trãi cài mìn. Mìn nổ hai tên lính đánh thuê tử nạn. Tại vành đai điện tử ở thôn Phong Lục Tây, Nguyễn Văn Trung, vừa gìm sẹo trâu, vừa đặt mìn 3 càng, không may mìn nổ, trâu chết còn Trung hy sinh, lúc tuổi đời còn rất trẻ. Năm 1968, Lê Văn Sáu gài mìn tại khu vực vành đai xóm Chín Chủ, do sơ hở mìn nổ, Sáu hy sinh. Tại Cồn Chè, thôn La Thọ, Thái Thanh Bàn cùng đồng đội gỡ mìn của địch, mìn nổ, Bàn bị trọng thương. Để che giấu việc làm của mình, các em họp bàn và lập kế, khiêng Bàn vào đồn Hoang của bọn lính Trung đoàn 51 ngụy. Gặp chỉ huy, các em vừa khóc, vừa nói: “Các cháu đi cắt lá chuối bán kiếm tiền giúp mẹ, không may bị vấp mìn. Các chú giúp bạn con”.
Bọn lính tưởng thật, rồi sai người đưa Bàn ra bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu. Ngoài ra, các em trong Đội đã nhiều lần gỡ mìn, cài mìn làm tiêu hao sinh lực địch và cung cấp nhiều thông tin giúp du kích địa phương chủ động tấn công diệt giặc.
Đội du kích chăn trâu làng Đồng Hồ còn cứu giúp thương binh trong lúc gặp nguy khó. Đó là một cán bộ biệt động thành đi công tác, từ xóm Chín Chủ đi ra hướng thành phố Đà nẵng, không may bị đich bắn trọng thương. Người cán bộ này bò lếch rồi ẩn mình trong bụi trảy cạnh đồn An Tự do Trung đoàn 51 ngụy đồn trú, bấy giờ Lê Văn Hòa đang chăn trâu phát hiện và theo vết máu tìm đến. Hòa đỡ người cán bộ biệt động lên lưng trâu, rồi đưa về Xóm Chín chủ sơ cấp cứu, sau đó chuyển lên tuyến trên.
Đến năm 1972, các thành viên đội du kích mật chăn trâu làng Đông Hồ được cấp trên điều động vào các đơn vị để cầm súng trực tiếp chiến đấu như Lê Văn Thiệt, bổ sung vào C1 Huyện đội Điện Bàn. Lê Văn Hoằng, bổ sung vào du kích xã Điện An, sau đó Hoằng anh dũng hy sinh. Nguyễn Văn Nhường, Nguyễn Tấn Dưỡng, Lê Văn Hòa được chuyển ra miền Bắc học văn hóa, sau đó học trường Sĩ quan Lục quân và trở thành sĩ quan Quân đội nhân Việt Nam.
Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, xóm Chín chủ - căn cứ địa cách mạng năm nào đã thành đồng, thành ruộng. Những người con của xóm mỗi người một phương, đôi du kích thiếu niên mật kẻ còn, người mất, song hình ảnh đội du kích mật chăn trâu làng Đông Hồ một thời ngoan cường đánh giặc giữ làng vẫn còn in đậm trong ký ức của bao người dân ở làng Đông Hồ. Mọi người tự hào và xem đây là một tấm gương ngời sáng về lòng yêu quê hương nồng nàn, căm thù giặc sâu sắc của tuổi trẻ quê nhà trong những tháng năm đạn bom, nguy khó. Qua đó thế hệ trẻ hôm nay noi gương, học tập.