Nội dung chi tiết

Đồng đội
Tác giả: Mỹ Linh .Ngày đăng: 07/02/2016 .Lượt xem: 2197 lượt. [In bài]
Những ngày cuối năm 2015, thân nhân và cựu chiến binh từng tham gia trận đánh Bồ Bồ lịch sử năm 1954 cùng tụ hội trên đỉnh đồi 55 lộng gió của vùng Đất Sơn, Điện Tiến, Điện Bàn. Bên cạnh tượng đài chiến thắng, nhà bia tưởng niệm ghi danh các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh đồi Bồ Bồ đêm 19/7/1954 vừa được xây dựng khang trang. Đây là công trình do Đảng bộ, nhân dân Thị xã Điện Bàn phối hợp với Ban liên lạc Tiểu đoàn 20 đồng phụng lập.

Trong không khí trang nghiêm, khói nhang thành kính của lễ cầu an, các cựu chiến binh và thân nhân đồng đội, đồng chí gặp nhau, mừng mừng, tủi tủi. 60 năm đi qua, những chiến sĩ gan dạ của trận đánh năm xưa đều qua tuổi “xưa nay hiếm”, không còn được bao người để có mặt hôm nay. Những cái ôm thắm tình đồng đội, những câu chuyện, những tên người… nhớ nhớ quên quên càng thêm xôn xao. Và câu chuyện đọng lại, bùi ngùi, sâu lắng trước tấm bia có khắc tên 74 liệt sĩ…

 tìm

Những ngày cuối thu năm 2014, những người dân chung quanh đồi Bồ Bồ, xã Điện Tiến ngạc nhiên nhìn thấy hai ông già đã hơn 80 tuổi lòng vòng quanh khắp khu đồi, cẩn trọng đọc tên từng ngôi mộ trong nghĩa trang liệt sĩ của xã, lại vòng quanh các ngôi mộ ở nghĩa trang nhân dân, ngay cả các lùm cây chung quanh đồi cũng xem xét rất kỹ, rồi lại đi vào làng hỏi hỏi, chỉ chỉ.


Với những người dân Điện Tiến, việc các cựu chiến binh thi thoảng đến khu vực này, thành kính trước tượng đài chiến thắng trên đỉnh đồi 55 thì không có gì lạ lẫm. Nhất là vào tháng 7/2014, tại nơi đây vừa diễn ra lễ mittinh kỷ niệm 60 năm chiến thắng Bồ Bồ, rất đông các cựu chiến binh, đại biểu cùng quan khách đã về tham dự. Thế nhưng, sự xuất hiện của hai cựu chiến binh này kéo dài đến ba ngày, lại rất tỉ mỉ tìm kiếm, quan sát khắp khu đồi khiến không ít người tò mò. Người dân cũng nhiệt tình giúp đỡ, nhưng hầu như đã không đem lại kết quả, nỗi buồn trĩu nặng trong ánh mắt đau đáu của hai vị khách.

Đó là hai cựu chiến binh (CCB) của Tiểu đoàn 20 từng tham gia trong trận đánh đồi Bồ Bồ đêm 19/7/1954, CCB Hoàng Sa – Người vừa mới được Đảng và nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và  CCB Trần Văn Huynh – Tiến sĩ – Cựu chính trị viên Tiểu đoàn 20 – Nguyên Thứ trưởng Bộ xây dựng – Chủ tịch danh dự Hội vật liệu xây dựng Việt Nam. Trong trận đánh lịch sử ấy, cả hai  đều bị thương nặng và được nhân dân Điện Tiến, Điện Hồng đem về nuôi giấu. Ba ngày lặn lội quanh quả đồi, trong lòng hai ông dậy lên bao cảm xúc bồi hồi xen lẫn tiếc nuối và cảm thấy có lỗi vì cả hai ông đến bây giờ vẫn chưa gặp được những ân nhân đã cứu giúp mình trong thời điểm đó. Bối cảnh chiến sự và những quy tắc an toàn nên hai ông chỉ lán mán biết là đã gặp được những du kích làng Sùng Công và Cẩm Văn, sau đó được đưa về hầm bí mật sơ cứu và chuyển đi. Nhưng đó là trăn trở của riêng hai ông. Cuộc lặn lội lần này là vì mục đích cao cả khác – Tìm kiếm mộ của đồng chí, đồng đội đã hy sinh trong trận đánh năm ấy!

buồn

Những ngày cuối thu nhưng ánh nắng vẫn rất gay gắt. Đồi Bồ Bồ có khá nhiều cây cối nhưng vẫn không xua được cái nóng bức bối.

Hai cựu chiến binh nhễ nhại mồ hôi. Bao hồi ức đan xen. Những định vị nhạt nhòa dù vẫn biết tâm điểm là đỉnh đồi và định hướng theo sơ đồ trận đánh. Hướng này, góc kia, hay ở nơi nào bên những gốc cây lưng chừng đồi nhỉ?!


Trong cả khu nghĩa trang liệt sĩ của xã và cả khu mộ nhân dân cũng không có những cái tên mà hai ông, và nhất là thân nhân của đồng đội đang kỳ vọng, tìm kiếm. Các anh em đã được quy tập về dưới những ngôi mộ vô danh trong các nghĩa trang hay vẫn còn lẩn khuất đâu đó dưới những hàng thông trên đồi?!

Ba ngày tìm kiếm với một kết quả buồn với cả việc chung và việc riêng!

Nguyên chính trị viên Tiểu đoàn 20 – Tiến sĩ Trần Văn Huynh là người con làng Quan Hiện, quê hương Điện Hòa, Điện Bàn. Ông sinh năm 1931, tham gia cách mạng khi vừa tròn 17 tuổi. Rời làng Quan Hiện, ông vào bộ đội. Năm 1954, ông đảm nhận chức trách chính trị viên Tiểu đoàn 20, cùng anh em tham gia trận đánh lịch sử đồi Bồ Bồ. Khi trận đánh đang ở giai đoạn quyết liệt, ông không may bị trọng thương ở ngực và chân. Với tinh thần của người chỉ huy, ông đốc thúc anh em tiếp tục xông lên, một mình ở lại tự băng bó. Nhưng máu ra nhiều quá, ông ngất đi.


Tiến sĩ Trần Văn Huynh bồi hồi nhớ: Khi tôi tỉnh dậy thì chung quanh hầu như yên tĩnh. Trời vừa mờ mờ sáng. Chỉ có tiếng súng đì đẹt ở đâu đó xa lắm. Khác hẵn quang cảnh đêm qua. Tiếng đạn rít, ánh sáng pháo nhì nhằng, tiếng quân ta hô xông lên quyết liệt. Mặt đất vẫn còn nóng bỏng và không khí nồng mùi thuốc súng nhưng tôi không thấy bóng dáng người nào. Tôi định cố trườn người đi thì nghe tiếng bước chân loạc xoạc. Qua kẽ lá, tôi thấy hai tên tàn binh đang đi xuống. Tôi nín thở kê súng lên…

Tôi đã bắt được hai tên tàn binh, giữ cả khẩu súng của chúng và còn bắt chúng khiêng tôi xuống đồi. Vừa đến chân đồi thì gặp toán du kích đang thu dọn chiến trường, tôi chuyển giao hai tên tù binh và được đưa về một căn hầm bí mật ở làng Sùng Công. Hơn một ngày sau tôi được chuyển đến trạm xá Trung Phước để chữa trị vết thương. Rồi lại tiếp tục di chuyển vào Quy Nhơn để lên tàu tập kết ra Bắc.

Hơn một năm chữa trị, vết thương của cựu chiến binh Trần Văn Huynh mới tạm ổn. Ông được điều sang  công tác ở Ủy ban kế hoạch nhà nước. Những ngày này, ông đã may mắn được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Sau đó, ông được đưa sang Rumani để học Đại học. Hồi rời quê, ông chỉ có tấm bằng diploma, nhưng với tài trí và tinh thần học hỏi không ngừng, ông đã đạt được học vị Tiến sĩ tại Rumani. Trở lại Việt Nam, Tiến sĩ Trần Văn Huynh tiếp tục công hiến tài năng của mình cho đất nước. Ông tham gia trong ngành vật liệu xây dựng với cương vị Tổng giám đốc Công ty Xi măng Việt Nam, rồi Thứ trưởng Bộ xây dựng.

Sau khi nghỉ hưu, Tiến sĩ Trần Văn Huynh có nhiều thời gian hơn để tiếp tục thực hiện những ước nguyện mà ông ngày đêm trăn trở. Những chuyến về thăm quê hương Điện Bàn, Quảng Nam – Đà Nẵng dày đặc và dài ngày hơn. Ông tích cực tham gia trong Ban liên lạc Tiểu đoàn 20 với nhiều việc làm ý nghĩa.

Riêng với trận địa Bồ Bồ năm xưa, Tiến sĩ – Cựu chiến binh Trần Văn Huynh cũng là người rất tâm huyết. Ông nhớ: Năm 1984, lúc đó quê hương Điện Bàn còn khó khăn lắm. Nhưng Đảng bộ và chính quyền huyện vẫn tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm chiến thắng Bồ Bồ tại hội trường Đảng của huyện. Các đồng chí lãnh đạo rất quan tâm và mời gặp mặt các cựu chiến binh từng tham gia trận đánh. Lúc ấy anh em còn trẻ nên tham dự khá đông. Tôi vì công tác xa nên về hơi trễ, vừa lúc buổi gặp mặt đang diễn ra xôn xao khi các cựu chiến binh kể lại những hồi ức. Khi nghe ban tổ chức thông báo có đồng chí Trần Văn Huynh, nguyên chính trị viên tiểu đoàn cũng về tham dự và phát biểu thì cả hội trường rộ lên tiếng lào xào. Một đồng chí đứng lên nói: Chính trị viên Trần Văn Huynh của chúng tôi đã hy sinh trên vùng đất Bồ Bồ năm ấy rồi! Tôi liền bước ra và nói: Không, tôi vẫn còn sống đây! Hôm nay tôi lại về cùng các đồng chí để tiếp tục trả nợ với vùng đất lịch sử anh hùng này!

Ông cười hiền hậu: Chả là, khi trận đánh kết thúc, anh em có quay lại tìm ông trước khi rút đi. Thế nhưng, do đêm tối, trận địa ngổn ngang, còn ông thì bị ngất đi nên mọi người đã không tìm thấy. Thông tin của những ngày sau trận đánh khá khó khăn nên đơn vị ngỡ ông đã hy sinh và gởi giấy báo tử về nhà. Cũng may, trước khi ông rời Nam được gặp người chị dâu trong đoàn người đến đưa tiễn, động viên bộ đội tập kết ra Bắc nên gia đình mới biết ông còn sống. Thế nhưng, anh em trong đơn vị thì không thể biết được hết, rồi tản mác sau chiến tranh đến hôm ấy mới được gặp lại.

Năm 1994, tượng đài chiến thắng Bồ Bồ được xây dựng khang trang đã thỏa lòng mong ước của bao người. Qua những lần tổ chức lễ kỷ niệm và gặp mặt, tinh thần đồng chí, đồng đội càng thêm gắn bó. Thế nhưng, người chính trị viên tiểu đoàn năm xưa vẫn canh cánh trong lòng…

Ông nói: Tôi đã tham gia nhiều trận đánh, nhưng Bồ Bồ là trận đặc biệt, là vùng đất cực kỳ đặc biệt. Chính tại nơi này, tôi đã được sinh ra một lần nữa. Tôi đã ngất đi. Không hẵn, tôi đã chết đi. Nhưng rồi, khí thiêng của đất, của trời Bồ Bồ, và ắt hẵn, còn có cả sức mạnh, tâm nguyện cháy bỏng của các anh em, đồng đội vừa ngã xuống đã giúp tôi hồi sinh. Tôi nợ mảnh đất này, nợ bao anh em, đồng đội. Món nợ cả cuộc đời!

Trên tay CCB Trần Văn Huynh có một danh sách hơn 10 đồng đội tham gia trận đánh Bồ Bồ hy sinh nhưng chưa tìm được hài cốt. Ông đã dò la tin tức nhiều nơi, và cả chuyến lặn lội tìm kiếm kỹ lần này nữa, nhưng kết quả vẫn mơ hồ. Có lẽ, anh em đã hóa thân vào đất trời, trong tiếng thông reo rì rào trên những sườn đồi tươi xanh kia…

vậy

Lời đề nghị của Ban liên lạc Tiểu đoàn 20 về xây dựng một nhà bia tưởng niệm, ghi danh các liệt sĩ tham gia trận đánh Bồ Bồ nhanh chóng được lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và Thị xã Điện Bàn đồng ý. Công trình được hoàn thành vào cuối năm 2015 thỏa lòng mong đợi của bao người. Bên cạnh tượng đài chiến thắng uy nghi, nhà bia tưởng niệm hình bát giác được dựng nên. Trung tâm là bia đá kích cỡ lớn với mặt trước ghi danh 74 liệt sĩ, mặt sau là khái quát và sơ đồ trận đánh đồi Bồ Bồ đêm 19/7/1954. Chung quanh nhà bia tưởng niệm có đến hơn 100 cây cối đủ loại vừa được trồng.

Với nghĩa cử “uống nước nhớ nguồn” trong nhiều năm gần đây, công trình nhà bia tưởng niệm ghi danh các liệt sĩ trong trận đánh Bồ Bồ chưa phải là một công trình hoành tráng. Tuy nhiên, để thực hiện được là cả một quá trình vất vả, một thành quả lớn lao, trong đó, sự đóng góp của Ban liên lạc Tiểu đoàn 20, đặc biệt là tâm huyết của cựu chính trị viên Trần Văn Huynh là rất lớn.


Cái khó của công trình không phải ở nguồn kinh phí hay quá trình thi công, mà sức nặng ở nội dung chính nhà bia cần chuyển tải. Để có được danh sách 74 liệt sĩ ghi danh, ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, các cựu chiến binh trong Ban liên lạc Tiểu đoàn, bản thân CCB Trần Văn Huynh phải rất tích cực. Danh tính của các liệt sĩ nằm rải trong hồ sơ lưu trữ của ngành lao động thương binh các cấp, từ tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng đến các quận, huyện, thị xã và ở các xã, phường. Chỉ việc “search” danh sách liệt sĩ hy sinh năm 1954 tại Bồ Bồ, Điện Tiến thôi thì cũng đã xuất hiện nhiều vấn đề. Tại đồi Bồ Bồ trong năm 1954 có đến hai trận đánh của quân ta, vào tháng 6/1954 là trận đánh của bộ đội đặc công, trong đó có 5 đồng chí đã anh dũng hy sinh. Và cả những tên người hy sinh trong các trận đánh ở Điện Tiến năm 1954 cũng hiện ra khá nhiều. Bất ngờ hơn nữa là xuất hiện tên liệt sĩ ở Tiểu đoàn 20, hy sinh tại Bồ Bồ Điện Tiến, năm 1954, đúng tên Tiểu đoàn phó Đoàn Minh Tâm. Tuy nhiên, đồng chí Tâm hiện nay vẫn còn sống. Một số đồng chí bị thương nặng trong trận đánh, được đồng đội, du kích chuyển về hậu cứ và hy sinh nên trong hồ sơ ghi hy sinh tại vùng đó. Ví dụ như đồng chí Nguyễn Hiệu, hồ sơ liệt sĩ ghi là hy sinh tại bệnh viện Cây Sanh (là vùng hậu cứ thuộc Thăng Bình bây giờ). Khó khăn hơn, một số đồng chí trong đơn vị, các cựu chiến binh đều xác nhận chắc chắn hy sinh trong trận đánh đó, tự tay mình đã vuốt mắt đồng đội nhưng tìm mãi vẫn không thấy danh sách, nhất là những đồng chí chưa tìm được hài cốt…

Để xác minh được các danh tính ấy, ngoài sự nỗ lực của ngành chức năng, CCB Trần Văn Huynh đã tìm đến tận nhà một số thân nhân đồng chí để xác nhận lại. Địa bàn xác nhận lại quá rộng, không chỉ ở khu vực Quảng Nam – Đà Nẵng mà có người còn ở các tỉnh, thành phố khác. Đó quả thực là sự thử thách lòng kiên tâm, nhiệt huyết của người cựu chính trị viên đã ngoài 80 tuổi.

nên

Trân trọng mời tất cả những ai có dịp đến đồi Bồ Bồ, xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn, hãy dành chút thời gian trước Tượng đài chiến thắng, thắp nén nhang thành kính trước nhà bia tưởng niệm ghi danh các liệt sĩ!

Đừng ngạc nhiên sao bố cục nội dung bia ghi danh còn bỏ trống. Đó là vì còn nhiều liệt sĩ nữa nhưng tạm thời chưa xác định được danh tính.

Nếu tình cờ đâu đó được tiếp xúc với các cựu chiến binh, hãy hỏi thử họ có từng tham gia trận đánh Bồ Bồ năm 1954 không, hay có biết, có quen ai đó từng tham gia trận đánh này, có biết được đồng chí nào đã hy sinh ở đó hay không?

Hoặc giả, chỉ là những ai, mặc nhiên không thắc mắc, không bận lòng, chỉ là tình cờ trưa nắng ngang qua đỉnh đồi, thấy không gian rì rào bóng lá, muốn tạm dừng cho bớt nhọc hành trình, xin cũng đừng bẻ cây ngắt cội, bởi ngoài rừng thông caribe, bạch đàn… mà nhân dân Điện Tiến, Điện Bàn vun trồng, trong đợt này Ban liên lạc Tiểu đoàn 20 đã vận động trồng thêm 101 cây với nhiều chủng loại.

Màu xanh cây lá là màu của sự sống. Những đồng đội đã vĩnh viễn đi xa. Những đồng đội đang cống hiến hôm nay. Tất cả đều mong được hòa quyện trong cùng trong màu xanh rì rào, cùng cất cao bài ca bất tử!

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Bị lừa, một thiếu niên trốn về quê được Công an phường Điện An giúp đỡ
Hội Cựu chiến binh xã Điện Hồng bàn giao nhà nghĩa tình đồng đội
Điện Bàn, 24 đại biểu tham gia chuỗi hoạt động “Hành quân về nguồn”
Công an phường Điện Dương tuyên truyền pháp luật cho chủ cơ sở lưu trú, cơ sở ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.
Ban chỉ huy Quân sự thị xã Điện Bàn quy tập 3 hài cốt liệt sĩ tại phường Điện Nam Bắc
Ngày hội “Thanh thiếu nhi với pháp luật và văn hoá giao thông” năm 2025
UBND thị xã Điện Bàn tổ chức Lễ ra quân huấn luyện năm 2025
80 năm tiến bước dưới quân kỳ
Điện Bàn quê ta giải phóng rồi
Công an xã Điện Hồng kiểm tra, bắt giữ đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy
    
1   2   3   4   5  
    
Các tin cũ hơn:
Đội du kích chăn trâu
Công an – Đoàn Thanh niên phường Điện Ngọc tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật.
Hội LHPN thị xã Điện Bàn cùng với các cơ quan thăm các gia đình quân nhân làm nhiệm vụ tại đảo Trường Sa nhân dịp Tết Nguyên đán Bính Thân – 2016
Phường Vĩnh Điện tăng cường đảm bảo an ninh trật tự trong dịp Tết Nguyên Đán
Phường Điện Dương tổ chức phổ biến tuyên truyền, giáo dục pháp luật, cảm hóa, giúp đỡ thanh thiếu niên chậm tiến, vi phạm pháp luật năm 2016.
Xã Điện Phong tổng kết công tác quốc phòng, quân sự địa phương năm 2015, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2016.
UBND xã Điện Hòa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác quốc phòng, quân sự năm 2015
Ban an toàn giao thông tổng kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2015 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp 2016.
Phường Điện Dương, phường Vĩnh Điện và phường Điện Ngọc tổ chức Hội nghị tổng kết công tác quốc phòng, quân sự địa phường năm 2015.
Công an Điện Bàn tổ chức lễ nhận phụng dưỡng mẹ VNAH
    
1   2   3   4   5  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm