Vượt qua thách thức
Bên cạnh những thuận lợi mang tính nền tảng, hành trình xây dựng NTM ở các xã của Điện Bàn phải đối mặt với nhiều thách thức. Đầu tiên cần kể đến là tác động từ yếu tố thiên tai, khi mà thị xã nằm ở hạ du sông Thu Bồn và Vu Gia, địa hình trũng thấp nên thường xuyên bị bão lụt hoành hành, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Ở địa bàn nông thôn, chuyện thu hút doanh nghiệp về đầu tư giải quyết lao động, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho cư dân là điều chưa bao giờ dễ dàng. Bà con “bất ly nông”, thế nhưng sản xuất nông nghiệp thì nhỏ lẻ, phân tán mà chất lượng sản phẩm lại chưa cao khiến khả năng cạnh tranh luôn hạn chế. Trong lúc đó, nhu cầu về vốn đầu tư thực hiện chương trình lớn, song vốn ngân sách cân đối, bố trí thực hiện hằng năm chưa đáp ứng nhu cầu cần thiết của địa phương. Mặt khác, đời sống của người dân khu vực nông thôn không ổn định, huy động nguồn vốn xã hội hóa để triển khai NTM gặp khó khăn. Quá trình đô thị hóa nhanh, Điện Bàn lại nằm tiếp giáp với các thành phố và khu đô thị nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn về an ninh trật tự.

Người dân hăng hái phá dỡ tường rào, cổng ngõ để mở rộng đường sá.
Quyết vượt qua thách thức, thị xã đã ban hành nhiều văn bản, triển khai hiệu quả các chương trình có liên quan. Ban chỉ đạo, tổ giúp việc cũng được thành lập để thực hiện chương trình giai đoạn 2010 - 2020. “Trong quá trình này, UBND thị xã thường xuyên củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo để tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, chỉ đạo, thành lập Văn phòng điều phối NTM thị xã. Hằng tuần hay mỗi tháng, Thị ủy, UBND thị xã tổ chức giao ban, kiểm tra, làm việc với các xã về tiến độ thực hiện, chỉ đạo cụ thể từng vấn đề cần giải quyết, tháo gỡ khó khăn và đôn đốc thực hiện. Hằng năm đều tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả và xây dựng nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh tiến trình đề ra. “Chung tay xây dựng NTN”, MTTQ Việt Nam các cấp và tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương đảm đương tốt vai trò nòng cốt trong củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng NTM, thực hiện dân chủ ở cơ sở” - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, ông Phan Minh Dũng chia sẻ. Cạnh đó, công tác đào tạo, tập huấn, tuyên truyền cũng được thị xã Điện Bàn quan tâm triển khai sát thực và hiệu quả. Qua đây, người dân hiểu rõ hơn và phát huy vai trò chủ thể của mình và những công việc phải làm trong nội dung xây dựng NTM.
Gặt hái thành quả
Giai đoạn 2011 - 2015, thị xã Điện Bàn huy động được 1.256,827 tỷ đồng để xây dựng NTM. Trong đó, vốn trực tiếp từ chương trình là 207,678 tỷ đồng; ngân sách trung ương và tỉnh 117,358 tỷ đồng; ngân sách thị xã 35,320 tỷ đồng; ngân sách xã 55 tỷ đồng; nguồn vốn lồng ghép 411,808 tỷ đồng; nguồn vốn tín dụng 351,644 tỷ đồng; nguồn vốn doanh nghiệp 155,277 tỷ đồng và nhân dân đóng góp 130,420 tỷ đồng. Đâu chỉ góp của, người dân Điện Bàn còn tham gia hơn 10 nghìn ngày công lao động, tự nguyện hiến trên 300.000m2 đất phục vụ làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, kiên cố hóa nhiều tuyến kênh mương và di dời hàng nghìn mét tường rào kiên cố và bán kiên cố để chỉnh trang đường sá. Thị xã cũng có cách làm phù hợp với điều kiện địa phương thông qua lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, vận dụng sáng tạo cơ chế chính sách khi hàng loạt đề án liên quan đến giao thông, thủy lợi, giáo dục, văn hóa - thể dục thể thao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi…lần lượt ra đời và phá huy hiệu quả không ngờ, tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ ở nhiều mặt. Sau khi 3 xã Điện Quang, Điện Trung và Điện Phong đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2014, đến năm 2015, Điện Bàn có thêm 7/10 xã về đích thành công.

Tuyên truyền an toàn giao thông trong học sinh
để góp phần đảm bảo an ninh trật tự bền vững hơn.
Đánh giá về kết quả 5 năm triển khai chương trình, Trưởng phòng Kinh tế thị xã - ông Nguyễn Đức Chơi cho rằng, nhìn chung khu vực nông thôn đã có bước chuyển dịch rõ nét; đời sống đại bộ phận nông dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 là 26,442 triệu đồng (tăng 1,65 lần so với năm 2011). Cơ cấu kinh tế chuyển đổi theo hướng tích cực. Trong đó, sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa và tăng trưởng khá. Bước đầu, các vùng sản xuất tập trung gắn với đầu tư và ứng dựng khoa học kỹ thuật hình thành, vì thế năng suất, chất lượng cây trồng tăng lên đáng kể. Theo thống kê, giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp hiện đã đạt bình quân 95,1 triệu đồng/ha (tăng 16,7 triệu đồng/ha so với năm 2011). Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc khi kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội không ngừng nâng cấp và xây dựng mới, đáp ứng được yêu cầu phát triển. Hộ nghèo trên địa bàn 13 xã giảm còn 3,61% (giảm 5,58% so với năm 2011). Nếu không tính hộ nghèo thuộc bảo trợ xã hội, tỷ lệ hộ nghèo ở 13 xã hiện chỉ còn 2,07%. Hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố và tăng cường; dân chủ cơ sở được phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn được giữ vững. Vào ngày 8.12.2015, tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chương trình tổ chức ở Hà Nội, Chính phủ đã trao cờ thi đua xuất sắc trong phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM” cho nhân dân và cán bộ thị xã Điện Bàn, tặng Bằng khen cho 2 xã Điện Quang và Điện Thọ.
Nông thôn Điện Bàn hôm nay đổi thay không ngừng, chất lượng cuộc sống của nhân dân ngày càng nâng lên, thành công bước đầu đó rất đáng khích lệ. Đến xã Điện Quang, ai đó không cần hỏi thăm nhiều chỗ đã có thể tìm ra địa chỉ cần tìm vì đường đã có tên, số nhà hẳn hoi. Tuy nhiên, lãnh đạo thị xã thẳng thắn nhìn nhận bao tồn tại, hạn chế để tìm giải pháp khắc phục. Nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc về quyết tâm chính trị, phát huy sức mạnh tổng hợp, đầu tư tập trung, nâng cao tinh thần trách nhiệm…cũng được nghiêm túc rút ra và áp dụng tốt hơn trong thời gian đến. Trước mắt, địa phương chỉ đạo 3 xã Điện Tiến, Điện Minh và Điện Phương giữ vững tiêu chí đạt và đầu tư hoàn thành các tiêu chí chưa đạt. Xã đã đạt chuẩn phải tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Để rồi, ngày mới của nông thôn thị xã ngày thêm xán lạn.
Khánh thành trường Mầm non Thần Đồng, chủ trương xã hội hóa
đầu tư cho giáo dục lại tiếp tục được phát huy.
* Giai đoạn tới, thị xã Điện Bàn phấn đấu thực hiện tốt công tác quản lý, thực hiện quy hoạch; tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; chú trọng nghiên cứu sử dụng giống cây, con; biện pháp tưới tiêu, canh tác mới, giảm tổn thất sau thu hoạch... Đồng thời, thúc đẩy việc liên kết, hợp tác, hình thành các mô hình tổ chức sản xuất phù hợp yêu cầu điều kiện cụ thể, hình thành chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ để giảm chi phí, hạ giá thành, tăng hiệu quả. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp. Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn. Tiếp tục thực hiện và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng NTM”; triển khai có hiệu quả Đề án phát triển giáo dục - đào tạo đến năm 2015 và tầm nhìn 2020. Phát triển sự nghiệp y tế; tăng cường công tác quản lý, kiểm soát ô nhiểm môi trường. Đặc biệt, thị xã quan tâm xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đảm bảo an ninh trật tự địa bàn nông thôn.
|