Trường toạ lạc giữa lòng vùng quê Gò Nổi, là vùng quê có truyền thống hiếu học và học giỏi nơi đây đã sản sinh ra những hiền tài làm rạng rỡ non sông đất nước như cụ Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, Trần Cao Vân, Lê Đình Dương, Phan Thanh, Phan Thành Tài, Trần Thị Lý, Nguyễn Thị Bình, Hoàng Tuỵ... Quảng Nam vốn nổi tiếng với truyền thống Ngũ Phụng Tề Phi thì Gò Nổi đã là quê hương của 3 trong 5 con “chim Phụng” đó.
Những năm đầu thành lập trường, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, cuộc sống của nhân dân còn gặp khó khăn nhưng được sự quan tâm giúp đỡ của Tỉnh, Sở GD&ĐT, của Lãnh đạo huyện nhà, của các cơ quan ban ngành, các bậc mạnh thường quân...và với tinh thần, quyết tâm cao của con người trên một vùng đất giàu truyền thống đã đem đến bước chuyển mình đáng kể trong sự nghiệp giáo dục.

Sau ngày hoà bình được lập lại, năm 1975 đến năm 1983, khi học xong cấp 1 - cấp 2, muốn học tiếp - con em của vùng Gò Nổi phải đi trên hàng chục cây số đến Vĩnh Điện hoặc Phong Thử (Điện Thọ) để học cấp 3. Bức xúc trước tình hình đó, Lãnh đạo và nhân dân 3 xã vùng Gò Nổi cùng với UBND huyện Điện Bàn đã kiến nghị với Sở GD&ĐT và UBND tỉnh QN-ĐN (cũ) cho thành lập trường cấp III khu vực Gò Nổi để con em được tiếp tục học tập, phát huy truyền thống của vùng đất học Gò Nổi. Đến tháng 6/1985, UBND tỉnh QN-ĐN (cũ) ra Quyết định số 1627/QĐ-UB thành lập Trường PTTH Gò Nổi, huyện Điện Bàn đi vào hoạt động kể từ năm học 1985 - 1986. Từ tháng 7/1985 trường chính thức được xây dựng, nguồn kinh phí xây dựng của trường thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, kinh phí xây dựng trường do UBND huyện Điện Bàn và nhân dân 3 xã Điện Quang - Điện Trung - Điện Phong đóng góp. Để điều hành mọi công việc của nhà trường, người Hiệu trưởng đầu tiên là thầy giáo Phạm Thủy đã cùng các thầy cô giáo trong BGH, Công đoàn, Đoàn TN, HĐSP đã nỗ lực phấn đấu bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ vượt qua những khó khăn gian khổ ngày đầu để xây dựng trường lớp. Giáo viên và học sinh ngoài giờ lên lớp chính khóa đã cùng nhau lao động đắp đất sân trường, cải tạo cảnh quan...Tuy còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng các thầy cô giáo vẫn vui vẻ, hăng say giảng dạy học sinh với tinh thần trách nhiệm cao, tăng cường bám lớp, bám trường ngày nắng cũng như những ngày mưa lũ, tình thầy trò ấm áp và nhiều kỷ niệm khó quên.
Vào những năm 1987 - 1989 đời sống kinh tế của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyển sinh hằng năm, năm học 1986 -1987 phát triển được 10 lớp với tổng số học sinh 502 em, thì đến năm học 1988 - 1989 số học sinh bắt đầu giảm xuống chỉ còn 328 với 7 lớp (3 lớp 11 và 4 lớp 12) không tuyển được học sinh lớp 10. Trước tình hình này đầu năm học 1989 - 1990, Sở GD&ĐT QN-ĐN cho sáp nhập bộ phận cấp 2 của trường PTCS Điện Trung vào trường và duy trì hệ cấp 3 ở loại hình Bán công, tên trường bây giờ được đổi thành Trường Phổ thông cấp 2, 3 Bán công Gò Nổi. Giai đoạn này số lượng học sinh ngày càng giảm dần, có năm chỉ còn 2 hoặc 3 lớp cấp 3, tiếp tục đến năm học 1990 - 1991 Sở GD&ĐT cho sáp nhập luôn bộ phận cấp 2 của hai xã Điện Quang và Điện Phong vào trường PT cấp 2, 3 Gò Nổi. Lúc này này tại khu vực Gò Nổi chỉ có một trường PT cấp 2, 3 phục vụ cho con em nhân dân 3 xã Điện Quang - Điện Trung - Điện Phong với tổng số học sinh 1189. Trong đó cấp 3: một lớp 11 với 41 học sinh, cấp 2 có 1148 học sinh với 29 lớp. Việc tuyển sinh hằng năm của nhà trường có nhiều biến động, tăng giảm khó lường.
Năm học 1995 - 1996 trường có 7 lớp cấp 3 (315 HS) và được sự đồng ý của Sở GD&ĐT, bộ phận cấp 3 của trường được chuyển sang hệ công lập. Năm học 1996-1997: theo Quyết định số 1740/QĐ-UB ngày 18 tháng 7 năm 1996 của UBND tỉnh QN-ĐN, trường được mang tên Trường Phổ thông cấp 2, 3 Phạm Phú Thứ - người con ưu tú của Gò Nổi, Điện Bàn học giỏi, đỗ đạt cao, sớm có tư tưởng canh tân và cũng từ năm học này bộ phận cấp 2 xã Điện Quang tách khỏi trường để thành lập Trường THCS Trần Cao Vân. Đến năm học 1997- 1998, bộ phận cấp 2 xã Điện Phong tiếp tục được tách để thành lập Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu. Và năm học 2000 - 2001, bộ phận cấp 2 xã Điện Trung tách ra thành lập Trường THCS Lê Đình Dương.
Kể từ năm học 2000 - 2001 trường mang tên gọi Trường THPT Phạm Phú Thứ cho đến hôm nay. Qua gần 30 năm xây dựng và phát triển, nhiều hạng mục cơ sở vật chất bị xuống cấp trầm trọng, năm 2014 - 2015 nhà trường đã tham mưu với lãnh đạo Tỉnh và Sở GD&ĐT đầu tư xây dựng mới nhiều hạng mục để đáp ứng nhu cầu quản lý và dạy học. Đến nay trường đã xây dựng mới tường rào, cổng ngỏ, nhà bảo vệ, Khu hành chính - thư viện 2 tầng, Khu phòng học 3 tầng 15 phòng, trang bị mới bảng chống lóa, bàn ghế cho giáo viên và học sinh... trị giá trên 15 tỷ đồng.
Vượt qua bao thử thách khó khăn, nhưng với tinh thần và quyết tâm cao của con người trên vùng đất giàu truyền thống đã đem đến bước chuyển mình đáng kể trong sự nghiệp giáo dục. Trường THPT Phạm Phú Thứ bước vào tuổi 30 - ở cái tuổi đã trưởng thành, vượt qua biết bao thăng trầm của cuộc sống, đến nay nhà trường đã lớn mạnh về mọi mặt, số lượng học sinh ngày một tăng, từ chỗ chỉ có 3 lớp với 141 học sinh ban đầu có thời điểm chỉ có 1 lớp với 41 HS (1990 - 1991), có lúc lên đến 26 lớp với 1252 học sinh (2009 - 2010), hiện nay có 19 lớp với tổng số học sinh 771. Đội ngũ CB - GV - CNV của trường đã lên đến 54 người đều giàu tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.
Hội đồng Sư phạm nhà trường luôn luôn quan tâm đến chất lượng dạy học, duy trì sĩ số học sinh, thực hiện nghiêm khẩu hiệu “kỷ cương tình thương trách nhiệm”. Đến nay tỷ lệ học sinh nghỉ học ngày càng giảm. Học sinh xếp loại khá giỏi hàng năm đều tăng. Học sinh giỏi cấp tỉnh được duy trì và chất lượng ngày càng được nâng cao. Hàng năm tỷ lệ học sinh lên lớp đạt 98,5%, tỷ lệ tốt nghiệp THPT luôn vượt mặt bằng của tỉnh, tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước năm sau cao hơn năm trước, có năm đạt trên 50%. Đặc biệt trong năm học 2014 - 2015, đạt 19 giải, trong đó có 16 giải cá nhân, 02 giải đồng đội.

Ngoài việc chăm lo, phát huy trí lực cho học sinh, nhà trường cũng đã quan tâm đến công tác giáo dục thể chất cho học sinh. Chi bộ Đảng của trường liên tục từ năm 2007 đến năm 2015 có 100% Đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt năm học 2003 - 2004 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3. Từ năm 2010 - 2015 trường được UBND tỉnh công nhận Tập thể lao động xuất sắc, được Bộ GD&ĐT - Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Phát huy những thành quả đã đạt được, mỗi CB - GV - CNV, Học sinh nhà trường sẽ nỗ lực hơn trong sự nghiệp trồng người và nhà trường cũng mong đón nhận được sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo các cấp, của các Hội đồng gia tộc, các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm... cả tinh thần lẫn vật chất để tạo điều kiện cho nhà trường ngày một phát triển hơn, xứng đáng là ngôi trường mang tên nhà canh tân đất nước Hiệp biện Đại học sĩ Phạm Phú Thứ.
|