Ông sinh năm 1916 và lớn lên trong một gia đình khá giả. Thuở ấy, cha ông làm Lý trưởng với một thời oai phong bệ vệ nhất làng, thế mà ông sớm giác ngộ cách mạng do người anh rể từ làng La Thọ dùi dắt. Lê Tự Kình gia nhập vào tổ chức thanh niên dân chủ ở tuổi đôi mươi, rồi ông được lãnh đạo giao thêm nhiệm vụ tuyên truyền thuyết phục, lôi kéo cụ thân sinh (tức cụ Xã) giác ngộ cùng tham gia Mặt trận dân chủ Đông Dương chống phản động thuộc địa và bè lũ tay sai của chúng.
Giai đoạn đầy thử thách này, Lê Tự Kình được nhận công việc của Phủ ủy Điện Bàn giao cho trách nhiệm dẫn đầu cùng 5 đồng chí lồng vào đám dân biểu phản động ở Trung Kỳ để gặp tên khâm sứ Pháp Gơrapfơ. Lê Tự Kình dùng tiếng Pháp đối thoại với khâm sứ, theo nội dung của ta đưa ra đòi dân sinh, dân chủ, cho nhân dân được học hành, tên khâm sứ nhận biết ông là con Xã Kỉnh nên lấy làm lạ tại sao lại đi đòi yêu sách.
Qua được thử thách này, Lê Tự Kình được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1937 tại Chi bộ La Thọ và cũng từ đây, quê hương xã Điện Thắng bắt đầu có Đảng do hạt giống được chọn lọc đã nẩy mầm, rồi tiếp theo phong trào ủng hộ cách mạng được lan ta nhanh chóng.
Tháng 9 năm 1939,khi phát xít Đức tấn công Ba Lan rồi Anh và Pháp tuyên chiến với Đức, cuộc chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, chính phủ Pháp thi hành chính sách Phát xít để giải tán Đảng Cộng sản và các tổ chức yêu nước khác, do đó tổ chức của ta bị khủng bố. Các đảng viên cộng sản bị địch truy lùng làm cho tình hình lâm nguy khốn đốn, cơ quan Phủ ủy Điện Bàn phân tán. Đảng giao trách nhiệm, Lê Tự Kình trở về học võ nghệ để có điều kiện huấn luyện, tổ chức nắm lực lượng cướp chính quyền Nhật Pháp 1945. Do có học nên được Phủ ủy ủy nhiệm với tài năng vốn có giao cho ông làm trưởng Ban đặc vụ rồi sau đổi thành trưởng Ban diệt tề trừ gian, xây dựng và lãnh đạo quần chúng dấy lên phong trào toàn dân tham gia vào lực lượng Việt Minh bài phong, phản đế, cứu quốc của 3 xã Bồ Viêm- Thanh An- Châu Phong.
Năm 1946, sau khi được huyện chỉ định Lê Tự Kình giữ chức Bí thư Chi bộ xã Thanh An- Châu Phong, tại Đại hội Đảng bộ huyện lần đầu tiên, Lê Tự Kình được báo cáo trước đại hội về thành tích của mình, được đại biểu hoan nghênh, biểu dương. Đáng kể chiến công lớn nhất của ông hồi đó là : Trận đánh tên Cai ( Nhật Bản)- một tên gian ác, lưu manh đánh người dã man. Ngày bọn chúng mở mang làm sân bay tại Trảng Nhật có tên “ Gô” chuyên hạch sách gò ép phu phen, nhiều lần chúng đánh người vô tội vạ mỗi khi muốn đánh, viện cớ kiểm tra cạt để kiếm cớ đánh người. Tên này coi rẻ mạng sống đồng bào ta, chà đạp nhân phẩm con người. Những nỗi oán hờn, căm phẫn lọt vào tai Lê Tự Kình. Tuy ông không ở trong đám phu phen nhưng rồi ông dùng mưu kế, nắm qui luật hoạt động của tên Gô( người Nhật) thường lùng sục quanh làng, bằng tay không ông lập mưu chạm trán, quầng đánh hạ gục tên này tại vỉa làng, dù kẻ thù lúc nào cũng có sẵn trong tay cây kiếm trường 9 tấc. Đối với ông thừa sức diệt tên này để cảnh cáo. Nên trong trận đánh phủ đầu, tên Gô mềm nhũn như trái chuối chín. Có người hỏi ông : Tại sao lấy được kiếm của nó, sao không chặt luôn một nhát cho toi mạng. Ông trả lời với mọi người, chưa ai dám đánh Nhật chừ mình đánh để nó sống chạy về nước Nhật, nó kể lại dân nó nghe mới đáng sợ cho Việt Nam, chứ còn giết nó chết rồi ai kể để dân nó biết tiếng tăm của nhân dân ta.
Cũng tại nơi đây, ông đã luyện võ và tổ chức dân làng đánh Nhật. Cụ thể như: một hôm tên ( Nhật Bổn) chuyên lùng sục ban trưa đi ngang nhà ông Trương Chức, thấy cửa buồng khóa hé mở, tên này thò đầu vào dòm ngó đánh hơi, bị ông Trương Chức nấp sau cánh cửa khép chặt ép đầu tên này giữa hai cánh cửa chết ngay tại chỗ. Thế là phong trào đánh Nhật, diệt Nhật tại khu Trảng Nhật nổi tiếng khắp vùng, làm bài học để vận động bài phong, đuổi Nhật.
Khi Pháp tái chiếm Điện Bàn, ông được điều về làm trưởng ban tác chiến khu vực và được coi là người có công lớn trong phong trào hồi đó rồi chuyển qua làm ủy viên Ban tiêu khổ kháng chiến của Phủ ủy, đến sau làm trưởng ban vận động bồi cư dựa vào dân là chính, thực hiện đường lối trường kỳ kháng chiến. Đến khi hợp nhất xã và trở thành liên hiệp xã Điện Hòa, ông về nhận nhiệm vụ làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến xã Điện Hòa,sau đó được bổ sung vào huyện ủy Điện Bàn. Nhưng rồi phong trào gặp phức tạp, trên điều ông trở lại làm Chủ tịch Ủy ban hành chính, kháng chiến xã Điện Hòa (lần hai). Nơi nào khó khăn gặp nhiều trở ngại, cản trở phong trào là nơi đó có Lê Tự Kình xuất hiện, uy tín và tài năng của ông được cấp trên tin tưởng và nhân dân tin yêu mến phục.
Năm 1954, ta diệt đồn Bồ Bồ, lúc đó ông ở trong Ban tiền phương của tỉnh đội Quảng Nam. Ông đã huy động gần như tổng lực dân công và huy động lưong thực phục vụ chiến đấu rất kịp thời, chính xác, góp phần vào thắng lợi to lớn trong sự nghiệp 9 năm kháng chiến chống Pháp.
Sau hòa bình lập lại 1954, với cương vị Huyện ủy viên được Đảng cử ở lại hoạt động tại huyện nhà và được phân công phụ trách xây dựng cơ sở khu vực Vĩnh Điện (La Qua, Uất Lũy, Tân Mỹ), nhưng bị địch đánh hơi, ra sức truy lùng đánh phá phong trào. Giữa năm 1955, ông được lệnh chuyển vào Sài Gòn hoạt động đổi vùng, không ngờ vào Sài Gòn chưa đầy 3 tháng, bọn phản bội cơ hội đục nước béo cò chỉ điểm bắt ông. Chúng tra tấn, hành hạ đánh đập ông rất dã man, nhưng ông quyết một lòng tuyệt đối trung thành lý tưởng Cộng sản, không khai báo cho địch, giữ tròn thanh danh khí tiết người cách mạng kiên cường. Cuối năm 1955, chúng đầy ông ra Côn Đảo.
Từ ngày đầu đặt chân lên đất Đảo, ông đã tâm niệm “ hy sinh vì lý tưởng cao đẹp” không khuất phục kẻ thù, ông đã lãnh đạo tù chính trị tại Đảo liên tục đấu tranh, chống ky khai, không đầu hàng phản bội. Từ 500 tù nhân trong trại I Côn Đảo trong ba tháng bị chúng đàn áp chỉ còn lại 10 đồng chí với ông, chúng bắt ông giam hầm đá, rồi hầm cọp, chuồng bò, xà lim cùm sắt, cứ thế chúng liên tiếp nhiều năm dai dẳng hành hạ ông đủ điều man rợ.
Hồi tưởng về Lê Tự Kình, bạn bè đồng chí của ông không quên người vợ lý tưởng của ông một thời thủy chung son sắt, đó là bà Phan Thị Tảo, người cùng quê với ông- đôi uyên ương ngày ấy cùng chung chí hướng đã trợ lực nhau, tiếp thêm sức mạnh trong công tác hoạt động cách mạng. Bà Tảo là hình ảnh cách mạng trung kiên luôn có đức tính cần mẫn, hòa nhã, ôn tồn, việc gì khó khăn đến mấy cũng vượt qua. Mặc dù ngày ông Lê Tự Kình bị địch giam cầm cấm cố tại Côn Đảo nhưng ông luôn tự hào về người vợ, ông thường kể với bạn bè đồng đội trong tù về thần tượng người vợ yêu quý của mình.
Những tháng ngày đói cơm, lạt muối, bị địch đày đọa trong ngục tù tại Đảo ông có dũng khí như có chất thép trong người, kiên trì đấu tranh, kiên trì chịu đựng. Địch buộc ôn ly khai đầu hàng, chúng mới cho ông ăn. Ông kiên quyết trước mặt quân thù với lời khẳng khái “ chết vinh hơn sống nhục”.
Kể từ ngày đầu ông tuyên bố với địch- Lê Tự Kình sẵn sàng chống ly khai đến phút cuối cùng, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng cao đẹp. Bọn địch tức tối trước khí khái của ông, rồi chúng phó thác để thử sức ông, 7 ngày đầu ông không ăn, mỗi khi đưa cơm vào, ông ném ra ngoài, chỉ uống một ít nước, địch không giải quyết. Đến ngày thứ 8, ông tuyên bố sẵn sàng bỏ uống- bỏ ăn thà chết nhất quyết không đầu hàng địch. Đến ngày thứ 14 ông xác định con đường đấu tranh cách mạng không khoan nhượng, biết chiến thắng- không biết đầu hàng.
Mộ đồng chí Lê Tự Kình tại Côn Đảo |
Rồi ông khẳng định với anh em cùng phòng- có hy sinh mới có thắng lợi- Trước khi ra đi, ông còn gắng dậy nói với anh em đồng đội những lời giã biệt cuối cùng. Tôi hy sinh để các đồng chí giành thắng lợi. Lời nói cuối cùng của ông đúng là ngày 17-6-1964, ông vĩnh viễn ra đi, giã từ anh em đồng đội giữa căn hầm u uất đau thương đầy thù hận. Bọn chúng đem xác ông chôn trần ở Hàng Dương Côn Đảo. Tất cả anh em đồng cảnh ngộ trong ngục lúc đó chỉ biết quỳ xuống bao quanh ông mặc niệm suy tôn gương anh hùng lẫm liệt Lê Tự Kình, người Cộng sản đầy dũng khí, kiên cường bất khuất.
Khắc họa chân dung ông, chúng tôi tìm gặp các bác lão thành cách mạng và những đồng chí của ông bị địch giam ở hầm cấm cố tại trại I Côn Đảo kể lại. Cuộc đời hoạt động, thân thế, sự nghiệp cũng như trước lúc ông hy sinh đã để lại ấn tượng trong sáng cho hôm nay và mãi về sau những ký ức không thể phai mờ.
Khi nghe tin sét đánh dội về, Lê Tự Kình đã anh dũng hy sinh tại Đảo, nỗi đau quặn thắt lòng mẹ Tảo, nước mắt mẹ lại chảy ngược vào trong, mẹ vẫn hiểu, thương tiếc chỉ khóc thầm, chỉ biết nén lòng chịu đựng và tiếp tục đương đầu với bao thử thách ác liệt. Trong chuyến về công tác tại vùng cát Điện Bàn bị địch phục kích, mẹ anh dũng hy sinh, được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Còn đứa con út Lê Tự Nhất Thống, mới tuổi 14 mà chiến công ngang tầm dũng sĩ, tham gia nhiều trận đánh diệt được hàng trăm tên địch, được Nhà nước truy tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Gia đình Lê Tự Kình thật đúng là một gia đình sáng ngời dũng khí ở quê hương Điện Thắng anh hùng.