Hiện nay trên địa bàn thị xã Điện Bàn có Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức, Trung tâm Y tế thị xã và mạng lưới Trạm y tế, phòng khám chữa bệnh đông y, tây y đều khắp với đội ngũ thầy thuốc gần 800 người, trong đó có 15 thạc sĩ, 49 bác sĩ chuyên khoa I, 67 bác sĩ đa khoa, 7 dược sĩ đại học… Để có được đôị ngũ thầy thuốc có trình độ chuyên môn ngày càng cao, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, địa phương có cơ chế ưu đãi để thầy thuốc có điều kiện học tập trau dồi y đức, nâng cao tay nghề, phục vụ tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Bên cạnh sự quan tâm đó, phải nói đến nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ sở y tế tâm huyết với công tác này đã tạo mọi điều kiện để cán bộ, y, bác sĩ ở đơn vị được học tập. Cách đây hơn 20 năm, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Điện Bàn đã làm tốt công tác này.
|
Những người bạn của tôi hiện nay là thạc sĩ, bác sĩ, dược sĩ đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Quảng Nam, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức, Trung tâm Y tế thị xã tâm sự: Thực lòng hồi đó cũng ngại đi học. Mới ra trường lương ít, đi học được cấp kinh phí nhưng xa nhà cũng phải có tiền chi tiêu các khoản khác…nhưng giám đốc “làm căng” quá, có trường hợp, ông mời anh em lên phòng ra điều kiện, một là viết đơn đi học, hai là xin chuyển xuống tuyến xã. Tính tới tính lui, chẳng đặng đừng…thôi thì ráng khắc phục khó khăn đi học. Sau khi học về cho đến bây giờ mới thấm thía giá trị việc học năm xưa.
Vị giám đốc mà anh em nhắc đến, đó là là Bác sĩ Trần Công Ân, hiện nay đang là Giám đốc Bệnh viện Vĩnh Đức. Trong thời gian 10 năm làm giám đốc Trung tâm Y tế huyện Điện Bàn, từ năm 1992 đến năm 2002, ông cùng với lãnh đạo trung tâm đã tìm mọi cách cho đội ngũ nhân viên, thầy thuốc đi học để nâng cao trình độ chuyên môn. Nghe đài, đọc báo biết thông tin có lớp học nâng cao trình độ cho ngành y là ông thông báo cho nhân viên, y bác sĩ biết ngay và tạo mọi điều kiện cho anh em đi học. Y sĩ học lên bác sĩ; bác sĩ học lên bác sĩ chuyên khoa 1, lên thạc sĩ; dược sĩ trung cấp lên dược sĩ đại học; cán sự lên cử nhân chuyên ngành, kể cả các khóa cho đi tu nghiệp ở nước ngoài…
Trò chuyện với bác sĩ Ân, tôi được biết sâu sắc việc nhìn xa trông rộng của ông. Là người thầy thuốc ngoài tấm lòng phục vụ bệnh nhân “Lương y như từ mẫu” thì trình độ chuyên môn cao sẽ góp phần rất lớn cho việc chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho họ. Thời ấy đi học nâng cao trình độ bác sĩ, thạc sĩ, cử nhân… phải thi đầu vào các môn toán, hóa, sinh và chuyên môn. Bác sĩ Ân biết anh em tốt nghiệp phổ thông đã lâu, tập trung làm chuyên môn, kiến thức toán hóa sinh có phần mai một, nên ông đã mời các thầy dạy các môn này ở trường THPT Nguyễn Duy Hiệu về bệnh viên ôn tập lại cả tháng trước đó cho anh em. Do vây khi đi thi, so với các thí sinh ở các nơi khác trong tỉnh, thí sinh Trung tâm Y tế Điện Bàn có phần cơ bản hơn, thi người nào đạt người nấy, cho nên phần đông người được đi học trong chỉ tiêu của tỉnh là anh em Điện Bàn. Lúc đó các bác sĩ phải vào tận thành phố Hồ Chí Minh học tập, đi lại ăn ở tốn kém, bác sĩ Ân vận dụng từ nguồn thu của Trung tâm hổ trợ thêm để anh em yên tâm học tập. Thiếu y bác sĩ phục vụ tại trung tâm thì điều bác sĩ tuyến xã, các khoa khác tăng cường và thay nhau đi học. Nhờ đó, kể từ năm 1994 hàng chục bác sĩ lần lượt được học chuyên khoa 1, thạc sĩ…Thạc sĩ Đỗ Hiền, Trần Hùng, Hà Hùng, Trần Văn Đức, Ngô Thoại….là những người tham gia khóa 2, khóa 3 do trường Đại học Y thành phố Hồ Chí Minh đào tạo; Sau đó Thạc sĩ Trần Văn Đức được chuyên tu ở Mỹ và thạc sĩ Trần Hùng ở Pháp một thời gian. Hàng chục bác sĩ lần lượt nâng trình độ bác sĩ chuyên khoa 1. Ngoài ra còn có nhiều điều dường, y sĩ, học lên bác sĩ, cán sự, kỹ thuật viên được học học cử nhân chuyên ngành. Đến năm 2001, Trung tâm Y tế Điện Bàn được cả nước biết đến, một Trung tâm Y tế cấp huyện có đội ngũ bác sĩ đông và trình độ chuyên môn cao với 75 bác sĩ, trong đó có 5 thạc sĩ và nhiều bác sĩ chuyên khoa 1 và 16 xã, thị trấn trong huyện, mỗi Trạm Y tế có từ 1 đến 2 bác sĩ.

Nguyên PCT nước Nguyễn Thị Bình thăm TTYT huyện Điện Bàn
Khi trình độ, tay nghề của thầy thuốc được nâng lên, tâm huyết với nghề và tấm lòng lương y đã góp phần rất lớn trong việc chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân. Bên cạnh đó được nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, từng bước đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, nên bệnh nhân càng tin tưởng nhiều hơn. Uy tín của Trung tâm Y tế Điện Bàn thời đó lan tỏa, được nhiều nơi, nhiều tổ chức y tế trong và ngoài nước biết đến, đã về tìm hiểu, chia sẽ, hổ trợ để trung tâm có thêm điều kiện phục vụ tốt hơn. Bây giờ những thầy thuốc năm xưa được Trung tâm đưa đi đào tạo mỗi người công tác ở mỗi nơi, họ vẫn phục vụ trong ngành y. Cho dù làm việc nhà nước hay làm tư nhân thì kiến thức được trang bị ban đầu cùng với bề dày kinh nghiệm cho họ vững vàng hơn với nghề chăm sóc sức khỏe cho mọi người.
Nói về bác sĩ Trần Công Ân, năm 1982 tốt nghiệp trường Đại học Y Huế, chuyên khoa sản, về quê nhà công tác tại Trung tâm Y tế Điện Bàn. 2 năm sau được đề bạt Phó giám đốc, rồi Giám đốc trung tâm năm 1992, đến năm 2002 chuyển công tác ra Đà Nẵng làm Phó giám đốc Trung tâm Bảo vệ Bà mẹ - Trẻ em thành phố. Năm 2006 cho đến nay là Giám đốc Bệnh Viện Đa khoa Vĩnh Đức. Gần 35 năm gắn bó với nghề, dù ở đâu, ở cương vị công tác nào bác sĩ Trần Công Ân cũng rất tâm huyết với việc đào tạo nâng cao trình độ cho nhân viên. Bác sĩ Trần Công Ân chia sẽ: “ Bất cứ nghề nào trong xã hội cũng phải tinh nghề, muốn có tinh nghề phải có kiến thức, có lý thuyết rồi mới thực hành. Với ngành y tế việc này càng quan trọng, vì trình độ chuyên môn của thầy thuốc ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người bệnh… theo tôi, về lý thuyết ngành y tế phải đi trước một bước. Xuất phát từ tinh thần đó cho nên trong quá trình công tác của mình tôi luôn yêu cầu và tạo mọi điều kiện để đội ngũ thầy thuốc đượchọc tập nâng cao trình độ, từ đó họ sẽ có kiến thức phục vụ nhân dân tốt hơn, tránh những sai sót không đáng có xảy ra…”
Nguyên PCT UBND tỉnh Q.Nam Hồ Thị Thanh Lâm thăm TTYT huyện Điện Bàn.
Bây giờ về làm việc ở Bệnh Viện Đa khoa Vĩnh Đức, một Bệnh viện tư nhân, tâm huyết ấy vẫn còn cháy bỏng ở bác sĩ Ân. Vẫn vậy, vẫn tạo mọi điều kiện để nhân viên, thầy thuốc học tập nâng cao trình độ. Động viên bác sĩ, thạc sĩ tiếp tục học tập, đối với bác sĩ học thạc sĩ nội trú được bệnh viện hổ trợ 8 triệu đồng hằng tháng cho mỗi người.
Việc nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công chức viên chức nói chung nhằm đáp ứng với yêu cầu phục vụ nhân dân và sự nghiệp phát triển của đất nước luôn được Đảng và Nhà nước đắc biệt quan tâm. Đối với ngành y tế, rèn luyện y đức đồng thời với việc nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ thầy thuốc luôn được đặt lên hàng đầu nhằm thực hiện nhiệm vụ cao cả là chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đây là công việc bền bỉ, lâu dài mang tầm nhìn chiến lược. Chuyện nhân viên đi học ở Trung tâm Y tế huyện Điện Bàn cách đây gần 20 năm khiến chúng ta có nhiều suy ngẫm…
|