Chiều ngày 22/3/2016, tại xã Điện Phước, UBND thị xã Điện Bàn đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, đồng thời triển khai phương hướng, nhiệm vụ “dồn điền đổi thửa” giai đoạn 2016 - 2020. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đến dự. Ông Phan Minh Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Thị ủy, Phó Chủ tịch UBND thị xã và ông Nguyễn Đức Chơi, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện bàn đồng chủ trì hội nghị
|
Thực hiện cơ chế dồn điền đổi thửa giai đoạn 2011 - 2015, có 6 địa phương ở Điện Bàn (gồm các xã Điện Phước, Điện Quang, Điện Minh, Điện Thọ, Điện Hồng và phường Điện An) với 10 thôn, khối phố triển khai trên diện tích 388,1ha. Kết quả cho thấy, công tác này đã khắc phục được tình trạng manh mún, giảm số thửa trên hộ và tăng diện tích trên một thửa. Đồng thời, dồn điền đổi thửa đi đôi với xây dựng cánh đồng lớn cũng sẽ khắc phục tình trạng sản xuất “da beo”, giảm chi phí sản xuất và tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Góp phần thu hút doanh nghiệp vào liên danh, liên kết đầu tư. Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã nêu lên một số hạn chế, tồn tại, qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn cho giai đoạn mới. Được biết, giai đoạn 2016 - 2020, Điện Bàn dự kiến tiến hành chương trình dồn điền đổi thửa tại 19 xã, phường (trừ phường Vĩnh Điện) với diện tích 3.560ha, nhu cầu kinh phí khoảng 1.501,2 tỷ đồng.
Cũng tại hội nghị, UBND thị xã Điện Bàn triển khai kế hoạch thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Kinh phí cho giai đoạn 2016 - 2020 là 94,22 tỷ đồng, trong đó đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp 75,18 tỷ đồng và sự nghiệp hỗ trợ là 19,04 tỷ đồng. Điện Bàn đã đặt ra nhiều giải pháp để thực hiện. Đặc biệt, thị xã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng quy hoạch, rà soát, điều chỉnh và tăng cường công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch; chuyển đổi, tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất; đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ, khuyến nông; tổ chức lại sản xuất theo hướng hàng hóa. Cạnh đó, địa phương sẽ tăng cường công tác đào tạo, bố trí nguồn nhân lực; xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường bao tiêu sản phẩm và đẩy mạnh Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
|