Sáng hôm sau bắt đầu cuộc khảo tra tàn bạo. Tên chi trưởng công an Lê Nguyên Hàm là tên khét tiếng gian ác, tra đánh người chủ yếu vào chỗ hiểm, hòng gây cho người bị đánh mất đi một phần sinh lực chính. Chúng dùng gậy quất vào người từ đầu đến gót chân, dùng mũi giày nhọn đá thốc vào hai mạng sườn, vật xuống đất, tên Hàm kê gối lên ngực người tù, dùng hai tay bóp cổ, ngón cái móc vào hầu, các ngón kia bấu chặt sát mang tai, khiến cho người bị đánh nghẹt thở, giãy giụa đau đớn. Tuy vậy, chúng cũng không khai thác được gì, vì không người nào chịu khai báo những điều chúng muốn biết và cứ hỏi đi hỏi lại: “Đang làm gì? Chức vụ gì? Cơ sở Đảng ở đâu? Ai cầm đầu và đường dây liên lạc từ Điện Nam về Điện Minh?. . . ”
Sau những trận đòn khốc liệt, chúng lại chuyển sang tra điện. Đầu dây điện có kẹp sắt, khi thì chúng kẹp dái tai, lúc kẹp ở bắp vế, ở đầu ngón chân, ngón tay. Cứ mỗi câu hỏi: “Có khai không?”. “Không biết, nên không khai được” là chúng cầm tay quay hòm điện kêu ro ro. Thế là bất thình lình người rực lên như khối lửa, ngã vật xuống nền nhà. Chúng lại đem nước dội lên cho người mau tỉnh để tiếp tục tra đánh. Chúng thay nhau khảo tra chúng tôi. Ghê rợn nhất là vào ban đêm từ một, hai giờ khuya cho đến sáng. Có hôm chúng vừa cho ăn cơm trưa xong là gọi lên phòng tra. Dù ăn không được no nhưng chúng đá vào sườn, vào bụng là cơm ợ ra đầu lưỡi. Cách tra đánh của bọn công an Điện Bàn thật vô cùng độc ác. Chúng bắt đứng thẳng người gần sát tường rồi hỏi: “ Khai không bọn et-ta-lin(Staline) này”. Cũng như các đồng chí khác tôi một mực trả lời: “ tôi hoàn toàn không biết”. Bọn địch vẫn ép tôi phải nhận là cán bộ thanh niên. Tôi nói: “ Tôi chỉ là đoàn viên thanh niên do Việt Minh tổ chức hồi mới cướp chính quyền”. Thế là chúng tới tấp vả vào hai bên má, dộng đầu vào tường, đá vào bụng. Qua nhiều lần tra tấn tôi đã chai lì nên chẳng hé một lời nầo. Chúng quay sang tra điện, đổ nước xà phòng vào miệng rồi bóp cổ, quanh đi quẩn lại cũng các đòn tra tấn ấy, lúc ban ngày, lúc ban đêm. Sau ba tháng hỏi tra, biên bản cung của chúng chẳng ghi được gì đáng kể ngoài câu là đoàn viên thanh niên.
Không hiểu sao chúng cho Dương Tấn Luật về, có lẽ vì đồng chí Luật bị chúng ép phải nhận là hội viên Nông Dân?Còn lại tôi, đồng chí Thung, đồng chí Ba, chúng trói xâu lại đẩy lên xe rồi buộc vào thành xe bởi sợ chúng tôi nhảy xuống xe chạy thoát khi qua đoạn đường cạnh thôn 6 Điện Nam, nơi địch thường bị dân quân du kích ta đánh giao thông chiến hoặc bắn tỉa. Chúng đưa chúng tôi thẳng về lao Thông Đăng Hội An.
Sáng hôm sau, chúng đưa qua Ty Công an khảo tra. Chúng tôi vẫn nhắc nhau quyết không để địch moi ở ta lời khai nào có phương hại đến cách mạng. Những ngón đòn ở Ty Công an của địch thật ác nghiệt. Ở đây, ngoài những kiểu tra tấn hiểm độc của tên Lê Nguyên Hàm và Trần Các còn có thêm trò kéo rút người lên xà nhà để đánh, hoặc trói ngửa người lên chiếc ghế băng đổ nước xà phòng và nước bẩn vào mồm. . .
Địch muốn thi thố kiểu tra tấn gì thì mặc, ba anh em chúng tôi vẫn như lúc ban đầu, nghĩa là không khai báo gì về cơ sở, về cán bộ ta. Tôi biết, khi chúng tôi bị địch bắt giam ở Vĩnh Điện, các đồng chí lãnh đạo, đồng bào, anh chị em trong đơn vị đã lo lắng nếu chúng tôi không giữ vững tinh thần, tư tưởng chao đảo, sợ địch không chịu nổi các ngón đòn thù thì chỉ một lời khai nhỏ sẽ có hại cho cơ sở, ảnh hưởng đến phong trào chung. Trong hoàn cảnh cân não cực kỳ căng thẳng giữa sự sống và cái chết, giữa cầu an thảo hiệp và dũng khí kiên trung, chúng tôi được đồng bào, anh em cơ quan gửi lời thăm hỏi, chị em phụ nữ gửi quà, nhất là đường đen để giải điện sau mỗi lần tra điện. Đó là nguồn động viên lớn lao của đồng bào, đồng chí, càng tăng thêm niềm tin yêu của chúng tôi với cách mạng, với kháng chiến.
Không khai thác được gì, công an tỉnh chuyển chúng tôi về giam ở lao Hội An. Đề lao đưa tôi và đồng chí Ba vào phòng giam số 2, đồng chí Thung thì vào phòng giam số 5. Khoảng một tháng sau, ba chúng tôi lại được công nhận sinh hoạt Đảng chính thức tại chi bộ Lênin(Đảng Lao động Việt Nam-Lao xá Hội An), lúc đó do đồng chí Hoàng Mộng Hạt làm bí thư chi bộ. Thật là vinh dự, tôi khấp Khởi mừng thầm nhận ra rằng trong gian khó một mất một còn Đảng vẫn ở quanh ta dìu dắt ta chiến đấu và chiến thắng. Nổi đau thể xác cũng dần dần hồi phục. Từ đây tôi được tham gia các cuộc sinh hoạt chính trị trong tù: truy điệu đồng chí Staline, mừng sinh nhật Bác, mừng kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. . . Sôi nổi và hào hứng nhất là được tham gia các cuộc đấu tranh chống đánh đập khi hành dịch, đấu tranh đòi cải thiện chế độ ăn uống, đòi được học chữ Quốc ngữ đối với anh chị em mù chữ, đấu tranh đòi được tăng giờ nghĩ ngoài phòng giam, đòi được có thuốc men chữa trị khi ốm đau. . .
Một thời gian sau, đồng chí Nguyễn Văn Ba được trả tự do. Tôi bị chúng đày đi an trí. Đày đi an trí của địch đối với anh chị em tù Hội An diễn ra gần như liên tục, lúc năm, bảy người có khi đến hàng chục. Nơi an trí thường là ở Thừa Phủ-Huế, Đồng Hới-Quảng Bình, Trẹm-Đà Nẵng. Tôi và ba đồng chí: Huỳnh Ngọc Hoà, Nguyễn Mùi và Dương Tấn Binh bị địch trói lại đẩy lên xe có lính trang bị súng ống đi kèm. Khi chuẩn bị ra khỏi phòng giam, anh em trong phòng đều chúc tôi đi “bình an”, dẫu chúng đưa đi có thực sự bình an hay “ tử tận”. Vẫy tay chào tạm biệt anh em, lòng tôi nao nao day dứt, khi hiểu được rằng thời gian sống với nhau không dài lắm nhưng tình cảm rất đậm đà bởi cùng cảnh ngộ mất tự do, xa nhà, xa đồng đội và từng chia ngọt xẻ bùi, đồng cam cộng khổ, cùng xiết chặt tay nhau qua bao lần đấu tranh thử thách.
Địch chở bốn chúng tôi vào trại an trí Đà Nẵng, nơi tập trung tù bị an trí từ Sài Gòn Nam bộ đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên đều có ở đây. Đến trại, địch giam chúng tôi vào xà lim, mỗi người một phòng chật hẹp tối om. Chế độ ở xà lim của trại an trí này giống như xà lim ở các nơi khác. Chúng cấm cố chúng tôi một tuần lễ rồi mới khảo tra khai thác tiếp, quanh quẩn cũng chỉ là những việc mà bọn địch ở Điện Bàn và Hội An đã tra hỏi để bổ túc hồ sơ nơi an trí. Tôi bị giam vào phòng giam chung của trại chen chúc hàng trăm người.
Khi hiệp định Geneve được ký kết giữa Chính phủ ta với chính phủ Pháp thì địch buộc phải trao trả tất cả tù binh và tù chính trị. Tại trại an trí này trước khi trao trả, chúng bày trò hỏi anh em:
- Ai ở lại miền Nam?
- Ai muốn ra miền Bắc?
Tất cả đều đồng thanh trả lời: “ Ra Bắc”. Anh em trong trại bí mật lo sắm cờ, ảnh Bác Hồ, cắt dán khẩu hiệu sẵn. Đến hôm chúng đưa chúng tôi xuống tàu ra Bắc, trên đoàn xe ô tô chở tù từ trại an trí ra bến tàu bỗng nhiên trên từng xe trương ảnh Bác Hồ, cờ đỏ sao vàng và câu khẩu hiệu “ Việt Nam hòa bình độc lập thống nhất muôn năm!”, “Hồ Chủ tịch muôn năm!”.
Tàu thuỷ chở chúng tôi cập bến Cửa Hội- Nghệ An vào một sớm trời quang mây tạnh. Đồng bào hớn hở ra đồng cày cấy, dân chài giong thuyền lướt ra khơi. Hơn năm trăm anh chị em tù được trao trả lòng dạt dào vui sướng vì được sống trong cảnh tự do thanh bình. Song mọi người không khỏi bùi ngùi xót xa khi nghĩ đến một nửa đất nước vẫn còn chịu cảnh khổ nhục đau thương dưới gót giày xâm lược.