Nội dung chi tiết

TÙ KHÁM LỚN
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 14/09/2009 .Lượt xem: 4863 lượt. [In bài]

PHẠM KÝ 

Cụ Phạm Ký sinh năm 1909, chiến sỹ Cộng sản từ năm 1930 ba lần bị bắt tù: 1930, 1933, 1939.

Ngày 7/11/1930, tôi bị cảnh sát Pháp bắt trong cuộc mitting kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga tại Sài Gòn và bị giam giữ ở Khám Lớn gần bốn năm. Sự việc xảy ra cách đây đã 71 năm, nhưng tôi vẫn còn nhớ rõ.

            Ngày ấy, Thường vụ Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn bố trí tôi làm diễn giả và một số đồng chí lo việc trần thiết, băng cờ, biểu ngữ,… Địa điểm đặt trước nhà hát tuồng xóm cầu Muối, đường Hamelin, nay gọi là đường Lê Thị Hồng Gấm-thành phố Hồ Chí Minh. Đúng 20 giờ, băng cơ dựng lên và buổi lễ bắt đầu trước đám đông quần chúng. Tôi mặc quần cộc màu xanh, sơ mi trắng, bước lên diễn đàn, vừa mới nói mấy câu thì có súng nổ vang và thằng cò Peroche to tướng ôm chặt chân tôi lôi xuống, kẹp tôi vào hàng song sắt nhà bên cạnh. Chúng đưa tôi và ba đồng chí khác về bót cầu Muối tra hỏi ba ngày, xong đưa đến bót mật thám đường Catinat tra khảo đủ món, hỏi cơ quan, nhà ở, tên tuổi các đồng chí lãnh đạo của ta. Trước sau như một, tôi vẫn giữ nguyên lời khai: “Tôi làm nghề xe kéo, ăn nhờ ở gởi, không nhà không cửa, hôm ấy có chút ít tiền, rủ người yêu đi xem hát, người yêu đi lạc, tôi nhảy lên cao gọi tìm. Biết chi mà diễn thuyết, tuyên truyền”. Sau hai tháng tại bót Catinat khét tiếng độc ác, không tìm được gì, chúng đành đưa chúng tôi đến cơ quan bồi thẩm hỏi cung và sau đó giải về Khám Lớn chờ ngày xét xử.

            Đến Khám Lớn, tôi thấy cảnh tượng thật hãi hùng: mặt tiền vẽ cái đầu bị chém, máu chảy đỏ tươi, trong cửa Khám Lớn bày ra một máy chém to bằng chiếc ô tô vận tải, sắt thép đen ngòm! Bước vào phía trong, nhận áo quần tù, tôi nghe vang lên tiếng ồn ào như nhái ếch kêu sau trận mưa giông. Khám Lớn rộng mênh mông, mặt tiền xây ra đường Pellerin, nay gọi đường Lê Thánh Tôn. Nó nằm gọn giữa hai đường phố. Nói vậy, biết nó rộng dường nào! Trong Khám Lớn, có hai loại khám: nhỏ và vừa. Bốn khám nhỏ là: khám Ninh (Nguyễn An Ninh), khám Phụ Nữ, và 2 khám nữa là khám 5, khám 6 ở tầng cao chót vót. Nơi đây, chúng nhốt loại tù chính trị có cỡ như Ngô Gia Tự, Bùi Công Trừng, Dương Minh Châu, Nguyễn Văn Tiếp, Lê Quang Sung, Lê Văn Lương… Có 4 khám vừa là: khám 1 nhốt tù kinh tế, 3 khám khác là khám 2, 3, 4 nhốt tù chính trị loại bình thường… Mỗi khám thường nhốt khoảng 200 người.

            Những ngày đầu, tôi vào khám 2, cực khổ đáo để, ăn uống thiếu chất và luôn bị roi vọt, nội bộ tù cũng rất lộn xộn, tù chính trị mà có “Cặp rằng”(1) tới bữa ăn giành phần nhau, về nhà tranh làm anh chị. Tôi tự cho mình có trách nhiệm vận động tổ chức, giáo dục, đấu tranh với chủ ngục, đòi đối xử xứng danh là tù chính trị. Nội bộ thực hiện nghiêm chỉnh, bỏ chức “Cặp rằng” bầu đại biểu khám, tiếp xúc với sếp khám, đòi bỏ roi vọt, ăn uống vệ sinh, đầy đủ, thương tật đau ốm được đi nhà thương… phương thức đấu tranh thì đồng loạt là: “Phản đối đánh đập, phản đối, phản đối” la inh lên vang ra tới chợ Bến Thành gần đó.

            Sau sự việc cải tạo, đấu tranh, tôi bị thằng gác-dăng (Gardien) người Âu Phi tố cáo là kẻ cầm đầu, xúi giục, sếp khám phạt tôi ăn cơm lạt và nhốt caso một tháng! Xong đưa lên ở khám 6 trên cao! Lên đây tôi chỉ lo học tập chứ chẳng vận động ai hết, vì ở đây toàn người giỏi cả.

            Thời gian thấm thoắt, mới đó đã hơn 3 năm.

            Tháng 5/1933, địch mở phiên tòa đại hình Đông Dương xử Cộng sản. Tòa án thấy tôi không có cơ sở gì buộc tội, nên thả tôi và giải giao về quê quán Quảng Nam. Ngày ấy, tôi tròn 24 tuổi.

Năm 1937, tôi vào lại Sài Gòn, tham gia vận động phong trào Mặt trận dân chủ Đông Dương. Năm 1939, tôi lại bị bắt, ở tù khám Tân Đảo xóm Chiếu, lúc này nhà tù thực hiện chế độ mới, có khá hơn trước.

Năm 1941, chúng giải tôi trở về quê cũ, về đây tôi được sống trong vòng tay nhân dân đất Quảng.

                                                                                                01-10-2001

NHẮN NHỦ

Nhắn nhủ cùng ai đến chốn này

Vàng thau thử thách chính là đây

Búa rìu sấm sét không lay chuyển

Dạ sắt gan đồng chớ đổi thay

Ở với nhân dân ghi nghĩa cả

Nhớ vì đoàn thể giữ lòng ngay

Bảo toàn khí tiết ngời nhân phẩm

Đồng chí đồng bào quý lắm thay.

(Bài thơ viết trên tường nhà giam cầu Muối-Sài Gòn tháng 11/1930)

                

(1)”Cặp rằng” có nghĩa anh chị, đại ca trong khám.                   

                

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Người con Điện Nam anh hùng
Gặp lại “chị” Chính, người cán bộ binh vận xuất sắc
TRƯỚC THỀM TRĂM NĂM TUỔI
CHẾT VINH HƠN SỐNG NHỤC
GƯƠNG HY SINH CỦA LIỆT SĨ NGUYỄN ĐÌNH TRÂN
HOÀNG HỮU NAM TẤM GƯƠNG SÁNG VỀ LÒNG TRUNG THÀNH VỚI DÂN VỚI ĐẢNG
PHAN TRIÊM (1916-2001)
NGUYỄN XUÂN NHĨ(1912 – 1983)
VÕ CỮU NGƯỜI CON KIÊN TRUNG BẤT KHUẤT CỦA ĐIỆN BÀN
ĐI THEO CON ĐƯỜNG CỦA ĐẢNG ĐÃ VẠCH
    
1   2   3  
    
Các tin cũ hơn:
Phan Thanh, nhà trí thức cách mạng

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm