Các cụ thường bảo: Thằng Chín Nghĩ trẻ người mà không non dạ chút nào, hắn biết nghĩ tới những điều mà nhiều người lớn tuổi chưa kịp phân minh. Có lẽ cái tính nết ham suy nghĩ, sớm biết phân tích chuyện đời là một điểm mạnh bẩm sinh đã giúp cho cậu thanh niên Chín Nghĩ sớm giác ngộ cách mạng, sớm nhận ra lẽ sống của một con người.
Gia đình Chín Nghĩ cũng giống như nhiều gia đình khác ở làng Thái Sơn, ven chân núi Bồ Bồ, huyện Điện Bàn: nghèo mà hiếu học. Dưới triều Tự Đức, cụ Bùi Đông Tuyển, vị thân sinh của Tùng, sau khi thi rớt tú tài, về làng dạy học. và cái vốn Hán học khiêm tốn ấy còn giúp cho ông thầy đồ có thể kiêm thêm nghề đông y, bốc thuốc chữa bệnh cho dân chúng trong vùng. Ngoài ra, những trường hợp tố tụng, cần đến đơn từ, chữ nghĩa, thì các đương sự thường tìm đến nhờ ông. Có lẽ đối với một gia đình sống ở nông thôn mà vẫn không có, hoặc chỉ có quá ít ruộng đất, trong khi lại có một cái vốn học thức, dù chưa phải là cao rộng, thì mấy công việc trên đây đều có thể trở thành những nghề kiếm sống khá thích hợp. Do vậy, khi biêt cậu thiếu niên Chín Nghĩ thi đậu bằng Sơ học Yếu lược, đồng thời biết chữ Nho do người cha trực tiếp truyền dạy, lại gặp lúc hoàn cảnh gia đình không mấy sung túc, cậu bèn nghỉ học, theo cha lao động kiếm sống.
Quanh quẩn ở làng qua nhiều năm tháng vẫn không khá giả lên được, thầy đồ-thầy thuốc Bùi Đông Tuyển đưa con cùng đi, đến làm ăn ở làng Trà lộ (nay là xã Hòa Hải, huyện Hòa Vang, quê ngoại).
“Ngay trong những ngày non trẻ, theo cha giúp việc, vừa dạy học vừa làm thuốc, Tùng đã bộc lộ sở thích làm thơ, thường là thơ châm biếm, đả kích, vạch mặt bọn tham quan ô lại. Phải chăng những tia lửa đầu tiên của lòng yêu nước thương dân đã bắt đầu lớn lên trong tâm hồn chàng trai mới lớn…?
Thiếu tướng Vương Tuấn Kiệt – nguyên Phó Tư lệnh Quân khu V, kể về Cao Sơn Pháo bằng những lời đượm tình cảm mến. Trí nhớ của vị tướng già vẫn còn minh mẫn
Hầu hết những bài thơ này chỉ được truyền miệng, hoặc may mắn hơn, được chép tay. Dù vậy, một số cán bộ lão thành vẫn còn nhớ một số bài, trong đó có bài Đuổi gà dưới đây:
Đuổi gà
Phá ta, ta phải đuổi mày ra
Cút xéo mau đi, bớ lũ gà!
Bươi bếp, xoi nhà khi vắng chủ
Khua giò, múa mép lúc không ta
Sinh con đẻ trứng công còn nhớ
Uống hỗn ăn càn tội không tha
Vui thú mặc bay vườn rộng rãi
Thỏa tình ngoe ngoẩy mặt hê ha.
Ngay từ thời đó, hầu như tất cả những người có cắp sách đến trường đều biết con vật làm biểu tượng của mẫu quốc Phú lang Sa. Cậu Chín Nghĩ có ý ám chỉ con gà là Gô-loa nước Pháp.
Rất tiếc, tuyệt đại đa số những bài thơ của tác giả Chín Nghĩ đến nay vẫn chưa tìm thấy. Nếu sưu tầm được một phần nào đó, tin rằng chúng sẽ cung cấp thêm một số tư liệu lịch sử và nhân văn có giá trị về thời kỳ tiền khởi nghĩa (1939-1945) và thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đồng thời sẽ hiểu thêm về tính cách, đời sống tâm hồn và hoạt động yêu nước của anh Cao Sơn Pháo.
Lúc bấy giờ ở làng Châu Bí có đặt một trường Sơ học thuộc quyền quản lý của tổng. Thầy giáo có uy tín nhất của trường rất được các tầng lớp nhân dân kính trọng là thầy Nguyễn Thuyên. Hai anh em chú bác Bùi Ngọc Hoàng (tức Vương Tuấn Kiệt) và Tùng không hề biết thầy giáo Nguyễn Thuyên là người cách mạng. Mãi cho đến khi người thầy giáo yêu nước tuyên truyền, vận động hai chàng thanh niên vào hội Thanh niên Phản đế (về sau đổi tên là Thanh niên Cứu quốc), một tổ chức thanh niên nằm trong Mặt trận Phản đế Đồng minh Hội, thì họ mới biết.
Vào thời kỳ này, Đảng bị khủng bố trắng, tưởng chừng tan vỡ, Trung ương Đảng phái đồng chí Lê Chưởng, là Bí thư Xứ ủy, vào chắp nối, củng cố lại hệ thống tổ chức Đảng, cũng như các tổ chức quần chúng.
Theo nguyện vọng tha thiết của Tùng và Hoàng muốn vào Đảng, đồng chí Nguyễn Thuyên và anh Hồ Côn Minh, tức Hồ Thắng giới thiệu với anh Lê Chưởng và anh Ngô Huy Diễn (tỉnh ủy viên nằm vùng), đề nghị kết nạp cả hai anh em họ Bùi, được hai anh đồng ý. Kết nạp Đảng được tiến hành theo phương thức đơn tuyến. Anh Lê Chưởng trực tiếp đến kiểm tra các cuộc họp của Hội Thanh niên Phản đế. Bùi Ngọc Hoàng đã được phân công đi đón anh Lê Chưởng, từ khu Mả Vôi đưa về nhà anh Bùi Tháo, dự họp, trong đó có đồng chí Hoàng Nguyên Trường, đồng chí Nguyễn Nguyên và đồng chí Nguyễn Cao Khải…
Trong những ngày ấy, anh Lê Chưởng giả làm bán thuốc thú y, đem thuốc đến tận nhà. Anh quê ở Quảng Trị, khỏe mạnh, đẹp trai, có khuôn mặt chất phác, hiền lành, thường mặc một chiếc áo vải ta trắng, nhưng không hiểu sao lại dính vết phẩm viết học trò.
Người kết nạp Bùi Như Tùng là anh Ngô Huy Diễn, Tỉnh ủy viên năm vùng. Lễ kết nạp được tiến hành vào ngày 03/6/1940, tại khu Mả Vôi. Sau đó chỉ hai ngày, lại tổ chức kết nạp Bùi Ngọc Hoàng, cũng tại khu Mả Vôi, nhưng chệch về hướng Tây một ít, với dụng ý để phòng trường hợp bị lộ địa điểm. Người kết nạp Hoàng vào Đảng cũng là anh Ngô Huy Diễn.
Như vậy là ở Điện Tiến, ngoài chi bộ Ấn Độ Dương ở Châu Bí, nay có thêm chi bộ của Hoàng và Tùng mang bí danh là chi bộ Mã Lai; do Tỉnh ủy đặt cho, cũng như bí danh của một số chi bộ khác trong vùng như chi bộ Đài Loan…
Không lâu sau đó, cũng trên vùng đất cách mạng này, người đảng viên trẻ Cao Sơn Pháo đã cùng chi bộ làm lễ kết nạp đảng viên mới Phạm Quang. Và sau Phạm Quang là đến lượt Nguyễn Hoàng và Nguyễn Nguyên. Hoàng và Nguyên mới được chi bộ đề nghị, nhưng chưa có quyết định kết nạp của cấp trên, vì các đồng chí đảng viên trong chi bộ đều bị bắt…
Bên cạnh tinh thần tận tụy trong công tác cách mạng, người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi Cao Sơn Pháo còn tỏ rõ tinh thần ham học, cầu tiến bộ và có một trí nhớ rất tốt. Nhờ công phu nghiên cứu và trí nhớ đặc biệt đó, khi cần truyền đạt cho anh em những tài liệu chính trị quan trọng, ví như tập Biện Chứng Pháp, Pháo có thể đọc thuộc lòng cho anh em ghi chép, chứ Pháo không dùng đến văn bản…
*
* *
…”Tôi nhớ khoảng giữa năm 1938, anh Tùng theo cha vào Sài Gòn kiếm sống. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, hai cha con lại quay về nguyên quán. Có lẽ vì họ không tìm thấy ở đó những gì họ muốn tìm. Cũng có thể vì nổi nhớ nơi chôn nhau cắt rốn, trong khi đời sống hàng ngày của họ không lấy gì làm dễ chịu hơn.
Thu hoạch có giá trị nhất của họ trong những ngày lưu trú ở cái thành phố lớn, từng được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông này là sự hiểu biết về nỗi cơ cực, tủi nhục của người dân mất nước ở chốn đô thị phồn hoa không khác một chút nào với nỗi tù hãm tối tăm đang đày đọa người dân đen ở nông thôn… Anh Bùi Tùng khi về, còn mang theo tập thơ Giang Hồ Thi Thoại. Tập thơ gồm hàng trăm bài thơ ngắn chứa chan lòng yêu nước, thương nòi, đồng cảm với nỗi thống khổ của dân nghèo… đã được viết ra trong những ngày lưu lạc giang hồ, tha phương cầu thực… Đọc những bài thơ giải bày tâm trạng của anh Tùng, người ta có thể hiểu ngay vì sao khi gặp được cách mạng người thanh niên hiếu học, giàu suy nghĩ ấy đã nhanh chóng được giác ngộ, nhanh chóng trưởng thành.
Anh Tùng được bầu làm Bí thư chi bộ ngày từ đầu (hồi đó gọi là Thư ký chi bộ). Tiếp thu sự chỉ đạo, bồi dưỡng thường xuyên của cấp trên, chi bộ Mã Lai đã biết tân dụng các phương pháp, các hình thức tập hợp quần chúng từ thấp tới đến cao; từ một đội bóng đá (lúc đó thường gọi là đội đá banh) đến những hội ái hữu, hội tương tế, giúp nhau trong từng vụ, những cơn hoạn nạn, hoặc những ngày có việc tang, việc hiếu.
Chỉ trong thời gian ngắn, cơ sở cách mạng phát triển khá mạnh ở xã Điện Tiến, rồi cả phủ Điện Bàn.
Nhưng khi hình thức hoạt động công khai càng mở rộng thì trong hàng ngũ hội viên các đoàn, hội quần chúng càng khó tuyển chọn những người trong sạch. Chính quyền bảo hộ, bọn tay sai ở địa phương đã bắt đầu đánh hơi được sự hiện diện của những người cách mạng. Hàng loạt đợt đàn áp, khủng bố của địch lần lượt phá vỡ nhiều cơ sở quần chúng.
Vào buổi sáng sớm tinh mơ một ngày tháng 6 năm 1942, đang giữa mùa làm cỏ lúa gieo, lính tập từ phủ Điện Bàn, lăm lăm súng ống, kéo về làng… Anh Bùi Ngọc Hoàng bị bắt ngay tại nhà. Anh Cao Sơn Pháo cũng bị bắt tại nhà trong ngày hôm đó.
Anh Hoàng, anh Pháo bị lính tập dẫn thẳng về Sở mật thám tỉnh ở Hội An, trên đường đi, chỉ ghé dừng chân ở phủ Điện Bàn trong chốc lát.
Địch thẳng tay đánh đập, tra tấn, hòng khuất phục hai người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi. Nhưng khí tiết cách mạng, tinh thần kiên trung bất khuất của hai người Cộng Sản đã vượt lên trên mọi thủ đoạn tàn bạo của địch. Chúng không hề moi được ở hai anh một lời cung khai mà chúng thèm muốn. Cơ sở cách mạng do hai anh xây dựng được vững mạnh.
Gia đình anh Hoàng tuy không giàu có gì nhưng dù sao cũng khá hơn gia đình anh Pháo. Cha mẹ anh Hoàng bán lúa, kiếm tiền đút lót cho tên Banh ở Sở mật thám và tên Phạm Xuân Đào, thường gọi là Nghè Đào-một tên tay sai đắc lực của Pháp, nên Hoàng được ra khỏi nhà tù, về quê làm ăn.
Còn anh Cao Sơn Pháo bị giam giữ gần ba năm, lúc đầu ở Phú Bài, sau đưa lên an trí ở Ly Hy (Thừa Thiên).
Trong tù anh làm nhiều thơ. Vì, như thơ anh đã viết: nhà tù là trường huấn luyện, mỗi bài thơ cũng là một bài học về tình cảm cách mạng. Dưới đây trích đoạn một bài thơ anh viết tặng một người bạn tù được ra khỏi nhà lao Hội An.
…Anh về, tôi ở
Chốn quan hà bỡ ngỡ lúc chia phôi
Dây tâm tình dù cắt đứt làm đôi
Hồn chiến đấu vẫn nhồi chung một khối
Biển khổ ải thân anh hằng tắm gội
Đã bao lần anh lặn lội phong sương
Chia tay nhau, cất bước lên đường
Xa ngục thất, xa trường huấn luyện
Rút kinh nghiệm qua bao lần chiến đấu
Mang về hiến lại cho nhân dân
Lối đường xưa mạnh ấn gót chân
Vì nhiệm vụ không ngại ngần, do dự
Anh tiến lên cùng đội quân cảm tử
Của muôn người chiến sĩ không tên…
Nghe anh Hoàng Nguyên Trường kể khá chi tiết, rành rọt, tôi chỉ tiếc là thơ của anh Pháo đã viết thành tập, mà nay không còn. Chiến tranh đã cướp đi bao nhiêu sinh mệnh, tài sản, còn cướp đi những tài sản vô giá khác là những sản phẩm văn hóa của cha ông chúng ta. Những trang thơ của anh Cao Sơn Pháo mất thật tiếc, bởi chúng ta chưa biết giá trị thực của tập thơ ấy là như thế nào?...
Sau nghỉ giải lao, đàm đạo, thêm thơ, anh Trường kể tiếp:
Ngày 09/3/1945, Nhật làm đảo chính hất cẳng Pháp, anh mới ra khỏi trại an trí Ly Hy ( gần Huế). Như chim sổ lồng anh Cao Sơn Pháo vượt một cung đường bộ dài trên trăm cây số, với nỗi náo nức mừng vui khó nói nên lời, từ Ly Hy tạt qua Hòa Mỹ, về làng Thái Sơn, hầu như đi suốt đêm ngày không nghỉ.
Về tới nhà, chưa kịp hàn huyên với người thân, cũng chưa kịp nghỉ cho lại sức, anh lập tức nhắn tin để anh em, đồng chí đến gặp, khẩn trương lao vào công việc chung.
Một trong những đồng chí đầu tiên đến gặp anh Pháo là tôi (Hoàng Nguyên Trường). Sau giây phút ôm nhau mừng rỡ, anh Pháo bước vội vào nhà trong, rồi nhanh chóng quay ra. Trên tay anh Pháo cầm trân trọng một tài liệu cách mạng với vẻ mặt trang nghiêm. Pháo trao bản tài liệu cho tôi. Khi đọc qua dòng chữ in đậm nét ghi ở trang đầu tài liệu: Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Chỉ thị của Ban chấp hành Trung ương Đảng, tôi buột miệng kêu lên: Trời ơi! Anh nhận được bản Chỉ thị này từ bao giờ? Ở đâu? Ai trao cho anh?...
Pháo mỉm cười, không trả lời trực tiếp cho những câu hỏi dồn dập của tôi, mà chỉ ngắn gọn mấy câu: “Chấp hành thật tốt bản Chỉ thị này, nhiệm vụ cấp bách số 1 của chúng ta hiện giờ là hành động, hành động một cách đúng đắn, thông minh để chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa thắng lợi”.
Chỉ mấy ngày sau đó, các Ủy ban vận động Cứu quốc được thành lập từ xã đến phủ Điện Bàn. Đồng chí Cao Sơn Pháo được bầu làm trưởng ban.
Các cơ quan cách mạng đang cần có khuôn dấu. Qua mối quan hệ gần gũi từ trước, anh Pháo biết rõ đồng chí Huỳnh Hạc-Ủy viên ban vận động Cứu quốc xã Diệm Sơn vốn có tài chạm khắc gỗ, anh Pháo bèn giao cho đồng chí Huỳnh Hạc khắc khuôn dấu của Ủy ban vận động Cứu quốc xã (rất có thể đây là khuôn dấu đầu tiên của các tổ chức cách mạng ở Điện Bàn?).
Trong thực tế, mỗi hoạt độngc ủa các Ủy ban vận động Cứu quốc đều là hoạt động của Ủy ban chuẩn bị khởi nghĩa, rất khẩn trương, ráo riết và đầy hiệu quả. Đây quả thật là một cuộc vận động cách mạng sâu rộng chưa từng có, không chỉ ở Điện Bàn-Quảng Nam mà trên phạm vi cả nước.
Và cùng cả nước, cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám ở Điện Bàn đã thắng lợi vẻ vang. Trong thắng lợi đó, có phần đóng góp xứng đáng của Ủy ban vận động Cứu quốc Lam Sơn.
Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công , Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵngchỉ định phủ ủy lâm thời Điện Bàn, dưới mật danh Phủ ủy Lê Hựu với Bí thư Phủ ủy lâm thời là Cao Sơn Pháo, Phó bí thư là Phạm Ký.
Mùa thu năm 1947, khi cuộc tấn công của giặc Pháp bị chặn đứng ở bờ Nam sông Thu Bồn, thế trận cầm cự giữa ta và địch đã hình thành, vùng tự do liên khu trải dài từ phía Nam sông Bà Rén-chi nhánh sông Thu Bồn đến chân Đèo Le, anh Pháo được điều động về tỉnh, tham gia Thường vụ Tỉnh ủy. Và từ đầu năm 1949, anh được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy-đồng chí Bảy Hữu (Nguyễn Xuân Hữu) làm Bí thư, nhưng trên thực tế chỉ một thời gian ngắn sau khi nhận quyết định làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Bảy Hữu đã rời Quảng Nam để đi họp và đi học, sau đó đồng chí được điều động hẳn vào Khánh Hòa, nhận nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy. Bài thơ tiễn biệt đầy xúc động, chân tình của anh Pháo tặng anh Bảy Hữu, đến nay nhiều đồng chí còn nhớ:
Quen nhau từ thuở tù đày
Hiểu nhau từ thuở chung xây Điện Bàn