Thế rồi năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Lúc ấy, tôi đã sắp bước vào tuổi trưởng thành, phong trào cách mạng ở quê hương Điện Thắng cũng dâng cao. Chúng tôi háo hức đón nhận truyền đơn, tài liệu, tin tức của cách mạng. Rồi từng bước giác ngộ, người thoát ly lên núi tham gia bộ đội, người ở lại vào du kích.
Phần tôi, đầu năm 1963, được phân công ra hoạt động tại thành phố Đà Nẵng ở cùng tổ với anh Ngô Tĩnh, do anh Nhàn lãnh đạo. Để góp phần gây thân thế của cách mạng ngay trong một thành phố lớn của địch, tổ tôi được tổ chức giao nhiệm vụ treo cờ Mặt trận tại các ngả đường: Độc lập-Đồng Khánh, chợ Hàn. Tôi biết đấy là nhiệm vụ hết sức khó khăn và không kém phần nguy hiểm, nhưng vẫn hăng hái thực hiện.
Vào khoảng 11 giờ tối ngày 23/7/1963, chúng tôi bắt đầu hành động. Tới ngã tư, tôi leo lên trụ điện, khéo léo tránh các đường dây điện lòng thòng, nhanh chóng treo cờ, rồi lẹ làng tụt xuống. Chân vừa kịp chạm đất thì bất ngờ một chiếc xe quân sự phóng tới. Mọi người tháo chạy, riêng tôi chỉ còn cách giả vờ đứng tiểu. Bọn an ninh phi trường lập tức tóm lấy tôi, còng tay, đưa lên xe chở về trụ sở. Về tới phòng an ninh, bọn chúng lao nhao như hổ vồ được mồi. Cả lũ xúm lại vừa đánh tôi, vừa hò hét: “Bắt được Việt cộng treo cờ. Mày tên gì? ở đau? Ai giao nhiệm vụ treo cờ?”. Tôi trả lời: “Đi làm về khuya, đang đứng đái thì bị các ông bắt, chứ có biết cờ trống gì đâu”. Cả tuần, chúng thay nhau quần tôi. Đánh chán lại đưa về phòng giam. Mặt mũi tôi bầm dập, mắt sưng húp mở không ra, miệng đầy máu, đầu tóc cũng bê bết máu, khô cứng lại. Một lần nghe chúng bàn nhau đưa tôi đi nhà thương. Biết vậy, tôi mừng thầm trong bụng vì chắc chắc sẽ có cơ hội trốn thoát, song nào ngờ nơi chờ đợi tôi lại là Ty Gia Long.
Ty Gia Long là đầu não công an ngụy ở Đà Nẵng bấy giờ, toàn những “hung thấn” tra khảo tù nhân không biết ghê tay. Thôi thì đủ kiểu: đổ nước ớt treo xà nhà, dí điện vào tai và đáng sợ nhất là dí điện vào bộ hạ. Ngất lịm đi, chúng lại dội nước lạnh cho tỉnh. Cuối tuần, vào chiều thứ bảy và ngày chủ nhật tôi không bị tra khảo. Nằm trong phòng giam, tôi tự hỏi, không biết chúng còn tra tấn mình kiểu gì khác nữa đây. Anh em cùng phòng thay nhau chăm sóc tôi, dặn dò cứ khai một lời, cố gắng chịu đựng một thời gian là qua. Khai lung tung, chúng tiếp tục đánh.
Có một điều tôi thấy cũng cần kể lại: Hồi mới vào Ty Gia Long, tra tấn tôi là một tên đeo thánh giá. Thấy vậy, tôi quyết định dùng đòn cân não để tấn công hắn, bằng cách tôi mở miệng cầu: “Lạy Chúa, Chúa cứu vớt chúng con. Con vô tội thưa Chúa” (mặc dù trong bụng tôi Chúa chả là gì). Hắn gầm gừ: “Hồ sơ ghi đây mày còn kêu vô tội gì!”. Tôi lại rên rỉ: “Lạy Chúa, hồ sơ của Chúa ác quá Chúa ơi”. Thấy vậy, hắn cũng hạ giọng: “Anh ở dòng nào? Theo Chúa lâu chưa?”. Tôi đáp: “Tôi là dân đạo Trà Kiệu chính gốc. Cha mẹ chết hết, ra Đà Nẵng làm thuê kiếm sống. Chẳng may bị bắt”. Hắn hỏi ở đâu. Tôi dài dòng kể lễ, rồi nói: “Gần đây được ông Toàn-trưởng đồn cảnh sát Hoàng Diệu nhận về trông nom nhà cửa, lo việc đèn lửa cho bàn thờ Chúa”. Hắn lại hỏi: “Anh có tin Chúa không?”. Tôi trả lời: “Chúa có ở khắp nơi. Bây giờ, tôi lâm nạn, tôi nguyện cầu Chúa cứu vớt. Rồi Chúa sẽ nghe tiếng cầu nguyện của con chiên và sẽ cứu tôi”. Hắn có vẻ bớt hung hăng, hỏi bông lung cho hết giờ rồi trả tôi về phòng giam.
Từ câu chuyện đột xuất, tôi rút ra một kinh nghiệm. Lần nay, một tay cảnh sát nói giọng Bắc, còn trẻ, kêu tôi lên dụ dỗ khai man để được thả về. Thấy hắn cũng đeo tượng Chúa, tôi liền quỳ xuống lẩm bẩm cầu nguyện “Amen, Chúa linh thiêng, Chúa ngự trong con, hãy giúp con thoát cảnh khổ đau này. Thưa Chúa, con là người vô tội”. Tên cảnh sát trẻ đứng nghe một lát rồi bảo: “Tau sẽ giúp mày”. Từ đó, chúng bớt tra tấn, rồi giao tôi coi việc quét dọn quanh Ty Gia Long. Trúng ý, tôi cố làm ra vẻ ngoan ngoãn, tận tụy để chiếm lòng tin của chúng, tìm cách vượt ngục.
Vào một buổi sáng chủ nhật, khi dẫn nhóm nữ tù nhân đi quét dọn, ngang qua một căn phòng, tôi thấy một tên cảnh sát năm ngủ say trên giường xếp, bộ quân phục cởi vắt trên giường. Lập tức, tôi lấy mặc vào, mang giày, đội mủ tươm tất, đường hoàng đi ra cổng, rồi gọi xích lô về chợ Cồn. Vào chợ, tôi tìm chỗ kín vội vã trút bỏ bộ trang phục cảnh sát, rồi về lại nhà anh Tĩnh (nhà một cơ sở cách mạng). Anh giở áo xem thân hình đầy vết sẹo của tôi, nước mắt chảy ròng.
Không thể hoạt động hợp pháp tại Đà Nẵng được nữa, tôi liên lạc với tổ chức xin cử người ra đón tôi về lại địa phương. Những ngày tù ngục đã giúp tôi thấm thía hơn sự đau khổ, phẫn uất khi sa vào tay kẻ thù. Chính điều đó đã thôi thúc tôi lao vào cuộc chiến đấu mới với không chút suy tư, tính toán. Hễ cứ được giao nhiệm vụ là đi, gặp địch là đánh. Sau tổng tấn công Mậu Thân 1968, địch càn, chúng khui trúng hầm bí mậtmà sáu anh em chúng tôi đang ẩn núp. Chúng tôi quyết định tung lên đánh trả, mở đường máu để thoát. Tuy nhiên, trong sáu anh em chúng tôi đã hy sinh mất hai đồng chí, bị bắt sống ba đồng chí, riêng tôi bị thương nặng. Lúc tỉnh dậy, tôi mới biết mình lọt vào tay giặc. Tôi nhớ đinh ninh đó là ngày 25/11/1968.
Lâm vào cảnh tù ngục đã là khổ ải, phần tôi còn phải mang vết thương nặng nên càng bị đầy đọa mười phần. Kẻ thù độc ác và man rợ, bọn chúng không thèm chữa trị mà cứ thế tống tôi vào nhà giam. Vết thương nhiễm trùng sinh dòi bọ rúc rỉa, bốc mùi hôi thối lợm giọng. Trong tù, đồng đội không biết làm gì hơn ngoài việc lấy nhiều lớp vải đắp lên. Thứ thuốc duy nhất mà chúng tôi có được là muối trắng hòa với nước để rửa vết thương. Kẻ thù và dòi bọ thay nhau hành hạ suốt cả ngày lẫn đêm. Ngày nào bắt được chúng (dòi bọ) thì người đỡ nhức nhối hơn. Ngày nào không bắt được, chúng chui rúc làm ngứa ngáy, đau buốt thịt xương. Anh em trong phòng vì quá thương tôi cũng đã vất vả giúp tôi trừ khử lũ dòi bọ lúc nhúc đáng sợ ấy. Nhiều phen nhiễm trùng tưởng chừng đã chết, nhung rồi sức trẻ, khát vọng được sống để về cùng đội ngũ đã giúp tôi thoát khỏi tay tử thần. Từ nhà lao Hội An, bọn chúng đưa chúng tôi lên An Túc, An Khê. Một năm sau, ta đánh mạnh ở Bình Định nên chúng lại chuyển tù về lại Hội An. Tại đây, chúng tôi tổ chức chống chào cờ địch, đánh phủ đầu bọn trật tự, bọn tay sai để trấn áp, nên đã bị chúng đàn áp dữ dội. Chúng tôi bị giam cấm cố, bị bỏ đói, bỏ khát, song vẫn động viên nhau giữ vững chí khí của người tù cách mạng.
Đầu xuân năm 1975, ta đánh lớn trên khắp chiến trường miền Nam. Bọn cai ngục lo sợ nên càng quản lý khắt khe. Ban đêm, mỗi người bị xích vào một chỗ suốt từ 5 giờ chiều đến 6 giờ sáng hôm sau. Trên trần, chúng gắn hai quả mìn sát thương định hướng, trước cửa phòng một quả. Được ba hôm như vậy thì ngày 27/3/1975, Quân Giải phóng đã tiến sát Hội An, bọn quản ngục bỏ chạy, không kịp nổ mìn, còng tay gì nữa.
Ngày 28/3/1975, ta giải phóng Hội An, chúng tôi cũng được giải thoát khỏi ngục tù. Hôm ấy, tôi cảm thấy bầu trời Hội An như đẹp hơn, xanh cao và lộng gió. Cờ giải phóng phất phới bay trên khắp các ngả đường Phố Hội.
Về với đồng đội, với nhân dân, sau mấy ngày nghỉ cho lại sức, tôi tiếp tục lao vào công tác.