Nội dung chi tiết

LÊ NGỌC GIÁ-MỘT CHIẾN SĨ CỘNG SẢN
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 14/09/2009 .Lượt xem: 4542 lượt. [In bài]

CAO KIM 

Nhằm hợp pháp hóa việc phế truất Bảo Đại, đưa Diệm lên làm Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, ngày 23/10/1955, Mỹ - Diệm bày trò lừa bịp: “Trưng cầu dân ý”. Trước ngày bầu cử, bọn tề ngụy cấp tỉnh ở Quảng Nam xui tay chân về tận xã thôn vận động nhân dân ủng hộ Diệm. Lúc này, anh Lê Ngọc Giá là Bí thư chi bộ xã Điện Dương đang làm lãnh đạo các đoàn thể tuyên truyền vận động để đồng bào trong xã hiểu rõ thủ đoạn của địch định xé bỏ Hiệp định Giơnevơ, phá hoại hòa bình thống nhất đất nước. Anh đã tổ chức cho nhân dân biến cuộc bầu cử thành cuộc biểu tình chống chính quyền Ngụy. Đồng bào vẫn đi bỏ phiếu theo hướng dẫn của địch “Phiếu xanh bỏ giỏ, phiếu đỏ bỏ thùng”, nhưng khi vào đến nơi bỏ phiếu, người dân lấy phiếu màu đỏ có in hình của Diệm giấu vào người, hoặc xé đi, hay quệt nước trầu lên lá phiếu, có người giả đau đẻ nằm rên la nơi bỏ phiếu, người thì cãi nhau gây mất trật tự… có nhóm thì đập thùng phiếu, hoặc bỏ truyền đơn của ta vào thùng phiếu… người thì gây sự vây đánh những tên lính, tay sai. Hành trăm tên lính hoảng sợ bắn hù dọa rồi rút về nội ô Hội An. Trong đoàn người đi bỏ phiếu không may có người bị thương, anh Giá liền tổ chức đồng bào khiêng xuống Hội An đòi chúng chữa chạy. Số lính Ngụy vừa rút đến Chùa Long Tuyền gặp chi viện, bọn chúng quay lại bắn vào đoàn người đang giằng co với địch, bắt đi một số chúng cho là “cầm đầu”, trong đó có anh Lê Ngọc Giá.

Về lao Hội An chúng xếp anh vào dân loại A (người liên can đến Việt Cộng). Loại này chúng tổ chức “tố cộng” gắt gao hơn, quyết liệt hơn. “Tố cộng” thực chất là khảo tra, hành hạ những người yêu nước, cán bộ đảng viên bằng mọi cực hình dã man. Ban ngày chúng rao giảng về “Chủ nghĩa nhân vị”, ban đêm chúng bắt đứng đèn sám hối trước chân dung Diệm được đặt lên đài cao có cờ ba que, hai ngọn đèn sáp, chúng bắt người tù đứng hoặc quỳ, hai tay nâng hai viên gạch ngang vai, mắt nhìn vào ngọn nến. Kiểu hành hạ thân xác, truy bức tinh thần đến căng thẳng, choáng váng, có người ngã quỵ giữa đám đông. Những tên khát máu thường hỏi những câu cố ý nhạ nhục Đảng, anh Giá liền chửi lại chúng. Bất ngờ anh nhảy lên bàn thờ giật ảnh Diệm ném xuống đất, xé cờ ba que, đá đổ đèn, hô lớn: “Đã đảo bọn tay sai”. Bị tấn công bất ngờ, bọn chúng khớp miệng anh, bỏ anh vào bao tải cột chặt, bắt mọi người đánh đá anh đến chết ngất. Khi tỉnh lại nhiều lần tên Đợi-công an tỉnh chuyên khai thác tù chính trị, trên tay cầm con dao nhỏ, thứ vũ khí chuyên cắt nhượng chân của người tù, hắn nói: “Mi giỏi nhảy, ta cho nhảy”. Hắn sai lính đè sấp anh xuống , cắt hai nhượng chân anh, cắt xong hắn còn kéo da và cơ lên cao để lộ hai đoạn xương trắng. Chúng cho lính chỏ anh ra bãi Cảm Hà, quăng anh ở cụm gò mả… Cơ sở ta biết được đã đưa anh về Điện Dương cứu chữa.

Khi anh còn bị giam ở lao Hội An , chúng tung tin thất thiệt “Thằng Giá khai hết và tự tử chết rồi”. Lúc đầu, bà con Điện Dương nghi ngờ, chi bộ tìm cách nắm thông tin thật giả để đồng bào không bị mắc lừa chúng, các cơ sở vẫn tiếp tục hoạt động một cách kiên định. Về đến nhà, anh Giá liền nhờ người em của mình ra Hòa Hải mời thầy về chạy chữa, nhưng vết thương không giảm. Anh trở thành người đi bằng hai tay và chiếc guốc cột vào hai bàn chân không động đậy, người gầy ốm xanh xao. Nhờ có chạy chữa tích cực, một thời gian anh bình phục. Tuy vậy, từ nhà ra ngõ, anh vẫn phải lết… Mặc dầu thương tật, đau ốm, song anh vẫn tiếp tục tham gia chỉ đạo phong trào cách mạng ở địa phương.

Để vô hiệu hóa các hoạt động của ta, bọn địch thường đưa ra các khẩu hiệu: “Tố cộng là an dân, dung Cộng là phản quốc”. Chúng bắt dân chúng phải gõ mõ la làng truy đuổi “VC” mỗi khi chúng phát hiện. Tên quận trưởng Thái hùng hổ ra lệnh “Toàn dân truy lùng VC”, nhưng hắn nào có biết những bà mẹ ở Điện Nam, Điện Dương miệng la làng VC, tay chỉ lối cho các cán bộ ta thoát ra ngoài vòng vây của địch, sai con bỏ gạo vào ruột tượng, mạng cho cán bộ nằm vùng. Mẹ Lê Thị Hiểu ở Điện Nam thường mỗi tinh mơ nhìn lên mặt bãi cát để tìm dấu chân anh em minh, theo đó mà tìm đến nơi ẩn nấp, lén mang cơm gạo đến nuôi.

Tình hình ở Điện Dương lúc này càng khó khăn hơn, khi bọn cường hào, ác bá hoành hành nhằm tìm cách lập công với giặc. chúng o ép, kìm kẹp những gia đình có quan hệ cách mạng, cô lập phân hóa để truy tìm cán bộ trụ bám hoạt động bí mật. Trước tình hình đó, anh bàn với gia đình bán đất, để nuôi cán bộ du kích, lúc bán một sào, lúc vài chục thước, dồn lại cũng hơn mẫu ruộng … lấy tiền mua lương thực, thuốc men, vải vóc chuyển đến những căn hầm bí mật.

Đối với bọn địch, hằng ngày, anh sai anh Đường (em ruột) chở bằng xe đạp, lúc cõng anh đến nhà từng tên trong Hội đồng hương chính, vào nhà tên xã trưởng. Anh nói: “Tao bị bọn bay quy là dân can cứu VC, đánh cho tàn phế rồi, nhưng bọn bay sinh ra trong gia đình gia giáo phải lấy đức mà ăn ở, bọn mày liệu liệu mà làm, chứ đến ngày cách mạng thành công, bọn mày không dám ngó mặt ai, liệu lo mà giữ cái thân”. Ngoài việc cảnh báo, răn đe, thuyết phục chúng, anh còn nói với vợ con bọn lính: “Bảo chồng mày đừng có làm ác, con cái bọn bay sau bị tội đó”. Cứ thế, anh giáo dục mãi, tên xã trưởng phải chùn tay, bởt hung hăng, không khí có phần dễ thở hơn, nhưng còn thằng Vân-cảnh sát thì vẫn ác ôn. Hắn thường làm những điều thất đức, hãm hiếp phụ nữ, bắt chị em ly khai với chồng con tập kết. Anh em du kích phục bắt được tên Vân, xin anh cho xử tử để làm gương. Anh nói với đồng chí xã đội trưởng: “Chú Mười giết hắn thì dễ, nhưng chú không nghĩ đến khi đám giỗ hắn, bà con hắn nói ổng chết do Cộng sản giết. Vậy có phải giết một người thành thù mười người đó sao?”. Tên Vân được cách mạng tha, người thân của hắn đến cảm ơn. Anh nói: “Đừng cảm ơn tui mà lo bảo hắn chớ ăn ở thất đức nữa”. Rồi thằng Nghiêng, thằng Hảo cũng chừa bớt cái tính côn đồ. Anh sai anh Đường đi mua mấy con vịt về làm thịt, làm cỗ mời bọn chúng đến ăn. Ăn xong, anh nói: “Tao là vai chú, vai anh trong làng, trong xã tao nói câu này mấy chú suy nghĩ: Mình là dân Việt Nam, không ở ác, các chú làm tay sai cho bọn Mỹ có tội với nhân dân, bỏ đi đừng làm nữa”. Bọn chúng im re. Nhưng anh biết, chẳng khi nào chúng từ bỏ. Mở cho chúng một lối thoát, anh nói: “Thôi, làm thì cứ làm, nhưng đừng hại dân, mà làm răng cho dân nhờ…”. Cứ thế anh khuyên nhủ, bọn chúng thấy anh già, tàn phế mà có lòng nhân từ, lại là người của cách mạng, bên ngoài chúng im, nhưng bên trong chúng nể sợ… Từ đó, sự kìm kẹp có lỏng ra, cán bộ nằm vùng dễ thở hơn và phong trào cách mạng ngày càng lên cao. Cho đến ngày đồng khởi (1964), chi bộ Điện Dương lãnh đạo nhân dân đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân và Điện Dương trở thành vùng giải phóng.

Tháng 2 năm 1965, đồng chí Hồ Nghinh-Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đà vào dốc Luyện (Hà My) chủ trì hội nghị, chủ trương biến vùng giải phóng thành “Pháo đài làng xã” chống âm mưu càn quét, đánh phá cảu địch, và xã Điện Dương tạm thời thuộc Hội An-Điện Dơng trở thành tiền tuyến trực tiếp đối mặt với lính Mỹ, mỗi khi chúng từ Đà Nẵng kéo vào. Anh Lê Ngọc Giá lại trực tiếp ra chiến trường, cùng nhân dân du kích đào hào chống tăng, xây phòng tuyến , rào làng, xây công sự. Anh cũng đội gai đi rào làng, cũng lê người đi đào công sự với anh em nên đã động viên mọi người hăng hái tham gia. Anh đứng ra lập Ủy ban tự quản, chọn cử các thành viên phụ trách xã đội, an ninh, kinh tế,… Với chức vụ Bí thư, anh kiên trì vận động thanh niên hăng hái tòng quân giết giặc, ngoài số lên đường nhập ngũ, ở địa phương còn có hành trăm thanh niên tham gia du kích và bộ đội huyện. Nhờ vậy, lực lượng tại chỗ của Điện Dương khá mạnh.

Tháng 3 năm 1965, Mỹ vào Đà Nẵng tiến hành đợt càn quét đầu tiên từ Non Nước vào, anh nhận định tình hình và chọn dốc Chờ (ranh giới Điện Ngọc-Điện Dương) làm nơi phục kích diệt Mỹ. Anh đã chế tạo được quả mìn gần trăm cân, nhồi thuốc nổ, mảnh chai, mảnh pháo khiêng ra dốc Chờ. Anh bảo với anh em du kích: “Trận đầu phải đánh mạnh, xem nó phản ứng ra sao!”. Khi máy bay quần đảo, xe tăng vừa đến dốc, chúng đưa ống nhòm vào quan sát vùng Điện Dương. Lập tức, anh cho phát lệnh “nổ”. Một cột khói cao gần 20mét hất tung xe tăng và hàng chục tên lính Mỹ Ngụy, xác bay lơ lửng trên không rồi rơi vãi xung quanh. Bọn địch hoảng hốt quay xe, không kịp lấy xác lính Mỹ chết. Anh em du kích hỏi anh: “Xử lý bọn này răng chú?”, anh nói: “Khi còn sống, hắn là kẻ thù không đội trời chung, khi chết, nên lấy đạo nghĩa mà đối đãi, cho hắn chiếc chiếu lành rồi đem chôn…”.

Tháng 8 năm 1965, Mỹ lại đưa quân vào đóng ở Cồn Thương, dốc Đó (Điện Dương). Tình hình chiến sự trở nên ác liệt, bọn Mỹ thường xuyên thay chiến thuật, lúc “càn quét ồ ạt”, lúc “bủa lưới phóng lao” hành quân lấn dần qua vùng giải phóng. Nhân dân Diện Dương thực hiện “Một tấc không đi, một ly không rời”, liên tục bám trụ đánh địch. Du kích xã làm nhiều hầm bí mật cho anh, khi anh đi chỉ đạo chiến đấu, nắm tình hình thì du kích cõng đi. Khi địch đến sát nách, du kích bồng anh xuống hầm bí mật, địch rút lại bồng anh lên. Cứ thế, anh thường xuyên có mặt những nơi nóng bỏng, luôn sống chết cùng lực lượng vũ trang, dân quân du kích và nhân dân.

Năm 1969, sau khi dự Hội nghị tỉnh về, anh bị mệt, phần do sức khỏe giảm, ăn uống kham khổ, phần do thuốc men thiếu thốn, anh đã hy sinh dưới hầm bí mật trong một trận càn dài ngày của lính Mỹ. Bấy giờ anh tròn 60 tuổi.

Ngày nay, hình ảnh anh vẫn lắng đọng sâu sắc không chỉ ở lớp người cùng thời mà cả lớp trẻ, ai ai cũng biết nhiều về anh qua câu chuyện: người lớn kể con cháu nghe về anh Giá, về người cán bộ bị địch bắt giam cầm, tra tấn và cắt cả nhượng chân, anh phải lê lết trên đất để chỉ đạo đánh địch và thắng địch, lại có tấm lòng nhân hậu, biết lấy chính nghĩa thắng hung tàn. Ngay cả những kẻ đã từng một thời theo dõi, truy tìm dấu tích của anh, mỗi khi nhắc đến tên anh, họ đều bày tỏ lòng cảm phục. Có người nói: “Cộng sản nhân từ như anh Giá ai mà không phục”.

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Người con Điện Nam anh hùng
Gặp lại “chị” Chính, người cán bộ binh vận xuất sắc
TRƯỚC THỀM TRĂM NĂM TUỔI
CHẾT VINH HƠN SỐNG NHỤC
GƯƠNG HY SINH CỦA LIỆT SĨ NGUYỄN ĐÌNH TRÂN
HOÀNG HỮU NAM TẤM GƯƠNG SÁNG VỀ LÒNG TRUNG THÀNH VỚI DÂN VỚI ĐẢNG
PHAN TRIÊM (1916-2001)
NGUYỄN XUÂN NHĨ(1912 – 1983)
VÕ CỮU NGƯỜI CON KIÊN TRUNG BẤT KHUẤT CỦA ĐIỆN BÀN
ĐI THEO CON ĐƯỜNG CỦA ĐẢNG ĐÃ VẠCH
    
1   2   3  
    
Các tin cũ hơn:
MỘT THỜI ĐỂ NHỚ
PHÁC THẢO CHÂN DUNG ĐỒNG CHÍ CAO SƠN PHÁO
TRẦN THỊ LÝ-NGƯỜI PHỤ NỮ ANH HÙNG
TÙ KHÁM LỚN
Phan Thanh, nhà trí thức cách mạng

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm