Đồng chí Nguyễn Đức Xang, người con của vùng La Huân, xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn là một trong những người tiêu biểu cho tinh thần đó. Hơn hai mươi năm bị giam cầm dưới chế độ Mỹ-Ngụy, đồng chí đã đấu tranh không mệt mỏi chống chế độ đàn áp, tra tấn, đấu tranh giữ trọn khí tiết của người Cộng sản.
Sau ngày Hiệp định Giơnevơ được ký kết (20/7/1954), đồng chí Nguyễn Đức Xang được xã ủy xã Điện Tiến phân công ở lại hoạt động hợp pháp, xây dựng cơ sở cách mạng trong lòng địch.
Sau khi năm được tin đồng chí là cán bộ hợp pháp của ta, sáng 20/7/1955, bọn địch cho người đến bắt đồng chí Xang đưa về khu hành chính Kỳ Lam để tra hỏi, rồi giải về lao Vĩnh Điện, sau đó chuyển xuống nhà lao Thông Đăng-Hội An. Tại đây, chúng dùng nhiều thủ đoạn tra tấn dã man, rồi dụ dỗ, mua chuộc, song đồng chí Xang vẫn vững vàng, không chịu khai báo một lời.
Sau hơn nửa tháng giam cầm, tra tấn, chúng không tìm ra chứng cớ gì thêm, bèn tìm cách vu khống, ghép đồng chí vào laọi “tù chính trị đặc biệt” và đưa vào giam ở phòng cấm cố biệt lập, tiếp tục dùng nhiều hình thức tra tấn, dụ dỗ, song chúng vẫn không khai thác được gì ở đồng chí Xang. Ngược lại, đồng chí đã tích cực hưởng ứng các phong trào đấu tranh trong nhà lao.
Ngày 20/7/1956, chúng lấy cớ đưa đồng chí Xang đi an trí, nhưng thực chất là đưa ra giam ở nhà lao Kho đạn-Đà Nẵng. Tại đây, đồng chí Xang bị địch giam biệt lập, dùng nhiều thủ đoạn tra tấn dã man hơn hòng lung lạc ý chí, song đồng chí vẫn kiên trung, bất khuất, không hề nao núng, và càng tích cực tham gia các cuộc đấu tranh của anh em tù chính trị đòi cái thiện chế độ sinh hoạt, chống đánh đập, tra tấn tù nhân…
Biết được đồng chí Xang là người Cộng sản kiên cường, người có vai trò tích cực trong việc phát động các cuộc đấu tranh, chúng bèn lập hồ sơ đày đồng chí ra nhà tù Côn Đảo.
Khoảng 2 giừo sáng ngày 20/7/1957, chúng vào nhà lao đọc danh sách gọi tên từng người ra sân, rồi dùng dây dừa trói tay cặp ké hai người một, đưa lên xe GMC chở ra cảng Đà Nẵng.
Sau hai ngày, tàu chở đoàn tù chính trị đến Côn Đảo và dừng lại cách cầu tàu chùng 50mét. Bọn chúa đảo từ trong bờ đi ca nô đến, rồi nhảy lên tàu. Chúng vừa la hét, vừa dùng roi, xô đạp từng người xuống nước, bắt phải lội vào bờ. Một số tù nhân kiệt sức không bơi nổi, phải có anh em dìu lội vào.
Lên bờ, bọn chúng bắt tù nhân xếp thành hai hàng. Một thằng trong bọn bắt đầu lên giọng đe dọa và không ngớt lời chửi bớt tù nhân. Bọn chúng rêu rao: “Đây là Côn Lôn, là nơi có đi không có về. Bọn bay láng cháng, không biết nghe lời thì bỏ rục xương ở đây!”.
Trên đường về trại giam, chúng bắt tù nhân hô khẩu hiệu: “Ủng hộ Ngô Tổng thống”, “Đã đảo Cộng sản”… Đồng chí Xang đã cùng anh em tù nhân đấu tranh không hô, liền bị chúng xông vào đánh tới tấp.
Sáng hôm sau, địch tập trung tất cả tù chính trị ra sân để lục soát từng người, thu hết tư trang, tiền bạc, thuốc men… Đồng chí Xang tham gia cùng anh em phản đối việc khám xét và bị chúng đánh đập tàn nhẫn, rồi đẩy vào giam cầm cố.
Tại đây, đồng chí đã nhanh chóng tìm hiểu, nhất là qua anh em đồng hương để biết rõ ngọn ngành và tìm cách chống ly khai để bảo vệ sinh mạng, bảo vệ khí tiết của người đảng viên Cộng sản.
Mấy ngày sau, những tên quản đốc và bọn tâm lý chiến vào trại. Chúng bắt đầu thực hiện việc phân hóa tù nhân. Sau gần hai giờ thuyết phục, hăm dọa, trấn áp, chỉ có 15 người trong số 172 người ngồi sang phía theo Ngô ĐÌnh Diệm. Bọn chúng dẫn 15 người này sang ở trại 2. Số còn lại tiếp tục bị cấm cố ở trại 1. Mỗi ngày, chúng phát cho mỗi người một lon nước lạnh, ăn cơm gạo hẩm với muối trăng để chờ đến khi có lệnh mới. Từ đây, bọn địch liệt đồng chí Xang vào loại tù chính trị ngoan cố.
Từ năm 1958, bọn địch ở các nhà tù đã tăng cường thực hiện nhiều âm mưu thâm độc, tổ chức phân hóa tù chính trị. Lúc đầu, chúng phân loại tù khánh chiến cũ và tù Cộng sản. Biết được âm mưu của địch, đồng chí đã tích cực vận động tù nhân đấu tranh quyết liệt, buộc chúng phải bỏ cách phân biệt đối xử này.
Sang năm 1959, địch khủng bố để phân hóa tù chính trị bằng cách dùng chày vồ có tay cầm để tra tấn. Nhiều anh em đã bị chúng đập vào ngực, vào cùi chõ, vừa đập vừa tra khảo, không ít người bị hộc máu, bị tàn phế.
Ngày 15/7/1959, địch chuyển tù chính trị trại 1 về giam ở trại 3 và trại 4 nhằm chia cắt, cô lập triệt để và khủng bố, tiến tới xóa “trại Cộng sản”. Dọc đường đi, đồng chí đã cùng anh em tù chính trị hô vang khẩu hiệu phản đối. Khi vào trại, đồng chí Xang thấy bọn chúng đã treo sẵn ảnh Ngô Đình Diệm và khẩu hiệu phản động, lập tức, đồng chí cùng các đồng chí trong tù xông vào xé bỏ. Bực tức, bọn cai ngục tiếp tục xông vào đánh đập dã man và bắt đồng chí đưa xuống khu giam “chuồng cọp”.
Sáng ngày 01/4/1960, địch lại tiếp tục mở đợt cao điểm đánh phá trại 3, trại 4 và trại “chuồng cọp”. Đồng chí Xang bị chúng đánh đập cả người sưng tấy, song đồng chí vẫn tham gia đấu tranh, phản đối chế độ đối xử vô nhân đạo với tù nhân, đấu tranh buộc chúng phải chở củi đến đốt sưởi và cuối cùng địch phải nhượng bộ.
Phát huy thắng lợi, đồng chí tích cực trao đổi với anh em trong tổ, bàn kế hoạch tiếp theo nhằm thực hiện chủ trương của cấp trên về đấu tranh hợp pháp như chống khổ sai, chống học tập tố cộng… Nhờ có tổ chức lãnh đạo trong thời gian từ 1961-1962, ở nhà tù Côn Đảo liên tiếp nổ ra các cuộc chống chào cờ, chống lao dịch, không hô khẩu hiệu đả đảo Cộng sản… Do vậy, bọn cai ngục xếp đồng chí Xang vào loại cầm đầu nên bắt nhốt vào xà lim, tiếp tục tra tấn, đánh đập đồng chí một cách vô cùng dã man, cho ăn cơm gạo hẩm với muối trắng. Sau 12 ngày, chúng mới thả ra.
Ngày 01/11/1963, nhân thời cơ tên độc tài Ngô Đình Diệm bị đảo chính, đồng chí Xang đã tham gia đấu tranh chống chế độ nhà tù, chống bọn cai ngục, chúa đảo, tuyên bố không chấp nhận chế độ đương thời. Song, cuộc đấu tranh bị đàn áp. Địch bắt những người chúng cho là cầm đầu giam vào trại “chuồng cọp”. Trong suốt 6 năm liền, đồng chí Xang luôn bị coi là thành phần cốt cán, là kẻ cầm đầu và cũng là người thường xuyên bị chúng đánh đập, tra tấn, hành hạ một cách tàn nhẫn. Song, chúng không hề khuất phục được đồng chí.
Tháng 4/1969, địch chuyển đồng chí Xang vào giam ở nhà lao Chí Hòa rồi Tân Hiệp. Tại các nhà lao này, bất chấp sự tra tấn khắc nghiệt của bọn cai ngục, đồng chí vẫn tích cực tham gia hầu hết các cuộc đấu tranh chống địch như không chào cờ ngụy, không thi hành nội quy nhà tù, không mặc áo trắng,…
Trước khí thế chống đối của anh chị em tù chính trị ở nhà lao Tân Hiệp ngày càng mạnh mẽ, do có sự hỗ trợ và sự lãnh đạo của anh em tù chính trị Côn Đảo mới về, nên bọn địch hốt hoảng, vội vã tìm cách chuyển số cốt cán trở lại Côn Đảo, trong đó có đồng chí Xang.
Năm 1970, khi bị đày ra Côn Đảo lần thứ hai, đồng chí Xang lại tiếp tục tham gia tổ chức tuyệt thực 14 ngày để phản đối chế độ hà khắc trong nhà tù, đòi cải thiện ăn uống, giam giữ.
Cuối năm 1971, bọn địch chuyển 800 tù chính trị câu lưu từ trai 1 đến trại 6 khu B-nơi giam giữ tù nhân chúng cho là ngoan cố. Mặc dù bị cấm cố trong trại giam, đồng chí Xang vẫn liên tục có mặt trong các cuộc làm reo, đấu tranh đòi cải thiện chế độ ăn uống, giam giữ, điều trị tù nhân khi bị ốm đau. Đặc biệt, cũng trong thời gian này, đồng chí còn tham gia đợt tuyệt thực 19 ngày thì bọn địch buộc phải nhượng bộ, trả số anh em bị phân tán trước đó về trại cũ và giải quyết những yêu sách của anh em tù chính trị.
Đầu năm 1973, khi có Hiệp đinh Paris, đồng chí tích cực tham gia đòi địch thi hành Hiệp định, đồng thời vạch rõ âm mưu của địch đã lừa đảo tù chính trị về việc thương lượng để đưa một số tù nhân vào đất liền tiếp tục giam giữ, không chịu làm giấy tờ trao trả…
Qua nhiều giờ thương thuyết không thành, chúng bèn giở trò đàn áp, dùng nhiều thủ đoạn thâm độc như bắn phi tiễn vào phòng gây sức nóng, dùng lựu đạn cay tung vào phòng giam làm tù nhân nghẹt thở để dễ đánh đạp, tra tấn.
Mặc dù bị đàn áp dã man, anh em tù chính trị vẫn không nao núng, vẫn tiếp tục đối mặt với kẻ thù. Trước làn sóng đấu tranh mạnh mẽ của tù chính trị, địch buộc phải nhượng bộ, thực hiện một số yêu sách của ta.
Tối ngày 30/4/1975, nhận được tin thành phố Sài Gòn giải phóng, anh em tù chính trị ai nấy đều vui mừng đến trào nước mắt. Ban lãnh đạo tù ở khu H liền quyết định chớp thời cơ để giải phóng Côn Đảo. Đến 3 giờ sáng ngày 01/5/1975, cả tám trại đều được anh chị em tù chính trị đồng loạt nổi dậy, phá lao, giải phóng hoàn toàn.
Sau những ngày bận rộn với công việc tại Côn Đảo lúc mới giải phóng, mãi đến 27/5, anh chị em tù chính trị mới chính thức được phép rời Côn Đảo, về với đất liền. Chia tay nhau, mỗi người về mỗi ngã. Riêng đoàn chiến sĩ tù yêu nước Quảng Nam, sau hai ngày đên, tàu mới cập cảng Đà Nẵng lúc 3 giờ chiều ngày 29/5/1975 trong rừng cờ hoa, biểu ngữ cùng những tiếng hô vang của đồng bào, đồng chí mừng đón những người con bất khuất, kiên trung từ “cõi chết” trở về trong ngày đại thắng.