Nội dung chi tiết

NGƯỜI NUÔI DƯỠNG MỘT NIỀM TIN
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 14/09/2009 .Lượt xem: 4944 lượt. [In bài]

Hồ Duy Lệ 

Đó là một niềm tin hướng đến tương lai, một niềm tin tất thắng của một con người-người chiến sĩ cách mạng Hà Kỳ Ngộ.

Sinh ngày 22/12/1921, tại xã Điện An, huyện Điện Bàn, mang cái tên cha mẹ đặt cho là Hà Văn Ngộ. Không rõ từ ngày nào, do đâu ông lại thay chữ Văn bằng chữ Kỳ và dường như cái chữ Kỳ đã đeo bám suốt cả cuộc đời chiến đấu không mệt mỏi của ông.

Đại hội Đảng bộ Đà Nẵng tại Bà Bầu-Tam Kỳ tháng 4/1950, sau khi tách Đà Nẵng ra khỏi tỉnh Quảng Nam, đồng chí Chế Viết Tấn làm Bí thư, đồng chí Võ Văn Đặng làm Phó Bí Thư, thì Hà Kỳ Ngộ đã là một Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban dân vận kiêm Hội trưởng Liên Việt Đà Nẵng. Năm 1951, khi Võ Văn Đặng làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, phụ trách Đà Nẵng, thì Hà Kỳ Ngộ là Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thành ủy. Cũng trong năm 1951, Trung ương điều đồng chí ra Việt Bắc, đưa đi học tại Học Viện Mác-Lê-Nin ở Bắc Kinh-Trung quốc. Năm 1953, đồng chí trở về nước tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Là người con của Điện An-Điện Bàn, nhưng lại gắn bó với hoạt động của công nhân, viên chức, tiểu thương, từ những ngày Đà Nẵng Rèn cán chỉnh cơ, cải tiến kỹ thuật, từ những ngày Bùi Chát cùng các chiến sĩ công binh đặt mìn trên đèo Hải Vân, lật nhào đoàn tàu chở 600 lính Pháp vừa vào Đà Nẵng, làm cho Bộ chỉ huy Pháp ở miền Trung phải đau buồn, treo cờ rũ một ngày. Tháng 5/1945, ông tham gia tổ chức công nhân cứu quốc tại Đềpô xe lửa Đà Nẵng, chưa tròn 24 tuổi Hà Kỳ Ngộ được cử làm đại đội trưởng tự vệ cứu quốc và Thư ký Hội công nhân cứu quốc Hỏa xa Đà Nẵng. Tháng 10/1945, trở thành Đảng viên Cộng sản Đông Dương. Từ năm 1946, đồng chí được bầu làm Bí thư Chỉ bộ Hỏa xa Đà Nẵng, Ủy viên Ban Công vận thành phố.

Sau tháng 7/1954, Hà Kỳ Ngộ đưa cả gia đình tập kết ra miền Bắc theo Hiệp định Giơneve. Sau khi thủ đô Hà Nội vừa giải phóng, đồng chí công tác ở Bộ giao thông công chính, song ngày đêm thao thức mong đến ngày về lại Miền Nam. Năm 1959, đồng chí làm Bí thư Đảng ủy Công ty tàu cuốc ở Hải Phòng. Lúc đó, con trai đầu lòng của đồng chí là Hà Quốc Hội (Hà Minh) mới mười hai tuổi, học lớp 4 trường học sinh miền Nam số 14 Hải Phòng, nghỉ hè, ông liền gởi Hà Quốc Hội vào nhà máy, giao cho công nhân kèm học nghề, nắm vững động tác cầm búa, dũa, đục, cưa sắt. Vốn xuất thân là một công nhân, học ở Trường Kỹ nghệ thực hành Huế, từng làm thợ máy tàu biển, công nhân hỏa xa, từng tham gia bãi công với thợ thuyền, ông hiểu rất rõ vai trò to lớn của công nhân, ông muốn tập rèn cho con trai quen dần với gian khổ, hun đúc cho con trẻ một tinh thần chiến đấu bền bỉ của công nhân.

Vào một ngày đầu xuân 1961, đồng chí đưa vợ hiền và 5 người con (bốn trai, một gái), từ thành phố cảng Hải Phòng lên Thủ đô Hà Nội, đưa cả gia đình ra chơi hồ Hoàn Kiếm, đến tiệm ảnh Quốc tế chụp ảnh kỷ niệm trước khi tạm biệt vợ con, rồi bí mật rời Hà Nội lên đường vào miền Nam, gởi lại cho các con bài thơ THƯƠNG CON, viết trong đêm 14/2/1961:

Con à tình nước tình non

Trăng trong vành vạnh con còn lớn khôn

Ẵm con dạ những bồn chồn

Quê Nam còn giặc bốt đồn thù sâu

Thương con thức với đêm thâu

Lòng cha ấm lại từng câu thơ buồn

Ngày mai con vượt Trường Sơn

Hôn con hơi sữa còn thơm dọc rừng,

Từ sân bay Gia Lâm – Hà Nội đồng chí lên máy bay sang Lào, vượt đường mòn Trường Sơn về với núi rừng Nam miền Trung Việt Nam. Ngày đi, đêm nghỉ, đến cuối năm 1961, ông Hà Kỳ Ngộ cùng một số cán bộ từ miền Bắc về đến Quảng Nam, liền được tăng cường cho Đà Nẵng. Ban Cán sự và cán bộ tăng cường đã đưa vào các xã Hòa Đa, Hòa Phụng, Hòa Tiến, Hòa Quý (Hòa Vang) và các xã Điện Hòa, Điện Thắng, Điện An, Điện Ngọc (Điện Bàn) làm bàn đạp để tiếp cận vào nội thành, xây dựng cơ sở trong tiểu thương, học sinh, sinh viên, phật tử, giáo chức, công chức, tài xế, thợ máy, xích lô ở các phường: Thạc Gián, Nam Dương, Hòa Thuận, Hải Châu, Phước Ninh… Năm 1962, Ban cán sự Đà Nẵng được thành lập, Hà Kỳ Ngộ được cử làm Bí thư.

Tháng 1/1953, tại làng Đào (huyện Hiên), Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Đà lần thứ V quyết định cắt thôn Trung Lương, Lỗ Giáng (Hòa Xuân) và xã Hòa Thái (Hòa Tiến – Hòa Vang) giao cho Ban cán sự thành phố Đà Nẵng làm bàn đạp tiếp cận thành phố, giao cho các Huyện ủy Hòa Vang và Điện Bàn chịu trách nhiệm cung cấp cán bộ, cơ sở hợp pháp và địa bàn để Ban cán sự Đà Nẵng nhanh chóng tiếp cận vào nội thành. Tại Đại hội này, Hà Kỳ Ngộ được bầu làm ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy. Từ căn cứ kháng chiến của Đà Nẵng, năm 1963, trong một đêm lạnh của núi rừng ông đã viết một lá thư dài cho con trai Hà Minh đang là cựu học sinh, trong thư ông kể cho con về những tấm gương đấu tranh bất khuất của đồng bào, đồng chí và các cháu học sinh miền Nam của Huế, Sài Gòn, Đà Nẵng, dặn con phải sống có lý tưởng, phải thử thách trong gian khổ, trong lao động, trong kỷ luật, phải xứng đáng trong mọi việc… Lá thư của đồng chí đã được chọn in trong tập sách Từ tuyến đầu Tổ quốc của Nhà xuất bản Văn học. Bức thư gởi cho con trai có kể về tấm gương hy sinh của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, đây còn là một trong số tài liệu học tập bắt buộc đối với những thanh niên Việt Nam được Đảng và Chính phủ gởi ra nước ngoài học tập vào thời kỳ ấy.

Tháng 9/1964, Khu ủy quyết định tách Đà Nẵng ra khỏi Quảng Đà, trực thuộc Khu ủy, thành lập Thành ủy Đà Nẵng do ông Hồ Nghinh – Bí thư tỉnh ủy Quảng Đà kiêm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Hà Kỳ Ngộ làm Phó bí thư Thường trực.

Tháng 3/1966, Hà Kỳ Ngộ được tiếp tục phân công ủy viên Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng phụ trách đấu tranh chính trị, bí mật vào nội thành trực tiếp chỉ đạo “Lực lượng nhân dân tranh thủ cách mạng”, chuyển cuộc đấu tranh ly khai giữa các thế lực, các chính đảng trong nội bộ chính quyền Sài Gòn thành phong trào chống Mỹ-Thiệu-Kỳ, đẩy mạnh các cuộc đấu tranh công khai, thông qua các cuộc biểu tình, bãi công, bãi khóa, bãi thị… Cuộc đấu tranh đã huy động hàng vạn nhân dân xuống đường, làm chủ thành phố. “Báo Tiếng Vang”-Sài Gòn, ngày 5/4/1966 đã viết: Thiệu không còn kiểm sóat đựơc Đà Nẵng và các tỉnh vùng I chiến thuật nữa.

Tham gia chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, đồng chí Hà Kỳ Ngộ là ủy viên Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà phụ trách Đấu tranh chính trị và Dân vận.

Chiều ngày 17/1/1968, nhằm ngày 18 tháng Chạp, còn hơn mười ngày thì đến Tết Mậu Thân, Hà Kỳ Ngộ lại lên đường vào nội thành, trực tiếp chỉ đạo các công việc cần phải làm trước khi giờ G nổ súng.

Nổi dậy trong ngày mồng một Tết Mậu Thân, mũi quân sự không hoàn thành mục tiêu, địch phản kích quyết liệt, chấp hành lệnh của Hồ Nghinh, tất cả các vị lãnh đạo phải tìm cách thoát ra khỏi thành phố.

Khi ông Trần Thận rời nhà cơ sở trên đường Độc Lập (nay là đường Trần Phú), chuẩn bị thoát ra, thì an ninh quân đội vây nhà bà Thanh Hồng. Lúc ấy là 8 giờ sáng, ngày 28/2/1968, nhằm ngày mồng hai tháng hai Tết Mậu Thân-1968, ông đang ngồi đọc báo thì cô cháu gái của bà Mười Hoa chạy sang tiệm hớt tóc, leo lên cầu thang, hớt hải nói không ra lời:

-    Có lính vô đòi soát nhà!

Biết chuyện chẳng lành đang đến, Hà Kỳ Ngộ quan sát quanh nhà, rồi dự tính nếu gặp tình huống xấu, có thể nhảy xuống kiệt, theo con đường nhỏ chạy ra hướng đường Bạch Đằng, hoặc nhảy vọt qua mấy mái tôn người ta che tạm để bán buôn bên lề đường, rồi chui vào đâu đó, không tính chạy trên đường Độc Lập, vì đang còn thiết quân luật. Nhưng nghe tiếng giày lên cầu thang, nhìn quanh đều có lính. Chúng đã bao vây!

Thấy bốn bề đều có địch, không còn lối thóat nào, thế là Hà Kỳ Ngộ bị bắt cùng với bà Thanh Hồng và con trai. Bất ngờ thấy lính ập vào trói ông Ba (mọi người trong nhà chỉ biết đó là ông Ba), một người trong nhà bà Thanh Hồng liền ra cửa hông, chạy tìm báo cho bà Mười Hoa, có an ninh vào soát nhà. Bà Mười quay về, đi đến gần nhà thì dừng lại, vì thấy mấy chiếc xe nhà binh đậu trước nhà bà Thanh Hồng, bà đi nhanh qua nhà, thấy con  gái bà Thanh Hồng đưa hai bàn tay lên, đẩy ra, biết đây là dấu hiệu có chuyện nguy hiểm, bà đi thẳng trên đường. Em gái con của dì bà, đạp xe theo sau, nói ông Ba ở trong nhà bà bị bắt rồi! Bà Mười liền vào nhà người anh, viết mấy chữ “Anh Ba bị bắt rồi”, bảo anh Thức đưa thư cho Sáu Hưng. Đang ở trong nhà bà Huệ, nhận thư, Sáu Hưng tưởng ông Thận bị bắt, tại sao ổng đã thóat ra rồi mà lại bị bắt, lo quá, vì ông Thận từng ở gần nhà bà Thanh Hồng, sau đó mới biết, anh Ba mà bà Mười Hoa gọi là Hà Kỳ Ngộ.

Cũng tại nơi Hà Kỳ Ngộ bị bắt, bọn an ninh quân đội phục bắt bà Thanh Mai, rồi phục chờ, bắt ông Dật khi ông đến tìm vợ, vì sau một đêm vợ ông đi không thấy về nhà. Sau khi bắt hai vợ chồng ông Lê Viết Dật, chúng đến niêm nhà, tịch thu tài sản và bắt con trai lớn là Lê Đại Phóng giam ở nhà lao Ty cảnh sát Gia Long. Một sĩ quan an ninh quân đội dọa bà, bảo đưa cho hắn 50 cây vàng thì bà sẽ được về. Chúng bịt mặt đưa bà Thanh Mai về nhà, lấy được vàng, chúng thả bà Thanh Mai, còn ông Dật thì bị giam cầm, tra tấn, rồi đày Côn Đảo.

Hỏi giấy tờ, Hà Kỳ Ngộ rút từ trong túi quần ra, đưa cái căn cước mang tên Lê Việt. Trong túi quần của ông có đến ba cái căn cước giả, một cái mang tên Mười Thanh, một cái mang tên Lê Thành. Vì ông đang chuẩn bị ra khỏi thành phố nên lấy bỏ trong túi quần. Ông biết còn một tờ giấy ghi mật mã găm dưới lai quần, sẽ tìm cơ hội thủ tiêu.

Tên thiếu tá an ninh cầm cái căn cước đưa cho ông, không thèm nhìn, tức thì hắn chồm tới chụp cổ áo ông giằng mạnh. Ba tên ở quanh ông, đứa  bịt mắt, đứa kéo hai tay, đứa bóp cổ nhận khăn vào miệng, đưa hai tay ông vào còng số 8, đẩy ra xe. Khi chúng mở khăn bịt mắt ông ra, ông mới biết đó là phòng hỏi cung của an ninh sở 1.

- Chắc ông biết – Một tên thẩm vấn hỏi – Rất nhiều người của ông đã rơi vào tay chúng tôi. Đừng để chúng tôi phải mạnh tay, có gì ông nói, xem ông thành khẩn đến đâu.

- Tao đi đường, thấy quán hớt tóc, vào ngồi hớt tóc, xem báo. Tao không biết gì.

Hắn tát ông một bạt tai đổ đom đóm, nện tiếp một đạp làm ông ngã dụi xuống đất. Ông chỉ nói, tao không biết chi cả. Chúng dí điện làm ông nẩy người, văng ra một đoạn.

Bị địch tra hỏi ba ngày, làm Hà Kỳ Ngộ ngất xủi, nằm như một cái mền  rách. Không lấy được một lời khai, chúng chuyển ông ra nhà giam Thanh Bình. Đây là một trại giam do CIA-Mỹ và an ninh ngụy Sài Gòn phối hợp tra tấn, khai thác thông tin từ tù nhân, đặt tại bờ biển Thanh Bình, nên gọi là lao Thanh Bình. Lại bị tra hỏi. Ráng chịu những trận đòn, nhưng rất mệt và khát, ông bảo: “Chúng mày cho tao uống nước, tao sẽ nói”.

Một tên đưa đến một bình nước, đỡ ông ngồi dậy bảo uống. Ông uống liền hai cốc đầy. Thấy ông tỉnh lại, hắn dụi giọng hỏi:

- Tay Tám quan hệ với ông như thế nào?

- Tôi không biết đứa nào là tên Tám – Hà Kỳ Ngộ trả lời khá nhanh, nhưng đây là một câu hỏi làm ông đau đầu. Bọn này đang thay roi vọt bằng cú đòn tâm lý. Nhớ hôm giao nhiệm vụ cho từng thành viên trước khi họ lên đường vào nội thành, mỗi người đều có một bí danh mới. Cái tên Tám là chính Hà Kỳ Ngộ đặt cho  Phan Duy Nhân, anh bị bắt hôm mồng một Tết. Vậy, thì từ đâu, bọn chúng biết cái tên Tám? Lẽ nào Phan Duy Nhân đã khai? Hay là, anh ta đã tiết lộ cho ai đó biết cái bí danh của mình!

- Ông vào nhà Trương Văn Thông khi nào? – Hắn hỏi tiếp, một câu hỏi không chỉ để hỏi, mà để cho ông giật nẩy người là chúng đã biết khá rõ, không chỉ cái bí danh kia. Câu hỏi sau này làm Ông liên tưởng đến người bạn rất thân của Phan Duy Nhân là Hoàng Đại Đoàn, người mà là đồng chí đã cảnh báo cho cả Phan Duy Nhân, Hà Kỳ Ngộ bình tỉnh nói:

- Trương Văn Thông nào? Tao không biết Trương Văn Thông nào cả!

- Không biết, không vào ở trong nhà, vậy thì, ai bỏ lại cái áo vét tông của ông trong nhà Trương Văn Thông?

- Mày nói láo, mày vu khống!

Hà Kỳ Ngộ la to lên, nhưng thật ra ông không biết phải trả lời như thế nào về câu hỏi, mà ông cho rằng có kẻ đã biết tường tận về ông. Nếu ông nhận một thì chúng sẽ đánh tra để moi ra điều thứ hai, thứ ba. Chính cái áo vét này, khi bọn an ninh đến lục soát nhà thầy Trương Văn Thông, mở toang cửa căn phòng mà ông đã bố trí cho Hà Kỳ Ngộ ở, lấy cái áo, bà Hường-vợ thầy Thông kéo cái áo vét, đòi lại. Bà nói cái áo này là của chồng bà, nhưng tay an ninh cười ruồi, đáp lại: bà đừng có nhận giùm, không che mắt được bọn này đâu!

Ông nhớ hôm ở trong nhà ông Trương Văn Thông, bất ngờ gặp Hoàng Đại Đoàn trong nhà. Ông biết khi vào thành phố, Phan Duy Nhân đến ở trong nhà ông Trương Văn Thông, nhưng không ngờ anh ta lại cho Hoàng Đại Đoàn biết cái nhà cơ sở mà ông rất tin tưởng này. Cũng có thể Hoàng Đại Đoàn đến được ngôi nhà đó từ Lê Thanh Xuân. Không thể từ chối thái độ khá thân thiện của Đoàn, khi vào phòng, nhìn cái áo bờ lu đã cũ của ông, Đoàn nói rất ngọt: “Anh vào thành phố, lại là Tết nữa, mà mặc cái áo cũ không hợp”. Đoàn nói vậy rồi cở cái áo vét trong người ra, đưa cho Hà Kỳ Ngộ. Nhận cũng dở mà không thì không nên, ông làm thinh, để cái vét của Đoàn trên đầu giường. Sau hôm đó, ông liền rời nhà của ông Trương Văn Thông, nhưng cảm thấy bất an.

Tại nhà giam Thanh Bình, Hà Kỳ Ngộ bị đóng 9 cây đinh mười phân rét rỉ vào xương bánh chè, lên hai bàn chân, vào mắt cá chân, làm gân chân co rút lại, đau thấu trời. Anh em mình thấy đồng chí lết vào phòng thì rơm rớm nước mắt, còn mấy tên chiêu hồi chỉ điểm thấy thế có vẻ đáng kiếp. Nhìn mấy tên đầu hàng chỉ điểm, đêm nằm trên nền xi măng lạnh trong phòng biệt giam, Hà Kỳ Ngộ nhẩm ra một LỜI THỀ VỚI ĐẢNG:

Cắn răng thề với Đảng ta

Trung kiên một chết hơn là sống dơ

Dù ta có chết tự giờ

Hay trăm hình phạt xác xơ  thân tàn

Không gì lay chuyển tim gan

Hiếu trung ghi tạc tấm lòng đảng viên.

Sau những trận tra tấn, bị đóng đinh vào ổ khớp, vào các đầu ngón tay, ông mê man bất động như một xác chết, chúng lôi ông ra, để trên một tấm ván ép, bên cái cầu tiêu. Khi tỉnh dậy, thấy hai tên loay hoay đặt chiếc quạt máy cho mát. Biết bọn này lại giở trò “chiêu hồi”, ông đưa chân đạp một đạp tên đang cúi cắm điện cho chiếc quạt quay, làm hắn ngã nhào. Bọn chúng la toáng lên.

Hành trang mang vào tù của Hà Kỳ Ngộ chỉ có một cái xách vải, đựng một bộ áo quần của cô Bảy người Phong Thử gởi vào cho, qua chồng cô là anh Ba Râu, cùng ở tù với ông những ngày mới bị bắt, và một bộ bà ba đen của anh Phạm Văn Ba, người đồng chí cũng bị địch bắt tù rất sớm. Sau khi đạp một tên ngã lăn, Ông đứng dậy, cầm cái xách đập túi bụi lên chúng nó, ví chúng chạy ra sân. Chúng chụp được ông, lùa vào phòng cầu tiêu.

Đến bữa ăn, chúng đưa vào một đĩa cơm với hai con cá phèn kho. Ông thấy lạ, mấy hôm, chỉ có một con cá liệt mặn đắng, sao hôm nay lại có hai con cá phèn kho? Khi thấy anh em mình đi cầu, ông hỏi thăm thì biết chúng cho anh em ăn cơm gạo hôi bao với chút cá mặn. Từ đó, chúng đưa cơm vào, nhiều hôm có rau luộc chấm mắm cái, một món mà ông rất thích, bọn chúng nói để ông bồi dưỡng cho mau bình phục, ông chỉ ăn cơm với con cá kho mặn.

Không khuất phục được, chúng đưa ông vào giam ở xà lim. Dưới nền xi măng luôn rịn ướt, trên trần, chúng gắn một bóng đèn cao áp chiếu thẳng vào mặt ông mỗi khi nằm xuống.

-Tụi bay muốn tau chết khô à? – Mỗi khi thấy một tên đi qua, ông chửi. ông không mắc cầu vẫn kêu – Cho tau đi cầu!

Dẫn ra cầu, chúng đưa cho ông một cuộn giấy vệ sinh. Ông lấy giấy vệ sinh quấn quanh cái bóng đèn cho bớt nóng, bớt chiếu vào mặt. Nhưng một lúc thì giấy sém rồi cháy, lại quấn, lại cháy…

Chúng lại keo lên phòng thẩm vấn.

- Ông vào Đà Nẵng bắt nối những ai? – Tên thẩm vấn lại hỏi.

- Tao có biết ai đâu mà bắt nối. Toàn người lạ cả. Tao xuống chợ Phong Thử, vào nhà bà buôn gà, chỉ biết bà buôn gà, rồi đón xe vào Đà Nẵng, có quen biết ai đâu mà móc nối, mà cơ sở. Đừng hỏi dai.

Ông chỉ nói một câu, trước sau cũng chỉ một câu đó, không sai một chữ. Rồi một đêm nọ, chúng đùng đùng mở cửa, ba bốn tên vào dẫn ông đi, đến gần sân bay Đà Nẵng. Ở đo, chúng đã đào sẵn một cái huyệt đứng, dọa sẽ chôn sống, nều ông không chịu khai. Chúng đẩy ông xuống cái huyệt, lút tới đầu.. Một tên chĩa mũi súng vào mang tai ông, dọa:

- Mày có khai không?

Ông vẫn nói một câu như đã nói. Chúng xúc đất đổ xuống huyệt, đất cát đầy dần lên đến bụng, đến ngực thì ngừng đổ đất. Ông nghe bọn chúng rì rầm với nhau, rồi chúng lại kéo ông lên, lấy báng súng phang tới tấp lên đầu, lên yết hầu.

Những ngày ở nhà giam Thanh Bình, khi tỉnh lại ông làm vài câu thơ, nhớ trong đầu, chúng lại tra tấn đến mê man, tỉnh lại ông làm thêm mấy câu nữa, ít hôm thành một bài thơ SÚNG TA NỔ:

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Người con Điện Nam anh hùng
Gặp lại “chị” Chính, người cán bộ binh vận xuất sắc
TRƯỚC THỀM TRĂM NĂM TUỔI
CHẾT VINH HƠN SỐNG NHỤC
GƯƠNG HY SINH CỦA LIỆT SĨ NGUYỄN ĐÌNH TRÂN
HOÀNG HỮU NAM TẤM GƯƠNG SÁNG VỀ LÒNG TRUNG THÀNH VỚI DÂN VỚI ĐẢNG
PHAN TRIÊM (1916-2001)
NGUYỄN XUÂN NHĨ(1912 – 1983)
VÕ CỮU NGƯỜI CON KIÊN TRUNG BẤT KHUẤT CỦA ĐIỆN BÀN
ĐI THEO CON ĐƯỜNG CỦA ĐẢNG ĐÃ VẠCH
    
1   2  
    
Các tin cũ hơn:
NGỌN LỬA TRẦN YÊM
HAI MƯƠI NĂM ĐẤU TRANH KHÔNG MỆT MỎI TRONG NHÀ TÙ MỸ-NGỤY
LÊ NGỌC GIÁ-MỘT CHIẾN SĨ CỘNG SẢN
MỘT THỜI ĐỂ NHỚ
PHÁC THẢO CHÂN DUNG ĐỒNG CHÍ CAO SƠN PHÁO
TRẦN THỊ LÝ-NGƯỜI PHỤ NỮ ANH HÙNG
TÙ KHÁM LỚN
Phan Thanh, nhà trí thức cách mạng

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm