Nội dung chi tiết

ÔNG TÂN MẶT TRẬN
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 15/09/2009 .Lượt xem: 5381 lượt. [In bài]

Hồ Duy Lệ

Ông Trần Văn Tân, còn có tên Phạm Hồng Quang, sinh ngày 10/5/1923 tại xã Điện Quang-Điện Bàn. Từ năm 1908, ông Hương Nghệ ở làng Bảo An đã có xe đạp, cho nên, năm 12 tuổi cậu bé Tân đã biết đi xe đạp. Là một vùng nổi tiếng với nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa nên cậu bé Tân đã biết móc go, trao khổ, làm hàng, thời mà thuê thợ dệt ngày trả ba đồng, ăn ba bữa, Tân đã thuộc luật mắc go “Nhứt tứ nhì ngũ tam-Tam ngũ nhì tứ nhứt”, Tân đi bắc go ngày họ trả 20 đồng. Thấy người ta đi buôn tiêu, cậu Tân đi bán tiêu, lúc đi qua cầu Trường Tiền – Huế, nghe tin đảo chính 9 tháng 3, lo bán cho hết gánh tiêu, sáng hôm sau dậy sớm xuống cửa Thuận An đi ghe về. Những ngày khởi nghĩa tháng Tám 1945, Tân tham gia vào đội tự vệ, rồi làm Phó bí thư công nhân cứu quốc hội thôn Bảo An và xã Điện Quang.

Năm 1947, Trần Văn Tân đã lập gia đình, khi đó có vợ có con thì gia đình bị thiếu đói, cha ông Tân chết. Cuối năm 1948, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông được tổ chức cho về vùng địch hậu để giúp đở mẹ già. Ông Hiến, ông Nhạc lên làm cán bộ huyện ủy, ông Tân ở xã lo làm kinh tài cho tự vệ xã có ăn no, chiến đấu chống Tây. Ông Hiến giới thiệu ông Tân vào tổ chức Liên Minh Nam Phú, là tổ chức của Khu và của Tỉnh, nhưng ông Tân không chịu, ông nói với ông Phan Đình Hiến, một: tôi ở nhà làm công nhân, hai: tôi đi làm việc chi khó nhất. Ông Phan Đình Hiến giới thiệu ông Tân vào công vận Khu thì ông Tân đồng ý.

Tháng 2/1949, ông thóat ly, tham gia ở Liên hiệp Công đoàn tỉnh. Tháng 6.1949, sau khi học lớp bồi dưỡng ngắn hạn về công tác đô thị tại Bình Định, do Liên khu 5 tổ chức, ông về công tác ở Đà Nẵng, trực tiếp làm thư ký Công đoàn Bến Tàu. Khi công tác, ông có giấy cảm tình Đảng, nhưng không chịu vô Đảng. Lớp học có 7 người quê Đà Nẵng, học xong họ sắp xếp bố trí công tác, cần một người đi Đà Lạt, không ai xung phong, cũng không có ai chịu đi. Ông Tân viết đơn xin đi Đà Lạt, nhưng ông Phạm Hơi-trưởng đoàn xin ông Tân ở lại cho đi Đà Nẵng. Lúc bấy giờ cơ quan của Đà Nẵng đóng ở Kế Xương-Hà Lam, thời gian ông Quý làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng…

Tháng 5/1949, ông được kết nạp vào Đảng, được cử làm Phó bí thư chi bộ Sông Hàn, chỉ thử thách trong hai tháng để trở thành Đảng viên chính thức. Đảng giao công việc gì ông đều nhận và hoàn thành một cách xuất sắc.

Năm 1950, khi ông Trần Chiến làm Bí thư, ông Nguyễn Trí Quang làm Chủ tịch, thì ông Trần Văn Tâm làm Trưởng ban Dân vận Khu Sông Đà, Năm Thông làm trường ban Quân sự.

Thời gian hoạt động ở Đà Nẵng, ông Tân thường ở trong nhà ông Hương Dân là công nhân khuân vác, em ruột bà Tư Nhùm ở thôn Trung. Anh em ở trong nhà cứ xúc lúa của bà Tư xay giả, nấu cơm ăn. Thời gian ông ở đây, ông cùng ông Luyến nắm được xã Cư là lý trưởng An Hải, giao cho xã Cư báo cáo tình hình cho ông biết. Ông ở trong nhà nhưng bà Tư Nhùm không biết ông có một cái hầm bí mật, vì vây, một hôm bọn Tây tới, ông đi ra hướng bờ sông, bà Tư Nhùm tưởng ông ra bụi trốn. Sợ Tây lùng phát hiện ông Tân, bà chạy ra châm lửa đốt cây rơm, bà la làng, bà lạy, rơm cháy lan sang nhà bếp, bọn lính Tây nghe la cháy nhà, chạy đến xúm cứu nhà cháy. Tối đó, Tây đi rồi, ông lọ mọ từ ngoài bờ sông đi vào, thấy ông Tân, bà Tư Nhùm mừng khóc.

Ngày 12/5/1950, trong đợt đi phát triển Đảng, 7 anh em, có ông Trần Chiến, đêm đó đang ở lại trên thuyền, đậu ở Cồn Án trước Tòa Thị chính, để hôm sau kết nạp Đảng cho một số Đảng viên mới thì ông bị bắt. Trong số bị bắt, ngoài Trần Chiến, có một người tên là Sương biết ông Tân là tên Hưng, nhưng không biết ông ở đâu. Khi bọn chúng lên thuyền thì ông Tân đang nằm đắp tấm đệm họ phơi chưa thật khô. Trên thuyền có ông Trần Văn Chương, bí danh Đông Ba. Tên công an đánh ông bạt tai hỏi ở đâu, làm gì. Ông Tân nói tên là Nguyễn Đình Hưng, ở Thăng Điền-Ngọc Khô. Ông Tân nói to cho Trần Chiến nghe. Họ tổng động viên đi bộ đội Vệ quốc đoàn, họ đưa qua cơ quan Liên Việt. Hỏi làm chi, ông Tân nói: mới vô họ phân công làm li tô, nhưng chưa có việc, họ phân công làm tiếp liệu. Hắn hỏi ra chi ngoài này, ông Tân nói: mấy bữa ra mua mực, nhưng không có tiền Đông Dương không mua được, về không có mực, họ đuổi, nhục quá lại ra đây. Chúng tra ông Tân 20 ngày thì đưa vào giam ở lao Con Gà. Trong lao, ông Tân được chi ủy nhà lao cử người hỏi thăm, xức dầu các vết tra đánh bầm mình. Hai ông Trương Tô và Trần Chiến thì khai Phó Chủ tịch Khu Đông, vì nhiều người biêt, giấu chức Khu đội trưởng. Ông Tân ở trong lao Con Gà được cử làm Phó bí thư Chi bộ Quyết Tiến, anh Phong là chi ủy viên. Ở được 10 ngày, năm anh em là Bình, Tô, Trứ, Trọng và Tân bàn cưa cửa sổ trốn. Để có thể thoát ra, anh em vận động được một cơ sở tên là Suất là một lính Bảo an đoàn và anh Thái cưa thanh cửa sắt phòng giam.

Ngày 14/7/1954, nhân ngày Quốc Khánh Pháp, biết bọn Tây ăn Tết lớn, ông cùng một số bạn tù tổ chức vượt ngục, thoát ra đến cầu Vồng thì gặp Tây. Marốc gác, nói xí lô xí là, Tây cho đi; lên đến chợ Cồn thì gặp chị Lanh đón. Chị Lanh là cán bộ của Thành ủy. Về đến cơ quan kiểm điểm, xét ông Tân hoàn thành nhiệm vụ, cấp cho một số bộ đồ xita và hai tháng sinh hoạt phí, mỗi tháng 180 đồng tín phiếu, tiếp tục công tác, được tuyên dương trong Đại hội thi đua của tỉnh năm 1954.

Sau 1954, ông được giao phụ trách công tác chính trị ở Kế Xương-Thăng Bình, sau đó ông gia nhập bộ đội thuộc đơn vị Q45 đóng tại Bình Sơn-Quảng Ngãi, rồi được biên chế vào Trung đoàn 55, hành quân ra bắc. Bốn năm ông ở trong quân đội tham gia chỉnh quân và cải cách ruộng đất.

Năm 1955, đang ở ngoài miền Bắc thì gặp chị Bông-con gái bà Tư Nhùm, là vợ anh Phong-chi ủy viên ở lao Con Gà. Chị Bông rất mừng, nói, lâu nay nghe anh Phong nhắc đến tên nhưng chừ mới gặp được anh Hưng, nhắc lại chuyện mẹ sợ Tây bắt nên đốt cái nhà để cứu ông Hưng.

Tháng 8/1968, ông chuyển ngành sang công tác ở Bộ ngoại thương. Tháng 3/1964, ông lên đường vào miền Nam, về nhận công tác Dân vận tỉnh Quảng Đà, làm ủy viên Thường vụ phụ trách công tác tổ chức của Thành ủy Đà Nẵng, làm Bí thư Quận ủy – Quận Nhất (Thanh Khê).

Năm 1966, lúc bấy giờ cơ quan của Thảnh ủy Đà Nẵng đóng trong các nhà của bà  Phi, bà Ngọc ở Điện Hòa, hôm ấy ông Tân đang ở Quang Hiện (phái Nhì)-Điện Hòa, có các ông Hà Kỳ Ngộ, ông Trương Chí Thanh, anh Bảy Kiệt và anh Bé là bảo vệ. Mới sáng, các trận địa pháo Cẩm Hà, Bồ Bồ bắn pháo tấp nập. Biết địch sẽ càn, nên liền phân tán ngay, ông Hà Kỳ Ngộ chạy qua Sơn Phong, ông Trương Chí Thanh nói không cách nào rúc hầm bí mật kịp, chưa chạy thì ông Tân bị mảnh pháo đụng sưng đầu, máu chảy nhiều, không dám rúc công sự mật, anh Bảy Kiệt bảo vệ cho ông Tân đưa hai  người nhảy xuống địa đạo chạy ra phái Ba. Là một địa đạo dài hơn một trăm mét, có thể dấu thương binh, bà Phi là cựu đảng viên năm 1930, gọi chị Nhiên, là thường vụ Đảng ủy Điện Hòa đang dẫn theo con gái, bàn phải cứu ông Tân, vì du kích cho biết xe tăng địch ùn ùn chạy lên xóm nhà máy gạo Hà Thanh, có xe chạy gần tới Mả Chiến sĩ. Thế là cả chục mẹ chị ở phái Nhì chạy ra cản đường, không cho xe tăng chạy băng cày phá hoa màu,, các bà giằng co với hàng chục xe tăng M113, M141, không cho chúng rượt băng theo đường có địa đạo. Thấy các bà sắp hàng nằm trước đầu xe, còn bà Phi thì quỳ lạy, người thông dịch hỏi yêu cầu của dân, bà Phi hỏi các quan đi đâu thì dân chỉ đường, xe tăng chạy vào làng thì hư hết hoa màu của bà con, lính Mỹ muốn lên Kỳ Minh (Điện Thọ) thì phải đi vòng ngoài xóm nhà bà Năm Xế. Chị Nhiên đứng dậy nói thêm: Lên Kỳ Minh thì đi một hàng, lúc xề thì theo đường cũ mà về sẽ không gặp mìn của Việt Cộng…

Hôm đó, ông Ba Phước và ông Hai Chơn đang ở ngoài Bích Bắc, hết càn, hai ông vào phái Nhì tìm thăm ông Tân, nghe bà Phi tường thuật cuộc chặn xe tăng cứu ông Tân. Ông Ba Phước (Hồ Nghinh) cười khen: Mấy bà là chiến sĩ tay không chặn đứng được xe tăng của Mỹ. Đúng là đội quân tóc dài!

Năm 1966, ông Tân làm Bí thư Quận ủy Quận Nhì (Hải Châu), chị Phạm Thị Sinh là Phó bí thư, ông Nghinh không gọi Quận Nhì là Quận trung tâm mà đặt tên T14. Cơ quan tiền phương của Quận Nhì đóng tại nhà bà Hương Cường có bà con họ hàng với vợ ông Chín Liêm, bả cho đào hầm ở trong buồng, ông Tân và ông Dõng đào thêm một cái hầm bí mật ở ngoài bờ rào tre gần bờ sông, có một cái miệng hầm ở dưới nước, ông cho bà Hương biết để bà cung cấp thức ăn. Chồng bà Hương từng là một lý trưởng, là anh em cô cậu ruột với ông Phạm Đức Nam, cũng là một đảng viên thời kháng chiến Một, có tấm lòng yêu nước, nhưng có máu cường hào. Gặp cán bộ trình độ yếu, văn hóa thấp, ổng hay nói khích, nên nhiều cán bộ không ưa. Ngược lại, cán bộ có trình độ khá, có kiến thức văn hóa, có chút ít chữ Hán thì ông rất tôn trọng, ổng sống hợp pháp, không trụ bám như bà vợ. Hằng ngày, nghe có địch đi càn là ổng xách cái dù lên đường Một, ngồi chỗ chợ Thanh Quýt, đón xe ra Đà Nẵng ở với con gái vài hôm, thấy yên ổng lại về nhà. Bà Hương dặn ông Tân, ở trong nhà hay ở ngoài hầm cũng đừng cho ông Hương biết. Hồi vui thì ổng khen cách mạng, uống vài ly, sương sướng lên thì chửi, nói xấu cách mạng. Thấy giải phóng đánh thắng vài trận thì ổng cho là giải phóng mạnh hơn quốc gia. Ra Đà Nẵng, thấy lính Mỹ nhiều, nào xe, pháo, máy bay, về quê ổng nói đánh cứt chi nổi Mỹ. Trần Công Cường là con trai đầu theo cách mạng. Ông Tân xem bà Hương như người chị cả trong nhà, ông Tân đi đâu thì bà nhắc cảnh giác bọn địch, mỗi khi ông Tân tiếp cơ sở từ Đà Nẵng vào, thì bà lên tiếp khách như là chủ nhà. Mỗi lần khách từ Đà Nẵng vào, xuống chợ Thanh Quýt, xuống đồng, qua đò thì đến nhà bà Hương Cường, làm việc xong, đi lên đến đường Một là hợp pháp liền, rất thuận tiện. Thường ông Tân ở trên Bình Ninh, cô Do con gái út bà Hương lên xuống đưa dẫn khách đi về. Mấy người con ở nhà cũng giấu không cho cha biết làm cơ sở cho ông Tân. Ông Tân đóng cơ quan của Quận ủy Quận Nhì trong nhà bà Hương Cường gần một năm rưỡi. Một bữa, ông cho là căng thẳng nhất, khi địch xúc hết dân, xúc cả bà Hương Cường, ông rúc hầm không có ai đem cơm. Đêm thứ hai, Mỹ chưa chịu  rút, ông và Trần Công Dõng đội nắp công sự lên, đói đừ điếc, hai anh em xuống sông Phong Hồ bơi ngược lên, vào nhà ông Sổ đưa đò. Hỏi có chi ăn không, ông Sổ nói không có chi ăn, ổng nói, nửa đêm ai dám nhen lửa nấu ăn. Anh ta đem ra mấy củ khoai lang và một khoanh bí đao, khoai ăn đỡ đói, bí đao ăn đở khát.

Đang ở thôn Tây-Phong Hồ thì nghe súng bắn dưới đường Một, ông Dõng rất lo, trời sắp sáng, vùng này dân sống hợp pháp; song ông Tân không có nhà cơ sở, ông quyết định rúc trong lúa nằm.

Trong Thanh Quýt chừng cây số có cái Giếng Trời ngó xuống thì thấy xóm Đò. Hai anh em rúc vô trong đám lúa tốt nằm, lúc nằm thì thấy lúa che kín, nhưng sáng ra thì thấy trống trải quá. Đám lúa ngay trước nhà ông Trần Tẩy ở Phong Hồ Tây. Nhà hai tầng, xoay ra cánh đồng lúa, ông Tẩy đứng trên lầu hai nhìn ra cánh đồng bốn mẫu lúa của mình bổng thấy có ai lố nhố trong lúa? Nguy hiểm quá, vì ông Tẩy biết địch ở đồn Ngũ Giáp hay lên xuống trước nhà ông. Ông thấy rõ hai người ở trần, biết là hai ông cách mạng. Ông Tẩy lấy hai bộ đồ gói lại, đội hai cái nón, quảy đôi giỏi, đánh con trâu đi ra ruộng. Ông Tân nhìn thấy một người quảy đôi giỏi đi ra, hơi lo, thấy ông ta cứ xăm xăm lại gần, lại càng lo hung. Không phải lo lắm, ông Dõng nói, ông ni người trong họ tôi. Nghe vậy, ông Tân bớt lo. Thấy ông ta ngó lên, ngó xuống rồi lia hai cái giỏ xuống đám lúa, dắt con trâu vào nhà. Ông Dõng bò lại thấy cái gói và hai chiếc nón lá, mở gói thấy hai bộ đồ, hiểu ngay ông Tẩy nói gì. Bận áo quần đội nón, hai ông xách giỏi đi vào nhà ông Tẩy, vừa bước vô nhà bếp đã thấy ông Tẩy dọn sẵn trên bàn một mâm thức ăn, ông Tẩy từ trên gác xuống mời hai ông ăn cơm.

Ông Tân nói, nếu địch ở đồn Ngũ Giáp xuống, thấy lộ, hai anh em tôi sẽ nổ súng, ông ra ngoài đồng, ông đồng ý không?

Thì, ông Tẩy nói, biết đã mang họa vào thân nên đã bố trí cho vợ con đi hết rồi, quyết định mang hai bộ đồ ra cho hai anh. Nếu địch xuống, tôi giao cái lầu lại cho hai anh cố thủ chiến đấu, sống chết hai anh em tính!

Chiều đó, khoảng 4 giờ, ông Tẩy đi nắm tình hình về, lên lầu báo tin địch rút hết rồi, vợ con ông Tẩy từ chợ Thanh Quýt về, đãi một bữa mì Quảng cá tràu tuyệt ngon. Sau này, ông Tân muốn làm giấy khen và cảm ơn ông Tẩy, nghe tin, ông Tẩy “trách” ông Tân, ơn nghĩa chi mà khen với thưởng.

Trận càn đó, địch bắt ông Sổ, vợ ông ta vừa mới sinh, hoảng quá, sản hậu, lên cơn co giật. Biết tin, ông Tân viết thư nhờ bác sĩ Đức ở Tứ Câu vào chữa, bác sĩ Đức viết thư trả lời nói không đi được, tìm bác sĩ khác. Thật ra, bác sĩ Đức sợ liên lụy. Ông Tân bày cho cô Do lấy kim lể một đầu ngón tay chị Sổ, cho chị uống nước cam thảo với lá tre. Mấy ngày sau thì chị tỉnh lại, nói được, gia đình mừng quá, làm con gà trống, nấu dĩa xôi cúng mừng. Không biết mấy bà nói với nhau sao đó mà ông thầy lang đó là ông Tân ở trong xóm bà Hương Cường. Sợ lộ, ông Tân dời đi ở chỗ khác. Lúc này ông Dõng đã hy sinh rồi, ông Tân và ông Cường về thăm bà Hương Cường, sáng hôm sau, một con điệp dẫn lính về vây làng Phong Hồ, lục nhà bà Hương Cường. May, hai anh em đã đi từ nửa đêm, sau khi ăn một ruột cháo gà.

Hồi ông Hoàng Văn Lai phụ trách an ninh Quảng Đà, một hôm báo cáo cho thường trực Thường vụ Tỉnh ủy về việc xin được sử dụng thông tin báo cáo từ nội thành. Lúc bấy giờ cô Hạnh đang là cơ sở trực thuộc ông Tuyết Mai, dưới sự chỉ đạo của ông Tân. Ông Tân đề xuất nên đưa cô Hạnh vào làm thư ký đánh máy cho Trưởng ty chiêu hồi Quảng Nam đóng tại Hội An, thì sẽ có nhiều thông tin có lợi hơn. Ông Hồ Nghinh đồng ý đề xuất của ông Tân. Mỗi lần đánh báo cáo cho Trưởng ty chiêu hồi, cô Hạnh đánh thêm một bản gởi lên cho ông Hoàng Văn Lai. Để đảm bảo không biết từ nguồn nào khi tài liệu không may rơi vào tay địch, ông Lai bảo phải đánh thêm một bản khác gởi lên cho ông Hoàng Tuấn Nhã, Phó ban an ninh Khu ủy 5. Những khi thấy báo cáo có tin quan trọng, khẩn cấp, ví dụ như có một cán bộ nào đó của cách mạng bị bắt, khai báo, chiêu hồi thì cô Hạnh phải nhờ mẹ cô mang thư lên căn cứ đưa ngay cho ông Tân. Một lần, nhận báo cáo của cô Hạnh từ tay mẹ cô là bà Hai Điệp, nội dung thư cho biết, có một người khai là bảo vệ cho ông Hồ Nghinh, đã khai báo, vẽ bản đồ mô tả cơ quan Tỉnh ủy đóng trên khu vực núi Hòn Tàu. Sau khi được báo cáo, Ông Hồ Nghinh quyết định lập tức dời tất cả các cơ quan trực thuộc tỉnh ủy ra khỏi núi Cù Hang, trên vùng Khe Dâu-Đại Lộc, ngay trong đêm. Sáng hôm sau, địch thả liên tiếp ba đợt bom B52 ngay khu vực cơ quan Tỉnh ủy. Ông Nghinh nói với ông Tân, công của cô Hạnh đáng khen, nhưng công của bà Hai Điệp thì không biết lấy chi mà tính!

Năm 1972, lúc bấy giờ ông Tư Thuận bị ốm nặng phải đưa đi ra Bắc điều trị, trước khi đi, ông trao đổi với ông Tân về việc chuẩn bị nhân sự cấp cao cho thành phần thứ ba. Khi ra đến miền Bắc, ông gởi thư cho ông Tân nói rõ thêm về hai vị Bộ trưởng đó, một ở Đà Năng, một ở Hội An. Sau khi có sự đạo diễn của ông Hồ Nghinh, qua ông Trương Văn Dũng-Phó ban thường trực công tác thành phố của ông Tân, mời cô Hạnh lên căn cứ giao nhiệm vụ.

Khi ông Hồ Nghinh làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt tỉnh Quảng Nam đã từng quen biết bác sĩ Trần Đình Nam; năm 1949, sau khi thành lập Mặt trận Liên Việt thành phố Đà Năng, ông Hồ Nghinh đã từng mời bác sĩ Trần Đình Nam làm cố vấn. Cô Hạnh nhịn đói giả đau, ra nhà bác sĩ Trần Đình Nam khám bệnh. Sau gần một tuần chữa bệnh, ngoài tiền thuốc men, cô Hạnh mang tặng cho bác sĩ Trần Đình Nam một gói sâm Cao Ly (tiêu chuẩn năm của ông Hồ Nghinh). Ông Nam chỉ nhận số tiền thuốc, còn sâm, ông từ chối, ông cho rằng không đến mức phải nhận món quà như vậy. Cô Hạnh liền nói: Hèn chi mấy ông lãnh đạo Mặt trận khen thầy hết lời, bác sĩ Trần Đình Nam nhìn cô Hạnh, có chút ngạc nhiên, hỏi: Răng cháu biết mấy ổng khen tôi? Cô Hạnh nói: Dạ thưa, vì cháu có người anh làm thư ký riêng cho ông Hồ Nghinh, theo anh ấy nói lại. Sau khi nhận ra cô Hạnh là người của Mặt trận cử đến tiếp xúc, mời ông tham gia chính trường khi có một chính phủ Liên hiệp, ông Nam mời cô Hạnh vào phòng khách nói chuyện… Sau đó, ông Tân cử thêm bà Phụng Ký mà ông Nam từng quen biết đến tiếp xúc thêm, ông Trần Đình Nam nhận làm trong Ủy ban tranh thủ Hòa Bình…

Chuẩn bị chiến dịch Mậu Thân – 1968, ông Tân là Đặc Khu ủy Quảng Đà, sau đó là Ủy viên Thường vụ Đặc khu, phụ trách ba trưởng ban là Trưởng ban công vận, trưởng Ban đấu tranh chính trị, trưởng ban Dân vận-Mặt trận. Sau Hiệp định Paris 1973, được khu ủy 5 cử đi báo cáo điển hình tại Hà Nội về công tác đáu tranh chính trị trong thành phố, sau đó ông được phân công làm Phó bí thư Ban cán sự  Đà Nẵng cho đến tháng 3/1975.

Là một cán bộ có sức thuyết phục trong những lần gặp gỡ, tiếp xúc với cơ sở nội thành, từ học sinh, sinh viên, công nhân viên chức đến kỹ sư, bác sĩ, thầy giáo, ông để lại trong mọi người ấn tượng đẹp về một cán bộ cách mạng.

            Ngày 24/3/1975, sau khi dự cuộc họp Đặc khu ở ranh núi Xuyên Hiệp (nay là xã Duy Sơn), nắm vững tinh thần của ông Trần Thận-Bí thư Đặc khu truyền đạt ý kiến của ông Năm Công-Bí thư Khu ủy 5 về việc giải phóng Đà Nẵng bằng lực lượng địa phương, không chờ lực lượng của Khu 5. Ông Tân rất lo. Tự làm tức là phải có quần chúng nổi dây. Trên đường từ ranh núi ra Khu 2 Hòa Vang và Điện Bàn để truyền đạt tinh thần trên, ông suy nghĩ rất nhiều, làm sao huy động được nhiều quần chúng tham gia.

Ngày 26/3, khi ông Tân đang ở Điện Sơn thì ông Nguyễn Quang Thái-trưởng ban Binh địch vận đề nghị ông Tân liên lạc xin ý kiến ông Trần Thận, cho ông Thái vào thành phố. Được sự đồng ý rất nhanh của ông Trần Thận, ông Tân cấp cho ông Thái một số giấy giới thiệu khống để mang vào thành phố, cần thì cấp ngay. Từ chuyến đi của ông Thái, ngày 28/3/1975, hơn 3000 hạ sĩ quan và binh lính ngụy ở trung tâm huấn luyện Hòa Cầm làm binh biến ly khai rã ngũ. Chiều và tối 28/3, hơn một ngàn lính ngụy chạy về các xã Điện Hòa, Điện An, Điện Phước. Tình hình Đà Nẵng chuyển biến rất nhanh, 8giờ sáng ngày 28/3, khi ông Tân và ông Phùng Thành-Bí thư Điện Bàn đang ở Quang Hiện-Điện Hòa thì nhận được báo cáo khẩn của ông Nguyễn Văn Chân, bấy giờ là Bí thư đoàn thanh niên Quảng Đà, đang đứng chân sát thị trấn Vĩnh Điện. Nội dung bức thư như sau: Theo cơ sở báo cáo, địch bỏ Tuần Dưỡng và Bà Rén về cụm tại Vĩnh Điện. Ông Tân bảo ông Phùng Thành viết thư hỏa tốc gởi ngay cho các xã, nội dung: địch đang chuẩn bị rút khỏi Vĩnh Điện. Ông Thành nói viết vậy nếu chúng không rút thì sao? Ông Tân giải thích: chắc chắn chúng sẽ rút, sớm muộn gì chúng cũng rút. Hơn nữa báo cáo của anh Chân nói chúng đã rút khỏi Bà Rén, mình nói chuẩn bị bỏ Vĩnh Điện có sai đâu. Ông Thành viết bức thư ngắn: Theo tin anh Chân ở Vĩnh Điện báo về, địch bỏ Bà Rén và chuẩn bị rút khỏi Vĩnh Điện. Lệnh các xã đưa quân rầm rộ vào các đồn như kế hoạch đã bố trí, Phải đi thật đông.

Trưa 28/3/1975, địch trên đồn Bồ Bồ rút chạy, 8 giờ tối 28/3, ông Trần Thận đến phái Nhất-Điện Hòa, họp cán bộ chủ chốt phân công nhiệm vụ cấp bách, ông Trần Văn Tân được bố trí về Quận Ba, cùng đi có ông Lê Trọng Dư và anh Là bảo vệ. Xuống chợ Mới Ba Xã, băng đồng xuống Hói Kiển-Hòa Đa, qua Nước Mặn thì gặp quân của ông Hà Bân đang được bà con Hòa Hải làm heo, nấu xôi, làm gà cho ăn…

            Vừa giải phóng Đà Nẵng, ông Tân nhận nhiệm vụ của tỉnh tiếp các tổ chức Tôn giáo. Một hôm, ông mời cha Xuyên đến trao đổi công việc về tôn giáo, cha Xuyên thiệt thà hỏi: Răng ông không gặp Đức cha Phan Ngọc Chi mà gặp tôi? Ông Tân nói: Cha là cha bề trên chung của các cha, nên tiếp cha, còn cha Chi chống Cộng, lại còn lôi kéo con chiêng vào hùa. Nếu mình thành kiến với đồng bào công giáo là sai, mà phải giải thích cho bà con hiểu chính sách đối với Tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta là chính sách đoàn kết dân tộc… Ông Tân hỏi cha Xuyên: Ông già cả như thế, bên Cộng sản chúng tôi có kế hoạch sắp xếp cán bộ, còn ông thì sao? Cha Xuyên nói: Tôi người Trà Kiệu, gốc trong ni, chứ thiệt tôi không được tín nhiệm. Cha Tĩnh, cha Quỳnh, cha Hà, cha Lê Như Hảo, người thứ bảy mới tới cha Sách (Nguyễn Quang Sách), cha Xuyên chặn tay ông Xuyên đang rót nước nói: Chừ ông rót nước mời tôi uống, tôi mới mừng, chứ tôi tưởng ông bắt tôi, khi đến đây tôi gởi chìa khóa ở nhà. Làm sao mà bắt các ông, ông Tân nói, nếu mình không tín nhiệm ông Chi thì cử ai? Cha Xuyên nói, chắc họ không cử tôi. Họ nói tôi không có năng lực. Thôi ông để mai tôi về thăm dò đã, cha Xuyên nói vậy rồi hẹn… Ông Tân không chịu. Ông nhắc đi, nhắc lại lý do tại sao không tiếp ông Chi, ông ấy có tội với Tổ quốc, với nhân dân. Ông về nói lại cho đúng như tôi nói rứa. Hai là, chuyện cử ai thay cha là chuyện của giáo hội, Mặt trận không dính vào chuyện đó.

            Cha Xuyên đi ra một đoạn, ông Tân mời ổng trở lại, nói: Bên Phật gáo tôi thuộc hết từ sư sãi trở lên, còn bên ni tôi quen ít quá. Nhưng tôi biết có người tốt như cha Sách làm linh mục ở Long Xuyên-Duy Xuyên. Ông xem được không…

            Sau 1975, ông Tân làm Trưởng ban cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh.

Năm 1980 đến năm 1986, ông là Bí thư Đảng đoàn, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, ông đã có mối quan hệ tốt đẹp với các chức sắc Tôn giáo, các nhân sĩ trí thức, bà con người Hoa, các nhà công thương…

            Ông nhận được nhiều phẩn thưởng cao quý: Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng,, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương kháng chiến hạng Ba, Huân chương giải phóng hạng Nhất.

            Ông ra đi vào lúc 9 giờ 30 phút, ngày 28/11/2000.

            Ông Hồ Nghinh từng đánh giá về ông Hồng Quang: Nhiệt tình, Trong sạch, Thẳng thắn, Thông minh, Giản dị.

            Từ những đức tính trên, năm 1982, ông Hồng Sơn đã viết bài thơ tặng ông Tân – người ông Sơn nhận là nghĩa đệ của mình:

            Nhiệt tình cách mạng đáng khen thay!

Trong sạch như anh ít kẻ tày

Ngay thẳng tính trời nêu đức tốt

Thông minh nết tốt lắm tài hay,

Cần kiệm tiêu biểu đàn anh trước

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Người con Điện Nam anh hùng
Gặp lại “chị” Chính, người cán bộ binh vận xuất sắc
TRƯỚC THỀM TRĂM NĂM TUỔI
CHẾT VINH HƠN SỐNG NHỤC
GƯƠNG HY SINH CỦA LIỆT SĨ NGUYỄN ĐÌNH TRÂN
HOÀNG HỮU NAM TẤM GƯƠNG SÁNG VỀ LÒNG TRUNG THÀNH VỚI DÂN VỚI ĐẢNG
PHAN TRIÊM (1916-2001)
NGUYỄN XUÂN NHĨ(1912 – 1983)
VÕ CỮU NGƯỜI CON KIÊN TRUNG BẤT KHUẤT CỦA ĐIỆN BÀN
ĐI THEO CON ĐƯỜNG CỦA ĐẢNG ĐÃ VẠCH
    
1   2  
    
Các tin cũ hơn:
NGƯỜI NUÔI DƯỠNG MỘT NIỀM TIN
NGỌN LỬA TRẦN YÊM
HAI MƯƠI NĂM ĐẤU TRANH KHÔNG MỆT MỎI TRONG NHÀ TÙ MỸ-NGỤY
LÊ NGỌC GIÁ-MỘT CHIẾN SĨ CỘNG SẢN
MỘT THỜI ĐỂ NHỚ
PHÁC THẢO CHÂN DUNG ĐỒNG CHÍ CAO SƠN PHÁO
TRẦN THỊ LÝ-NGƯỜI PHỤ NỮ ANH HÙNG
TÙ KHÁM LỚN
Phan Thanh, nhà trí thức cách mạng

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm