Nội dung chi tiết

PHẠM TỨ (1917-1987)
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 15/09/2009 .Lượt xem: 6337 lượt. [In bài]

Đồng chí Phạm Tứ, bí danh Tân, thường gọi là Mười Khôi, sinh ngày 4/4/1917, tại làng Châu Bí, xã Điện Tiến, phủ Điện Bàn (nay là huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Con út trong một gia đình nông dân nghèo, thân sinh Phạm Tứ là cụ Phạm Quảng, sinh năm 1876, một nhà nho yêu nước, sớm ý thức và tích cực tham gia phong trào Nghĩa hội Quảng Nam và các phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX; cụ mất năm 1926, thân mẫu là bà Nguyễn Thị Dần, sinh năm 1880, mất năm 1930. Người bạn đời của đồng chí là chị Đặng Thị Hường, sinh năm 1921, ngoài việc tham gia hoạt động cách mạng, bà còn là người có công lớn, thay chồng chăm lo, nuôi nấng, dạy dỗ các con khôn lớn để chồng yên tâm công tác.

Truyền thống gia đình đã hun đúc tinh thần yêu nước, giác ngộ cách mạng, ý chí căm thù giặc sâu sắc trong con người Phạm Tứ và các anh chị, đặc biệt người chị ruột của đồng chí là bà Phạm Thị Luận, sinh năm 1911, trong hai cuộc kháng chiến bà đã tham gia nuôi giấu cán bộ cách mạng và đã anh dũng hy sinh, được công nhận là liệt sĩ, sau này được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Các con của Phạm Tứ đều phát huy được phẩm chất của người cha, học hành trưởng thành, đã và đang đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Mồ côi cha từ năm lên 9, ở với mẹ và được cho đi học chữ từ nhỏ, Phạm Tứ đã được nghe mẹ kể chuyện về các phong trào đấu tranh, về các tấm gương của các sĩ phu yêu nước… Và chính bà đã truyền cho con trai mình tinh thần yêu nước, ý chí căm thù giặc, tư tưởng chống giặc ngoại xâm của người cha, của phong trào Nghĩa hội.

Trong những năm 1930-1931, lúc mới lên 12-13 tuổi, đang đi học tại trường làng Châu Bí, Phạm Tứ đã nghe những tin tức về cộng sản xuất quỹ nhập thần, anh dũng gan dạ, gương kiên trung bất khuất của đồng chí Nguyễn Thành Hân, bị địch tra khảo, đánh đập đến chết vẫn không khai… thấy cảnh địa chủ bóc lột thợ cày thạm tệ, nông dân không có ruộng đất để sản xuất lại bị bọn hào lý ức hiếp, đồng chí đã sớm nuôi chí căm thù giặc, quyết thóat ly gia đình, đi làm cách mạng, giải phóng quê hương, giải phóng cho chình mình thóat khỏi cảnh nô lệ trâu ngựa.

Khi bước sang tuổi 17, Phạm Tứ đã xuống tận Đà Nẵng làm thuê cho một gia đình người thợ hỏa xa, một thời gian sau lại trở về quê, đi học nghề dệt thuê ở Phú Bông, Bàn Lãnh. Cuộc đời của Phạm Tứ đã chuyển sang một bước ngoặt mới, từ một nông dân trở thành một công nhân, lại được giao lưu rộng rãi với nhiều bạn bè xa gần, giúp ông nâng cao tầm hiểu biết, nung nấu thêm lòng căm ghét bọn tay sai bán nước và thực dân cướp nước.

Năm 1936, may mắn ông được gặp đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ, nghe tuyên truyền về chủ nghĩa Cộng sản, được giác ngộ cách mạng và cũng từ đó có hiểu biết thêm về giai cấp, rồi bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng.

Ngày 1/5/1936, nhân ngày Quốc tế Lao động, Phạm Tứ đã cùng với anh em thợ dệt tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động, ngày đấu tranh chống bóc lột. Từ đó hầu như không có cuộc đấu tranh nào ông không tham gia.

Những năm 1937-1938, Phạm Tứ gia nhập chi hội thanh niên dân chủ ở Duy Xuyên, dự các ngày lễ lớn như: Quốc tế Lao động, Cách mạng Pháp, Cách mạng tháng Mười Nga, ngày thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương…cùng với anh em đi  vận động chống mê tín dị đoan, hưởng ứng phong trào đón phái bộ Gôđa, đòi quyền dân chủ cho các nước thuộc địa, vận động hội đồng dân biểu, dự đám tang Phan Thanh tại Bảo An, đồng thời đi vận động tổ chức các gia đình trong những xưởng tơ ở ngũ thôn Phú Bông (phủ Điện Bàn), ngũ thôn Tam Thi Tứ Mã (phủ Duy Xuyên)…

Mặc dù được học rất ít ỏi, nhưng Phạm Tứ rất thông minh, có khiếu ăn nói lưu lóat, cởi mở,  xông xáo, dễ thuyết phục được mọi người. Phát hiện được khả năng này, cuối năm 1938 đầu năm 1939, đồng chí Huỳnh Cư (Hạ) và đồng chí Nguyễn Mẫn – Phủ ủy viên Duy Xuyên đã giao cho Phạm Tứ xuống các làng phổ biến Điều lề đảng và tuyên truyền giáo dục về chủ nghĩa Cộng sản cho thanh niên. Do những hoạt động tích cực, ngày 1/10/1939, Phạm Tứ được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Đông Dương, lại được chi bộ phân công phụ trách tổ trưởng tổ Đảng.

Sau khi được kết nạp vào Đảng, Phạm Tứ được đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ-Tỉnh ủy viên giới thiệu về liên hệ với chi bộ Ấn Độ Dương ở làng Châu Bí, xã Điện Tiến, phủ Điện Bàn. Cũng ở thời điểm này, đồng chí được cử đi vận động được một tổ thợ dệt gồm Hồ Quýt, Hồ Sừng, Hồ Thấu, Hồ Khê, Duy Xuyên… Ở Điện Bàn đã vận động được các ông Nguyễn Quý, Nguyễn Lai, Nguyễn Thứ, Hồ Hiếu…

Đầu năm 1942, khi phong trào cách mạng cả tỉnh đang hồi phục thì cũng là lúc địch ra sức lùng sục, bắt bớ, khủng bố. Đồng chí bị địch bắt và đưa về giam cầm ở nhà lao tỉnh Quảng Nam (Vĩnh Điện, Điện Bàn). Nhiều lần bị địch tra tấn hết sức dã man, nhưng đồng chí vẫn không hé răng khai báo bất cứ điều gì liên quan đến tổ chức cách mạng. Thấy không khai thác được gì ở đồng chí, bọn địch chuyển sang thủ đoạn dùng người quen để nhận diện, nhưng Phạm Tứ kiên quyết không nhận và một mực trả lời là “không biết”.

Sau hơn một tháng dùng cực hình tra tấn không có kết quả, chung đưa đồng chí đi giam cầm ở nhà lao Hội An chờ ngày tuyên án. Sau gần 5 tháng, Tòa án sơ cấp của phủ Điện Bàn xuống tại nhà lao Hội An kết án đồng chí 5 năm tù và 20 năm quản thúc.

Trong những năm tháng ở tù, Phạm Tứ đã đấu tranh không biết mệt mỏi chống chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc như: đòi cải thiện chế độ lao tù, chống hà hiếp, chống đàn áp khủng bố tù nhân chính trị…

Giữa năm 1944, địch buộc phải trả tự do cho đồng chí Phạm Tứ. Ra khỏi nhà tù, về lại địa phương, đồng chí tiếp tục hoạt động. Lúc bấy giờ, nhiều người dân hỏi đồng chí có sợ không? Đồng chí dõng dạc trả lời trước đám đông rằng “Còn nước mất, còn kiếp nô lệ thì còn phải tiếp tục làm cách mạng để giải phóng kiếp nô lệ, kiếp mất nước, khong thể cúi đầu được”. Thái độ bình tĩnh, khẳng khái của đồng chí đã làm cho bọn cường hào, lý hương đều vị nể, quần chúng khâm phục, tin tưởng, hăng hái tham gia hoạt động cách mạng, giúp đỡ hết mình đối với cán bộ đảng viên.

Sau khi ra tù, mặc dù lúc đầu chưa liên lạc được với cấp trên nhưng đồng chí vẫn tự động nắm lại số cơ sở cũ để tiếp tục hoạt động. Nhờ vậy mà cơ sở cách mạng quanh vùng Châu Bí được giữ vững, phong trào đấu tranh chống các tập tục lạc hậu được nhân dân hưởng ứng và thực hiện. Tháng 3/1945, một số đồng chí khác ra tù đều được Phạm Tứ móc nối lại và thành lập Tổng Ủy Định An thuộc Phủ ủy Điện Bàn và được cử làm Bí thư. Ngoài ra, đồng chí còn tham gia thành lập ủy ban vận động cứu quốc các xã Điện Tiến (Điện Bàn), xã Tích Phú, xã Hòa Duân (Đại Lộc). Tháng 8/1945, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Tổng Uỷ Định An đã vận động nhân dân trong vùng nổi dậy giành chính quyền ở Phủ Điện Bàn.

Cách mạng tháng Tám thành công, trong quá trình thành lập lại phủ ủy lâm thời, nhiều Đảng viên đã giới thiệu Phạm Tứ làm Bí thư Phủ Ủy nhưng đồng chí đều từ chối, vì cho rằng: trình độ văn hóa còn thấp, chưa đủ sức để lãnh đạo phong trào, chỉ xin nhận công tác kiểm tra xây dựng đảng. Cũng trong thời gian này, đồng  chí được phân công phụ trách 12 xã phía Đông của huyện. Với nhiệm vụ được giao, Phạm Tứ đã bám trụ ở các địa phương, sống chan hòa với cán bộ và nhân dân, được mọi người tin yêu, mến phục nên đã phát triển khá nhiều đảng viên, xây dựng được nhiều tổ chức.

Ngày 01/10/1945, Phủ ủy lâm thời Phủ Điện Bàn được thành lập lại, đồng chí Cao Sơn Pháo làm bí thứ, đồng chí Phạm Tứ là ủy viên, được cử làm Chủ nhiệm Việt Minh Tổng Thanh Quýt, nhằm vận động quần chúng thực hiện các chủ trơng của Đảng, Chính phủ và Chủ Tịch Hồ Chí Minh, đồng thời chuẩn bị cho việc thành lập Chi bộ Đảng.

Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, xã Điện Tiến bị quân Pháp đóng đồn tại núi Bồ Bồ, không ít đồng bào bị giết hại, không sản xuất được, gia đình đồng chí Phạm Tứ cũng gặp nhiều khó khăn, túng thiếu, các con còn nhỏ, đồng chí lại liên tục phải đi công tác xa. Trước tình cảnh đó,  đồng chí không khỏi đau lòng nhưng không thể nào lơi lỏng nhiệm vụ nặng nề mà cách mạng giao phó, đồng chí thường tự an ủi mình: “Dù nhà tan, nhhưng vì sự sống hàng vạn gia đình”. Mỗi lần đi công tác được ghé về nhà, đồng chí tranh thủ giúp đỡ gia đình, động viên an ủi vợ con, thăm hỏi bà con lối xóm…

Khi phòng tuyến dọc sông Cẩm Lệ bị quân Pháp chọc thủng (tháng 3/1947) hầu hết các đồng chí trong Thường vụ Huyện ủy Điện Bàn đều lánh vào Quế Sơn, đồng chí vẫn bám trụ, cùng một số đồng chí còn lại chia nhau đi xuống một số địa phương tổ chức vận động nhân dân bám trụ, rồi tìm cách liên hệ với các đồng chí trong Ban thường vụ Huyện ủy Điện Bàn đã vào ở Quế Phong, Quế Sơn, tổ chức họp bàn việc lãnh đạo phong trào đấu tranh chống địch. Cũng tại cuộc họp, đồng chí được  phân công phụ trách khu Đông (vùng cát Điện Bàn) gồm các xã: Điện Nam, Điện Ngọc, Điện Dương. Sau khi về khu IV Phạm Tứ tìm lại một số đồng chí trong chi bộ để bàn kế hoạch vào Gò Nổi và Duy Xuyên tìm dân để tuyên truyền, giải thích, vận động đồng bào hồi cư; đồng thời chỉ đạo cấp ủy địa phương chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho dân về lại làng cũ. Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của đồng chí, đến giữa năm 1947, hầu hết dân ở khu Đông (khu IV) chạy giặc trước đó đều trở về quê làm ăn, sinh sống. Phong trào xây dựng lực lượng vũ trang đánh địch, chống lấn chiếm đã thu được nhiều kết quả. Hội nghị Liên Khu 5 đã biểu dương, khen thưởng xã Điện Nam là “xã có phong trào du kích chiến tranh mạnh nhất khu 5”.

Cuối năm 1947, đồng chí được Huyện ủy cử đi học lớp tiểu học bình dân, do tỉnh tổ chức tại Bầu Bầu, Tam Kỳ (nay thuộc xã Tam Xuân II huyện Núi Thành). Trong thời gian theo học ở trường, đồng chí được phân công về làm Phó Bí thư Chi bộ. Kết thúc khóa học, đồng chí được Tỉnh ủy điều về làm trưởng đoàn xây dựng chi bộ tự động công tác. Công tác được một năm thì đồng chí được điều về làm Phó Bí thư Huyện ủy Tam Kỳ và hơn một tháng thì được điều động về công tác ở Tỉnh ủy Quảng Nam.

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh tổ chức tại Tiên Lập, Tiên Phước vào tháng 3/1952, đồng chí được bầu vào Tỉnh ủy.

Tháng 6/1953, đồng chí được cử làm Bí Thư Huyện ủy Điện Bàn. Đảm nhận công tác được gần một năm, đồng chí lại được Tỉnh ủy điều động về làm Bí Thư Huyện ủy Đại Lộc, công tác được hai tháng thì được Tỉnh ủy điều động vào làm Bí thư Huyện ủy Thăng Bình. Một tháng sau, tại hội nghị Tỉnh ủy, đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy, được cử làm Bí thư Nông hội tỉnh, ít lâu sau đồng chí được Tỉnh ủy phân công làm Trưởng Ty Công an cho đến khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết vào năm 1954.

Trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Phạm Tứ liên tục họat động ở “vùng bị tạm chiếm” và mặc dù được phân công giữ nhiều chức vụ khác nhau, hoạt động ở nhiều địa phương, nhưng ở cương vị công tác nào, đồng chí cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là một cán bộ với tác phong gần gũi, cởi mở, xông xáo và rất mực chân thành, tin yêu đồng bào, đồng chí, nên được đảng viên, quần chúng tín nhiệm cao, đồng chí đã góp phần giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng bộ và đã đóng góp xứng đáng vào cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi.

Sau hiếp định Giơ-ne-vơ – 1954, Liên khu ủy 5 chỉ định một số đồng chí cấp ủy ở lại để lãnh đạo phong trào cách mạng của tỉnh, đồng chí Trương Chí Cương-Khu ủy viên làm Bí thư, đồng chí Phạm Tứ-Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy được chỉ định Phó Bí Thư. Đây là thời kỳ gian khổ, ác liệt, đầy hy sinh thử thách, đòi hỏi rất cao về phẩm chất chính trị, lòng trung thành của người đảng viên cộng sản với cách mạng. Đảng bộ tỉnh Quảng Nam từ 10.000 đảng viên, do bị địch đánh phá, nhiều tổ chức cơ sở đảng bị vở, nhiều đồng chí bị địch giết hại, mất liên lạc kéo dài, đến năm 1956, chỉ còn khoảng 100 đảng viên. Trong bối cảnh đó, đồng chí là một trong số ít đồng chí còn lại phải liên tục luồn lách, bám cơ sở hoạt động. Sống, chết lúc này như trở bàn tay, không dễ tìm nơi ăn chốn ở an toàn, có khi phải rúc hầm bí mật, nằm dưới bầu nước, ngủ ở gò mả, miếu hoang, đói khát, ốm đau xảy ra dài ngày. Có thời gian dài chỉ ăn khoai sống, rau đồng, uống nước lã, làm cho miệng bị nhiểm trùng, răng lung lay, không thể nào nhai được. Có lúc, đồng chí Đặng Công Quyên-cần vụ, phải nhai khoai sống bón cho đồng chí để vượt qua cơn đói khát.

Gian khổ, hiểm nguy đủ bề vây bọc, uy hiếp nhưng đồng chí Phạm Tứ vẫn giữ vững tinh thần cách mạng tiến công, quyết bám dân, xây dựng cơ sở, nối lại các đường dây liên lạc bị đứt, giữ vững sự lãnh đạo thông suốt từ xã, huyện đến tỉnh. Đồng chí còn trực tiếp xây dựng lại được nhiều cơ sở cách mạng, tuyên truyền, giác ngộ và kết nạp được nhiều đảng viên, nhất là ở các huyện phía bắc của tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là huyện Điện Bàn-một trong những nơi địch chọn làm trọng điểm tố Cộng, nhiều cán bộ của ta bị địch bắt thủ tiêu, cơ sở tan rã. Sau này, trong nhiều cuộc nói chuyện về xây dựng Đảng ở cơ sở, các đồng chí lão thành cách mạng như đồng chí Phạm Đức Nam, Nguyễn Tất Thắng, Tưởng Cơ… đều cho rằng đồng chí Mười Khôi là đồng chí đã xây dựng được nhiều cơ sở, kết nạp vào Đảng nhiều đảng viên nhất.

Một trong những đóng góp quan trọng của đồng chí trong thời gian này là sáng kiến làm ra nắp hầm bí mật. Mỗi lần về công tác ở đồng bằng, đồng chí đều mang theo hàng chục cái nắp hầm bí mật, và chỉ đạo cho cơ sở áp dụng sáng kiến này để nuôi giấu cán bộ, nhờ đó đã tránh được nhiều tổn thất do địch gây ra, đồng thời xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng trong dân. Ngoài ra, đồng chí cùng một đồng chí lãnh đạo tỉnh đã có sáng kiến mật mã hóa tài liệu, nghị quyết của đảng để giúp đỡ tổ chức tuyên truyền ở huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, nhờ vậy có trường hợp cán bộ đi tuyên truyền bị địch bắt nhưng không lộ bí mật.

Trong những năm đen tối nhất của cách mạng miền Nam, đồng chí Phạm Tứ tỏ ra là người có dũng khí cách mạng kiên cường, ý chí tiến công không mệt mỏi, không ngại gian khổ, nguy hiểm, luôn gần gũi, bám sát quần chúng. Đồng chí đã cùng với các Huyện ủy, Tỉnh ủy xây dựng, cũng cố và phát triển được nhiều tỏ chức cơ sở đảng, duy trì được các hoạt động của phong trào cách mạng trong mọi hoàn cảnh khó khăn gian khổ nhất của Cách mạng miền Nam.

Nhờ bám sát thực tiễn, biết dựa vào dân, nắm được nhiều cơ sở nên trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Phạm Tứ đã nhận định và đánh giá đúng âm mưu, thủ đoạn của địch. Đồng chí cho rằng địch sẽ không thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ và đồng chí đã báo cáo Liên khu ủy xin có chủ trương không chuyển vũ khí ra Bắc mà chôn cất ở những nơi an toàn để có thể sử dụng được khi cần thiết, xây dựng hậu cứ ở các huyện miền núi Quảng Nam, tạo điều kiện cho các huyện này luôn giữ được phong trào cách mạng và khi có điều kiện thì thành lập lực lượng vũ trang, làm hậu cứ, chổ dựa cho phong trào cách mạng toàn tỉnh.

Khi chưa có Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng về “đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang”, tại một số cuộc họp của Liên khu ủy, đồng chí đã thẳng thắn, mạnh dạn nêu lên những suy nghĩ, nhận định của mình và xin ý kiến Liên khu ủy, Trung ương rằng, đối với Mỹ-Diệm kẻ đã trâng tráo xé bỏ Hiệp định Giơ-ne-vơ, dùng súng đạn dìm nhân dân ta trong biển máu, thì không thể đấu tranh chính trị mà cần phải đấu tranh vũ trang để hỗ trợ cho đấu tranh chính trị, có như vậy, phong trào cách mạng ở miền Nam mới có điều kiện phát triển.

Tháng 1/1960, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, đồng chí tiệp tục được bầu làm Phó bí thư Tỉnh ủy và đến cuối năm 1960, sau khi đồng chí Trương Chí Cương chuyển công tác, đồng chí được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng kiêm Bí thư chiến dịch diệt ác, phá kèm và được bổ sung vào Ban chấp hành Đảng uy Liên khu 5. Đây là thời kỳ phong trào cách mạng chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công địch. Trên cương vị công tác của mình, đồng chí luôn quan tâm xây dựng lực lượng vũ trang, chỉ dạo tích cực nhiệm vụ đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị, binh vận, thực hiện phương châm “2 chân , 3 mũi giáp công”, diệt ác, phá kèm, giải phóng nông thôn, đồng bằng, xây dựng chính quyền tự quản ở những vùng mới giải phóng.

Là một cán bộ lãnh đạo, đồng chí luôn luôn sâu sát với cơ sở, gắn bó, gần gũi với nhân dân nên đồng chí biết rõ bọn tay sai ngụy quân, ngụy quyền, nhất là những tên ác ôn, có nợ máu, qua đó góp phần ren đe những đối tượng có tư tưởng thân địch, phá rào ấp chiến lược, cũng cố được niềm tin cho cơ sở cách mạng. Cùng với các đồng chí Tỉnh ủy, Huyện ủy, đồng chí đã liên hệ, giác ngộ và đưa hàng trăm thanh niên các huyện Hòa Vang, Điện Bàn, Quế Sơn, Thăng Bình, Duy Xuyên, Đại Lộc… lên căn cứ để bổ sung vào lực lượng cách mạng.

Những năm 1962-1963, đồng chí Phạm Tứ đã chỉ đạo thành lập được hai đại đội vũ trang, đánh địch giải phóng 10 xã đầu tiên của vùng B huyện Đại Lộc, 8 xã đầu tiên của huyện Điện Bàn, chỉ đạo và bàn chiến thuật vượt sông Tiên giải phóng 3 xã (nay là Tiên Cẩm, Tiên Sơn, Tiên Hà – huyện Tiên Phước), mở rộng vùng giải phóng, bảo vệ được vùng mới giải phóng: các xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc. Đồng chí còn trực tiếp chỉ đạo, vận động lấy thanh niên ở các vùng mới được giải phóng để bổ sung vào lực lượng vũ trang của tỉnh, đưa lực lượng tiến xuống giải phóng các xã đồng bằng, vùng ven biển của tỉnh.

Chiến tranh ngày càng ác liệt, yêu cầu phát triển lực lượng cách mạng ngày càng đặt ra một cách cấp thiết, đồng chí đã cùng với Tỉnh ủy chỉ đạo xây dựng hệ thống tổ chức cơ sở Đảng từ xã đến huyện, tỉnh, với tinh thần giải phóng đến đâu thành lập chính quyền cách mạng tự quản đến đó, góp phần giữ vững và phát triển phong trào đấu tranh cách mạng của tỉnh Quảng Nam.

Cuối năm 1962, thực hiện Quyết định của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Quảng Nam-Đà Nẵng được tách thành hai tỉnh là Quảng Nam và Quảng Đà, đồng chí Phạm Tứ được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, trực tiếp tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh. Đến tháng 3/1963, đồng chí được Khu ủy Khu 5 điều về làm Trưởng Ban kiểm tra Đảng khu ủy. Đây cũng là lúc địch thực thi chính sách “ấp chiến lược”, vừa dồn dân vào để dễ bề quản lý, vừa hy vọng ngăn chặn mối quan hệ giữa dân với cách mạng. Để đánh bại chính sách thâm độc này của địch, Khu ủy 5 tổ chức hội nghị quán triệt chủ trương của Đảng, đồng thời tổ chức các đoàn xuống các địa phương để hướng dẫn quần chúng đấu tranh. Tại hội nghị này, đồng chí Phạm Tứ đưa ra ý kiến quan trọng và được hội nghị tán thành là: “Phải nâng dần chân quân sự lên để hổ trợ chân chính trị, nâng chân vũ trang lên ngang với chính trị, đẩy mạnh công tác binh địch vận, lôi kéo làm tan rã bộ máy ngụy quân, ngụy quyền địa phương”.

Tháng 3/1965, đồng chí được Khu ủy phân công làm chính ủy Sư đoàn II, đồng thời phụ trách chiến dịch phát động quần chúng nổi dậy đánh địch mở rộng vùng giải phóng xuống nông thôn, đồng bằng các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Sau khi các lực lượng vũ trang của chiến dịch tổ chức chặn đánh tiêu diệt đoàn xe gần 100 chiếc của địch tại Quảng Nam, trên đường đi kiểm tra lại kết quả thắng lợi của trận đánh, chẳng may đồng chí đã bị vướng mìn, bị thương rất nặng và mất một chân, sau đó được tổ chức đưa ra miền Bắc chữa trị.

Nghe tin đồng chí Phạm Tứ bị thương, đồng chí Võ Chí Công-Bí thư Khu ủy 5 (sau này là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước) đã thốt lên: “Mười Khôi nông dân, nhưng ghê gớm lắm nhé, tội cho anh ta, uổng, tay đó như hùm…Mất Mười Khôi là mất một mũi tấn công…”.

Sau Hiệp định Pari năm 1973, đồng chí là Ủy viên thường trực xét duyệt Đảng tịch cho số anh em tù chính trị của ta được đưa ra miền Bắc. Đồng chí nghỉ hưu và mất tại Đà Nẵng ngày 23/5/1987.

Có thể nói, trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Phạm Tứ đã thể hiện bản chất là một người Cộng sản kiên trung, bất khuất, không giao động, không lùi bước trước bất kỳ khó khăn gian khổ, hiểm nguy nào. Đồng chí là người lãnh đạo kiên cường, dũng cảm, mưu trí, lại có tầm nhìn chiến lược, luôn đi sâu, đi sát cơ sở, không một mảnh đất, một địa bàn nào trên quê hương Quảng Nam-Đà Nẵng lại không in đậm giấu chân đồng chí Phạm Tứ trên bước đường họat động cách mạng giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí còn có thế mạnh trong sáng tác văn, thơ, hò vè, hát hò khoan, góp phần phục vụ hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động quần chúng.

Là người cộng sản chân chính, có tầm nhìn chiến lược, đồng chí là biểu tượng của nhiều cán bộ lãnh đạo chiến tranh của Đảng, bám sát thực tiễn, chỉ đạo kháng chiến, dám đề xuất và đi tiên phong trong phong trào cách mạng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, có tinh thần trách nhiệm cao, sống giản dị, gần gũi quần chúng, biết vị tha, không cố chấp, đoàn kết một lòng, thủy chung son sắt với đồng chí, đồng đội, luôn được Đảng tin, dân mến.

Với gia đình, đồng chí Phạm Tứ là người chống có trách nhiệm, có tình yêu chung thủy, bền chặt.

Với các con, đồng chí là tấm gương mẫu mực của người cha, người cộng sản cho các con học tập.

Đồng chí Phạm Đức Nam, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, là người có nhiều thời gian chung sống, hoạt động với đồng chí Phạm Tứ trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cũng như sau hòa bình đã có nhận xét khái quát về đồng chí Phạm Tứ như sau:

“Anh Mười Khôi nửa nông dân, nửa công nhân, được giác ngộ cách mạng sớm (năm 1936), được Đảng giáo dục nhiều. Biểu hiện nổi bật của anh Khôi từ tuổi thiếu niên cho đến lúc qua đời là tính kiên trung cách mạng, không dao động, không lùi bước trước bất cứ khó khăn nào. Anh là một trong những người bám giữ phong trào chắc chắn nhất; anh là một người Đảng viên, như tôi đã biết, ở Quảng Nam, chưa ai phát triển, kết nạp Đảng viê

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Người con Điện Nam anh hùng
Gặp lại “chị” Chính, người cán bộ binh vận xuất sắc
TRƯỚC THỀM TRĂM NĂM TUỔI
CHẾT VINH HƠN SỐNG NHỤC
GƯƠNG HY SINH CỦA LIỆT SĨ NGUYỄN ĐÌNH TRÂN
HOÀNG HỮU NAM TẤM GƯƠNG SÁNG VỀ LÒNG TRUNG THÀNH VỚI DÂN VỚI ĐẢNG
PHAN TRIÊM (1916-2001)
NGUYỄN XUÂN NHĨ(1912 – 1983)
VÕ CỮU NGƯỜI CON KIÊN TRUNG BẤT KHUẤT CỦA ĐIỆN BÀN
ĐI THEO CON ĐƯỜNG CỦA ĐẢNG ĐÃ VẠCH
    
1   2  
    
Các tin cũ hơn:
ÔNG TÂN MẶT TRẬN
NGƯỜI NUÔI DƯỠNG MỘT NIỀM TIN
NGỌN LỬA TRẦN YÊM
HAI MƯƠI NĂM ĐẤU TRANH KHÔNG MỆT MỎI TRONG NHÀ TÙ MỸ-NGỤY
LÊ NGỌC GIÁ-MỘT CHIẾN SĨ CỘNG SẢN
MỘT THỜI ĐỂ NHỚ
PHÁC THẢO CHÂN DUNG ĐỒNG CHÍ CAO SƠN PHÁO
TRẦN THỊ LÝ-NGƯỜI PHỤ NỮ ANH HÙNG
TÙ KHÁM LỚN
Phan Thanh, nhà trí thức cách mạng

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm