Cả xã có tới 183 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được Nhà nước phong tặng, 2 lần được nhận cờ Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 19 đơn vị và 27 cá nhân được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Mẹ Lê Thị Khi là một trong số 22 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng ở thôn 3 Bình Ninh-Thanh Minh (Điện Nam Bắc). Đặc biệt ở thôn 3 còn có một gia đình có tới 3 anh hùng. Đó là gia đình của đồng chí Nguyễn Phan Vinh (liệt sĩ) Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, mẹ của anh là bà Phan Thị Mẫn và người con gái là bà Nguyễn Thị Lựu đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng.
Tôi được đọc Tập sách Điện Bàn – Những người con kiên trung bất khuất Tập 2, xuất bản năm 2005, trong đó có bài Còn mãi Tuổi hai mươi của tác giả Lê Văn Nhi, nói về một người đồng đội của tôi, cùng chung cảnh ngộ bị địch bắt tù đày: đồng chí Nguyễn Đức Đáng. Anh vượt ngục không thành công và đã anh dũng hy sinh tại nhà tù Phú Quốc. Sáng nay, tôi quyết định tới thăm thân nhân, gia đình liệt sĩ ở Bình Ninh-Thanh Minh (thôn 3, xã Điện Nam Bắc)
Trên đường 607 Hội An đi Non Nước, trong không khí nhộn nhịp của người xe xuôi ngược, từng tốp công nhân trên xe máy lao vun vút về phía Khu công nghiệp Điện Nam, tôi cho xe tới trước thôn 4-Quảng Lăng, rẽ trái, theo con đường bê tông thẳng tắp, hai bên là nhà tiếp nhà. Đến một khoảng vườn trống, dừng lại hỏi thăm một cô gái trong xóm:
“Chú cứ hỏi nhà ông Bích, ông Giáo là con của mẹ Khi, tới đó, quẹo vô” cô đưa tay chỉ.
Từ cổng đi theo con đường tráng ximăng vào nhà, hai bên là vườn ruộng, được phủ kín bằng một giàn tre. Trên giàn là màu xanh của lá mướp, bầu, bí, xen lẫn màu vàng của hoa, che kín mặt đất râm mát, dưới giàn là mướp, bầu, bí, trái to, trái nhỏ lủng lẳng…không đếm xuể. Thấy tôi, một thương binh nặng với chân giả khập khiễng bước ra đón khách là anh Bích. Anh mời tôi vào nhà ngồi xuống salon. Căn nhà cấp 4 trông khá khang trang, trên bàn có điện thoại, sách báo…tôi tự giới thiệu là bạn cùng tù với anh Đảng ở Phú Quốc và được biết anh qua tập sách của Hội tù yêu nước Điện Bàn. Anh Bích vừa là anh ruột lại vừa ở cùng trại giam Phú Quốc với Đáng, nhưng anh em lại không gặp được nhau, không biết về nhau. Anh cho biết: năm 2004, gia đình đã ra Phú Quốc lấy được hài cốt của liệt sĩ Đảng về quê.
Mẹ anh là bà Lê Thị Khi (sinh năm 1910) và bố là ông Nguyễn Bổ (1905). Ông bà người cùng quê xã Điện Nam-Điện Bàn, trong một gia đình nông dân nghèo nhưng giàu lòng yêu nước. Suốt trong hai thời kỳ chiến tranh chống Pháp và Mỹ, đã ủng hộ cách mạng nhiều tiền của, nuôi giấu cán bộ. Ông Bổ còn tham gia canh gác cho cán bộ cấp trên về họp, vận chuyển thương binh, chôn cất lỉệt sĩ sau những trận chiến đấu ác liệt trong những năm 1966-1967.
Mẹ Lê Thị Khi tham gia cách mạng từ năm 1948 – Hội mẹ chị xã Điện Nam, cơ sở cách mạng năm (1964). Từ 1965, mẹ làm mũi đấu tranh chính trị, binh địch vận tỉnh Quảng Đà, đứng điểm vùng cát. Ngày 15/4/1966, mẹ từng dẫn đầu hàng ngàn người xuống tỉnh đường Quảng Nam tại Hội An để đấu tranh. Nhân ngày Phật đản, mẹ đóng vai phật tử đi Chùa Phước Lâm. Lọt qua nhiều hàng rào cảnh sát, mẹ tới gặp được tỉnh trưởng, yêu cầu:
- Không được cho lính bắn phát bừa bãi vào khu dân cư.
- Không càn quét, giết hại dân thường vô tội…
Buộc tỉnh trưởng phải chấp nhận yêu sách của đoàn biểu tình. Tố cáo tội ác ngụy quyền. Mẹ nhanh chóng lấn vào đám đông thay áo. Bọn công an mật vụ không tìm bắt được mẹ. Cuộc đấu tranh thắng lợi. Bằng nhiều cách, mẹ cũng đã lần lượt vận động được nhiều lính ngụy trở về với gia đình, có số còn cơ sở nội tuyến cho cách mạng, giết được sĩ quan ác ôn, phá vũ khí, phương tiện chiến tranh của địch. Mẹ được bầu là chiến sĩ thi đua của ngành binh địch vận, đã được Khu ủy 5 đề nghị Mặt trận giải phóng tặng Huân chương chiến công hạng Ba năm 1966.
Sống giữa bom đạn, nhưng gia đình mẹ Khi vẫn bám đất, bám xóm làng, làm cơ sở cho cán bộ chỉ đạo, cho lực lượng vũ trang tới ăn ở, hoạt động. Ông bà đã sinh hạ được 8 người con, lúc mổ sinh mất 1 người, các anh chị còn lại được nuôi dạy nên người các con khôn lớn lại tiếp bước ba má, lần lượt được đứng vào hàng ngũ cách mạng. Mẹ từng nói với các con: “Chỉ khi nào không còn đế quốc xâm lược, không còn bọn tay sai bán nước thì mọi người mới được hưởng hạnh phúc”. Cả nhà đều tham gia đánh giặc cứu nước với niềm tin sắt đá: Cách mạng miền Nam sẽ thắng. Bởi có Đảng, nhân dân cách mạng, có Mặt trận Giải phóng miền Nam lãnh đạo, các phương châm: “Hai chân ba mũi giáp công”, đấu tranh vũ trang – đấu tranh chính trị - đấu tranh binh vận , tùy từng lúc, từng nơi để giành thắng lợi.
Năm 1968, nhân dân Điện Nam đang vui mừng trước sự thất bại của chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, khắp chiến trường miền Nam từ nông thôn đến thành thị đang tíến công và nổi dậy, lũ ác ôn ngụy quân ngụy quyền lần lượt bị tiêu diệt, ấp chiến lược bị nhổ sạch. Cả nước đang hân hoan trong niềm vui chiến thắng thì các con mẹ nhận được tin: giặc Mỹ bắn pháo và thả bom giết chết cả cha lẫn mẹ vào chiều 25/6/1968 ở Điện Trung, bến đò Quảng Hậu, cạnh đường quốc lộ I, trong lúc mẹ Khi đang trên đường đi công tác ra Đà Nẵng nắm tình hình, lên kế hoạch đánh địch; còn ông Bổ làm nhiệm vụ cảnh giới cho du kích lội qua sông ở bến đò Quảng Hậu. Bất ngờ một máy bay trinh sát L19 phát hiện có người, lập tức chúng kêu pháo ở Cẩm Hà bắn tấp nập, gọi máy bay phản lực F105 thả bom, bắn rốckét. Mẹ Khi cùng chồng hy sinh lúc 1 giờ chiều. Thi thể ông bà được du kích mang về thôn Phong Hồ chôn cất.
Căm thù chồng chất, ba má cùng bao đồng bào, đồng chí bị giặc Mỹ sát hại, chị gái đầu Nguyễn Thị Bò (1935) hoạt động trong đội biệt động thành Đà Nẵng từ những ngày đầu năm 1968, đưa cán bộ ngoài thành vào nội thành, chỉ đường cho lực lượng vũ trang tiếp cận mục tiêu cần diệt, trong chiến dịch Tỏng tiến công Mậu Thân 1968.
Tiếp đến, đầu năm 1969, chị được giao nhiệm vụ đặc biệt nguy hiểm là mang mìn cho nổ tại trung tâm Lê Độ quận 2-Đà Nẵng. Nhưng khi tiếp cận trung tâm lại không tới được điểm cần đặt, (địch đóng cổng) mà mìn đã được bật kíp nổ, hẹn giờ, chị vừa kịp quay ra thì mìn nổ. Cảnh sát vây bắt được chị. Chúng đưa chị về Ty Gia Long (nay là Công an thành phố Đà Nẵng), tại Ty Gia Long, chị bị tra tấn chết đi, sống lại, nhưng chị không hề hé răng tiết lộ một lời có hại cho cách mạng. Sau một năm giam giữ ở Đà Nẵng, chúng đưa chị vào nhà tù Thủ Đức-Sài Gòn. Ở Thủ Đức suốt từ 1970 đến 18/2/1973, chị được ra trả tù binh tại bờ sông Thạch Hản-Quản Trị. Ra tù, chị tiếp tục công tác rồi nghỉ hưu. Do vết thương cũ tái phát, cả hai mắt chị bị mù. Chị lại không được hưởng cái thiên chức làm vợ, làm mẹ như những người phụ nữ bình thường khác. Hiện nay, chị là thương binh nặng hạng 1/4, đang sống với đứa con nuôi trong một nếp nhà nhỏ tại Quận Sơn Trà-thành phố Đà Nẵng.
Người kế chị là chị Nguyễn Thị Trợ (sinh năm 1939, mẹ Khi sinh 8 người con, người kế chị Bổ đã chết sau khi sinh). Chị Trợ tham gia công tác giao liên cho ban binh vận quận Nhì thành phố Đà Nẵng từ đầu năm 1968 cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Suốt trong quá trình họat động, nhiều lần chị bị bọn Hội đồng xã Thanh Minh gọi lên dọa nạt, đánh đập rồi giam giữ vì chúng nghi chị có dính líu đến việc vận chuyển vũ khí từ vùng giải phóng ra Đà Nẵng. Nhưng không có tang chứng nên chúng đành phải thả, thả rồi chả mấy chốc chị bị bắt lại không biết bao nhiêu lần. Tuy nhiên cũng có lý do để chúng nghị vì chị có chồng là ông Phan Ngọc Dục (ông Dục hy sinh năm 1968); có con trai thoát ly Phan Ngọc Ngự (sinh năm 1956) từ hồi còn nhỏ, nay là Thượng Tá Công an, trưởng Phòng cảnh sát kinh tế tỉnh Quảng Nam, vừa mới được đề bạt là Phó giám đốc công an tỉnh. Con thứ hai là Phan Thị Ngọc Dự (1959), Phó trưởng phòng quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam, con thứ ba Phan Ngọc Truyền (1965) Trung tá công an Quận Sơn Trà thành phố Đà Nẵng. Chị là thương binh hạng 3/4 đang sống cùng con cháu tại quê hương Điện Nam.
Người kế tiếp chị Trợ là anh Nguyễn Đức Giáo (sinh năm 1941), tham gia hoạt động cách mạng từ 1958, làm giao liên cho Ban cán sự Đảng vùng cát Điện Bàn. Năm 1964, anh thoát ly làm trong Ban tài mậu của huyện. Năm 1966, chuyển sang ngành lương thực Đặc khu Quảng Đà (K800). Năm 1968, anh đi công tác bị địch phục kích bắn bị thương, sau đưa về Trạm xá Điện An điều trị. Năm 1975, trưởng Phòng lương thực huyện Đại Lộc. Năm 1983, huyện ủy viên, giám đốc Công ty lương thực huyện. Năm 1994, nghỉ hưu. Tuy là thương binh nặng 4/4 nhưng anh vẫn còn rất khỏe và hiện đang tham gia công tác địa phương.
Sau anh Giáo là Nguyễn Đức Bình (còn có tên là Bích). Anh tham gia du kích xã từ tháng 8/1964, tiểu đội trưởng phụ trách đội công binh, quân giới, chuyển chế bom tự tạo bổ sung cho lực lượng vũ trang địa phương đánh địch. Anh được kết nạp Đảng ngày 21/2/1969. Năm 1970 giữ chức xã đội trưởng. Đầu năm 1971, đánh nhau với Lữ đoàn dù, anh bị thương nặng, anh được đồng đội giấu ở một hầm bí mật. Sau có kẻ chỉ điểm, anh bị bắt tại thôn Trung Điện Nam. Địch đưa về Cồn Khe Điện Ngọc, rồi đưa Bệnh viện Bờ Lao-Đà Nẵng, sau chuyển về Bệnh viện Duy Tân trước khi đưa vào nhà tù Non Nước, anh bị giam giữ ở đây hơn 1 năm. Ngày 19/5/1972, anh cùng 400 tù binh bị địch đày đi Phú Quốc bằng máy bay vận tải C130. Trước đấy 7 ngày (13/5/1972) cũng tại trại giam Non Nước, địch đã chở bằng tàu chuyến hơn 1000 tù binh ra Phú Quốc và cùng cập cảng An Thới đúng chiều 19/5/1972. Ngày ra Phú Quốc lại đúng dịp kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vừa đạp chân lên đảo, anh em được “đón tiếp” bằng những trận đòn phủ đầu của bọn quân cảnh và trật tự. Không kể người đau yếu, thương tật, chúng đánh để trả thù, lòng căm tức từ lũ côn đồ được dồn nén vào những cú đấm, đá và dùi cui phang tới tấp vào người tù. Nhiều người sưng mặt, què chân, phải dìu nhau lê lết lên xe vào trại. Tất cả đều vào khu 11, lúc này có đồng chí Đặng Hữu Thu làm đại diện (hiện nay, đồng chí Thu là Chủ tịch Hội tù yêu nước huyện Điện Bàn, bí thư chi bộ thị trấn Vĩnh Điện). Do trại thiếu nước tắm giặc, khẩu phần ăn bị nhà thầu bớt xén, đi làm ngoài thì quân cảnh bắt phải đào công sự, xây lôcốt cho chúng, anh em chống lại bị đánh, nên cả trại đã tổ chức đấu tranh, tuyệt thực, đòi bọn chỉ huy phải giải quyết. Nhưng bọn chỉ huy cố tình làm ngơ, đói đến lúc cả khu 11 họp quyết định phải dùng biện pháp mạnh là mổ bụng để tố cáo chúng. Bất chấp các thủ đoạn tra tấn nghiệt ngã của bọn trật tự, cảnh sát, vẫn có rất nhiều Đảng viên, đoàn viên tham gia nhận nhiệm vụ. Đồng chí Niên (Đại Lộc), đồng chí Bích (Điện Bàn), đồng chí Nghi (Duy Xuyên) đều là những chiến sĩ dũng cảm đứng trước sân tố cáo địch, rồi tự lấy dao rạch bụng mình cho máu chảy lênh láng, ruột lòi ra. Khi ngã vật xuống nằm bất tỉnh, nhân cơ hội đó, đại diện của trại tố cáo tội ác bọn cai ngục. Cuộc đấu tranh giành thắng lợi. Bọn chỉ huy đã phải chấp nhận yêu sách của tù binh.
Kế tiếp Nguyễn Đức Bình là Nguyễn Đức Thôi (sinh năm 1946). Anh thoát ly 1964, thuộc quân số đơn vị D1,R20 Quảng Đà. Sau một thời gian chiến đấu, anh được đi học trường sĩ quan lục quân Sơn Tây từ 1969-1971. Ra trường, về lại đơn vị tiếp tục chiến đấu. Tháng 2/1971, được bổ sung vào F2 với cấp bậc Thượng úy, chức vụ C phó. Trong một trận đánh địch giải phóng quận lỵ Ba Tơ-Quảng Ngãi ngày 10/10/1972, anh đã anh dũng hy sinh đền nợ nước trả thù nhà trong lúc tuổi đời vừa tròn 28 và 8 tuổi quân, để lại biết bao đau thương cho đồng bào, đồng chí, đồng đội…
Kế tiếp các anh của mình là Nguyễn Đức Tám, sinh năm 1949 (còn có tên trong tù là Đáng), khi tuổi đời còn rất trẻ, năm 1965 mới 16 tuổi, Tám đã tham gia hoạt động ở đơn vị thông tin tỉnh Quảng Đà. Tháng 6/1968, chức vụ C phó, trên đường đi vào Đà Nẵng cùng một chiến sĩ (đến Hòa Hải), anh bị lĩnh Mỹ phát hiện, bắn bị thương, rồi ập đến bắt sống, dẫn về Cồn Khe – Điện Ngọc tra tấn. Sau đó, chúng đưa anh vào nhà tù Non Nước tiếp tục cực hình để lấy lời khai, nhưng Nguyễn Đức Tám cắn răng chịu đựng, quyết không khai những điều bất lợi cho đồng đội, cho cách mạng. Trước sau như một, Tám chỉ nhận là chiến sĩ du kích có tên là Nguyễn Đức Đáng; là tên anh tự đặt từ ấy để nhắc nhở lòng mình phải sống sao cho xứng đáng… Từ Mậu Thân 1968, quận ta đánh mạnh ở khắp chiến trường. Bọn địch ở vùng 2 chiến thuật cho rằng nhà tù Non Nước có nguy cơ không an toàn nên chúng nhanh chóng đưa anh ra Phú Quốc vào dịp tết 1969. Ra Phú Quốc, anh ở khu A, rồi sang A4, D4. Anh được anh em bầu là đại diện Đ (trưởng trại). Sau năm 1970, có kẻ khai báo với địch, Đáng không phải là chiến sĩ mà là sĩ quan quân Giải phóng. Anh bị bọn giám thị gọi lên ban an ninh (phòng Nhì) tra hỏi, đánh đập hết sức dã man. Anh nhất quyết khong nhận, chúng nhốt anh vào “chuồng cọp” rồi đưa sang khu 6. Khu 6 là sĩ quan miền Nam. Tại đây, Đáng tìm cách đào hầm vượt ngục. Nhưng khu 6 lại có địa hình xấu, đất trủng, nếu đào hầm chỉ sâu xuống 0m5-1m là tới nước, hầm sẽ bị lún sụt. Do vậy, phải tìm cách chui vào. Đêm ấy là 19/10/1971, trời mưa, lợi dụng chổ đèn hàng rào bị tắt, anh cùng hai đồng đội dùng que dài chừng 25-30cm (chuẩn bị trước) mang theo để chống dây thép lên, rồi trườn người qua. Nhưng khi ra đến hàng rào cuối cùng thì bị lính gác trên pháo đài phát hiện, bắn anh bị thương nặng. Chúng bắt lại, nhưng anh chống cự quyết liệt, thà hy sinh chứ nhất định không sa vào tay giặc. Bọn mặt người dạ thú đã giết anh bằng một loạt AR15. Anh đã ra đi một cách thanh thản trước họng súng kẻ thù.
Người con trai út của mẹ Khi. Anh Nguyễn Đức Chín (sinh năm 1951) cũng là con thứ 8 theo thứ tự của gia đình sau tất cả các chị, các anh. Năm 1967, Chín tham gia du kích xã Điện Nam, khi anh vừa tròn 16 tuổi. Đã cùng đồng đội đánh nhiều trận với quân ngụy và quân Nam Triều Tiên. Trong một trận chống càn với một đại đội thuộc Sư đòan Rồng xanh, do pháo 105ly ở Cẩm Hà-Lai Nghi bắn liên hồi, Nguyễn Đức Chín đã hy sinh tại Phong Hồ, để lại bao thương tiếc cho gia đình, đồng đội và cùng nhân dân Điện Nam – đất mẹ anh hùng.
Được anh Bích đưa sang gia đình anh Nguyễn Đức Giáo, cạnh nhà anh, nơi thờ tự của họ tộc Nguyễn Đức, tôi thắp nhang mẹ Lê Thị Khi, ông Nguyễn Bổ và các con là liệt sĩ. Trên bàn thờ chỉ có 4 ảnh: ông Bổ, bà Khi, Nguyễn Đức Thôi và Nguyễn Đức Đáng, còn liệt sĩ Nguyễn Đức Chín không có ảnh.
Mẹ Khi được Nhà nứơc công nhận là liệt sĩ vfa được phong tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, truy tặng Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Độc lập hạng Nhất và ba con của mẹ được công nhận là liệt sĩ cùng nhiều Huân, Huy chương, Bằng khen. Đây là những phần thưởng cao quý, xứng đáng với công tích và sự hy sinh to lơn của cả gia đình mẹ Khi trong sự nghiệp đấu tranh chống ngoại xâm, giành độc lập cho dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Chiến tranh là thế ấy. Để giành được độc lập tự do cho đất nước phải đổi bằng xương máu của biết bao gia đình, trong đó có gia đình mẹ Khi. Rồi năm tháng qua đi trên quê hương Điện Nam đầy bi thương nhưng rất đổi anh hùng.
Điện Nam hôm nay đang thay da đổi thịt, dọc hai bên đường là những trường học cấp 1, cấp 2, vang tiếng nói cười trẻ thơ của trường Hồ Xuân Phương, Nguyễn Phan Vinh, Khu công nghiệp Điện Nam suốt ngày khói tỏa, ồn ào, nhà máy bia, máy gạch Đồng Tâm, máy giấy, Công ty Cổ phần xuất khẩu… những nhà hàng, khách sạn…tấp nập khách vào ra. Một cuộc sống mới đang hối hả đến với văn minh, hiện đại trong thời mở cửa hội nhập.
Những con người đã từng làm nên lịch sử, những thế hệ đã từng cầm súng chiến đấu và hy sinh cho quê hương, trong đó có gia đình mẹ Lê Thị Khi, chắc chắn sẽ là những ký ức sống mãi trong lòng các thế hệ hôm nay và mai sau./.