Nội dung chi tiết

NHÀ LAO ĐẾ QUỐC – TRƯỜNG ĐÀO TẠO CÁN BỘ CÁCH MẠNG
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 16/09/2009 .Lượt xem: 5144 lượt. [In bài]

HOÀNG HƯƠNG VIỆT

Năm 1942, phong trào ở Đại Lộc bị vỡ lở, nhiều anh chị em cơ sở cách mạng bị mật thám bắt đem về giam ở nhà lao huyện. Sau thời gian tạm giam để khai thác, chúng đưa ba anh em chúng tôi (Hứa Toản, Hồ Phước Tâm và Trương Minh Tân) về nhà lao tỉnh ở Vĩnh Điện.

Nhà lao Vĩnh Điện do Nam triều quản nhưng lại do lính khố xanh của Pháp chỉ huy canh gác. Nhà lao có hai dãy: lao Thượng và lao Hạ.

Lao Thượng mới xây nên kiên cố hơn, có dãy “xên luyn” để nhốt những anh em mà chúng cho là nguy hiểm có khả năng vượt ngục hoặc lãnh đạo đấu tranh trong  nhà tù.

“Xên luyn” là một phòng hẹp bề ngang 1 mét, bề dài 2 mét vừa đủ để một người nằm, chỉ có một cánh cửa nhỏ, rộng vừa đủ trong phòng và ngoài đút cơm vào.

Lao Hạ xây theo kiểu nhà sàn, lợp ngói nhưng tường bằng gỗ miếng ghép lại, có kẽ hở nên thoáng hơn lao Thượng, lại có một phòng xép nhỏ giành riêng cho nữ.

Số tù nhân rất đông, trên khoảng hai trăm người, gồm những anh quê ở Quảng Trị bắt năm 1937 đưa về nhốt ở đây, bị bắt trong vụ vỡ lở năm 1941 và vừa bị bắt năm 1942 cùng lượt với chúng tôi ở khắp các huyện Tam Kỳ, Tiên Phước, Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An, Đà Nẵng, Quế Sơn và hai người hoạt động ở Phan Thiết.

Số anh em Đà Nẵng đưa về nhà lao này được 5 tháng, sau chúng đưa ra nhà lao Con Gà (Đà Nẵng) rồi đưa đi Hỏa Lò (Hà Nội) vì Đà Nẵng là nhượng địa, do Pháp trực tiếp quản lý.

Lúc ấy, chế độ nhà lao Vĩnh Điện dễ thở hơn Hội An. Hằng ngày, anh em bị bắt đi gánh nước cách đó hơn một cây số hoặc đi làm cỏ, quét dọn ở Hoàng cung và dinh Tổng đốc, dinh Bố Chánh, Lãnh binh. Vài ba anh em được ra nấu cơm ở nhà bếp ngoài trại giam, tối vào nhà lao ngũ.

Tháng đầu khi mới đến, chúng tôi tranh thủ làm quen thăm hỏi nhau về sự khủng bố của địch ở địa phương, những thủ đoạn khai thác mật thám  và nguyên nhân gây ra vỡ lỡ hàng loạt. Qua tháng sau, chi bộ nhà lao tổ chức học chính trị với nội dung: Chủ nghĩa Cộng sản là gì?, Chủ nghĩa đế quốc, Chủ nghĩa phát xít là gì? Thế nào là Lạc Phủ tư cách(tức tư cách Bonseevit), chương trình Việt Minh gồm có những nội dung gì?...

Những buổi thảo luận này, có lúc do anh Cao Sơn Pháo, có lúc do anh giáo Huyên hướng dẫn. Nói là thảo luận, nhưng thực ra, anh em chỉ nghe và nhớ nhập tâm. Anh chị em còn thuộc lòng Lời kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gởi cho đồng bào cả nước viết bằng tiếng Quan thoại, nội dung:

Chư vị Phụ lão! Chư vị nhân nhân chí sĩ

Các giới sĩ, công, nông, thương binh!

Toàn thể thân ái đồng bào!

Tự tùng Pháp vang ư Đức kỳ thế lực dĩ hoàn toàn băng hội; nhiên nhi đối ngã dân chúng, khước nhưng đại gia bạo liệt liễm hoành chinh, cực doãn hấp chi năng sự, đại tứ bạch sắt khủng bố, tận tàn sát chi nghịch hành. Đối ngoại tất phủ thủ khuất tất ninh tương ngã chi thổ địa cắt nhượng ư Xiêm La; nhẫn khí thôn thanh ngạnh bã ngã chi quyền lợi, cung hiếm ư Nhựt Bổn. Nhân thử ngô dân thân ngâm ủ song trùng áp bức chi hạ. Ký vi pháp tặc chi mã ngưu hựu vi nhất khẩu chi nô lệ.

         Ô hô! Ngô dân hà cô tao thủ hao kiếp

         Xử thử bi thống tình huống chi hạ ngô dân

         Thuê thủ đãi tệ hồ? Phầu! Quyết Phầu!

         Nhị thập dư triệu Hồng Lạc chi tứ tôn quyết

         Bất khẳng trường thủ tố nhân chi nô lệ

Tạm dịch lời kêu gọi của Nguyễn Ái Quốc:

Thưa các vị phụ lão, các vị nhân sĩ!

Thưa các giới sĩ công, nông, binh và binh lính

Thưa toàn thể đồng bào thân mến!

Từ ngày Pháp bị Đức lấy mất nước, thế lực bị tan rã hoàn toàn, nhưng đối với nhân dân ta lại ra sức đàn áp dã man tàn sát không gớm tay, tiến hành khủng bố trắng. Đối với bên ngoài thì quỳ gối, cúi đầu đem đất nước ta cắt nhượng cho Xiêm La, im hơi lặng tiếng…

Quyền lợi của nhân dân ta cống hiến cho Nhựt Bổn. Do đó, nhân dân ta sống trong hai tầng áp bức, đã làm trâu ngựa cho giặc Pháp lại làm no lệ cho quân Nhật.

Than ôi! Dân ta vì sao phải chịu kiếp ấy?

Sống trong tình cảnh thảm thương ấy, nhân dân ta đành bó tay chờ ngày chết hay sao? Không! Quyết không! Hai triệu con Hồng cháu Lạc quyết không chịu mãi mãi làm nô lệ cho người khác…

Lời kêu gọi này đã lay động mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của anh em. Sau này, khi ra khỏi nhà tù, anh em đã sử dụng lời kêu gọi này để nói chuyện trong các cuộc mitting quần chúng trước ngày Tổng khởi nghĩa ở các địa phương. Những bài học chính trị rất cô đọng và được chép trong cuốn sổ bằng 3 ngón tay để dễ giấu, mật thám khó tịch thu. Tôi nghe nói những bài chính trịnh này do anh Trần Tống soạn, được lưu truyền trong nhà lao hết lớp anh em này đến lớp anh em khác.

Ngoài ra, anh em cũng được tập các bài hát cách mạng, phổ biến nhất là bài: Công, nông binh phất cờ lên, Cùng nhau ta đi hùng binh và bài Đều chân; nhất là bài Đều chân mỗi lần nghe anh Hứa Toản hát lên với giọng hùng hồn, anh em rất xúc động, lòng căm thù thực dân thống trị dâng lên hừng hực trong lồng ngực của tuổi trẻ. Mọi người gần như quên mình đương bị nhốt chặt trong nhà lao, muốn xông ra giành lại Độc lập cho Tổ quốc.

Trong những buổi đi “cót vê” (lao động khổ sai) ở những nơi có đông dân cư, anh em hát vang những bài này, được đồng bào chú ý lắng nghe. Có tác dụng khơi động tinh thần yêu nước của nhiều người.

Vào thời điểm này, ở nhà lao Hội An liên tiếp nổ ra những cuộc đấu tranh quyết liệt chống chế độ giam cầm hà khắc. Tên giám thị chỉ huy lính khố xanh và tên Chư cùng mật thám Rơ-nô ra lệnh thẳng tay đàn áp. Nhiều anh em bị thương do đánh đập, có anh tuyệt thực đau ốm bị khí thủng,một số anh em bị nhốt “xên luyn” nhiều tháng trời và có vài anh em bị chết trong nhà lao.

 Để tiếp sức cho anh em tù nhân chính trị ở lao Hội An, anh em ở nhà lao Vĩnh Điện chuẩn bị một cuộc đấu tranh hưởng ứng với khẩu hiệu: “Phản đối chính sách khủng bố dã man tù chính trị ở nhà lao Hội An!”, “Đình chỉ những viện đánh đạp, tra tấn!”, “Đảm bảo chế độ ăn uống!”.

Việc chuẩn bị rất bài bản. Khẩu hiệu và nội dung đấu tranh được đưa ra trao đổi trong từng nhóm. Các anh có tinh thần vững vàng và có lý lẽ được chọn làm đại diện để trực tiếp với viên đề lao đưa ra yêu sách. Số anh em làm “nhà bếp” nhận nhiệm vụ tìm hiểu mưu mô xảo quyệt của tên đề lao và mật thám để có biện pháp đối phó. Công tác vận động lính gác được giao cụ thể cho số chị em phụ nữ nên phần lớn số lính khố xanh gác ở đây có cảm tình  với cách mạng hoặc giữ thái độ trung hòa, êm dịu. Việc chuẩn bị khá chu đáo và chờ giờ hành động, nhưng tên đề lao đánh hơi biết được. Tên này sợ để cuộc đấu tranh nổ ra thì hắn sẽ bị cấp trên khiển trách. Hắn trực tiếp vào gặp anh em dàn xếp, nên cuộc đấu tranh tạm dừng không nổ ra như kế hoạch đã định.

Tuy vậy, sau vụ này, chúng theo dõi bắt một số anh em mà chúng cho là đầu sỏ như các anh: Trần Lê, Huỳnh Đắc Hương, Nguyễn Duy Đề, Giáo Huyên, Phạm Khoa, Cao Sơn Pháo…đưa về nhà lao Hội An và đày lên nhà lao Buôn Ma Thuột.

Cùng sống với nhau, mỗi người có một cá tính, hoặc nét riêng nhưng đều hòa nhập trong một tập thể đoàn kết và gắn bó vì lý tưởng cao cả. Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh anh Trần Lê, quê Tam Kỳ có nụ cười duyên dáng, nói chuyện say sưa, hết chuyện này đến chuyện khác, kể cả về mối tình đầu giữa anh với người vợ mới cưới.

Anh Võ Văn Đặng cao lèo khèo luôn luôn vắt khăn lau mặt trên cổ thả lòng thòng hai bên vai một cách cẩu thả, lại là người kiên nhẫn truyền cho anh em những bài thơ đường của Đỗ Phủ, Lý Bạch, anh Hứa Toản có giọng hát ấm cúng, thiết tha, mỗi lẫn cất tiếng hát làm xao xuyến lòng người. Anh Phan Khoa ít nói, hiền lãnh se sẽ đến ngồi bên cạnh anh em tôi hỏi thăm tình cảm gia đình, bản thân. Các chị giáo Khiêm, giáo Khắc (Nguyên), chị Trị (Tiên Phước), chị Nông là những tấm gương chăm chỉ học tập chính trị và luôn luôn giữ thái độ lạc quan cách mạng.

Nói chung tinh thần và ý chí đấu tranh của anh chị em ở đây đều vững vàng, chỉ có vài người nhận làm mật báo cho tên đề lao nhưng đều bị phát hiện nên không làm được trò trống gì. Đặc biệt, có tên K.M nhận là AB đoàn (AB đoàn là tên viết tắt chữ Pháp: Anti-Bolchevick-chống Bolchevick) do mật thám tổ chức để gây chia rẽ trong hàng ngũ cách mạng. Tên này sau được mật thám trả về, đến nay vẫn còn sống.

Trong cuộc đấu tranh quyết liệt với quân thù, có một số ít người bạc nhược, mất tinh thần, đầu hàng làm tay sai cho giặc cũng là điều dễ hiểu. Việc này càng nhắc nhở chúng tôi luôn luôn nâng cao cảnh giác và tăng cường giáo dục nội bộ.

Ngày 9/3/1945, Nhật làm đảo chính. Chính phủ Trần Trọng Kim tuyên bố phóng thích tù chính trị để lấy lòng dân. Tất cả anh em ở nhà lao Vĩnh Điện và nhà lao Hội An đều trở về địa phương bắt tay ngay vào việc xây dựng cơ sở, phát triển các đoàn thể cứu quốc chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền trong tỉnh, nhờ đó mà Quảng Nam-Đà Nẵng được đánh giá là một trong 4 tỉnh giành được chính quyền sớm nhất.

Đúng, trong cuộc vận động cách mạng và cuộc kháng chiến cứu nước, nhà tù đế quốc trở thành nơi quan trọng được chúng ta triệt để khai thác trong việc giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, góp phần vào việc đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng lợi cuối cùng./.

 

Ghi theo lời kể của đồng chí Trương Minh Tân, nguyên Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam – Trưởng ban tuyên giáo tỉnh ủy.

 

 

                                                                                      

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Người con Điện Nam anh hùng
Gặp lại “chị” Chính, người cán bộ binh vận xuất sắc
TRƯỚC THỀM TRĂM NĂM TUỔI
CHẾT VINH HƠN SỐNG NHỤC
GƯƠNG HY SINH CỦA LIỆT SĨ NGUYỄN ĐÌNH TRÂN
HOÀNG HỮU NAM TẤM GƯƠNG SÁNG VỀ LÒNG TRUNG THÀNH VỚI DÂN VỚI ĐẢNG
PHAN TRIÊM (1916-2001)
NGUYỄN XUÂN NHĨ(1912 – 1983)
VÕ CỮU NGƯỜI CON KIÊN TRUNG BẤT KHUẤT CỦA ĐIỆN BÀN
ĐI THEO CON ĐƯỜNG CỦA ĐẢNG ĐÃ VẠCH
    
1   2  
    
Các tin cũ hơn:
NIỀM TIN LÚC ĐI ĐÀY
GIA ĐÌNH MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG LÊ THỊ KHI
PHẠM TỨ (1917-1987)
ÔNG TÂN MẶT TRẬN
NGƯỜI NUÔI DƯỠNG MỘT NIỀM TIN
NGỌN LỬA TRẦN YÊM
HAI MƯƠI NĂM ĐẤU TRANH KHÔNG MỆT MỎI TRONG NHÀ TÙ MỸ-NGỤY
LÊ NGỌC GIÁ-MỘT CHIẾN SĨ CỘNG SẢN
MỘT THỜI ĐỂ NHỚ
PHÁC THẢO CHÂN DUNG ĐỒNG CHÍ CAO SƠN PHÁO
    
1   2  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm