“ Vẫn nguyên vẹn một màu xanh xứ sở
Như mắt ai xanh từ thuở ban đầu
Sông Thu Bồn ơi ta nghe người đang thở
Vỗ triền miên gội tóc những nương dâu... ”
Quanh co một khúc đường làng, rẽ vào ngôi nhà nhỏ đứng nép mình sau luỹ tre xanh, cây mai già trước sân đang nhú những búp non mơn mớn, hứa hẹn một mùa hoa rực vàng cho những ngày tết đến. Ngôi nhà nhỏ thân thương, nơi đã ấp ủ biết bao tình yêu của một thời tuổi thơ, nơi đã nuôi lớn người con gái thanh xuân trong bão giông lửa đạn, nơi bắt đầu ra đi bằng trái tim đầy ắp nhiệt tình cách mạng và ngày về là vòng nguyệt quế chiến công. Chính đó là nơi sinh ra và lớn lên của người con gái anh hùng quê hương Gò Nổi. Tôi muốn nói đến chị Nguyễn Thị Hồng, người đã dâng trọn tuổi thanh xuân của mình cho Tổ Quốc, cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng với ý chí kiên cường: “ Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”
Là người con thứ ba trong gia đình có tám anh chị em, chị Hồng là người sớm giác ngộ cách mạng. Sinh năm 1925, đến năm 25 tuổi như bao người con gái khác trong làng, chị cũng có một mái ấm gia đình. Nhưng không may, chồng chị là anh Phạm Đắc Quyên- cán bộ xã Điện Phong, quê ở Tây Xuyên, Đông Bàn, vì ở hầm bí mật nhiều năm nên qua đời vì bệnh tật, để lại cho chị đứa con thơ đầu lòng chưa đầy một tuổi. Tiếp đến là chị Nguyễn Thị Bân, em gái chị, cũng hoạt động cách mạng ở địa phương, bị Tây bắt trói dẫn đi, nhảy xuống sông Thu Bồn định thoát thân nhưng bị chết trôi. Chị lội dọc sông tìm xác em mình mang về chôn cất. Lòng căm thù giặc càng nung nấu trong chị. Nuốt ngược nước mắt vào trong, chị để lại đứa con thơ cho mẹ và các dì nuôi dạy để đi theo con đường mình đã chọn. Chị đã từng tham gia hoạt động xây dựng Mặt trận Tổ quốc, đấu tranh đòi tổng tuyển cử từ sau hiệp định Giơ-ne-vơ sau 1954. Trong chiến dịch “ tố cộng-diệt cộng” với luật 10/59, Mỹ -Diệm lê máy chém đi khắp nơi hòng tiêu diệt cán bộ, cơ sở cách mạng thì chị rút về hoạt động bí mật, giữ liên lạc với cán bộ cấp trên để lãnh đạo phong trào chiến đấu của địa phương. Thất bại trong âm mưu xây dựng “ấp chiến lược” Mỹ-Diệm điên cuồng thực hiện chiến dịch “đốt sạch, phá sạch” nhằm biến vùng quê Gò Nổi thành vành đai trắng. Máu lại đổ trên ruộng đồng bỏ hoangg, trên làng mạc điêu tàn xơ xác. Nhưng những người dân” một tấc không đi, một li không rời” vẫn quyết tâm bám trụ và trở thành bình phong che chắn cho những cuộc đấu tranh hợp pháp, chống cày ủi, đốt nhà. Cùng với đồng đội, chị Hồng lúc này trở thành hạt nhân cách mạng, là niềm tin cho quần chúng, nhân dân một lòng kiên trung với Đảng, dù phải sống trên bom dưới đạn, nước mắt hoà lẫn máu với nụ cười. Bến đò Lam, nơi tuổi thơ chị đầy ắp bướm hoa, trong vắt như dòng sông Thu êm đềm xuôi về Cửa Đại, giờ trở thành nơi liên lạc, tiếp tế và đưa đón cán bộ kháng chiến giữa vùng Gò Nổi với các xã Điện Phước, Điện Hồng.
“... Chiều chiều ra bến đò Lam
Nhìn về Nam Phước chia hai tấm lòng
Sông sâu nước xẻ ba dòng
Nửa trong, nửa đục, nửa không bến bờ... ”
Chị Hồng, cô gái trẻ phơi phới tuổi xuân trở thành cô cán bộ cách mạng kiên cường, vẫn đi về như con thoi để chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng của địa phương. Chị bị địch bắt trong một trận càn. Chúng nhốt chị nhiều nơi như lao Vĩnh Điện, Hội An, bốt Con Gà tại Đà Nẵng. Thôi thì biết bao đòn tra tấn tàn bạo, dã man nhất mà kẻ thù dành cho chị. Nhưng chẳng khai thác được gì, Người con gái đất Gò Nổi anh hùng đã giữ được khí tiết người cộng sản kiên trung. Không chỉ một lần mà nhiều lần chị bị địch bắt, với nhiều trận đòn tra tấn ngày càng thâm độc, nhưng chị như một đoá hoa hồng vẫn hiên ngang tươi thắm, rạng rỡ thành một thứ ánh sáng chân lý rạng ngời giữa ban đem tối tăm và chật hẹp ở nơi tù đày, tra tấn. Giữa ranh giới sự sống, cái chết, người anh hùng thường thể hiện tính cốt cách và phẩm hạnh của mình. Chính đó là cốt cách và phẩm hạnh của một dân tộc muốn vùng lên đạp đổ ách thống trị tàn bạo.
Và chị Hồng là một nhân chứng tiêu biểu, là nơi giữ gìn an toàn nhất các cơ sở hoạt động bí mật của địa phương. Không khai thác được gì ở chị, địch phải thả chị ra với sự quản thúc và khủng bố tinh thần khắt khe nhất. Nhưng chị vẫn kiên cường bám trụ để lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng, bí mật xây lực lượng du kích cơ sở. Tháng 01 năm 1965, chị là Bí thư xã Điện Chính (này là xã Điện Trung) cùng với lực lượng bộ đội huyện và tỉnh tổ chức giải phóng 6 xã ở vùng Gò Nổi. Với vai trò lãnh đạo, chị đã sát cánh cùng đồng đội tổ chức đánh địch với nhiều chiến công lừng lẫy gây cho địch những tổn thất nặng nề. Mùa xuân Mậu Thân năm 1968, hoà với cuộc tiến công nổi dậy của quân và dân cả nước nhằm lật đổ chính quyền tay sai của giặc, Đoàn phụ nữ của 3 xã Điện Chính, Điện Tân, Điện Nhơn (nay là xã Điện Trung, Điện Phong) rầm rộ kéo về huyện lị Điện Bàn do chị Hồng lãnh đạo. Tiên phong trong đoàn quân phụ nữ cướp chính quyền, chị Hồng động viên mọi người anh dũng đấu tranh. Bọn địch hốt hoảng bắn xối xả vào đoàn người nhưng vẫn không ngăn được những bước chân dũng cảm đang từng bước tiến lên. Nhiều người trong đoàn trúng đạn ngã xuống, trong đó có chị Hồng. Biết mình không thể sống được, chị cố hết sức mình giương cao ngọn cờ giải phóng và hô to “Đồng bào hãy anh dũng tiến lên”.
Chị Nguyễn Thị Hồng đã hy sinh cho lý tưởng cao cả của mình, để lại biết bao thương tiếc cho quần chúng nhân dân. Sự hy sinh oanh liệt của chị Hồng cùng với những anh hùng liệt sĩ khác như Nguyễn Trọng Nghĩa, Nguyễn Văn Trỗi, Lê Tự Nhất Thống, Nguyễn Thị Ba... đã trở thành sức mạnh vô biên tiếp thêm ngọn lửa chiến đấu ngoan cường của nhân dân Gò Nổi, góp phần tô thắm ngọn cờ chiến thắng vẻ vang của dân tộc, làm nên truyền thống “ Trung dũng, kiên cường đi đầu diệt Mỹ” của quê hương Quảng Nam. Chị được tặng thưởng nhiều huân chương kháng chiến và vinh dự được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu “ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” vào năm 1994
Chiều nay, về Gò Nổi với ngút ngàn thương nhớ, những cánh đồng thẳng tắp vào mùa như hứa hẹn một mùa bội thu. Giữa mênh mông đất trời đang vào mùa xuân mới, tôi nghe tiếng hát đâu đó đang vang vọng trong chiều. Bài hát “ Nhớ thương chị Hồng” của nhạc sĩ Huỳnh Ngọc Hải”... Mỗi lần tôi nhớ chị tôi một nắng xuân còn vươn bên lòng... ”. Vậy mà chị đã ra đi. Ra đi tiến về phố thị, một đoàn quân có người anh hùng là chị tôi... Chị Nguyễn Thị Hồng, lòng vẫn một lòng son sắt với quê hương.... Vùng đất Gò Nổi đã thấm biết bao máu xương của các anh hùng liệt sĩ, là một cánh đồng không bao giờ bạc màu, càng lật xới càng rực rỡ chiến công. Quê hương Điện Bàn, một chiến trường nóng bỏng, ác liệt trong chiến tranh, những bà mẹ anh hùng hy sinh hết những người con nhưng vẫn bình thản nói rằng: Con mất nhưng nước còn. Đó là cốt cách anh hùng ngàn năm truyền thống mà cả loài người kính trọng và kẻ thù muôn đời không bao giờ hiểu được.
Xin được trích một đoạn văn của nhà văn Nguyên Ngọc viết về các anh hùng liệt sĩ như một nén hương thơm kính dâng lên chị:”... Trong mỗi trận đánh anh hùng của mình, người dũng sĩ đâu có phải chỉ mang vào đó một khẩu súng, dầu là súng tối tân nhất mà giành được chiến thắng. Muốn chiến thắng anh phải mang vào trận đánh tất cả quá khứ của anh, trong anh phải có hàng trăm dũng sĩ khác còn sống hay đã mất, hỗ trợ anh trong những phút hiểm nghèo... ”