Chúng tôi tìm đến, chị đang ở căn nhà tình nghĩa, ngôi nhà này đã ngã màu vôi vì qua chịu đựng nhiều sương gió như chính cuộc đời của chị đã trải dài gian nan vất vả vật lộn với căn bệnh động kinh, trầm kha dai dẳng. Nhìn chị tôi thấy lộ trên khuôn mặt bơ phờ, đôi mắt đục ngầu sâu lõm, những sợi tóc khô gầy điểm bạc, từng sợi rơi rũ biến khuôn mặt càng rũ rượi hơn. Hỏi về thành tích chiến đấu năm xưa. Chị Toan nhớ lại hồi năm 1966 tuổi trẻ chưa đủ kinh nghiệm nên việc bắt sống Mỹ không được theo ý muốn, chỉ bắt được một tên Mỹ da đen đưa về căn cứ của ta. Lần sau tiếp tục đặt ra những trận quy mô hơn nhưng không bắt sống được nó, cuối cùng phải diệt vì nó chống cự lại quyết liệt, ta phải bảo tồn lực lượng buộc thế phải bắn chết 02 tên Mỹ và một tên khác bị thương chạy thoát, trận đó chúng tôi quần lộn với nó quá lâu, súng của ta bị vùi dưới cát ngẹt đạn không bắn được nên nó thoát chạy về đồn.
Còn chuyện bắt sống Mỹ chị kể: Tôi và chị Trấu, chị Đào, chị Xuân 05 người nữ du kích cùng nhau lên phương án bắt sống Mỹ để lập chiến công đầu đánh Mỹ, khi lãnh đạo duyệt kế hoạch cho hành động, phân công hai tổ du kích dùng võ trang ở vòng ngoài bố trí hỗ trợ khi cần, còn bên trong 05 nữ du kích do tôi chỉ huy, phân công chị Xuân đóng vai nữ loã thể, mơn trớn nằm sẵn trong buồng nhà bà Thịnh cùng thôn. Thấy chị Xuân nằm chịu sẵn, nó háo hức thả súng, buông áo quần ra, chị Hết núp phía sau lập tức chụp được cây súng garân M2 chuyền đưa ra cho đồng đội, cũng là lúc chị Xuân đang tư thế nằm dưới ôm ghì thằng Mỹ, tôi và chị Trấu xông vào hỗ trợ cùng chị Xuân. Lúc này tên Mỹ chống cự quyết liệt hai bên giằng co. Năm chị em hợp tác tấn công tên Mỹ buộc nó đầu hàng áp giải đưa về vùng giải phóng để đưa lên căn cứ.
Năm 1968, chị Toan điều về công tác ở huyện, ngày ấy chiến tranh lan ra ác liệt, dân lang chịu nhiều cảnh chết chóc thảm thiết, xóm làng tiêu điều tan nát, đạn cày bom xới, cả vùng quê nơi chôn nhau cắt rốn quê hương chị ngập lửa chiến tranh. Nỗi chứa đựng hờn căm đã giục giã bao người thi nhau lên đường cầm súng đánh Mỹ, giết nguỵ giành sự sống bình yên cho nhân dân. Thế rồi theo chủ trương cấp trên, để tăng cường cán bộ về các vùng trọng yếu của huyện hoạt động, chị Toan được nhận nhiệm vụ về công tác phong trào tại Điện Trung ( nay là thôn 8 - Điện Nam) lúc đó là vùng giáp ranh thị trấn Vĩnh Điện, trong lần đi công tác đêm khuya lọt vào vòng phục kích của giặc, chị bị bọn chúng bắt và đày đi khai thác nhiều nơi. Lần cuối cùng tại khu thẩm vấn Thanh Bình chị bị kẻ thù tra tấn cực hình, bị chúng tra vào những chỗ hiểm hóc của người phụ nữ bằng điện, dùi cui, nước ớt, xà phòng, chúng vẫn không lấy được tin tức gì ở chị.
. Bọn chúng biết chức vụ chị Toan làm công tác binh vận ngay trong hàng ngũ địch, tên Chua chiêu hồi cung cấp tin hoạt động của chị cho bọn chúng nhận diện. Trước sự đối chấp của quân thù chị phải tìm kế khai luồn lách để địch cả tin, từ phương kế A chuyển thành B, từ đơn vị Z. chuyển thành X hoặc khai vào những tay cứng đầu trong hàng ngũ địch để gây hoang mang mất lòng tin trong nội bộ địch, chị chuyển thế cờ khai báo gây lòng tin cho địch, đánh lừa nó nhưng chúng vẫn cho là nguồn tin xác đáng, đến khi bọn chúng phát hiện ra Huỳnh Thị Toan 03 lần bắt Mỹ, thế là bọn Mỹ cố khai thác cho vỡ lẽ, vẫn không moi được tin tức gì. Cuối cùng chúng nhốt chị vào hầm kín có diện tích 4 mét vuông, dùng điện 1000 W xông chị suốt 24/24 giờ cả tuần lễ, chị bất tỉnh chết đi sống lại nhiều lần, thâm độc hơn, chúng đưa người cắt hai đường gân ở 2 mắt cá chân chị rồi may lại, đến lúc tỉnh ra thấy 2 chân bị cùm như muỗi đốt, chị đưa tay gãi vướng đụng múi chỉ đang khâu kín vết thương chưa tiêu kịp, chị cố nhớ ra nhưng không nhớ nổi, người mệt lã, chị cố gượng ngồi dậy nhưng không được vì đôi chân bị cùm chặt, nửa tháng sau vết thương lành tiêu hết chỉ, rồi chúng mới tháo cùm, chúng bắt chị tự đứng lên, dù cố đến mấy cũng không đứng lên được, càng gượng càng ngã. Chị lê lết thân xác trên thân hình đầy những vết tra đau buốt, khi lê ra khỏi phòng kín đợi đến sáng hôm sau chúng cố phi tang việc làm gian ác đó, bọn chúng đầy chị đi nhà tù Thủ Đức, lúc này chị bị liệt 2 chân không đi được, nhờ chị em đồng đội động viên chăm sóc.
Sau khi Hiệp định Pari 1973, từ nhà tù chúng khiêng chị ra bỏ bên lề đường lộ cho ra tù bằng cách hợp pháp, nhờ bà con tốt bụng cưu mang che chở điều trị bệnh tình, lần hồi giúp chị về lại với quê hương. Ngày về trở lại công tác cũng là ngày bộn bề công việc trong thế cờ nước rút của cuộc chiến tranh, địch ra sức lấn đất giành dân, còn ta quyết giữ va mở rộng vùng giải phóng, lôi kéo dân về làng cũ, riêng chị Toan được lãnh đạo cho đi dưỡng bệnh ở chiến khu rồi đưa ra miền Bắc vừa an dưỡng vừa đào tạo trình độ văn hoá. Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng chị về lại Điện Bàn giữ chức Hội trưởng phụ nữ, do sức khỏe suy nhược vì ảnh hưởng của các đòn tra tấn của kẻ thù, chị được lãnh đạo quan tâm giải quyết nghỉ hưu, về lại đời thường từ năm 1985, từ ngày nghĩ hưu đến nay đã mười chín năm nhưng mất mười bảy năm thần kinh điên loạn, dù nắng rát hay mưa dầm chị đi suốt ngoài đường bằng đầu trần chân đất, do căn bệnh thần kinh hoành hành xác thịt chị phải đi vất vưởng lang thang, bà con phải tìm cách đưa chị đi bệnh viện tâm thần điều trị, lần này tôi gặp chị cũng là lúc chị mới rời bệnh viện trở về, sức khoẻ có phần ổn địch, ngồi nghe chị kể chuyện lòng tôi không giấu được nổi đau.
Nghĩ về chị, hồi âm những ký ức không thể phai mờ, những vết tra đòn thù băm nát thân xác chị, chúng cố giết chị- người con gái Huỳnh Thị Toan, nỗi ám ảnh lắng sâu vào tâm lý khi thần kinh điên loạn, lại càng day dứt ngậm ngùi bên cạnh nỗi đắng cay khi hạnh phúc bị trống vắng của ngày cuối đời không trọn vẹn ước mơ như chị hằng mong đợi.
Đi tìm quá khứ, nhớ lại dấu chân xưa, cô gái du kích Huỳnh Thị Toan năm nào hăng say hoàn thành bất cứ nhiệm vụ của cách mạng giao phó, ba lần tham gia bắt sống Mỹ và tinh thần đấu tranh kiên trung bất khuất trước quân thù ở các nhà tù Mỹ- nguỵ là hình ảnh của người con gái Điện Ngọc vùng cát anh hùng.