Anh Nguyễn Văn Trỗi sinh ngày 01 tháng 02 năm 1940, là con thứ 3 trong một gia đình nghèo tại làng Thanh Quýt, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn). Sau Hiệp định Genève, gia đình anh vào Sài Gòn sinh sống và làm thợ điện ở nhà máy điện Chợ Quán, tham gia tổ chức Biệt động thành, Đại đội quyết tử cánh Tây Nam Sài Gòn. Năm 1964, anh được tập huấn cách đánh Biệt động nội thành ở căn cứ Rừng Thơm, Đức Hòa (Long An).
Ngày 02 tháng 5 năm 1964, anh nhận nhiệm vụ đặt mìn ở cầu Công Lý để ám sát phái đoàn quân sự của Mỹ do Bộ trưởng quốc phòng Robert McNamara dẫn đầu. Công việc bị lộ, anh bị bắt lúc 22 giờ ngày 09 tháng 5 năm 1964. Ngụy quyền Sài Gòn đưa anh ra tòa án quân sự, kết án tử hình. Để cứu anh, một tổ chức du kích Venezuela tuyên bố trao đổi anh với một con tin là trung tá không quân Mỹ là Michael Smolen mà họ vừa bắt giữ. Tuy nhiên, sau khi viên sĩ quan Mỹ vừa đuợc trả tự do thì anh bị đưa đi xử bắn tại sân sau nhà lao Khám Chí Hoà lúc 9 giờ 45 phút ngày 15 tháng 10 năm 1964. Những phút cuối cùng, anh rất can đảm, không đồng ý bịt mắt và xưng tội, anh liên tục hô to: “Hãy nhớ lấy lời tôi ! - Đả đảo đế quốc Mỹ ! Đả đảo Nguyễn Khánh” - “Hồ Chí Minh muôn năm ! Việt Nam muôn năm !”. Sau khi anh bị xử bắn, gia đình đưa anh về chôn cất tại nghĩa trang Văn Giáp ở Giồng Ông Tố, nay thuộc phường Bình Trưng Đông, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh. Anh được truy nhận Đảng viên Nhân dân Cách mạng miền Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam truy tặng Huân chương Thành đồng hạng nhất.
Xây dựng địa chỉ đỏ
Năm 1995, hưởng ứng cuộc vận động “Sống như anh” do Tỉnh đoàn Quảng Nam - Đà Nẵng phát động, tuổi trẻ Quảng Nam - Đà Nẵng cùng với tuổi trẻ cả nước đã tổ chức đợt vận động và đóng góp kinh phí để xây dựng nhà lưu niệm Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi tại quê hương anh - xã Điện Thắng. Nơi đây trở thành địa điểm giáo dục truyền thống, địa chỉ đỏ để tuổi trẻ khắp nơi tìm hiểu, tham quan, viếng hương. Tuy nhiên, qua nhiều năm sử dụng, nhà lưu niệm anh Trỗi đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Mặt khác, hiện vật bên trong còn rất nghèo nàn chưa xứng tầm với một anh hùng liệt sĩ của cả nước trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Xuất phát từ thực tế đó, năm 2011, UBND huyện (nay là thị xã Điện Bàn) phối hợp với Tỉnh đoàn - Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Quảng Nam lập hồ sơ thiết kế cải tạo, nâng cấp nhà lưu niệm với tổng kinh phí hơn 5,3 tỷ đồng.
Ông Cao Thanh Tấn – Nguyên Phó Chủ tịch UBND thị xã cho biết: “Lãnh đạo thị xã xác định việc đầu tư xây dựng, nâng cấp Nhà lưu niệm Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi trong giai đoạn này là rất cần thiết nhằm trưng bày, lưu trữ hình ảnh về cuộc sống cũng như quá trình hoạt động cách mạng của Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, sự hi sinh anh dũng quên mình cho Tổ quốc với thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Trong điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn, để có thể hoàn thành tâm nguyện nâng cấp, tôn tạo công trình, cần có sự chung tay góp sức của cả xã hội, nhất là tuổi trẻ”.
Nhà lưu niệm AHLS Nguyễn Văn Trỗi được xây dựng bên khuôn viên nghĩa trang liệt sỹ thị xã với diện tích là 1.190 m2. Công trình bao gồm các hạng mục: sân nghi lễ, nhà chờ, nhà tưởng niệm, tường rào cổng ngõ, cây xanh, thảm cỏ…Tổng kinh phí xây dựng và trùng tu là 5.305.083.000 đồng, nguồn vốn đầu tư cho công trình bao gồm ngân sách thị xã 500 triệu đồng, ngân sách tỉnh là 1 tỷ đồng, Thành uỷ TP Hồ Chí Minh hỗ trợ 1 tỷ đồng, Thành đoàn TP Hồ Chí Minh hỗ trợ 1 tỷ đồng, tuổi trẻ Quảng Nam đóng góp 1 tỷ đồng và nguồn xã hội hóa khác. Để có nhiều tư liệu, hiện vật được trưng bày tại nhà lưu niệm, UBND thị xã cùng với Tỉnh đoàn đã chủ động trong sưu tầm, tiếp nhận các hiện vật. Đặc biệt là phục dựng bộ ảnh về anh Trỗi và đĩa tư liệu do Đại sứ nước cộng hòa vê – nê – du – ê la tại Việt Nam trao tặng. Sau khi công trình hoàn thành, chị Phan Thị Quyên, vợ anh Trỗi, đã cung cấp thêm nhiều bức ảnh tư liệu, sổ ghi chép hằng ngày và tấm hình Tổng thống nước cộng hòa vê – nê – du – ê la tiếp chị Phan Thị Quyên để bổ sung vào phòng trưng bày. Công trình được hoàn thành và tổ chức lễ khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 48 năm ngày anh hy sinh. Đây chính là tâm huyết, tình cảm, trách nhiệm của thế hệ hôm nay với thế hệ trẻ mai sau, đã thỏa lòng ước nguyện của gia đình liệt sỹ và của tuổi trẻ khắp nơi.
Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
Sau khi công trình hoàn thành, UBND thị xã đã giao cho Trung tâm Văn hóa thể thao thị xã đã có kế hoạch bảo vệ, gìn giữ công trình, phân công cán bộ tổ chức tiếp đón các đoàn thăm quan và mọi người dân dân đến thăm quan và viếng hương anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi. Trong những năm qua, nơi đây là địa chỉ đỏ, là nơi tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Đoàn thanh niên và ngành Giáo dục đào tạo thị xã đã thường xuyên hướng dẫn cho đoàn viên thanh niên và học sinh đến thăm quan, tìm hiểu về anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi. Hằng năm, Tuổi trẻ Quảng Nam và thị xã Điện Bàn đều tổ chức lễ tưởng niệm, dâng hương AHLS Nguyễn Văn Trỗi kết hợp với kỷ niệm ngày truyền thống Hội LHTN Việt Nam. Phát động cho các tổ chức Đoàn – Hội - Đội thi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi; phát động phong trào thi đua trong tuổi trẻ, đăng ký thực hiện các công trình, phần việc nhân kỷ niệm ngày anh Trỗi hy sinh. Tổ chức nhiều hoạt động giáo dục truyền thống tại nhà lưu niệm Anh Trỗi như: Lễ tuyên dương Chi đoàn mạnh khu vực miền trung tây nguyên, Đại hội Hội liên hiệp thanh niên thị xã, lễ tuyên dương thanh thiếu niên tiên tiến làm theo lời Bác, Lễ kết nạp Đoàn viên mới, Lễ kết nạp Đội viên mới, Lễ kỷ niệm ngày thành lập Đoàn, Hội, Đội…
Đến viếng Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi tại nhà lưu niệm, du khách và tuổi trẻ khắp nơi đều vui mừng khi nhà lưu niệm được xây dựng cao ráo, tượng anh Trỗi được trân trọng đặc ở vị trí trung tâm; uy nghi, bề thế; toàn bộ khuôn viên của nhà lưu niệm được xây dựng khang trang, sạch đẹp, với hệ thống chiếu sáng, những thảm cỏ, cây xanh thoáng mát, yên lành. Cùng với Nghĩa trang liệt sĩ thị xã và Bảo tàng Điện Bàn, Nhà Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ, Nhà lưu niệm AHLS Nguyễn Văn Trỗi đã trở thành một địa chỉ đỏ nhằm giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
|