Những ai có mặt trong nhà anh đều lặng người nhìn cảnh ấy. Ái hiểu, cha mẹ anh đau lòng lắm nhưng biết làm gì hơn là ngậm ngùi nhìn anh bị dẫn đi. Thời gian gần đây, nhiều cơ sở đã bị vỡ. Đồng chí Lê Chưởng, Trương An trong Xứ ủy Trung Kỳ; Võ Huyến trong Tỉnh ủy Quảng Nam; Lê Hưu-Bí thư Huyện ủy Điện Bàn; Võ Lễ, Võ Chúc và nhiều đồng chí khác trong chi bộ Đông Quan (Điện Hòa) đã bị bắt. Anh sững sốt khi nhận được tin đó. Đây quả là một tổn thất không nhỏ cho phong trào cách mạng ở Điện Bàn trong năm 1942 này. Tình hình biến động như vậy nên những cơ sở còn lại phải thận trọng hơn. Dẫu không nói ra nhưng Ái cũng lo lắng không yên. Thế mà điều đó xảy ra thật…Cảm giác lành lạnh từ chiếc còng sắt trì nặng trên hai cổ tay khiến anh sựt dứt khỏi chuỗi suy nghĩ miên man. Nhìn con đường làng quen thuộc bao lần đã từng qua, nhưng giờ đây thấy nó hun hút không sao xác định được, như những ngày sắp tới của đời anh trong nanh vuốt kẻ thù.
Quả thật không sai với dự đoán của Ái. Nơi chúng giải anh đến là nhà lao tỉnh. Suốt một ngày đêm, anh bị giam ở đây. Giữa lúc đang còn suy đoán, chưa biết chúng sẽ làm gì thì Ái bị đưa đi. Lại bị dẫn bộ trên đường giữa các tên lính sắc mặt lạnh lùng. Bấy giờ, mới biết là mình bị giải xuống Hội An. Khi đến nơi, chúng giam anh vào xà lim Bang Tá.
Ngay từ đầu, Ái đã bị gọi lên tra hỏi. Banh và Nho-hai tên chuyên truy bức, tra tấn và xét hỏi của Sở mật thám - nhìn Ái chằm chằm, uy hiếp. Chúng thay nhau hỏi, Ái không nhận bất cứ điều gì. Chúng lại quay sang tra tấn. Ngày nào cũng vậy, hết hỏi lại đánh, lúc đầu dùng dùi cui, sau tra điện, hết kẹp hai dái tai, lại kẹp các đầu ngón tay. Lần đầu tiên bị tra tấn, Ái không sao chịu nổi. Anh ngất đi nhiều lần. Mỗi khi tỉnh lại, chợt nhớ đến những lời thơ bày tỏ ý chí người Cộng sản của Tố Hữu: “Khóc nhục, rên hèn, van yếu đuối…”, anh thấy mình như được tăng thêm sức mạnh để chịu đựng những đòn tra tấn dã man của kẻ thù.
Đánh mãi vẫn không khai thác được gì, đến ngày thứ năm, bọn Banh, Nho không tra hỏi nữa. Ngồi trong phòng, Ái ngạc nhiên chưa hiểu vì sao thì một lúc sau, chúng đưa một người vào. Thoạt nhìn, Ái đã giật mình, nhưng anh vội trấn tỉnh. Người đó nhìn Ái nói:
-Bị đánh đau quá, tôi đành phải khai. Nhưng tôi khai anh mới là cảm tình Đảng. Anh nhận đi.
Ái nhìn trân trân người vừa nói như không tin vào tai mình. Cảm giác xót xa đang trào lên trong Ái khi anh nghĩ, người đang đứng trước mặt kia đã từng là đồng chí sinh hoạt cùng chi bộ với anh. Anh ấy vừa bị bắt vào tháng ba-chỉ một tháng sau khi Ái bị bắt. Lúc này, Ái mới hiểu vì sao bọn mật thám lại đến nhà anh. Không, anh không thể làm như thế được, dẫu biết mình vẫn rất tha thiết được trở về để tiếp tục hoạt động. Tên Banh, tên Nho trở vào hất hàm hỏi:
- Sao, có chịu nhận không?
- Không phải thì làm sao nhận được? – Anh điềm tĩnh đáp lại.
Vậy là chúng tiếp tục tra tấn. Suốt một buổi, Ái bị quần đi, quần lại đến ngất lịm. Ái tỉnh dậy khi nhận ra cảm giác nhói buốt vì bị dội nước vào mặt. Bấy giờ, ý nghĩ đó càng lớn dần lên, thôi thúc anh quyết định. Tên Banh, tên Nho thở phào khi nghe Ái chịu nhận lời khai của người vừa khai cho anh. Hôm sau, Ái bị đưa về nhà lao Hội An.
Bót 3 ở lao Hội An là phòng giam cấm cố. Khi bị đưa vào đấy, Ái mới biết đồng chí Võ Huyến, Lê Hưu, Võ Lễ cũng bị giam ở phòng này. Gặp các đồng chí ấy, Ái mừng và thấy tự tin hơn bởi ý nghĩ ở đây sẽ có điều kiện học tập để nâng cao nhận thức và rèn luyện ý chí. Nhìn gian phòng chật hẹp với hai lớp tù nhân, một lớp nằm trên những tấm ván kê lên khung sắt cách lớp nằm dưới sàn ximăng chưa đầy năm tấc, Ái mới hiểu thế nào là cảnh tù đày. Lúc này, cơ sở ở Quảng Nam bị vỡ nhiều, số anh em họat động bị bắt ngày càng đông, phòng cấm cố thường chỉ nhốt đến chục người, nay chúng nhốt đến năm chục người, nằm san sát nhau, mọi sinh hoạt, tiểu tiện, đại tiện đều ở trong phòng. Cả phòng chỉ có 6 lổ thông hơi, mỗi lổ nhỏ bằng nửa vành nón lá lại bịt kín nên trong phòng bịt bùng không sao chịu nổi. Đã vậy, ăn uống lại cơ cực, anh em tù đau ốm liên miên, đáng sợ nhất là bệnh ho lao, kiệt lỵ. Người bệnh không được đưa đi bệnh viện, không được phát thuốc nên sức khỏe ngày càng giảm sút. Ngày này qua ngày khác, nỗi khổ nhục, đọa đày cứ tăng lên khiến không khí nhà lao trở nên bức bối.
Tuy cuộc sống trong tù thật khổ ải nhưng mọi người rất vui vẽ, phấn đấu, nêu cao ý chí đấu tranh. Nhìn các chú, các anh lúc nào cũng kiên cường, dũng cảm, cũng tin tưởng ở tương lai, anh hết sức cảm kích. Một hôm, đồng chí Võ Huyến nói với anh:
- Cậu hãy còn trẻ. Bọn chúng chưa biết rõ về cậu. Thế nào rồi cậu cũng được thả ra thôi. Cậu phải gắng học hỏi để sau này trở lại hoạt động.
Aí lặng người đi vì ngạc nhiên và xúc động. Anh không ngờ, vào tù mình lại may mắn được các chú, các anh hết lòng chỉ dạy mọi điều để trở thành một cán bộ có bản lĩnh vững vàng trong đấu tranh sau này. Nhớ lại ngày đầu đến với cách mạng, Ái chỉ được biết thật sơ lược: thế nào là yêu nước, là tự hào dân tộc. Thầy giáo Nguyễn Mai-còn gọi là Bảy Lục, dạy trường làng ở trong Huyện ủy-đã dạy cho anh biết được nổi nhục mất nước qua hình ảnh bọn tây đang đi nghênh ngang trên đường, bắt bớ những người bán hàng chúng cấm, đánh đập dân nghèo mỗi ngày và nổi đau của người dân bị nô lệ từ cảnh sống cùng cực bởi xâu thuế, bởi sự hà hiếp, vơ vét của bọn thực dân Pháp, bọn lý hương, địa chủ, tay sai. Chỉ mới nhìn thấy như thế, Ái đã một mực xin được tham gia tổ chức Thanh niên Phản đế ở trường anh đang theo học. Tuy mới mười lăm tuổi nhưng Ái đã vận động các học sinh trong trường tham gia những họat động do Thanh niên Phản đế tỏ chức. Đâu chỉ có vậy, hồi đó cơ quan Xứ ủy hay về họp ở Miếu Vàng gần nhà Ái, các anh trong chi bộ đã giao cho Ái nhiệm vụ canh gác. Nhận nhiệm vụ như một vinh dự và bao giờ Ái cũng hoàn thành tốt, được các chú, các anh rất tin yêu. Sau một thời gian tích cực hoạt động, niềm vinh dự lớn lao đã đến với Ái. Anh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Ngày 15/11/1941 là ngày mãi mãi khắc thành dấu ấn sâu đậm trong lòng người thanh niên mười bảy tuổi, sau hai năm tham gia cách mạng đã được ghi nhận một cách xứng đáng. Giờ đây, anh đang bị cấm cố cùng với những đồng chí, đồng đội đang dồn sức đấu tranh vì sự nghiệp chung.
Mỗi sáng bắt đầu từ 8giờ, sau khi phân công anh em trong phòng cảnh giới, đồng chí Võ Huyến, Lê Hưu và Ái ngồi bên nhau trên sàn ximăng. Các anh dùng gạch vỡ nhặt được sau mỗi lần đi đổ thùng dồn lại để dạy Ái học. Bản đen là sàn nhà, phấn viết là gạch vụn, thầy giáo là những cán bộ dày dạn kinh nghiệm hoạt động đã bị bắt, trò là đảng viên cộng sản, tất cả đều là tù nhân, ai cũng tràn đầy nhiệt huyết. Một lớp học cứ diễn ra như thế hết ngày này sang ngày khác trong tù. Sau một thời gian dài học tập, đồng chí Võ Huyến, Lê Hưu giảng giải về chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa Cộng sản, chủ nghĩa Mác-Lê-Nin, cách mạng Tháng Mười Nga, cương lĩnh của Quốc tế Cộng sản, điều lệ Đảng; truyền đạt các bước công tác và phương thức hoạt động bí mật, công tác vận động, tổ chức quần chúng và hệ thống tổ chức Đảng. Phòng giam nóng bức, ngột ngạt hơi người vẫn không làm Ái nản chí. Có hôm đang giữa buổi học, tên bếp Viên thường theo dõi hoạt động của anh em tù binh thình lình giật tấm ván chắn bên ngoài của phòng giam nhìn vào, thấy Ái đang chăm chú học, hắn gằn giọng: “Ái chà, học hả? Cứ học cho giỏi đi rồi sẽ được vô xà lim mà học!”
Nói xong, hắn quay ra. Dẫu bất ngờ, song không ai hoảng sợ trước lời đe dọa của hắn. Anh em nhắc nhau phải cảnh giác hơn nữa để đảm bảo an toàn cho buổi học. Lớp học vẫn tiếp tục không gián đoạn ngày nào, Ái học say mê, anh thấy nhận thức ngày càng được nâng cao và vững vàng hơn.
Đời sống trong nhà lao vẫn ngày một khắc nghiệt, nặng nề. Địch cố tình làm ngơ, bất chấp sự phản ứng của tù nhân. Trước tình hình đó, anh chị em tù thống nhất sẽ tuyệt thực đấu tranh đòi giải quyết yêu sách. Trước ngày cuộc đấu tranh diễn ra, một anh trong phòng đã nữa đòi, nữa thật hỏi Ái:
-Mày có dám tham gia đấu tranh không?
- Em sẵn sàng rồi, dẫu có tăng án cũng quyết đấu tranh cùng mọi người.
Anh cười, gật đầu đồng tình, Ái thấy vui như đang được kề vai sát cánh cùng mọi người trong cuộc sống mái với kẻ thù.
Một ngày đầu tháng 8/1942, các cuộc đấu tranh nổ ra đồng loạt ở bót cấm cố, bót phụ nữ và xà lim. Anh chị em tù dậm ván, hô vang khẩu hiệu: “Yêu cầu cho người nhà vào thăm tù. Cho anh em tù cấm cố ra ngoài một giờ mỗi ngày. Cấp nước tắm đầy đủ. Mở các lỗ thông hơi. Không được cho tù nhân ăn cá khô Biển Hồ Campuchia đã bị sâu mọt. Cho tù nhân đau yếu đi bệnh viện…”. Từng đợt khẩu hiệu vang vang, kéo dài từ mười lăm phút đến nửa tiếng đồng hồ, cả ngày lẫn đêm. Giữa đêm khuya, tiếng dậm ván, tiếng hô khẩu hiệu lan xa, náo động cả một vùng. Địch hoảng hốt. Chúng sợ tiếng dậm ván phát ra trong đêm. Bởi lẽ, điều đó chả khác gì những tố cáo cho mọi người biết tù nhân đang đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của nhà tù; tàn ác của chúng. Địch tức giận đàn áp. Chúng càng bịt chặt các lỗ thông hơi, ra sức giật cửa phòng. Ba ngày đầu anh em vẫn giữ vững trận địa. Bọn chúng không làm gì được.
Sáng ngày thứ tư, địch tăng cường khủng bố. Lúc này, sức lực anh em cũng đã yếu dần. Bọn lính giật cửa, bơm nước vôi, nước phân vào. Nước lênh láng khắp sàn nhà. Mọi người đang khát cháy cổ, trông thấy nước nhưng lại không thể uống được khiến cơn khát càng bùng lên hành hạ dữ dội hơn. Những anh em yếu sức không sao nằm được vì nước bẩn lỏng bỏng dưới chân. Người còn khỏe cố sức làm reo, chắn giữ cửa không cho bọn cai ngục vào đánh đập tù nhân. Giằng co chán, bọn chúng rút đi. Bấy giờ, cơn đói, cơn khát khát lại càng trỗi dậy mạnh hơn trong mỗi người. Đói cơm còn chịu được, chứ khát nước thật đáng sợ. Không còn cách nào khác, những ai còn đủ sức đành xé áo buộc thành dây thả xuống đường rảnh dội cầu để thấm nước, vắt cho anh em đã kiệt sức. Thấm mãi đến nước dội cầu cũng khô sạch. Vậy là đành phải chịu khát. Đến ngày thứ tám, sức anh em đã cạn kiệt, lãnh đạo nhà lao chủ trương tạm dừng cuộc đấu tranh.
Không dừng lại, chúng tiếp tục giở trò trừng phạt tù nhân, bắt anh chị em tù ăn cơm lạt, uống nước lã. Tình trạng ăn uống kham khổ kéo dài, khiến mọi người xuống sức và mắc nhiều căn bệnh nguy kịch, có một số đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng, vĩnh biệt đồng đội ngay trong phòng giam.
Sau những ngày quần nhau với địch, sức khỏe Ái giảm sút hẳn. Toàn thân anh mọc mụt mưng mủ, đau nhức, sốt hành không sao chịu nổi. Một hôm không đành lòng nhìn Ái bị giày vò vì những mụt mủ ấy, anh Mỹ quê La Thọ đã nặn mũ cho Ái. Lúc đầu, Ái còn chịu được, dần về sau đau quá anh ngất đi. Anh em đập cửa gọi đưa Ái đi cấp cứu. Bọn lính làm ngơ không lai vãng. Mọi người đành làm hô hấp cho anh. Một lúc sau, anh tỉnh lại. Không giấu nổi vui mừng, anh em ôm lấy nhau cười ra nước mắt. Lúc này, Ái không sau khóc được. Nỗi xúc động quá đỗi đã khiến anh lặng đi trước tình cảm thương yêu của mọi người.
Được ít lâu sau khi bình phục, khoảng cuối tháng 8/1942, Ái bị giải trả lại nhà lao tỉnh, để hôm sau ra tòa tuyên án. Ái được thả nhưng bị kết án hai năm tù treo. Lý trưởng, Hương Kiểm và gia đình phải đứng ra ký nhận Ái về quản thúc tại gia. Những dịp lễ, ngày một lần, anh phải trình diện với lý trưởng Hương kiểm tại xích hậu, còn bình thường hằng tuần đến xã trình diện một lần.
Về nhà một thời gian, Ái nhận được tin đồng chí Võ Huyến, Lê Hưu chết vì bệnh. Lúc đó vào cuối năm 1942, khi người nhà hai anh được nhắn đến nhận thi hài đã báo cho Ái biết. Ái sững sờ không tin đó là sự thật. Những lời hai anh dặn dò trước ngày Ái bị đưa đi xử án cứ văng vẳng trong Ái: “Tổ chức ở Điện Bàn vỡ hết rồi. Được về, anh hãy cố gắng xây dựng lại cơ sở và giữ vững phong trào ở đó”. “Lúc này, không biết tình hình bên ngoài ra sao. Chắc là đang rất khó khăn nhưng tôi sẽ ráng sức liên hệ để móc nối trở lại”. Giờ đây các anh đã mất rồi. Vậy mà Ái vẫn chưa làm được điều đã hứa với các anh. Nén những giọt nước mắt tiếc thương vô hạn rong lòng, Ái tự nhủ phải gắng sức để không phụ sự tin cậy phó thác của các anh.
Phong trào ở Điện Bàn sau những đợt khủng bố của địch bị lắng xuống. Hầu hết cơ sở bị vỡ, nhiều cán bộ chủ chốt, đảng viên bị bắt. Số ít người được che giấu để ở lại bí mật hoạt động thì nằm yên để bảo tồn lực lượng. Mạng lưới cơ sở ở Điện Bàn hầu như bị xóa trắng. Thấy rõ những khó khăn đó, Ái không khỏi băn khoăn lo lắng. Suy đi, tính lại bàn cách liên lạc với số người có cảm tình với Đảng để tuyên truyền xây dựng cơ sở. Gặp Võ Hoán, cả hai đều thống nhất: Võ Hoán đi hướng Bích Trâm, Hà Thanh (Điện Hòa); Ái đi hướng La Huân (Điện Thọ), Thái Sơn (Điện Tiến).
Vừa lúc đã liên lạc được mấy cơ sở đang chuẩn bị tổ chức lại thì được gặp đồng chí Võ Toàn (Võ Chí Công)-Bí thư tinht ủy Quảng Nam ra bắt liên lạc. Ái và Võ Hóan được đồng chí Võ Toàn giao nhiệm vụ bắt mối liên lạc với những cán bộ hoạt động còn lại ở Đông Quan, Quang Hiện, Bích Trâm, Giáng La, La Huân, Thái Sơn. Trước khi đi vào các huyện cánh Nam tỉnh Quảng Nam, đồng chí Võ Toàn còn giao cho Ái thư của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, cương lĩnh của Mặt trận Việt Minh, báo Cờ Giải phóng để nghiên cứu và tuyên truyền cho cơ sở. Đang lúng túng chưa biết tiếp tục ra sao, nhận được tài liệu và nhiệm vụ cụ thể do đồng chí Võ Toàn giao, Ái và Võ Hoán như được định hướng và tăng thêm sức mạnh để hoạt động. Cả hai tiếp tục bắt liên lạc với những nơi còn lại. Chưa kịp đi bắt các cơ sở thì tháng 6/1943, chưa đầy một tháng từ khi đồng chí Võ Toàn đến, Ái và Võ Hoán bị bắt.
Lần này, cũng là bọn mật thám cùng hai tên lính đến bắt, Ái còng tay, dẫn bộ lên lao tỉnh. Vừa đến nơi vào buổi trưa, chiều chúng đã đưa vào tra hỏi. Tên Nghè Đào là thừa phái tỉnh, phụ trách an ninh, hỏi Ái:
- Đã bị quản thúc còn liên lạc với Cộng sản, nhận tài liệu của Cộng sản làm gì?
- Tôi bị quản thúc, làm chi còn dám hoạt động nữa mà liên lạc và nhận tài liệu?
Ái chối không nhận. Tên Đào gặng hỏi mãi không được, quay sang tra tấn. Hắn bắt Ái nằm dài trên khúc gỗ, dùng roi da trâu quất vùn vụt xuống người anh. Mỗi lần roi vụt vào da thịt kèm theo tiếng rít đến rợn người. Đánh chán tên Đào cho đưa Ái vào phòng giam. Sáng hôm sau chúng dẫn Ái xuống Hội An, đưa thẳng vào xà lim Băng Tá. Vậy là cũng như lần bị bắt trước, ở đây chỉ là tạm giam để Sở mật thám lấy cung, Ái thầm nghĩ và xác định tinh thần khi tính đến những đợt khảo tra dang chờ đón mình những ngày sắp tới.
Một ngày sau, hai tên lính dẫn Ái sang Sở mật thám Ái lại gặp tên Banh và tên Nho, Banh nhìn Ái chằm chằm, giận dữ: - Lại là mày. Cơ sở gồm những ai? Tài liệu giấu ở đâu?
Ái bình tĩnh trả lời:
- Tôi có biết chi đâu.
Tên Nho cười gằn;
- Võ Toàn liên lạc với mày rồi đi đâu? Mày đã nhận những tài liệu gì?
- Không nhận chi cả.
Hai đầu ngón tay Ái bị kẹp điện, vừa đánh Ái. Không chịu được, Ái ngã lăn ra, mồm hộc máu tươi. Suốt một giờ đồng hồ, Ái bị tuần tra bằng điện cùng những cú đánh, cú đạp, Ái ngất đi chẳng còn nhận ra những câu hỏi dồn dập quây lấy anh: “Đã chịu khai chưa?”…”Đã chịu khai chưa?”
Ngày thứ hai, vừa sáng, Ái đã bị dẫn đi tra hỏi. Vẫn tên Banh, tên Nho ngồi sẵn chờ anh. Những câu hỏi về cơ sở, về phong trào về các đồng chí thóat ly, về tài liệu đồng chí Võ Toàn giao cứ lặp đi lặp lại. Im lặng. Lại vừa đánh, vừa hỏi. Ái ngất đi. Chúng đưa về xà lim. Qua bốn ngày tra hỏi, chúng không khai thác được gì. Sang ngày thứ năm, vừa bước vào phòng, Ái đã thấy chị Phan Thị Đợi có mặt ở đấy. Trông thấy Ái, chị Đợi lên tiếng:
- Tôi có viết thư cho Võ Toàn đến liên lạc với anh. Anh nên nhận đi.
Ái nhìn chị Đợi như không quen biết. Thực ra Ái biết chị Đợi bị bắt khi cơ sở ở Tam Kỳ, Duy Xuyên bị vỡ lần trước. Có thể lần này cơ sở nhà lao bị vỡ, địch tra tấn quá không chịu nổi, chị Đợi đã khai ra Ái. Dẫu biết vậy, Ái vẫn kiên quyết phản cung, tên Banh, tên Nho tức giận, ra sức tra tấn, hòng buộc Ái nhận lời khai của chị Đợi. Chúng tra Ái với đủ mọi cực hình, Ái chỉ còn như cái xác không hồn. Ái nhớ đến lời dặn dò của đồng chí Võ Huyến, Lê Hưu, nhớ đến nhiệm vụ mà đồng chí Võ Toàn đã giao. Ý nghĩ phải sống để tiếp tục đấu tranh choán hết tâm trí và thúc giục anh phải tìm cách để được sống phục vụ cách mạng. Sau bao ngày dằn vặt suy nghĩ, cuối cùng Ái nhận lời khai của chị Đợi.
Ái bị đưa về giam ở nhà lao tỉnh. Anh làm quen với những anh em tù ở đây và tham gia sinh hoạt trong lao. Nhà tù thực dân ở đâu cũng như nhau bởi sự khắc nghiệt, tàn bạo. Ở lao tỉnh, cảnh sống của tù nhân cũng bị o ép đủ điều, không khí luôn luôn căng thẳng. Anh em tù không sao chịu được. Trong lao như đang chuẩn bị nổ ra những cuộc đấu tranh. Ở đây được hai tháng, Ái bị kêu đi xử án, tại Tòa án tỉnh, đứng trước vành móng ngựa, nghe tên chánh án tuyên án năm năm tù vì tội đã có án vẫn tiếp tục hoạt động, anh bình thản đến lạ. Anh nhìn xuống những kẻ đang đứng ra xử án mình cảm thấy ngạc nhiên. Dường như tất cả bọn chúng chỉ xét xử theo mục đích là làm sao để giam hảm, đày đọa và giết chết những người hoạt động cách mạng hòng làm dịu bớt nổi lo sợ nơm nớp trong chúng. Sau khi bị xử án, Ái bị đưa về giam tại lao tỉnh. Bấy giờ Ái mới biết đồng chí Võ Văn Đặng ở trong Thị ủy Hội An, Sau chuyển vào Đà Lạt hoạt động được một thời gian về lại Hội An thì bị bắt giam tại đây.
Chế độ lao tỉnh càng lúc càng hà khắc. Anh chị em tù liên tiếp mở các cuộc đấu tranh. Vừa trở lại nhà lao, Ái và đồng chí Võ Văn Đặng cũng đã nhanh chóng nhập cuộc. Khi cuộc đấu tranh chưa kết thúc, đồng chí Võ Văn Đặng và Ái bị chúng đưa về nhà lao Hội An vì bị quy tội lãnh đạo anh em chống đối. Trên đường giải đi, hai tay bị còng, Ái nhẩm tính, mới hay chỉ vừa tròn một tuần sau khi kết án, anh đã lại bị chuyển nhà lao. Vậy là một lần nữa, Ái bị giam ở nhà lao Hội An.
Ngờ được cùng phòng giam, ai ngờ, chúng giam đồng chí Võ Văn Đặng vào xà lim. Ái bị đưa về bót 3, về đây Ái lại gặp anh Lễ, anh Tích (Điện Phong); anh Hiền (Duy Xuyên), anh Dãnh, anh Bang (Quế Sơn), Ái mừng đến rơi nước mắt. Các anh vây lấy Ái, hỏi han đủ điều về phong trào, về tình hình bên ngoài, về anh em đang hoạt động. Sự chân tình của anh em tù khiến Ái cảm thấy như đang được trở về sum họp với gia đình sau những tháng ngày xa cách. Nhìn anh em trong phòng, Ái thầm điểm mặt những ai còn, ai mất. Chỉ mới mấy tháng, giờ trở lại đã vắng đi không ít những gương mặt thân quen ngày nào. Lòng ngùi ngùi xúc động. Ái thầm gọi tên các chú, các anh đã hy sinh như muốn gởi đến những người đã từng gắn bó với anh niềm thương tiếc khôn nguôi.