Nội dung chi tiết

NHỚ MÃI TÊN ANH
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 29/09/2009 .Lượt xem: 5193 lượt. [In bài]

- THANH QUẾ -

Đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ nguyên Chủ tịch UBND Cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Nam, nguyên Thường vụ Khu ủy Khu V, nguyên Phó trưởng Ban tổ chức Trung ương Đảng (tên thường gọi trong kháng chiến chống Mỹ anh Tám Tâm). Đồng chí sinh ngày 15/2/1912 tại xã Điện Hòa huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam trong một gia đình thân sĩ yêu nước.

Từ khi học tại trường tiểu học Quảng Nam, đồng chí đã được những người hoạt động cách mạng tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, chí căm thù đế quốc phong kiến. Tháng 1/1930, đồng chí đã tham gia hoạt động cách mạng trong học sinh. Tháng 9/1930, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tại chi bộ trường Quốc học (Huế) với hai người giới thiệu là Cao Hữu Duyệt và Tân Thất Nho, học sinh trường Quốc Học Huế.

Tháng 10/1930, đồng chí bị địch bắt tại nhà lao Thừa Phủ (Huế), sau một cuộc tham gia bãi khóa. Ở lao Thừa Phủ, đồng chí cùng các tù nhân khác tổ chức nhiều họat động chống lại chế độ hà khắc của nhà tù. Sau một lần đấu tranh tuyệt thực 9 ngày, đồng chí bị đưa đi giam ở xà lim cầm cố. Tại đây, đồng chí cùng đồng chí Bùi Thúc Liêm (người Hà Tĩnh) lại tuyệt thực phản đối đòi ra tù. Cuộc đấu tranh thắng lợi, chúng đưa đồng chí ra khỏi xà lim cầm cố, giam chung với nhiều đồng chí khác ở bót 80 (80 người ở chung một nhà giam). Ở bót 80 đồng chí Hải Triều-nhà lý luận của Đảng (tên thật Nguyễn Khoa Văn) có mở lớp huấn luyện cho các đồng chí trong tù, với 10 bài học nói về chủ nghĩa Cộng sản, tổ chức Đảng, quan hệ giữa Đảng và quần chúng, đồng chí Hải Triều giảng, sau đó các đồng chí thảo luận, có những vấn đề khó lại được Hải Triều giải thích.

Tháng 3/1923, Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp vốn là người thuộc Đảng xã hội ra lệnh ân xá nhiều tù chính trị ở Việt Nam, đồng chí được ra tù, trở về quê hương Quảng Nam. Ở quê nhà, đồng chí tiếp tục hoạt động, gây dựng cơ sở, lập tổ chức Nông hội Đỏ…

Trong những năm 1936-1939, thời kỳ vận động Dân chủ, Đảng chủ trương tổ chức nhiều hoạt động hợp pháp để phát động phong trào quần chúng, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam phát động phong trào truyền bá quốc ngữ, vận động nhân dân đi học để có thể đọc sách báo, nâng cao sự hiểu biết về chính trị và cách mạng. Ở Đà Nẵng, trường Thành chung được thành lập, thu hút số học sinh nghèo theo học bậc trung học được miễn phí, ban đêm trường còn mở lớp truyền bá quốc ngữ. Nhân dân lao động hưởng ứng và đi học rất đông. Qua học chữ, các đồng chí xúc tiến vận động cách mạng. Đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ cùng các đồng chí Trần Tổng, Nguyễn Đức Thiệu tham gia dạy ở trường này. Trường còn là nơi họp bí mật của Đảng và nơi liên lạc với hiệu sách Việt Quảng. Đáng tiếc là trường chỉ hoạt động một thời gian ngắn thì bị đóng cửa.

Năm 1938, đồng chí được bổ sung vào Tỉnh ủy tỉnh đảng bộ Quảng Nam. Tháng 2/1939, tại hang núi Trà Kiệu, Ban chấp hành tỉnh Đảng bộ họp để cũng cố bộ máy lãnh đạo và quyết định một số công việc, đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ đã tham gia  với tư cách Tỉnh ủy viên.

Vào giữa năm 1939, xong cuộc vận động tranh cử vào Viện Dân biểu Trung kỳ (thay cho Phan Thanh vừa mất), giữa Đặng Thai Mai và Lê Huân diễn ra gay gắt, Ngô Đình Diệm xúi Ngô Đình Khôi-Tổng đốc Quảng Nam bắt những người cộng sản vốn là những người vận động tích cực cho Đặng Thai Mai. Vin vào cớ Cộng sản treo cờ, tổ chức mitting nhân kỷ niệm Cách mạng Pháp (14/7/1789-14/7/1939) ở Phong Thử. Chúng cho bắt một số đồng chí, trong đó có đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ (vào tháng 9/1939)giam tại nhà lao Vĩnh Điện (làng La Qua Điện Bàn). Đầu năm 1940, chúng đưa đồng chí cùng các đồng chí Trần Tổng, Nguyễn Thúy, Nguyễn Thành Hân xuống lao Hội An.

Một tháng sau, chúng đưa đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ và Nguyễn Thúy đi Lao Bảo. Họ bị đưa lên ôtô đến ga Kỳ Lam. Từ Kỳ Lam đi tàu lửa ra Quảng Trị, từ Quảng Trị đi ôtô lên Lao Bảo. Vừa đến nơi, hai đồng chí đã bị đưa đi lao động khổ sai ngay. Chúng phát mỗi người một con dao, lội qua sông đi chặt cây trảy đá về làm bờ rào. Không quen việc này, các anh được các đồng chí ở tù trước giúp đỡ để mỗi người cùng có một gánh cây cho bọn cai tù khỏi phạt.

Bị giam ở Lào hầm. Lao hầm là lao giam những tù nhân chính trị của phong trào Vận động dân chủ. Đồng chí Nhĩ ở lao số 12. Ở đây một thời gian sau, chúng lại đưa thêm  các đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu đến.

Ở Lao Bảo, anh em bị sốt rét liên miên. Riêng đồng chí Nhĩ không bị sốt (Có lẽ quê đồng chí cũng là vùng thường bị sốt rét nên miễn dịch).

Ở lao hầm, các tù nhân chính trị được nấu ăn riêng. Trước sân tù có một ngôi nhà tranh che là bếp nấu ăn, đồng chí Nhĩ có tiếng là người nấu ăn ngon.. Đến phiên đồng chí nấu, ai cũng ăn được nhiều cơm hơn.

Một hôm, do bị tên cai ngục đánh, đồng chí Lê Thế Thiết, một tù nhân ngã thang chết, lập tức trong lao hầm, có khoảng 30 người hô la phản đối. Các đồng chí ta còn đòi được xem báo, gởi thư về nhà. Chúng cho một tên gọi là đội Xuân xuống. Tên này đồng ý giải quyết. Anh em ta đòi tên cai ngục xuống nhà nhận tội. Tên này thấy anh em ta la ó phản đối, hắn sợ quá, không dám xuống. Anh em tù tiếp tục la hét. Chúng cho lính xông vào đánh tù nhân. Các đồng chí ta lại thay đổi hình thức đấu tranh bằng tuyệt thực. Chúng cưỡng ép quyết đưa bằng được một số đồng chí vào xà lim. Số tù thường phạm bắt đầu chịu ăn trở lại. Cuộc đấu tranh dừng lại. Bọn địch để anh em nghỉ ngơi vài ngày rồi lại bắt đi lao động như trước. Nhưng từ đây, chúng có lứu ý hơn đời sống anh em tù, như cho phát rộng cây cối xung quanh cả nhà ngục 500 mét để cải thiện thêm.

Vào đầu năm 1943, một số tù thường phạm bị án nặng bỏ trốn. Bọn địch sợ anh em tù chính trị cũng vượt ngục nên chuyển tất cả các đồng chí vào Buôn Ma Thuột.

Ở Buôn Ma Thuột, có tên xếp lao là Mốt-xin, hắn rất tàn bạo. Hắn thường dùng lưỡi lê đâm vào tù nhân rồi liếm máu. Cho thợ cạo lông mày các tù nhân nữ, giảm suất ăn tù nhân theo quy định… Ở lao còn có một con khỉ rất được anh em tù yêu mến, thường vui đùa trêu chọc, Mốt -xin cũng dùng dao cắt đuôi nó.

Các đồng chí ta có 80 người, quyết định tiếp tục đấu tranh. Anh em hô vang các khẩu hiệu phản đối chế độ nhà tù, Mốt-xin lại đưa bọn lính vào dùng roi mây và gậy gộc vào đàn áp. Chúng đánh tù theo tiếng còi lệnh của hắn. Sau 6-7 ngày không dập tắt nổi ý chí đấu tranh của tù chính trị, tên công sứ buộc phải vào giải quyết các yêu cầu của các đồng chí.

Một thời gian sau, thấy ở đây không ổn, chúng tiếp tục đưa một số anh em ta lên Đăk-Min, cách Buôn Ma Thuột 80km. Một lần, lợi dụng chuyến kéo xe đi lấy nước, 4 đồng chí ta giấu 4 đồng chí khác trong thùng xe để tìm cách thoát tù. Đánh hơi được việc chuẩn bị trốn thoát tên Mốt-xin bắt 4 đồng chí kéo xe về Buôn Ma Thuột. Giữa đường, hắn giả bộ thả lỏng để anh em chạy là bắn chết. Trước hành động dã man của tên thực dân khát máu và bọn cai ngục tàn bạo, trong lao Buôn Ma Thuột tiếp tục tổ chức đấu tranh đòi đổi tên Mốt-xin đi, đòi cung cấp đủ khẩu phần ăn, không cấp cá thối, gạo mục, đòi được cải thiện đời sống, ăn đúng tiêu chuẩn. Tên công sứ buộc phải đích thân đến giải quyết. Hắn chấp nhận tất cả mọi yêu sách, nhưng không chịu đổi tên Mốt-xin, vì tên này do tòa Khâm quyết định, công sự không có quyền. Nhưng sau đó một tháng, tên Mốt-xin cũng bị đổi đi.

Pi-nhô, tên sếp lao mới vốn là người của Đảng Xã hội nên đối xử với tù nhân có khá hơn. Hắn cho anh em đến nhà thầu nhận gạo, có thể bớt gạo đổi lấy gia vị, chè, đường. Hắn cho tù nhân trồng rau, trồng chuối để cải tạo thêm bữa ăn. Do vậy, đời sống người tù có khá. Mọi người ít sốt rét hơn ở Lao Bảo. Anh em còn tổ chức văn nghệ, diễn kịch, có lúc mời vợ chồng hắn đến xem….

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, nhiều chính trị phạm của chúng ta lần lượt ra tù, thoát lao về địa phương hoạt động. Đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ cùng đồng chí Võ Toàn (Võ Chí Công) trở về lại quê nhà Quảng Nam để tiếp tục tham gia hoạt động chuẩn bị khởi nghĩa cướp chính quyền và đồng chí được cử làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Nam.

Từ đó về sau, đồng chí được giao giữ nhiều trọng trách trong Đảng, chính quyền ở tỉnh, ở Khu 5 và Trung ương.

Đồng chí từ trần ngày 15/9/1983 sau khi trải qua một cơn bệnh hiểm nghèo./.

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Người con Điện Nam anh hùng
Gặp lại “chị” Chính, người cán bộ binh vận xuất sắc
TRƯỚC THỀM TRĂM NĂM TUỔI
CHẾT VINH HƠN SỐNG NHỤC
GƯƠNG HY SINH CỦA LIỆT SĨ NGUYỄN ĐÌNH TRÂN
HOÀNG HỮU NAM TẤM GƯƠNG SÁNG VỀ LÒNG TRUNG THÀNH VỚI DÂN VỚI ĐẢNG
PHAN TRIÊM (1916-2001)
NGUYỄN XUÂN NHĨ(1912 – 1983)
VÕ CỮU NGƯỜI CON KIÊN TRUNG BẤT KHUẤT CỦA ĐIỆN BÀN
ĐI THEO CON ĐƯỜNG CỦA ĐẢNG ĐÃ VẠCH
    
1   2  
    
Các tin cũ hơn:
HAI LẦN Ở NHÀ LAO HỘI AN
NHÀ LAO ĐẾ QUỐC – TRƯỜNG ĐÀO TẠO CÁN BỘ CÁCH MẠNG
NIỀM TIN LÚC ĐI ĐÀY
GIA ĐÌNH MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG LÊ THỊ KHI
PHẠM TỨ (1917-1987)
ÔNG TÂN MẶT TRẬN
NGƯỜI NUÔI DƯỠNG MỘT NIỀM TIN
NGỌN LỬA TRẦN YÊM
HAI MƯƠI NĂM ĐẤU TRANH KHÔNG MỆT MỎI TRONG NHÀ TÙ MỸ-NGỤY
LÊ NGỌC GIÁ-MỘT CHIẾN SĨ CỘNG SẢN
    
1   2  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm